Review ứng dụng VECA: Giải pháp nhỏ, sứ mệnh lớn
Ra mắt vào giữa 2019, VECA là ứng dụng thu mua ve chai đầu tiên trên điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi tiếng có hàng chục triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Riêng tại Việt Nam, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trung bình mỗi ngày thải ra 80 tấn nhựa và nilon.
Một lượng phế liệu lớn thải ra môi trường mỗi ngày chính là bài toán về rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường mà không chỉ những cơ quan lãnh đạo, chính quyền mà chính những người dân cũng đang quan ngại. Hiểu được tình huống này, VECA được Bùi Thế Bảo và cộng sự là chị Đỗ Thị Minh Trang cùng nhau thành lập. Dĩ nhiên, hành trình của ứng dụng VECA hiện hữu nhiều thử thách.
Theo Khởi Nghiệp Quốc Gia, VECA là một ứng dụng hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ, kết nối người bán phế liệu với người thu gom. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để “gọi” người thu gom đến mua. Giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Hiện tại, ứng dụng cũng không thu phí cả người bán lẫn người mua.
Với sứ mệnh tái chế là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Thay vì kết thúc vòng đời phế liệu và cho rằng chúng là rác thải, người dân có thể biến phế liệu thành những đóng góp cho cuộc sống thêm xanh. Tháng 3/2021, ứng dụng VECA đã được chương trình NINJA Accelerator tại TP.HCM do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, chọn là một trong 15 startup vào vòng tăng tốc.
Xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, giải pháp tái chế VECA
Thị trường mua bán “ve chai” từ xưa vẫn luôn là lĩnh vực thiếu tính minh bạch và có khả năng tiếp cận thấp đến nhiều đối tượng. Ở khía cạnh người mua, quá trình thu gom phế liệu truyền thống luôn là hành trình cố gắng “phủ khắp” đội quân thu gom ve chai. Thực tế, họ không có định hướng cụ thể về số lượng và thời gian thu gom phế liệu tại các hộ gia đình.
Vì vậy, hầu hết thời gian làm việc đều sẽ là nỗ lực đi khắp các tuyến đường và kêu gọi những người có phế liệu, bán phế liệu cho mình. Cách tiếp cận truyền thống này khiến người thu gom ve chai tốn rất nhiều công sức nhưng kết quả không ổn định do tầm phủ sóng của việc thu gom phế liệu thấp.
Mặt khác, người cần bán phế liệu không thể chủ động về thời gian, giá cả, phải phụ thuộc vào người mua trả giá. Trái lại, việc tiếp cận với đối tượng có nhu cầu bán và người thu gom khiến người có phế liệu quyết định vứt bỏ phế liệu vào thùng rác là điều thường thấy. Điều này vô tình khiến nhiều hộ gia đình không phân loại và xử lý rác thải đúng cách, gây ra lãng phí lớn về tài chính và gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Theo số liệu tổng hợp bởi VECA, chỉ riêng ở TP.HCM, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Trong đó, khối lượng giấy thu gom được chỉ chiếm 40%, tương đương 1.070 tấn. Nhựa chỉ thu gom được 500 tấn với tỷ lệ tái chế khoảng 27%. Số còn lại đang lẫn chung vào rác thải sinh hoạt của người dân. Ước tính, số phế liệu lẫn trong rác tương đương 10 tỉ đồng mỗi ngày. Trên toàn quốc, con số này là khoảng 60 tỉ đồng. Các báo cáo cho thấy, lượng rác thải nhựa có khuynh hướng tăng nhanh do tính tiện dụng và do cả tác động của COVID-19.
Những đổi mới trong quy định xử lý rác thải Việt Nam 2022
Ô nhiễm là vấn đề thế kỷ, không chỉ riêng Việt Nam mà Liên Hợp Quốc cũng đang đặt tình trạng ô nhiễm toàn cầu ở mức báo động. Từ đó, Luật Bảo vệ Môi trường được thành lập từ năm 2020 là một trong những hành động cứng rắn của nhà nước Việt Nam.
Kể từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020 chính thức có hiệu lực. Trong đó, có một số quy định đề cập đến vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, cụ thể: Theo Khoản 1, Điều 75, Mục 2 trong quy định về Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế
b) Chất thải thực phẩm
c) Chất thải sinh hoạt khác
Nếu cá nhân, hộ gia đình không tuân thủ đúng quy định phân loại rác thải có thể sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển và thậm chí có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 VNĐ theo nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Đồng thời, giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải được phân loại.
Như vậy, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền. Tuy nhiên, cũng theo Khoản 1, Điều 79, nếu rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế đã được phân loại riêng thì không phải chi trả cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Đây là một trong những tác động tích cực, tạo thói quen xử lý rác thải – tái chế phế liệu của người dân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ứng dụng VECA trong năm 2022 với giải pháp hữu ích của mình. Từ đó, giải pháp của VECA không chỉ đơn thuần là kết nối, mua bán phế liệu, mà còn là hành trình nhằm nâng cao ý thức của xã hội, giúp cho người dùng hoàn thành mục tiêu kép về bảo vệ môi trường và tiết kiệm gia đình.
Ứng dụng VECA – Thân thiện người dùng
VECA hiện đang có mặt trên 2 cửa hàng ứng dụng phổ biến là AppStore và Google Play. Với điểm đánh giá ở mức 2,6 bởi người dùng IOS và mức 3.5 bởi người dùng Android. Trái lại, các đánh giá và nhận xét 5/5 rất thuyết phục. Nguyên nhân khiến VECA có số điểm khiêm tốn là đến hiện tại VECA chỉ vừa có mặt ở một số quận tại TP.HCM và chưa thể đáp ứng cho toàn thể người dân thành phố.
Thời gian đầu, ứng dụng VECA đã được người dùng tại địa phương đón nhận một cách tích cực. Tuy nhiên, khó khăn về mặt kỹ thuật là điều khó tránh khỏi đối với các startup về công nghệ. Quá trình đăng ký không nhận được SMS gửi về để nhập OTP là một trong những vấn đề mà VECA đã đối mặt trong thời gian đó. Ngày nay, việc đăng ký tài khoản VECA và trải nghiệm của người dùng đã được cải thiện đáng kể và thân thiện với người dùng hơn.
Giao diện thân thiện với màu chủ đạo xanh lá – trắng, nền màu sáng thoải mái & bố cục trang chính rõ ràng, mạch lạc. Thể hiện rõ 10 mặt hàng phế liệu bao gồm: Giấy báo – giấy hồ sơ, giấy thùng, sắt đặc, sắt vụn, sắt tôn, mũ bình, mũ nhựa, nhôm và lon nhôm, VECA giúp người dùng dễ dàng lựa chọn và tham khảo giá thành của từng loại phế liệu cũng như phù hợp với người dùng ở mọi lứa tuổi.
Nhóm người dùng của VECA vô cùng đa dạng, trẻ em, người già, phụ nữ, thanh niên, người lao động, sinh viên… Vì vậy, việc cân nhắc xây dựng UI/UX cho sản phẩm app là một bài toán hóc búa mà VECA đã giải quyết được từ những ngày đầu. Tuy nhiên, tính năng thông báo của VECA vẫn chưa được hoàn thiện, nội dung thông báo rời rạc và chưa có tính năng nhắc nhở, gửi thông báo, gợi ý cho người dùng kiểm tra số phế liệu đang có sau mỗi tuần.
Nhằm cải thiện Daily Active Users (DAU), ứng dụng VECA trang bị các tính năng khác như Đổi quà – Chia sẻ – Mẹo hay – Sống xanh, cung cấp các thông tin hữu ích & hấp dẫn với người dùng. Bên cạnh đó, VECA khuyến khích người dùng chia sẻ những mẹo hay cuộc sống hoặc tái sử dụng các vật liệu bỏ đi làm vật trang trí... Tuy vậy, ở góc độ một người dùng mobile, các tính năng này là chưa đủ. Với các chức năng chính yếu khác như “Lịch sử” – thể hiện lịch sử giao dịch của người dùng và “Tôi” – thể hiện hồ sơ của chủ tài khoản.
Về cách thức giao dịch & thanh toán, VECA mang lại cách thức thanh toán đơn giản, dễ dàng và quen thuộc với người dùng ví điện tử Momo. Tuy nhiên, người dùng vẫn có một số lưu ý khi rút tiền: Số điện thoại đăng ký tài khoản Momo phải trùng với số điện thoại đăng ký tài khoản VECA. Ứng dụng VECA sẽ thu 2,2% phí giao dịch để duy trì hệ thống thanh toán (ví dụ: khi người dùng rút về 100.000 VNĐ thì trong tài khoản VECA phải có ít nhất 102.200 VNĐ). Chỉ có thể rút tiền ở các mốc: 50.000, 100.000, 200.000, 500.000 và 1.000.000 VNĐ.
Hy vọng ứng dụng VECA sẽ tiếp tục phát triển và mang đến giải pháp tái chế – tiết kiệm cho nhiều hộ gia đình không chỉ riêng tại TP.HCM mà còn trên cả nước.