Brand Updates W4+5: Starbucks ra mắt nước uống tăng lực, Vinasoy đưa công nghệ AR lên bao bì
Các sự kiện nổi bật trong 2 tuần vừa qua: Starbucks mở rộng danh mục đồ uống có sẵn của mình với dòng nước tăng lực có tên Baya Energy; Vinasoy bắt tay với công ty chuyên sản xuất bao bì Tetra Pak đưa công nghệ AR lên hộp sữa đậu nành Fami… cùng nhiều tin tức thú vị khác.
Starbucks gia nhập thị trường nước uống tăng lực
Starbucks mở rộng danh mục đồ uống có sẵn của mình với dòng nước tăng lực có tên Baya Energy. Thức uống mới được ra mắt với 3 hương vị là mâm xôi chanh, ổ xoài, và chanh dây dứa. Baya Energy được phát triển thông qua North American Coffee Partnership – liên doanh giữa Starbucks và PepsiCo và là chủ sở hữu của các sản phẩm nước tăng lực như Mountain Dew Amp, No Fear, Rockstar.
Chiến thuật “thay áo” cho sản phẩm mới của Coca-Cola
Giao diện mới được Coca-Cola áp dụng cho dòng sản phẩm Coca-Cola Flavors với 3 hương vị Cherry, Vanilla và Cherry Vanilla. Ngoài màu sắc của vỏ lon, thương hiệu dùng chữ trắng và đen lần lượt phân biệt dòng sản phẩm nước uống thông thường với sản phẩm không đường.
Bà Natalia Suarez – Giám đốc Thương hiệu Cấp cao của Coke Choice Portfolio, cho biết: “Chúng tôi muốn hiện đại hoá và đơn giản hoá giao diện bao bì của các sản phẩm. Với thiết kế bao bì mới, Coca-Cola giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn hương vị mà mình yêu thích”.
Vinasoy đưa công nghệ AR lên bao bì
Vinasoy bắt tay với công ty chuyên sản xuất bao bì Tetra Pak đưa công nghệ AR lên hộp sữa đậu nành Fami. Với ứng dụng PackStory, người dùng quét mặt trước của hộp sữa để bước vào thế giới AR với những câu chuyện về sản phẩm. Giải thích về chiến lược bao bì mới mẻ này, ông Eliseo Barcas – Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết: “Người Việt Nam, đặc biệt thế hệ Gen Z, ngày càng quan tâm hơn về nguồn gốc nguyên liệu, an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và yếu tố môi trường của thực phẩm và đồ uống mà họ sử dụng. Với công nghệ AR, những thông tin này sẽ được trình diễn một đa dạng, sáng tạo, ở bất cứ nơi đâu và tại bất kỳ thời điểm nào ngay khi người tiêu dùng quét vỏ hộp”.
Bên cạnh sáng chế này, Vinasoy còn đặt mục tiêu dùng 100% nguyên liệu tái tạo cho vỏ hộp giấy của các dòng sản phẩm của mình.
Tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz đổi tên
Tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz chính thức đổi tên gọi từ Daimler AG sang Mercedes-Benz Group AG. Song song, tập đoàn Đức tiến hành tách rời 2 mảng xe thương mại và xe du lịch. Cụ thể, Daimler Trucks – đơn vị được tách riêng phụ trách mảng xe thương mại với các thương hiệu trực thuộc như Fuso, Freightliner hay Western Star; còn Mercedes-Benz Group AG gồm Mercedes-Benz, Mercedes-AMG, Mercedes-Maybach và Mercedes-EQ.
Với lần thay tên đổi họ này, Mercedes-Benz Group muốn khẳng định trọng tâm tương lai sẽ là phát triển nên những mẫu xe “đáng mơ ước nhất”.
Ahamove công bố bộ nhận diện thương hiệu mới
Ahamove mở đầu năm Nhâm Dần với bộ nhận diện thương hiệu mới với logo mới. Theo đó, biểu tượng con ma tốc độ vẫn được giữ nguyên, còn chữ “M” được in hoa ở logo cũ được thay bằng chữ “m” viết thường. Ahamove quan niệm sự thay đổi chữ “m” này giúp mang lại cảm giác mềm mại hơn và làm cho cách xuất hiện, gọi tên thương hiệu có tính xuyên suốt hơn. Đặc biệt, sự biến chuyển trong nhận diện thương hiệu làm bật lên giá trị cốt lõi mà Ahamove theo đuổi là đổi mới (Innovation), tốc độ (Agility), và đồng hành (Companionship).
Google đầu tư 1 tỷ USD vào nhà mạng Ấn Độ
Google đầu tư 1 tỷ USD vào Bharti Airtel – nhà mạng lớn thứ hai tại Ấn Độ. Trong đó, 700 triệu USD được sử dụng như một khoản đầu tư cổ phần vào Bharti Airtel, và 300 triệu USD còn lại được dùng để thực hiện các thoả thuận thương mại. Thương vụ giúp công ty Ấn Độ có thêm vốn để củng cố các gói cước 5G và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ. Về phía Google, công ty sẽ được hưởng lợi khi có nhiều người kết nối Internet hơn để tương tác với dịch vụ và quảng cáo.
Apple là thương hiệu có giá trị nhất thế giới
Theo bảng xếp hạng Brand Finance, Apple đang là công ty có giá trị thương hiệu cao nhất thời điểm hiện tại với 355,1 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với Amazon giữ vị trí thứ hai. Thành công Apple đạt được là nhờ vào doanh số bán của iPhone 13. Thống kê cho thấy giá trị thương hiệu của Apple đã tăng mạnh 35% so với năm 2020. Các cuộc khảo sát về mức độ trung thành của người dùng và tình cảm dành cho thương hiệu Apple cũng tăng vọt.
Vượt Apple, Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới
Theo CNBC, Samsung giành ngôi quán quân về doanh số smartphone trong năm 2021. Số liệu của công ty nghiên cứu International Data Corporation (IDC) cho thấy hãng đã xuất xưởng 272 triệu thiết bị trong năm qua, chiếm đến 20% thị phần toàn cầu. Xếp ngay sau Samsung là Apple với tổng lượng máy xuất xưởng là 235,7 triệu smartphone. Xiaomi (191 triệu chiếc), Oppo (133,5 triệu chiếc) và Vivo (128,3 triệu chiếc) lần lượt là những thương hiệu góp mặt trong top 5.
Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp