Quan điểm "không có cửa cho dân làm sáng tạo ở Hà Nội " có làm bạn nản lòng?

Khi đang đọc bài viết này, hẳn bạn đang suy nghĩ tới ý định sẽ có một bước đi mới trong sự nghiệp của mình. Đôi khi mọi thứ không đơn giản như câu slogan “Just Do It” của Nike. Thay vào đó, bạn phải nhấc lên đặt xuống, cân nhắc rất nhiều hệ giá trị khác nhau để trả lời cho câu hỏi: “Đi hay Ở lại?”. 

Chúng ta - những người làm công việc sáng tạo chắc ai cũng ít nhất một lần tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình. Có người quyết định sẽ Nam tiến cho những mục tiêu mới, có người chọn ở lại để tiếp tục xây đắp những giá trị họ tin tưởng. Dù quyết định của bạn là gì, hãy dành một thời gian để có thể ngồi cafe tâm sự với chính mình, đi dạo quanh đâu đó hay bất cứ việc gì giúp thả lỏng bản thân. Rồi sau đó, chúng ta hãy cùng đánh giá lại những khía cạnh khác nhau để tìm ra câu trả lời.

Trước hết hãy cùng trả lời câu hỏi "Tại sao mọi người chọn “Nam tiến”?"

Sài Gòn hiện vẫn đang là mảnh đất màu mỡ của ngành Truyền thông - Sáng tạo với nhiều chân kiềng của các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng. Hẳn nhiên các đại gia thì sẽ chịu chi hơn, ngân sách hàng năm họ dành ra cho các chiến dịch là một con số không hề nhỏ, kèm với đó là khối lượng công việc lớn, chất lượng đầu ra cũng yêu cầu cao hơn. Lúc này, những nhân sự tại Hà Nội - Những người phần nào đã có chút chán nản vì muốn làm to nhưng ngân sách lại nhỏ, sẽ cân nhắc tới ý định di chuyển vào Sài Gòn để thoải mái sáng tạo, tham gia vào những chiến dịch lớn. Và với sự phát triển của thị trường sáng tạo, Sài Gòn hứa hẹn những cơ hội hấp dẫn, môi trường làm việc nhiều sắc màu. Không khó để lý giải tại sao “Nam tiến” sẽ là việc sớm hay muộn mà một người làm sáng tạo tại Hà Nội nghĩ đến.

Kèm với đó là sự phát triển của thị trường sáng tạo tại Sài Gòn, nhiều cơ hội hấp dẫn hơn, môi trường làm việc nhiều sắc màu hơn. Không khó để lý giải tại sao “Nam tiến” sẽ là việc sớm hay muộn mà một người làm sáng tạo tại Hà Nội nghĩ đến. 

Sau một thời gian làm việc đủ lâu, sự “thất vọng” của họ về những agency ngoài này có thể sẽ bung trào. Bởi quy trình làm việc thô sơ, chất lượng dịch vụ thiếu chỉn chu, khách hàng ngân sách nhỏ yêu cầu to. Và đặc biết môi trường sặc tính chính trị. Agency lấy danh xưng một đằng nhưng chất lượng dịch vụ cung cấp lại ở một lẻo. Thật dễ dàng để gắn cho mình một danh xưng như “consultant” nhưng cũng thật khó để khách hàng chịu lắng nghe những tư vấn của mình. Rồi khi không thể “khuyên” được khách hàng, lại đành chấp nhận để khách hàng cầm tay chỉ việc.

Tất cả những cơ hội mời gọi hấp dẫn, những dồn nén lâu ngày, dẫn đến quyết định dứt áo ra đi của những tài năng sáng tạo. Vậy còn bản thân bạn thì sao? Có đang chịu đựng những dồn nén đó và rồi cân nhắc tới ý định dứt áo ra đi? Có thể lắm chứ. Nhưng trước khi đưa ra quyết định của riêng mình, tôi hi vọng chúng ta hãy tạm dừng lại, thư thái đầu óc để suy nghĩ về những câu hỏi khác.

1. Hãy đặt câu hỏi cho bản thân mình. Liệu cũng cần phải “sống chết” Nam tiến để làm sáng tạo?

Việc này cũng giống như khi Client tìm đến Agency, việc đầu tiên tất cả chúng ta cần làm rõ là Brief. Yêu cầu của đề bài ra sao? Nhằm đạt được mục tiêu gì? 

Tất nhiên, bạn vẫn hoàn toàn có thể bước đi và không có mục tiêu nếu bạn tin rằng “cứ đi rồi sẽ đến”. Nhưng tôi tin rằng thời gian luôn là thứ quý giá, nếu chúng ta bớt hoang phí nó chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều hơn nữa.

Nếu có thể xác định cho bản thân một mục tiêu cụ thể trước khi quyết định tiến bước, tôi tin rằng chúng ta sẽ bước những bước đi vững chắc và tự tin hơn rất nhiều. Đừng chỉ vì người khác nói rằng “phải vào trong đó mới làm sáng tạo được” mà cho rằng mình không thể tiếp tục phát triển ở Hà Nội. Lời họ khuyên có thể đúng. Nhưng nếu cái đúng đó chỉ đúng với họ thôi thì sao? Liệu bạn có cần phải “sống chết” Nam tiến để làm công việc sáng tạo? Không một ai có thể giúp bạn trả lời những câu hỏi này, ngoài chính bạn. 

Bạn hiểu bản thân mình hơn ai hết và cũng chỉ có chính bạn mới có thể nhìn thấu suốt và đưa ra những quyết định cho riêng bản thân mình. Có những điều đúng với người khác nhưng chưa chắc đã đúng với bản thân chúng ta. Cái “đúng” đó được dựa trên trải nghiệm của bản thân họ, không phải chúng ta. 

Hãy xác định thật rõ năng lực của bản thân ở thời điểm hiện tại, đừng bước vào một cuộc chiến mới khi chưa chuẩn bị sẵn sàng mọi vũ khí bên mình. Dành thêm thời gian để mài dũa chúng, bạn có thể thấy mình chậm lại so với người khác nhưng khi mọi thứ đã sẵn sàng, sự tự tin của bạn sẽ là vũ khí lợi hại nhất. Đừng chỉ vì một ý kiến chủ quan của ai đó mà nghĩ rằng mình cũng nên làm như vậy. Hãy xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng, đánh giá đúng năng lực bản thân, rồi mới xem xét tới câu chuyện “Đi hay ở”.

Đừng chỉ vì một ý kiến của chủ quan của ai đó mà bản thân bạn nghĩ rằng mình cũng nên làm như vậy. Hãy xác định cho mình một mục tiêu đủ rõ ràng, đánh giá lại năng lực của bản thân rồi sau đó hãy soi chiếu ý định “Đi hay Ở lại” của bản thân bằng những câu hỏi tiếp theo. 

2. Hãy đặt câu hỏi cho những người ở lại Hà Nội, tại sao anh/ chị quyết định ở lại mà không vào Nam?

Cả bạn và tôi đều không ít lần nghe tin người quen nào đó đã và đang chuẩn bị vào Sài Gòn. Điểm đến của họ là những global agency, production house tên tuổi và vô số những cái tên hấp dẫn khác

Vậy những người ở lại thì sao?

Quyết định ở lại cũng ảnh hưởng bởi rất nhiều lý do, có thể do họ cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường tại Sài Gòn, có thể họ chọn ở lại vì ở đây là “Nhà”. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn cả ở một vài người, họ chọn ở lại vì quyết tâm theo đuổi những giá trị mà bản thân tin tưởng. Và với tầm nhìn của người làm kinh doanh, họ nhận thấy cơ hội để nỗ lực thay đổi thị trường. Không né trách, không chờ đợi.

Trong những buổi trò chuyện với người trong ngành, tôi thường hỏi họ: “Tại sao anh/chị quyết định ở lại Hà Nội mà không vào Nam? Tôi thấy rất nhiều người chọn vào đó để phát triển sự nghiệp mà?”

Mỗi người có một dự định riêng, họ theo đuổi những điều khác nhau, nhưng điều khiến họ chọn ở lại đều là tiềm năng của thị trường Hà Nội. Chúng ta vẫn thường đồng ý với nhau rằng chất lượng làm sáng tạo tại Hà Nội vẫn còn thua kém so với Sài Gòn. Nhưng khi tất cả nhân sự đổ dồn vào Nam, ai sẽ là những người ở lại mảnh đất Hà Nội đang cần được khai hoang?

Sài Gòn đã từng có những giai đoạn như Hà Nội, khi mọi thứ vẫn còn ở thuở hồng hoang cần những nông dân chăm chỉ cải tạo, cấp nước và trồng trọt. Có thể vụ đầu thu hoạch chỉ là chút đỉnh vì đất trồng thiếu dinh dưỡng, nhưng vụ sau nhỉnh lên và những vụ sau nữa cứ vậy mà tăng dần. Đó là cả một quá trình dài, những người đặt nền móng đầu tiên sẽ là người tận hưởng thành quả lao động.

Có một câu nói tôi từng đọc và rất tâm đắc: “Không quan trọng bạn làm ở agency nào, quan trọng là sắc màu của bạn ở đó”. Bạn hoàn toàn có thể là một mắt xích trong một cỗ máy khổng lồ hoặc bạn cũng có thể tự tạo ra cỗ máy cho riêng mình. Việc tham khảo và đặt câu hỏi “Những người ở lại sẽ làm gì?” cũng là một cách hiệu quả để bạn có thể nhìn nhận rõ hơn mục tiêu của bản thân trong thời gian sắp tới

3. Hãy đặt câu hỏi về thị trường. Thị trường miền Bắc có thực sự chưa trưởng thành về nhận thức, quy mô và ngân sách?

Với những khách hàng lớn, tập đoàn đa quốc gia,… ắt hẳn số tiền chịu chi của họ sẽ lớn hơn rất nhiều những khách hàng tại Hà Nội. Nhưng đó là ngân sách, còn mục tiêu của họ thì sao? Có điểm gì khác biệt so với khách hàng Hà Nội? Tăng sale, tăng nhận diện thương hiệu

Cá nhân tôi cho rằng nếu vẫn là những mục tiêu đó nhưng được thực hiện với khoản ngân sách lớn hơn, thì về cơ bản, công việc sắp tới của bạn chỉ khác biệt ở cách thể hiện, còn bản chất thì vẫn sẽ giữ nguyên. Vẫn sẽ là những ngày tháng cấp tốc làm proposal gửi lại khách, vẫn sẽ là những buổi pitching nảy lửa giữa các agency, vẫn tiếp tục sẽ là những vòng feedback qua lại, tất cả đều vậy, chỉ khác là với một ngân sách lớn hơn, nhiều đầu mục công việc hơn.

Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn muốn vung chi tiền? hay bạn muốn tối ưu chi tiêu với khoản ngân sách giới hạn. Bạn có thể trải nghiệm môi trường làm việc lớn hơn, những khách hàng chi mạnh tay hơn, chiến dịch dài hạn hơn nhưng cũng có thể một ngày, bạn chợt nhận ra mình vẫn đang làm những điều mình đã làm tại Hà Nội, không hề có sự khác biệt về bản chất, chỉ là mọi thứ bỗng trở lên to lớn hơn.

Tôi liên tục nhắc lại “bản chất công việc” bởi lẽ, agency được tạo lên để giúp client giải quyết vấn đề kinh doanh của họ, đó cũng đồng thời là bản chất của agency. Vậy thì nếu bạn làm công việc vì mục tiêu đó, giải quyết vấn đề cho khách hàng to hay nhỏ đều quan trọng như nhau mà. Chẳng lẽ chúng ta không vui khi thành công trong việc giúp những khách hàng nhỏ khắc phục được vấn đề? Công việc của bạn có ý nghĩa lớn lao trong mọi bài toán mà bạn góp phần tìm được lời giải, không quan trọng bài toán đó là của ai.

Để so sánh một cách tổng quan, thị trường sáng tạo Sài Gòn chắc chắn có nhiều khách hàng lớn hơn. Nhưng cũng nói thị trường Hà Nội không có những khách hàng như vậy, và số lượng đó vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Nếu như MBBank có thể bỏ ra khoản ngân sách xấp xỉ triệu dollar thì không hà cớ gì những ngân hàng khác không thể. Chưa kể tới những ngành nghề khác tại đất Bắc, không thiếu gì những gương mặt lớn với túi tiền dày, không kém gì những khác hàng tại Sài Gòn.

Nhưng điều gì khiến họ chưa chịu chi? Đó chính là chất lượng dịch vụ mà các agency tại Hà Nội cung cấp. Như tôi đã nói bên trên, thị trường Hà Nội rất cần những nhân tài ở lại để khai phá mảnh đất hoang sơ này. Khi chất lượng sáng tạo được đẩy lên cao, khách hàng sẽ tìm đến chúng ta như một điều tất yếu.

Xem thêm về series Agency Ngoại truyện tại đây.

Tạm kết

Trên đây là 3 câu hỏi tôi hi vọng có thể giúp bạn và những người đang băn khoăn với câu hỏi “Đi hay ở?”. Rất hi vọng bạn sẽ cân nhắc và đưa ra được hướng đi đúng với nguyện vọng của bản thân, cảm thấy trọn vẹn nhất tại thời điểm đưa ra quyết định. Và cuối cùng, hãy nhớ rằng không ai khác, chỉ có bản thân bạn mới có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với bản thân. Chúc bạn may mắn!

Nguồn: https://beau.vn/vi