Đi tìm lý do cho sự rạn nứt giữa marketer và người tiêu dùng

Đi tìm lý do cho sự rạn nứt giữa marketer và người tiêu dùng

Một kịch bản dí dỏm về “hôn nhân” trên bờ vực tan vỡ giữa marketer và người tiêu dùng được viết bởi Mark Ritson nhằm thể hiện quan điểm của ông về sự trung thành dành cho thương hiệu thời hiện đại.

Đoạn kịch bản này được trích từ cuốn sách ra mắt vào tháng 6/2021 của nhà xuất bản PHD có tựa đề “Shift: Marketing, reimagined”. Liệu sự trung thành dành cho thương hiệu đã “chết”? Bao nhiêu định vị cho vừa? Và Byron Sharp là cha nội nào?

RÕ DẦN:

NGOẠI CẢNH. VĂN PHÒNG TƯ VẤN HÔN NHÂN – BAN NGÀY

Tại trung tâm thành phố, camera zoom cận cảnh một toà nhà văn phòng lớn. Tiếng người và xe tấp nập qua lại. Camera zoom chậm vào biển hiệu bằng đồng trên bức tường của toà nhà với dòng chữ “Tư vấn hôn nhân”.

MỜ CHỒNG:

TRONG NHÀ. VĂN PHÒNG TƯ VẤN HÔN NHÂN – BAN NGÀY

Tiếng gõ cửa vang lên. Tư vấn viên đứng dậy và mở cửa. Một cặp đôi mỉm cười lịch sự bước vào phòng. Cả hai ngồi vào chiếc ghế sofa đối diện tư vấn viên. Họ trông có vẻ lo lắng.

MARKETER, một người phụ nữ ăn bận chỉn chu, sang trọng lên tiếng trước.

MARKETER: Rất vui khi cô đã đồng ý gặp chúng tôi dù lịch hẹn có chút gấp. Cô muốn chúng tôi bắt đầu từ đâu?

TƯ VẤN VIÊN: Ừ thì chúng ta có thể bắt đầu với lý do khiến cả hai đến văn phòng tôi ngày hôm nay. Tôi muốn nghe lý do cho buổi gặp này từ cả hai phía.

NGƯỜI TIÊU DÙNG, một người đàn ông cao, vẻ ngoài không có gì nổi bật, khoảng 40 tuổi, hắng giọng nói.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Lý do của tôi thì đơn giản. Cô ấy không chịu lắng nghe tôi nữa. Tôi vẫn nhớ những lần đầu gặp nhau. Cô ấy vô cùng hấp dẫn. Cô ấy điên cuồng tìm hiểu mọi thứ về tôi. Kiểu như tôi đến từ đâu, tôi làm nghề gì, sở thích của tôi, tính cách của tôi. Thậm chí, cô ấy còn muốn biết nhu cầu của tôi và tìm cách đáp ứng hết mọi thứ. Nhưng bên nhau lâu ngày, tôi cảm thấy mình không được lắng nghe nữa. Cô ta cứ làm như mình biết tuốt. Tất cả những gì cô ta làm chỉ là nói, nói và nói, khoa trương về bản thân mình, chứng tỏ bản thân tốt ở mặt này, mặt kia. Cô ta cứ ba hoa hết cả lên mà chớ hề dành một giây để nghĩ về tôi hoặc lắng nghe xem điều tôi thật sự muốn là gì. Cô ta cứ tía lia cái mồm suốt mà chẳng thèm dừng lại để nghe.

NGƯỜI TIÊU DÙNG dừng lại và nhìn xuống bàn tay. Anh ấy có vẻ rất tức giận.

MARKETER: Anh nói thì dễ lắm. Khi hai đứa lần đầu gặp nhau, trong mắt anh cũng chỉ có tôi. Anh luôn nói anh yêu tôi nhiều như thế nào, anh chung thuỷ với tôi ra làm sao. Nhưng 10 năm nay, mọi thứ thay đổi quá nhiều. Dạo gần đây tôi thậm chí còn không cảm thấy tí ti tình yêu nào giữa hai đứa. Rốt cuộc là anh có còn yêu mình tôi hay không? Anh bắt đầu dành thời gian cho những người khác nhiều hơn, mém tí là nhiều hơn cả thời gian anh dành cho tôi. Chính hành động đó khiến tôi nghĩ liệu kết nối đặc biệt giữa 2 vợ chồng có còn tồn tại hay không?

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Giá mà cô chịu gióng tai lên nghe nhiều hơn thì cô đã hiểu tôi cũng chỉ giống như bao người ngoài kia thôi. Ông Byron Sharp cũng nói…

MARKETER: Rồi Byron là cha nội nào? Thằng cha ở phòng gym đúng không? Phải gã đó không? Ông ta có cái gì mà tôi không có? Anh có biết tôi phải trải qua những gì không? Bảo làm sao mà tôi không cảm thấy an toàn trong mối quan hệ này.

TƯ VẤN VIÊN: OK, dừng khoảng chừng là vài giây. Marketer, bạn nói là bạn cảm thấy bất an. Kể thêm cho tôi nghe xem.

MARKETER: Tôi phải thừa nhận rằng tôi có khá nhiều nỗi lo về “hiệu suất” của mình trong khoảng thời gian gần đây. Phần lớn thời gian tôi chỉ lo lắng về điều đó. Tôi rất sợ rằng mình làm không đủ tốt.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Đó là vì cô bị lậm internet quá đó. Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần là đừng có cắm mặt vô mấy cái video đó nữa. Mấy thứ đó chẳng có gì là thật cả. Giả trân! Nhưng cô cứ dính chặt mắt vô mấy cái video và đống ý tưởng ngu ngốc của mình. “Hiệu suất” của cô ấy vẫn ổn mà. Nhưng tôi cần cảm thấy mình được yêu trước đã. Tôi cần cảm thấy mình đặc biệt, cảm nhận được là cô ấy luôn ở đây vì tôi. Nếu những hạnh phúc dài hạn này được duy trì thì cảm xúc hàng ngày giữa hai chúng tôi cũng sẽ tốt hơn. Làm ơn cho tôi thấy cảm xúc của cô trước. Tới lúc đó tôi cá là hiệu suất của cô sẽ vượt chỉ tiêu. Nhưng trong đầu cô chỉ toàn ba cái niềm vui thoáng qua để tự thoả mãn bản thân.

MARKETER: Anh nói thế thì công lý cũng chỉ là tên của một nghệ sĩ hài thôi. Công bằng ở đâu? Tôi vắt hết óc, nghĩ đủ trò để hâm nóng tình cảm vợ chồng. Anh muốn những thứ mới mẻ. Tôi lục tung cả internet lên để mang về cho anh. Anh thì mê toàn thứ lạ, những thứ có một không hai. Bản thân anh chưa bao giờ biết đủ là gì.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Ừ thì tôi thích mọi thứ mới mẻ nhưng nhiều cái cô làm lố lăng lắm. Một số cái còn bị ngớ ngẩn ấy. Sâu trong tôi vẫn là một người truyền thống và cô thì dần quên mất những lãng mạn ngoài đời thật trong mối quan hệ này. Bây giờ chỉ toàn là “chi tiết vui lòng xem tại trang web” hoặc “hãy xem họ làm như thế nào trên TikTok”. Tôi nhớ những giây phút gần gũi, được thật sự trải nghiệm mọi khoảnh khắc với cô, chỉ có hai đứa chứ không phải bưng nhau lên trên ba cái trang mạng. Những thứ công nghệ kia cũng hay đó, nhưng tôi cũng thích những điều lãng mạn truyền thống mà. Tôi thích những định vị đơn giản thôi.

MARKETER: Nhưng tôi có vô vàn định vị cho bản thân mà mình muốn thử. Tôi có thể biến hoá theo nhiều kiểu.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Tôi không muốn sống với một người có quá nhiều nhân cách khác nhau. Hãy chỉ kiên định với một định vị truyền thống thôi. Cô biết tôi đang nhắc đến cái nào mà. Chính cái định vị đó luôn đáp ứng được các nhu cầu về mặt lợi ích và cảm xúc của tôi. Nhưng cô thì ngày càng mải mê đắp lên người vô số định vị hào nhoáng mới mẻ học được từ mấy nhỏ bạn hay đọc được trên mạng. Cô dần mất tôi bởi những thứ đó. Cô tham lam vơ hết tất cả mọi thứ vào người mà quên mất bản thân mình thật sự là ai.

MARKETER: Nhưng tất cả những thứ đó đều vì mục đích cá nhân hoá. Cuối cùng, mọi thứ tôi làm cũng chỉ để đưa anh thứ anh muốn. Anh không thấy được cố gắng của tôi.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Thật lòng mà nói, mấy cái câu đó đều là văn vở trên mạng. Cô đâu cần phải biết mọi thứ. Tôi hay bắt gặp cô xem điện thoại tôi, kiểm tra xem tôi lướt trang web nào. Điều đó làm tôi phát hoảng. Tôi cảm thấy cô đang bị ám ảnh với những thứ thậm chí còn không liên quan đến cuộc sống của hai vợ chồng. Tôi vẫn thích cách chúng ta bên cạnh nhau như trước kia hơn.

MARKETER: Bản thân anh cũng thay đổi rồi. Khi còn trẻ, anh từng chỉ tập trung vào một mình tôi. Nhưng giờ sự chú ý của anh rải ra khắp nơi. Anh khó mà có thể ngồi yên và cùng tôi xem TV như trước đây. Anh mà xem TV thì cũng toàn xem trên mấy dịch vụ mà tôi không chen chân vào được, như Netflix ấy. Mà anh có hay xem Netflix trên TV đâu. Anh toàn ôm điện thoại cày Netflix. Mình anh với cái điện thoại thì tôi kết nối với anh kiểu gì được nữa?

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Thì đúng là gần đây tôi có thay đổi thói quen nhiều hơn so với 20 năm trước. Nhưng tôi thấy cô phản ứng hơi quá rồi đó. Tôi vẫn thường xem TV vào hầu hết các buổi tối, chỉ là giờ thì hay xem một mình hơn. Lúc tôi xem TV, cô mải mê vùi mặt vào Instagram hoặc Twitter. Không thì cô cũng chạy sang buôn với ông Trey hàng xóm. Ông làm hướng dẫn viên thể hình ấy, vì cô nghĩ là ổng có “ảnh hưởng tích cực” lên tôi. Thật ra có ai nghe ổng nói ngoài cô đâu. Cô vẫn chưa nhận ra hả. Ông ta như trò hề ấy.

MARKETER: Trey dạo gần đây là bạn chí cốt của tôi đó. Ổng mới dọn về đây và tôi cũng cần ổng giúp khá nhiều. Mà có phải mình tôi thân với ổng đâu. Ổng cũng kể với tôi nhiều lần ổng khuyên anh để anh hiểu tôi hơn. Nếu không có Trey tôi cũng không biết mình phải làm gì cho vừa cái nư anh.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Ơi là trời, Trey là cha nội dở hơi. Cô chơi với ổng riết cũng ngớ ngẩn theo thôi. Cô không chấp nhận được sự thật là mình đang bị khủng hoảng tuổi trung niên hả? Cô cứ ngồi đồng cả mấy tiếng liền một ngày chỉ để xác định được “mục đích” tồn tại của mình. Bị gì vậy trời? Tôi còn thở nè. Bớt lố lăng, trầm trọng hoá mọi thứ và chạy theo ba cái trend phù phiếm đi. Tập trung hiểu tôi và mối quan hệ này giùm cái!

MARKETER: Tôi thừa nhận là gần đây mình có hơi “lost” xíu. Tôi cứ bị quẩn quanh với cái gọi là “mục tiêu”. Người ta cứ nói là tôi cần tìm được “mục tiêu” của mình. Nhưng giờ tôi nhận ra chuyện đó ảnh hưởng thế nào đến cách tôi nghĩ về anh và những điều anh cần.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Thật ra mối quan hệ của tụi mình vẫn còn cứu được. Anh vẫn còn tình cảm với em mà. Anh vẫn là người trước đây em từng biết thôi. Em chỉ cần tập trung vào những điều cơ bản, tạm lờ đi mấy thứ nhảm nhí mà lũ bạn em hay làm. Hãy để mọi thứ tự nhiên và đơn giản thôi. Lắng nghe anh nhiều hơn, hiểu nhu cầu của anh. Đừng vội tìm những “trò” mới mà hãy tập trung vào những điều đã từng khiến mối quan hệ của chúng ta khắng khít hơn trong quá khứ. Anh vẫn ở đây với em.

MARKETER: Thật không? Vì em vẫn rất cần anh, cần hơn bao giờ hết, đặc biệt là từ khi COVID-19 ập đến.

NGƯỜI TIÊU DÙNG: Thật mà. David Ogilvy cũng từng nói là…

MARKETER: Rồi David lại là cha nội nào nữa?

Theo Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing Week