4 xu hướng thương mại điện tử không thể bỏ qua trong năm 2022

 

4 xu hướng thương mại điện tử không thể bỏ qua trong năm 2022

Bài viết là quan điểm của Otohiko Kozutsumi, Chief Commercial Officer và nhà đồng sáng lập của AnyMind Group

Những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành thương mại điện tử, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng bị giới hạn. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp khi phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng với các xu hướng mới. 

Việc người tiêu dùng đã thích ứng với xu hướng mua sắm mới tạo cơ hội cho các nhãn hàng đổi mới - cải thiện quy trình hậu cần, phát triển các điểm chạm với khách hàng để nâng cao trải nghiệm người dùng hoặc tận dụng công nghệ để cung cấp những giá trị mới cho khách hàng.

Sau đây sẽ là 4 xu hướng thương mại điện tử mà các nhà tiếp thị không thể bỏ qua trong năm 2022.

1. Kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng

D2C (Direct to Consumer) là mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng mà không thông qua bên trung gian thứ ba - các nhà bán lẻ hay các nhà bán buôn như mô hình truyền thống. Mô hình này đang có xu hướng trở nên phổ biến tại các nước châu Á bởi những lợi ích to lớn mà nó đem lại cho doanh nghiệp như giảm sự phụ thuộc vào bên thứ ba, chủ động sở hữu dữ liệu về người dùng, giảm thiểu các rủi ro về mặt hình ảnh thương hiệu, tăng quyền kiểm soát trải nghiệm người dùng.

Đại dịch đã góp phần thúc đẩy thói quen mua sắm trực tuyến của người dân và thương mại điện tử là một trong các ngành hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển này. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh mô hình D2C trong thương mại điện tử mà ngay cả các doanh nghiệp lớn như Unilever hay Nestle cũng đã triển kênh bán hàng trực tuyến riêng ngay cả khi đã sở hữu hệ thống bán lẻ khắp cả nước. 

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình D2C trong thương mại điện tử không phải dễ dàng bởi đây là sân chơi mới và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện tất cả các khâu từ tiếp thị, vận hành trang bán hàng trực tuyến, làm việc với nhà sản xuất hay vận hành các hoạt động hậu cần. Do vậy, việc tìm đến các nhà cung cấp nền tảng hay giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, thời gian, và vẫn đảm bảo chất lượng kinh doanh.

2. Sự bùng nổ của marketplace theo chiều dọc

Marketplace có thể hiểu là sàn giao dịch hay chợ trên nền tảng thương mại điện tử - nơi người mua và bán có thể trao đổi hàng hoá trực tuyến. Sự ra đời của Shopee, Lazada, Amazon, Rakuten, Flipkart đã đánh dấu sự bùng nổ của mô hình marketplace theo chiều ngang - nơi bán đa dạng các loại sản phẩm từ nhiều ngành hàng khác nhau. Tuy nhiên, những năm gần đây chứng kiến sự trỗi dậy của các mô hình marketplace theo chiều dọc - chỉ bán một loại sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến là Sociolla - trang bán hàng trực tuyến chuyên về mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da; Zalora, SHEIN, Pomelo - trang bán hàng trực tuyến chuyên về thời trang hay Livespace - trang bán hàng trực tuyến về kiến trúc nội thất. 

Xu hướng này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà ngay cả người ảnh hưởng và các nhà sáng tạo nội dung cũng có thể tận dụng các marketplace theo chiều dọc để mở rộng cơ hội phát triển. Vào tháng 8 năm ngoái, chúng tôi đã ra mắt PopBox - trang bán hàng trực tuyến dành riêng cho người ảnh hưởng - nơi người ảnh hưởng có thể bán các sản phẩm mang thương hiệu riêng. Việc người nổi tiếng kinh doanh các sản phẩm merchandising đã nhen nhóm từ nhiều năm trước và thậm chí đây còn là phân khúc màu mỡ cho ngành giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, việc mua bán merchandising vẫn đang diễn ra rải rác và chưa thực sự được tối ưu cho người dùng. Do vậy, các trang bán hàng trực tuyến dành riêng cho người nổi tiếng/ người ảnh hưởng cũng như người hâm mộ của họ sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại châu Á.

Mô hình marketplace theo chiều dọc được kỳ vọng sẽ tiếp tục lớn mạnh trong năm 2022 khi nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng mạnh và người dùng ngày đề cao tính cá nhân hoá trong trải nghiệm mua sắm - điều mà các marketplace theo chiều ngang khó có thể đáp ứng. Mô hình này sẽ đặc biệt phù hợp với các nhóm ngành ngách như nội thất, ô tô, sản phẩm về sức khỏe. Bên cạnh các nền tảng đã phổ biến như Shopee, Lazada, các nhà tiếp thị cũng như nhãn hàng không nên bỏ qua các kênh thương mại điện tử theo chiều dọc.

3. Sự nổi lên của Conversational Commerce 

Conversational Commerce là thương mại điện tử trên nền tảng di động tích hợp khả năng giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua các nền tảng tin nhắn hay chatbot. Tại một vài thị trường tại châu Á, các doanh nghiệp tiên phong kỹ thuật số đã tận dụng các nền tảng tin nhắn như LINE, Whatsapp hay Facebook Messenger để giải đáp các câu hỏi của khách hàng, đưa ra các gợi ý và xúc tác giúp khách hàng hoàn thành quy trình mua hàng - tương tự như vai trò của nhân viên bán hàng tại cửa hàng truyền thống. 

Việc quản lý nhiều nền tảng tin nhắn sẽ không quá thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đây sẽ là bài toán khó về mặt tối ưu chi phí với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, conversational commerce sẽ giải quyết những khó khăn kể trên khi tích hợp nhiều nền tảng tin nhắn cùng một lúc. 

Lợi ích của conversational commerce nằm ở việc giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và trải nghiệm người dùng. Thách thức đặt ra ở đây là làm thế nào để các ứng dụng conversational commerce có thể thấu hiểu và giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Bên cạnh các yếu tố về công nghệ và tự động hoá, dữ liệu về hành vi người dùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một nền tảng conversational commerce thông minh và có thể giải đáp thắc mắc của khách hàng một cách tự nhiên. Do vậy, các nhà tiếp thị cần quan tâm đến cả hai yếu tố này khi lựa chọn nền tảng conversational commerce.

4. Tăng quyền kiểm soát và tối ưu hệ thống điều hành

Việc mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng cũng tạo ra nhiều khoảng trống trong hệ thống kế thừa, cơ sở hạ tầng, và kênh bán hàng trực tiếp. Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các thử thách như làm sao để kết nối giải pháp ERP hiện tại với hệ thống bán lẻ thông qua sàn thương mại điện tử hoặc kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, xây dựng kênh kết nối với khách hàng bền vững và hiệu quả. 

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp cho doanh nghiệp thẩm định lại hệ thống kế thừa và cơ sở hạ tầng - liệu rằng các hệ thống hiện tại có khả năng tích hợp công nghệ mới, mở rộng quy trình và đem đến lợi ích tối ưu cho người dùng. 

Sẽ có hàng ngàn cơ hội mới được mở ra cho doanh nghiệp - từ theo dõi quy trình sản xuất theo thời gian thực, tối ưu kho vận và quy trình fulfillment, tự động hoá và chuyển đổi lượng lớn dữ liệu thành thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Dấn thân vào xu hướng mới

Đại dịch đã làm thay đổi hành vi người dùng và các doanh nghiệp đã nhận thức được sự dịch chuyển này từ năm 2020. 2020 là năm các doanh nghiệp bị buộc phải thích ứng, 2021 là năm các doanh nghiệp đã quen dần hơn sự thay đổi và tìm ra các khoảng trống để phát triển. Năm nay hứa hẹn sẽ là năm tăng tốc và bứt phá.

Một điều có thể chắc chắn rằng: mặc dù phần front-end của hệ thống bán hàng đã đi vào ổn định nhưng phần back-end vẫn còn nhiều khoảng trống cần cải thiện. Sẽ có nhiều kênh và nền tảng mà doanh nghiệp có thể tận dụng hơn trong tương lai. Câu hỏi cần đặt ra là: Liệu doanh nghiệp đã sẵn sàng để bắt kịp sự thay đổi này?