4 nền tảng giúp thương hiệu nắm rõ thông tin đối thủ
Trước đây, các thương hiệu thường đầu tư khá nhiều nguồn lực để nghiên cứu và tìm hiểu thông tin đối thủ. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, họ đã có thể thực hiện các hoạt động nghiên cứu đơn giản trên 4 nền tảng chính gồm: website, gian hàng e-Commerce, content hub, cửa hàng offline.
Trong bối cảnh kinh doanh ngày một khốc liệt, việc am hiểu chiến lược của đối thủ, tiên liệu đường đi nước bước dài hạn của họ trong tương lai, sẽ mang lại lợi thế to lớn để doanh nghiệp có cách ứng phó, như là cản phá, hay là đánh chặn phủ đầu trước.
Kỷ nguyên digital 4.0 tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu thị trường trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, khi các nền tảng digital còn chưa hiện diện, việc nghiên cứu thị trường lệ thuộc nhiều vào sức người. Các chuyên viên phải đến các vùng địa phương, gõ cửa từng nhà, dò hỏi thông tin khách hàng, profile, hành vi tiêu dùng của họ; hoặc muốn thu thập thông tin sản phẩm, giá thành của đối thủ cần đi ra siêu thị nhiều lần, quan sát hành vi mua hàng của người tiêu dùng.
Việc am hiểu chiến lược của đối thủ, tiên liệu đường đi nước bước dài hạn của họ trong tương lai, sẽ mang lại lợi thế to lớn để doanh nghiệp có cách ứng phó.
Ngày nay, các nền tảng digital trở thành các hub tập trung, đa dạng các loại thông tin hữu ích, bao gồm cả thông tin khách hàng. Quá trình số hoá đã giúp các thương hiệu và agency tiết kiệm thời gian trong khâu thu thập dữ liệu.
Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm tư vấn chiến lược cho các thương hiệu, tôi đề xuất 4 nền tảng mà thương hiệu có thể tham khảo để thu thập thông tin cơ bản của đối thủ.
1. Nền tảng bán hàng – website doanh nghiệp
Đây là nền tảng được xây dựng theo hướng bán lẻ e-Commerce. Cụ thể, website sẽ đăng thông tin về sản phẩm, giá bán lẻ và khách hàng có thể đặt hàng online.
Các thông tin liên quan đến sản phẩm, giá bán, các mẫu mã mới, thiết kế sản phẩm sẽ luôn được cập nhật một cách đầy đủ nhất. Do nền tảng online này thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên họ có thể đăng toàn bộ sản phẩm hiện có, bao gồm những mẫu bán không chạy.
Bên cạnh đó, vì là nền tảng online nên doanh nghiệp sẽ không bị giới hạn về diện tích như cửa hàng offline, nên sản phẩm thường sẽ được cập nhật đầy đủ.
2. Nền tảng bán hàng – gian hàng trên các sàn e-Commerce
Những ví dụ tiêu biểu gồm Shopee, Lazada, Tiki. Do cùng là nền tảng bán hàng nên loại thông tin đăng tải trên kênh này cũng tương tự như website chính hãng.
Đây là nơi doanh nghiệp có thể thu thập thông tin liên quan đến sản phẩm như giá bán, các mẫu mã mới nhất, thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng SKU thường hạn chế hơn vì bán trên sàn doanh nghiệp phải tốn nguồn lực vận hành, quảng bá sàn, và dễ xảy ra xung đột giữa các kênh bán hàng (channel conflict – doanh số từ kênh này đổ sang kênh khác do làm khuyến mại, chạy chương trình nhiều hơn). Vì vậy, doanh nghiệp thường hạn chế số lượng SKU trên sàn, chọn các SKU kém quan trọng trong portfolio để giảm thiểu tối đa xung đột với các kênh khác và xem sàn chỉ là 1 kênh phụ. Tóm lại, nền tảng này giúp cung cấp thông tin hữu ích trong trường hợp doanh nghiệp không có website bán hàng.
3. Nền tảng xuất bản nội dung content hub (đặc biệt là trang Facebook)
Đây là nền tảng social mà các tệp khách hàng hiện tại, hoặc khách hàng tiềm năng đang theo dõi và có nhiều hoạt động tương tác. Thông qua việc khảo sát nhanh lượng tương tác, follow, sẽ giúp doanh nghiệp hình thành giả định về chân dung các tệp khách hàng của đối thủ. Bên cạnh đó, trang này cũng giúp nhận diện về chiến lược nội dung của đối thủ bằng việc phân tích các loại hình nội dung mà đối thủ tập trung triển khai.
4. Nền tảng các cửa hàng offline (cửa hàng riêng, hoặc cửa hàng phân phối trung gian như hệ thống chuỗi MT: Con Cưng, Bách hóa Xanh, Circle K):
Sau khi đã khảo sát danh mục sản phẩm & giá bán lẻ từ các nền tảng bán hàng online, việc đến các cửa hàng giúp xác nhận lại vai trò của danh mục sản phẩm, đặc biệt là các dòng sản phẩm chủ lực & các thiết kế độc đáo. Vì rất khó để nán lại cửa hàng offline để có đủ thời gian ghi chép nên đây chỉ là nơi để kiểm tra thêm lần nữa về vai trò của danh mục dựa trên nguyên tắc đơn giản sau: sản phẩm nào bán chạy thường được trưng bày nhiều hơn. Bên cạnh đó, cửa hàng offline là nơi quan sát để ghi nhận các hoạt động bán lẻ như khuyến mại, hoạt náo, trưng bày, truyền thông. Từ đó, doanh nghiệp có thể phân tích chiến lược kênh bán lẻ của đối thủ.
Ngoài ra, các thương hiệu cũng nên quan sát những nền tảng khác như các kênh chăm sóc khách hàng & hỗ trợ bán hàng CRM (Customer Relationship Management) bao gồm: email, tin nhắn SMS, chat trên Facebook Messenger hay Zalo và 1 số các nền tảng webinar, sự kiện online hoặc cả offline để để có bức tranh lớn tổng thể về các nền tảng mà đối thủ sử dụng.
Trên đây là đúc kết của tôi về 4 nền tảng chính với các thông tin cơ bản về chiến lược bán lẻ, truyền thông và thông tin sản phẩm của đối thủ. Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc 2 bước quan trọng cần chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu đối thủ.