6 chiến dịch marketing toả sáng hơn khi tận dụng thế mạnh đặc thù của Mobile

6 chiến dịch marketing toả sáng hơn khi tận dụng thế mạnh đặc thù của Mobile

Mobile Marketing được xem là “trợ thủ đắc lực” trong bất kỳ chiến dịch nào ngày nay. Bởi nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng người dùng smartphone cũng như tần suất dùng, Mobile Marketing có khả năng làm thay đổi hiệu quả hoạt động kinh doanh của thương hiệu.

Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ điểm lại những chiến dịch marketing tận dụng hiệu quả thế mạnh đặc thù của Mobile như Location, SMS, AR, QR Code, Bluetooth, Location Based, và Native Mobile App.

1. SMS

SMS Marketing là hình thức truyền tải thông điệp của thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua tin nhắn trên di động. Hình thức này khá phổ biến nhờ sự dễ dàng và sẵn sàng của công nghệ. SMS cũng giúp thương hiệu tiếp cận những người dùng điện thoại giá rẻ chỉ để nghe gọi, nghe radio.

eMarketer ghi nhận mức tăng trưởng SMS marketing trong tháng 3 và 4/2020 so với tháng 2/2020 lần lượt là 8,5%, và 20%. Thêm vào đó, trong tháng 1/2020, 51% marketer tham gia khảo sát của CommerceNext (Exponea) cho biết họ có kế hoách tăng cường đầu tư vào SMS Marketing. Con số này tăng lên 56% vào tháng 6/2020. Hay theo Juniper Research, lưu lượng tin nhắn SMS gửi từ các doanh nghiệp đạt 2,7 nghìn tỷ vào năm 2020, tăng 10% so với năm 2019.

Có thể thấy, nhiều thương hiệu tăng cường ngân sách làm SMS Marketing để phát triển các mối quan hệ trực tiếp hơn với khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế.

 “Hệ thống cảnh báo dịch bệnh tự động” của Lifebuoy là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng SMS Marketing thành công. Mục tiêu của chiến dịch này là dự báo chính xác thời điểm dịch bệnh xảy ra và cảnh báo tốt hơn người dân về câu chuyện “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Vì mỗi địa phương tại mỗi thời điểm sẽ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh khác nhau. Thế nên, Lifebuoy tận dụng sức mạnh dữ liệu di động, AI, kết hợp với công cụ Ruled by weather của Google nhằm tuỳ chỉnh thông điệp, truyền đạt nội dung phù hợp thông qua tin nhắn đến người dân ở từng địa phương. 

Tính trung bình mỗi tháng, có 3,5 triệu người mẹ ở các địa phương nhận được cảnh báo sớm qua tin nhắn từ nhãn hàng. Doanh số bán hàng tăng đáng kể ở hầu hết các khu vực như khi dịch cúm bùng phát tại Hà Nội, Lifebuoy ghi nhận doanh số tăng 18%. Hay tại Đồng Nai với dịch tay chân miệng, doanh số bán hàng tăng 29%. Chỉ số mức độ thâm nhập thị trường ở thành thị của Lifebuoy tăng 100 điểm và ở vùng nông thôn là 500 điểm. 

2. AR

Công nghệ AR giúp mô phỏng một vật thể ảo, cho phép người dùng có thể dễ dàng hình dung, tương tác với sản phẩm, content của thương hiệu. Thương hiệu có thể quảng cáo trên các nền tảng AR sẵn có trên thị trường, hay hợp tác với bên thứ ba để phát triển ứng dụng độc lập. Một phương pháp phổ biến không kém là bắt tay với các nền tảng game, mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat… để tạo ra các minigame, hiệu ứng thú vị.

Statista ước tính có khoảng 2,4 tỷ người dùng ứng dụng AR trên toàn thế giới vào năm 2023, tăng 2,2 tỷ so với năm 2015. Theo đó, doanh thu quảng cáo AR toàn cầu cũng gia tăng đáng kể từ 3,9 tỷ USD (năm 2019) lên 21,2 tỷ USD (năm 2024). Công nghệ AR trên thiết bị di động mang đến nhiều cơ hội để tối ưu chiến dịch Mobile Marketing và cải thiện đáng kể các chỉ số quan trọng như tỷ lệ giữ chân (retention) và mức độ tương tác (engagement).

Ví dụ, với chiến dịch “Nông trại bay”, Dutch Lady Vietnam gây tiếng vang khi tận dụng công nghệ AR cho chiến dịch Marketing. Qua chiến dịch này, Dutch Lady muốn thay đổi nhận thức của khách hàng về mình khi được xem là thương hiệu chỉ tập trung vào Shopper là các bà mẹ mà bỏ quên người tiêu dùng cuối là các bé. Hãng sữa khoác lên hoạt động khuyến mãi với một tấm áo mới. Theo đó, các bậc phụ huynh cài đặt ứng dụng Nông trại bay, quét hộp sữa bằng thiết bị di động để bé có thể trải nghiệm thế giới nông trại đa sắc màu. Không những vậy, bạn nhỏ còn có thể chụp hình selfie với nhân vật trong nông trại, hay quét những đồ chơi kèm theo sản phẩm để mở ra thêm nhiều trò chơi tương tác khác.

Ứng dụng Nông trại bay đã giúp Dutch Lady xây dựng nhận thức cũng như tương tác và kết nối nhiều hơn với các bạn nhỏ. Có hơn 27.000 lượt tải xuống ứng dụng chỉ trong 4 tuần, góp phần tăng 19% doanh số sản phẩm trong thời gian ra mắt. Đặc biệt, có trên 92% người tải thường xuyên sử dụng lại ứng dụng.

3. QR Code

Khi ứng dụng QR code vào quảng cáo, thương hiệu có thể đưa thông tin sản phẩm, chương trình… đến với khách hàng chỉ qua một cú “quét mã”. Sự nhanh chóng, tiện lợi của QR Code phù hợp với lối sống của người tiêu dùng hiện đại. Theo ước tính của 360 Research Reports, quy mô thị trường (market size) của QR Code sẽ đạt 1268,1 triệu USD vào năm 2026, tăng khoảng 390 triệu USD so với năm 2020. Một ghi nhận khác của Bluebite cho thấy, từ năm 2018-2020, QR Code reach tăng 96%, số lượng tương tác với QR Code tăng 94%. Cũng vì thế mà QR Code ngày càng được nhiều marketer “ưu ái” đưa vào chiến dịch marketing của thương hiệu.

Tháng 10/2019, để đánh dấu hành trình 10 năm có mặt tại Việt Nam, ALDO tổ chức chương trình ưu đãi tri ân khách hàng. Chiến dịch của ALDO gây chú ý với ý tưởng “Hunting Gift”. Theo đó, thay vì chào mời khách hàng một cách nhàm chán, ALDO khuyến khích khách hàng chủ động “săn” quà bằng cách quét QR Code được đặt khắp cửa hàng. Nếu khách hàng thích món quà săn được thì có thể đổi ngay tại cửa hàng. Số lượng quà tặng mà khách hàng có thể scan được lên tới 10 món. 

Ý tưởng “Hunting Gift” tại cửa hàng offline góp phần mang lịch kết quả kinh doanh nổi bật cho ALDO. Trong tháng 10/2019, chiến dịch ghi nhận tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tăng đến 44% so với cùng kỳ năm ngoái, và vượt qua 30% mục tiêu đặt ra.

4. Bluetooth

Với Bluetooth marketing, marketer sử dụng công nghệ bluetooth để truyền tải nội dung như tin nhắn, thông tin hoặc quảng cáo đến các thiết bị di động nằm trong phạm vi phủ sóng.

Về phía khách hàng, họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng nắm bắt thông tin về sản phẩm, chương trình mà thương hiệu đang triển khai. Trong khi đó, thương hiệu có thể đem lại trải nghiệm khách hàng mới, với mức độ tiếp cận cao và tương tác thân thiện, giúp mở rộng cơ hội thu hút khách hàng và thúc đẩy gia tăng doanh số. Bên cạnh đó, công nghệ này có thể xác định được vị trí của khách hàng, hỗ trợ thương hiệu kiểm soát tốt hơn và có bức tranh toàn cảnh hơn về hành vi của khách hàng.

Như trong chiến dịch "Đặc vụ X" từ X-Men, Bluetooth giúp tăng mức độ nhận biết TVC đồng thời tạo cơ hội dùng thử sản phẩm. TVC chỉ có độ dài 30 giây, việc phát bluetooth cho phép tải xuống TVC dài 60 giây cùng print ad; từ đó giúp giải đáp tò mò của người xem về quảng cáo. Để tạo hiệu ứng lan toả tốt hơn, X-Men đặt hệ thống bluetooth tại các địa điểm đông người qua lại như quán cà phê, rạp phim, trường đại học… X-Men khuyến khích người dùng tham gia bằng cách tặng quà sau khi đã tải xong TVC. Ngoài mục đích làm mẫu thử, quà tặng còn được xem như công cụ truyền thông nội dung quảng cáo hoặc tính năng sản phẩm. 

Kết quả đạt được từ hoạt động bluetooth marketing khá ấn tượng với tổng số print ads được tải xuống là 24.261, tổng số TVC được tải xuống là 12.154, hiệu quả bao phủ tại các kênh (số reach/buổi/điểm) như rạp phim là 511, trường đại học là 725, quán cà phê là 982.

5. Native Mobile App

Ứng dụng di động trở thành phương tiện quan trọng đối với cả marketer và người tiêu dùng. eMarketer chỉ ra rằng người dùng di động dành 88% trong ứng dụng di động, con số này giảm xuống còn 12% với các Mobile Website. Ứng dụng di động xuất hiện trong hầu hết khoảnh khắc của cuộc sống như tra cứu thông tin, đi lại, mua sắm… Qua đó, marketer có thể tiếp cận trực tiếp người dùng cũng như dễ dàng mang lại trải nghiệm cá nhân hoá dựa vào dữ liệu thu thập được từ ứng dụng.

Năm 2014, Nivea Brazil triển khai chiến dịch “The protection ad” nhằm thu hút khách hàng mới cho dòng sản phẩm Nivea Sun Kids. Thay vì tập trung vào lợi ích lý tính của kem chống nắng, Nivea đã đặt vấn đề với các bậc phụ huynh: Làm sao bảo vệ trẻ em khỏi bị lạc trên bãi biển đông nghịt người. 

Nivea đính kèm vòng tay vào trang quảng cáo trên tờ báo và khuyến khích phụ huynh tải ứng dụng của Nivea. Ứng dụng cho phép bố mẹ thiết lập thông số khoảng cách giữa họ và con cái. Nếu con họ ra khỏi phạm vi này thì ứng dụng sẽ phát tín hiệu cảnh báo.

Sau chiến dịch, doanh số tăng đến 62%, Nivea Sun Kids nằm trong top sản phẩm bán chạy nhất trong phân khúc kem chống nắng dành cho trẻ em tại Brazil.

6. Location based

Location-based Marketing là hình thức marketing mà marketer sử dụng dữ liệu vị trí để thúc đẩy gắn kết, mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa hơn và xây dựng lòng tin đối với khách hàng.

Dữ liệu vị trí (Location data) ở khắp mọi nơi. Chúng được lồng vào các bức ảnh người dùng chia sẻ, trên các ứng dụng sử dụng định vị GPS, và cả trong các giao dịch trực tuyến. Hiện nay, người dùng ngày càng sẵn sàng chia sẻ thông tin vị trí của mình với thương hiệu hơn bao giờ hết, để đổi lại các nội dung được cá nhân hóa cũng như các ưu đãi được thiết kế riêng cho mỗi cá nhân. Theo báo cáo Global Location Trends Report (2020), có đến 95% doanh nghiệp trên toàn cầu đang sử dụng Location-based Markeitng để tiếp cận người tiêu dùng. Tính trung bình, ngân sách làm Location-based Marketing chiếm 52% ngân sách đầu tư marketing toàn cầu.

Burger King từng áp dụng giải pháp Location-based marketing để trêu chọc đối thủ trong chiến dịch "Whopper Detour". Với tính năng khoanh vùng và định vị, Burger King khiến cho việc đặt đồ ăn trở thành một trò chơi nhỏ cho người dùng, đồng thời biến hàng triệu khách hàng của mình trở thành “đồng phạm” để cùng “troll” McDonald’s. Để mua được chiếc bánh Whopper 1 cent, khách hàng phải đến cửa hàng McDonald’s gần nhất theo chỉ dẫn trên ứng dụng của Burger King và đặt hamburger. Sau đó, ứng dụng điều hướng chỉ đường cho người dùng đến cửa hàng Burger King gần nhất để nhận đơn hàng thực sự của mình. Tưởng chừng như chiến dịch sẽ không mang lại kết quả kinh doanh khả quan khi bán Burger Whopper với giá chỉ 1 cent nhưng lại đạt được những con số bất ngờ. Doanh thu tăng gấp 3 trong thời gian diễn ra chiến dịch và tăng gấp 2 sau khi chiến dịch kết thúc. Có hơn 2 triệu lượt tải ứng dụng sau 48 giờ, từ vị trí 686 vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ứng dụng của Google Play và Appstore.

Các ví dụ trên cho thấy “sự đóng góp” không hề nhỏ của thiết bị di động trong phần lớn chiến dịch marketing, và đánh dấu tầm quan trọng của chiến lược “mobile-first”. Nếu bạn có chiến dịch Mobile Marketing thú vị nào khác, đừng ngần ngại mà chia sẻ ở phần comment nhé. 

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp