Marketer Hoàng Thy
Hoàng Thy

Ambivert PurposeDriven Brand Marketer Social Worker Lifelong Learner @ OneStop NEST Academy

Marketing 5.0: Tăng trưởng bền vững gắn liền với ''Share of Life''

Thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu và khách hàng, đưa thương hiệu vào cuộc sống hằng ngày của họ, đó là cách các marketer 5.0 hướng đến tăng trưởng bền vững thông qua mô hình ''Share of Life''.

So với việc tranh giành thị phần thông qua các chiến dịch truyền thông, các thương hiệu cần bắt đầu tập trung vào việc đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua “Share of Life”. Mô hình này được hiểu là quá trình đưa thương hiệu vào phương thức tồn tại mới của khách hàng, thay đổi trọng tâm từ việc cố gắng kích hoạt bán hàng ngay lập tức sang việc tìm hiểu phong cách sống và thói quen của người tiêu dùng. Suy cho cùng thì chất lượng sản phẩm và lòng tin từ khách hàng mới là điều cốt lõi quyết định đến sự phát triển lâu dài của một thương hiệu.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà mọi sự thay đổi diễn ra nhanh hơn những gì chúng ta kịp nhìn nhận. Từ Marketing 3.0 (Tiếp thị tinh thần) và Marketing 4.0 (Tiếp thị công nghệ), Marketing 5.0 đã mở ra khái niệm tiếp thị vị nhân sinh, tập trung vào việc tận dụng sự phát triển công nghệ phục vụ cho lợi ích của con người. Trong cuốn sách Marketing 5.0: Technology for Humanity, tác giả Philip Kotler đã đưa ra lời khuyên dành cho các marketer về việc tập trung vào nhóm khách hàng thuộc thế hệ gen Z (1997 - 2012) và Alpha (sinh sau năm 2009). Nếu Gen Z được xem là “Digital Integrators” thì Alpha được hình dung là ''Digital Natives''. Hai nhóm này tiếp cận nhạy bén với công nghệ, và tác động mạnh mẽ đến quá trình nghiên cứu insight khách hàng của các marketer. Ngoài khoảng cách thế hệ, các nhà tiếp thị thời 5.0 còn đứng trước các thách thức về bất bình đẳng xã hội, sự thay đổi liên tục của công nghệ, phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và bảo vệ môi trường,...

Marketing 5.0: Tăng trưởng bền vững gắn liền với ''Share of Life''

Cre: mccrindle.com 

 

Marketing 5.0 xoay quanh 3 yếu tố mang tính ứng dụng có liên quan mật thiết với nhau:

1. Predictive marketing (tiếp thị dự đoán)

2. Contextual marketing (tiếp thị theo ngữ cảnh)

3. Augmented marketing (tiếp thị tăng cường)

Nhưng những ứng dụng đó được xây dựng dựa trên 2 nguyên tắc quan trọng:

1. Data-driven marketing (tiếp thị theo hướng dữ liệu): là hoạt động thu thập và phân tích dữ liệu lớn từ các nguồn bên trong và bên ngoài khác nhau cũng như xây dựng hệ sinh thái dữ liệu để thúc đẩy và tối ưu hóa các quyết định tiếp thị. Đây là nguyên tắc kỷ luật đầu tiên của Marketing 5.0: mọi quyết định đều phải được đưa ra với đầy đủ dữ liệu trong tay.

2. Agile marketing (tiếp thị nhanh): là việc sử dụng nguồn lực mang tính chất phân quyền, đa chức năng để nhanh chóng lên ý tưởng, thiết kế, phát triển và xác thực các sản phẩm và chiến dịch tiếp thị. Sự nhanh nhạy của các thương hiệu nhằm đối phó với thị trường luôn thay đổi trở thành kỷ luật quan trọng thứ hai mà các công ty phải nắm vững.

Marketing 5.0: Tăng trưởng bền vững gắn liền với ''Share of Life''

Cre: Marketing Journal 

 

Marketing 5.0: tập trung sâu vào công nghệ, nhưng cuộc sống hằng ngày của con người vẫn là trọng tâm của ''Share of Life''

Ngày nay, sự tham gia sâu rộng của người tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của thương hiệu. Sự phát triển của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. "Share of Life" hướng thương hiệu quan tâm đến khách hàng, trở thành một phần trong cuộc sống của họ, và cùng tạo ra giá trị thật sự khi hoạt động trên mạng xã hội. Chẳng hạn như việc khách hàng download từ iTunes, giả trí trên Netflix hoặc mua hàng từ Shopee,... Khi khách hàng ra quyết định và hành động theo phản xạ mà không cần so đo những vấn đề khác, đó là ''Share of Life''.

Càng ngày, người tiêu dùng càng mong đợi nhiều hơn từ thương hiệu, nhưng họ cũng sẵn sàng gắn bó lâu dài với thương hiệu thông qua việc đáp ứng chất lượng sản phẩm, uy tín, tầm nhìn xa hướng đến giải quyết nhu cầu của khách hàng và sự phát triển bền vững.

Google, là một ví dụ về việc gắn thương hiệu vào phong cách sống của người tiêu dùng bằng cách dự đoán và giải quyết nhu cầu của họ ngay trước khi nhu cầu đó xuất hiện. Google không chỉ là một công cụ tìm kiếm, mà còn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ôtô, Google Maps, Gmail,... Hiếm có một ai không kiểm tra mail hoặc không tra cứu thông tin trên Google trong 24h. Khi Google giới thiệu chiếc xe tự động lái, người dùng sẽ hiểu ngay những lợi ích của việc đọc sách, làm việc hoặc ngủ trong quá trình đi lại trên chính chiếc xe của họ. Bằng cách tự đưa mình vào một phần rất mới trong cuộc sống của người tiêu dùng và gia tăng giá trị chưa từng có trước đây, Google sẽ tiếp tục đạt được ''Share of Life'' lớn hơn.

 

Marketing 5.0: Phát triển bền vững thông qua việc thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu và khách hàng

Khái niệm “Share of Life” có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng giữa thành công và thất bại vì nó đảm bảo rằng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng có thể tồn tại suốt đời. Cần hình dung “Share-of-Life” là một sự chuyển đổi mô hình trong thời đại kỹ thuật từ ‘one-to-one’ sang ‘one-with-one’. Trong khi từ “to” ngụ ý rằng phải có các mặt đối lập thì từ ''with'' lại thể hiện sự song hành. Khi thương hiệu và khách hàng trở thành bạn bè, mối quan hệ tốt đẹp sẽ bắt đầu và thường sẽ bền chặt để cả hai đều đạt trạng thái hài lòng. Một ví dụ tiêu biểu cho sự song hành này gọi tên Under Armour - thương hiệu đồ thể thao của Mỹ. Under Armour cung cấp một ứng dụng miễn phí có tên Record mà khách hàng có thể sử dụng để theo dõi các mục tiêu và thói quen tập thể dục hàng ngày của họ. Dữ liệu người dùng thu thập được từ ứng dụng được sử dụng để phát triển các đề xuất chính xác cho người tiêu dùng. Bằng cách này, Under Armour đang tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng, không chỉ là mục đích kinh doanh. Nỗ lực song hành cùng khách hàng của họ còn nằm ở chiến dịch Make Athletes Better, với các sản phẩm hỗ trợ các vận động viên. Under Armour không chỉ là một nhà sản xuất quần áo thể thao chất lượng cao mà đã trở thành một đối tác thể dục công nghệ nâng cao trải nghiệm tập luyện và cuộc sống của khách hàng.

Một thương hiệu không nên chỉ dừng lại ở việc đáp ứng một nhu cầu, mà nên tìm cách đáp ứng các nhu cầu khác mà một người có thể có hàng ngày. Khi một thương hiệu có thể tham gia vào việc giải quyết các vấn đề dai dẳng của khách hàng, khoảng cách giữa hai bên sẽ được thu hẹp và tạo tiền đề phát triển bền vững cho thương hiệu đối với các thế hệ khách hàng tương lai.