Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Nhân dịp kỉ niệm 15 thành lập của YouTube, Business Insider đã có buổi trò chuyện với những nhân viên, nhà đầu tư và Founder đời đầu của đế chế này về thương vụ trị giá bạc tỉ giữa Google và YouTube.

Những điểm tóm tắt chính

Sự kiện YouTube đồng ý giao dịch trị giá 1,65 tỉ USD với Google vào năm 2006 đã làm thay đổi lịch sử của Thung lũng Sillicon.

Nhìn lại, đó là một thương vụ khá gay cấn khi quá trình bàn bạc và thương lượng giữa hai bên chỉ diễn ra trong vài tuần. Thậm chí, YouTube đã có sự “quay xe” gấp với Yahoo chỉ vài tiếng trước thời hạn ra quyết định và trao cơ hội lại cho Google.

Đề nghị của Google vào thời điểm đó được xem là chiếc phao cứu sinh cho một YouTube non nớt và tồn tại nhiều vấn đề như: cạn kiệt nguồn tiền mặt và dung lượng máy chủ, đối mặt với nguy cơ vi phạm bản quyền từ các hãng thu âm. Toàn bộ nhân viên tại thời điểm đó đều bị vắt kiệt sức lực và founder của công ty cũng dần kiệt sức khi cố gắng duy trì một công ty không có nguồn lực trong tay.

Dưới đây là những câu chuyện chân thật được chia sẻ bởi chính những cá nhân tham gia vào thương vụ lịch sử năm 2006.

Thời điểm ký kết hợp đồng

Toàn cảnh của buổi ký kết không hoành tráng như công chúng kì vọng. Tất cả quy trình ký kết giữa ông Gideon Yu – CFO của YouTube và ông David Drummond – General Counsel của Google được thực hiện trên chiếc xe của ông Yu tại bãi đậu xe của nhà hàng Denny, California vào lúc 3 giờ sáng một ngày tháng 10 năm 2006. Dưới ánh sáng leo lắt của chiếc điện thoại Blackberry, hai bên từ tốn đọc từng trang của hợp đồng. Giữa quá trình ký kết, cả hai đã phải giải trình với một viên cảnh sát lí do cho một cuộc ký kết trên xe vào lúc tờ mờ sáng. Ông Yu buộc phải đưa bản hợp đồng mua lại YouTube trị giá 1,65 tỉ USD để thuyết phục viên cảnh sát rằng họ đang làm ăn hợp pháp.

“Chúng tôi không có đủ nguồn lực để chiến đấu với vấn đề bản quyền”

Sau khi ký hợp đồng, cả hai bên ra về nhưng cảm giác lo lắng vì bị “hỏi thăm” vẫn chưa nguôi. Hai bên công ty đều ăn mừng vì những niềm vui riêng. Google tràn đầy hy vọng vào YouTube, công ty con có giá trị nhất trong quá trìnn tăng trưởng của đế chế công nghệ này. Trong khi đó YouTube thở phào mừng rỡ vì nhận được sự đầu tư, nguồn lực dồi dào từ Google. Với một công ty chỉ 18 tháng tuổi cùng loạt nguy cơ về bản quyền, cơ sở hạ tầng của trang web, đó là một bước đổi đời.

Nhìn lại những phút “ngàn cân treo sợi tóc”

Những tháng trước ngày ký kết là chuỗi ngày chạy không ngừng nghỉ của đội ngũ YouTube. Vào thời điểm đó, công ty chỉ gồm một nhóm nhỏ được dẫn dắt bởi ông Steve Chen – Chief Technology Officier và Chad Hurley – CEO. Ông Yu Pan, kĩ thuật viên đồng thời là nhân viên đầu tiên tại YouTube chia sẻ với Business Insider rằng “Chúng tôi phát triển với tốc độ khủng khiếp. Lượt xem đều là những con số thuộc hàng khủng. Chúng tôi đã “đốt” sạch các ổ cứng hiện có của mình”.

Ông Gideon Yu, gia nhập công ty với vị trí CFO vào năm 2006 vẫn còn nhớ viễn cảnh mọi người phải năn nỉ tất cả các mối quan hệ của mình để mở rộng dung lượng máy chủ.

“Có một khoảng thời gian chúng tôi phải liên lạc với tất cả các nhà đầu tư và bạn bè của mình với nội dung email như sau “Xin chào, nếu bạn đang có bất kì server nào không dùng đến, xin hãy cho chúng tôi mượn.” – ông Yu kể lại. “Chúng tôi thật sự đã đến hỏi từng người bạn của mình tại các công ty công nghệ, thậm chí đến thẳng nhà riêng của họ với mục tiêu có càng nhiều server càng tốt”.

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Trụ sở chính đầu tiên là một văn phòng nhỏ nằm phía trên tiệm pizza Amici’s East Coast Pizzeria tại San Mateo, California. Nguồn: Katie Canales/Business Insider.

Mục tiêu hàng đầu của YouTube tại thời điểm đó là tránh đi vào vết xe đổ của Napster về vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, trang web tại thời điểm đó có vô số video sử dụng nhạc nền thuộc bản quyền của các hãng thu âm, hãng phim “lọt lưới” kiểm duyệt của đội ngũ nhân viên YouTube.

Theo ông Roelof Botha, người đồng hành cùng founder của YouTube từ những ngày đầu tại PayPal cũng là người thuyết phục công ty Sequoia Capital đầu tư vào YouTube cho biết: “Ông Steve không muốn “đứa con” của mình là một nền tảng chứa những nội dung vi phạm bản quyền. Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi đã làm việc với đội pháp lý và bắt đầu xây dựng đội ngũ kiểm duyệt nội dung. Bản quyền là vấn đề rất nhạy cảm, một khi bạn để hành vi vi phạm lọt lưới, điều đó có thể kéo danh tiếng của toàn bộ website xuống. Nếu không quyết liệt từ đầu, tình trạng này sẽ nhanh chóng “di căn” và huỷ hoại danh tiếng và hoạt động kinh doanh của công ty. Tại thời điểm đó, nguy cơ vi phạm bản quyền là một thử thách vô cùng lớn với YouTube”.

Sự việc nghiêm trọng đến mức Chad và Steve phải tự vấn rằng liệu vấn đề này có thật sự đáng để “sống chết” cùng công ty hay không. Tại thời điểm đó, đội ngũ YouTube không có đủ nguồn lực để “chống lại” các nội dung sử dụng nhạc bản quyền.

Bà Zahavah Levine, YouTube General Counsel và VP of Business Affair vẫn nhớ cảm giác kiệt sức của công ty tại thời điểm đó. Nhu cầu về nền tảng cơ sở hạ tầng quá cao và tài khoản ngân hàng của công ty cũng đang trong trạng thái lay lắt qua ngày. Phí bản quyền cho các bài nhạc lên đến hàng trăm triệu USD. Các công ty công nghệ liên tục “gõ cửa” và đưa ra đề nghị hợp tác với YouTube.

“Chúng tôi vẫn cố gắng hết mình tại thời điểm đó” – ông Yu cho biết – “Nhưng khi kết hợp tất cả yếu tố, việc huy động vốn là một điều vô cùng khó khăn. Nếu có huy động được nguồn tiền, ngay lập tức khoản tiền đó sẽ được dùng để nâng cấp cơ sở hạ tầng máy chủ và trả tiền cho các chủ IP khác. Có thể nói, chúng tôi kẹt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Quán bar sát bên văn phòng đầu tiên của YouTube. Nguồn: Katie Canales/Business Insider

Sau đó, đội ngũ YouTube có một buổi họp khá gay gắt với đại diện Universal Music về cáo buộc vi phạm bản quyền các bài hát thuộc quyền sở hữu của Universal Music. Kết thúc buổi họp, Chen và Hurley đã cùng nhau đi dạo và ghé vào quán bar bên cạnh văn phòng. Tại đó, họ đã cân nhắc bán công ty.

Theo lời của ông Yu, Chen và Hurley tại thời điểm đó đều cảm thấy quá tải với những cuộc họp về vấn đề vi phạm bản quyền. Họ cảm thấy rằng mọi việc đang đi quá xa với mục tiêu thành lập ban đầu – biến YouTube trở thành một sản phẩm tốt. Cả ba đã thảo luận về việc có nên tìm những công ty công nghệ lớn để bán lại công ty hay không. Những ông lớn về công nghệ có đủ nguồn lực để thương lượng với các bên và giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Sau khi tham khảo ý kiến từ các nhà đầu tư và hội đồng lãnh đạo của YouTube, công ty đi đến quyết định cuối cùng: bán lại YouTube.

Cuộc chiến đấu giá

Thương vụ bán lại YouTube diễn ra chỉ sau 3 tuần từ đêm định mệnh tại quán bar ấy. Công ty là một “miếng bánh” hấp dẫn với rất nhiều ông lớn như Microsoft, Viacom và News Corp. Sau một thời gian đấu giá khốc liệt, hai “đại gia” còn trụ lại là Yahoo và Google. 

“Lần đấu giá này được bảo mật vô cùng kĩ lưỡng. Chúng tôi siết chặt việc thông tin đến các bên, đề phòng khả năng rò rỉ tin tức. Một khi các công ty về bản quyền và các bên liên quan “nhúng tay” vào cuộc đấu giá này, YouTube sẽ có một kết cục không tốt đẹp” – ông Yu chia sẻ. Chen và Hurley đều không có hiểu biết chuyên sâu về tài chính. Họ đã tìm đến các nhà đầu tư của mình tại Sequoia để nhận lời khuyên về cách thương lượng các điều khoản trong hợp đồng. 

“Chúng tôi thường xuyên gọi pizza về và ăn tối cùng nhau tại nhà của tôi. Mọi người ngồi xung quanh chiếc bàn trà và Roelof Botha là người phụ trách đặt pizza. Thời điểm đó, chúng tôi biết Yahoo và Google đều đã nhìn rõ được điểm đặc biệt của YouTube mà họ khó có thể cạnh tranh được. YouTube như diều gặp gió khi nắm trong tay lợi thế cạnh tranh mà hai ông lớn khao khát có được” – ông Pierre Lamond, cựu đồng sự tại Sequoia chia sẻ.

Yu đã từng là “bảo bối” của Yahoo trước khi gia nhập YouTube. Ông đã gọi cho các đồng nghiệp cũ của mình và thông báo rằng họ có cơ hội tốt để mua lại công ty. Nếu Yahoo có hứng thú với thương vụ này thì cần tiến hành một buổi họp ngay lập tức. Điều diễn ra tiếp theo dù hơi khó tin nhưng đó chính xác là cách các bên thương lượng và ký kết hợp đồng cuối cùng. 

Để bảo mật thông tin một cách tối đa, nơi diễn ra buổi họp là tại nhà hàng Denny tại Redwood City, cách văn phòng YouTube 14 phút chạy xe. Trong ngày đầu tiên, Chen và Hurley đã gặp Larry Page và Eric Schmidt của Google. Ngày tiếp theo, họ đã có buổi họp với đại diện từ Yahoo. 

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Nhà hàng Denny tại Redwood City, California. Nguồn: Katie Canales/Business Insider.

Không lâu sau đó, Google đã đưa ra mức giá của mình. Tuy nhiên, theo ông Yu, đó là một lời đề nghị không hào phóng cho lắm. Cùng thời điểm đó, YouTube cũng đang làm việc với các hãng thu âm để tránh những vụ kiện tốn kém về vấn đề bản quyền. Vào tháng 9/2006, Bà Levine và Chris Maxcy – một trong những nhân viên đầu tiên phụ trách mảng phát triển kinh doanh của YouTube – đã ký hợp đồng thành công với Warner Music.

Bà Levine nhận định thương vụ với Warner Music là một hợp đồng có một không hai, cho phép YouTube quản lý và chia lợi nhuận quảng cáo từ các video do người dùng tải lên có sử dụng nhạc thuộc sở hữu của Warner.

Không ngủ quên trên chiến thắng, Bà Levine và Maxcy tiếp tục thương lượng 3 thương vụ với các công ty bản quyền nhanh nhất có thể. Vào ngày YouTube công bố thông tin về việc bán lại công ty, thông tin về 3 hợp đồng khác cũng được thông báo rộng rãi bao gồm: hợp đồng với đài CBS, cho phép YouTube phát các chương trình của đài này; hợp đồng với Universal Music và công ty tiền thân của Sony Music, cho phép YouTube đăng tải các MV của họ. 

Ông Yu cho biết: “Chúng tôi đã thương lượng giá bán lại cùng các điều khoản đi kèm với Yahoo và Google. Với hai bên, tôi đều cho họ thấy viễn cảnh đầy tiềm năng sau khi sở hữu YouTube để đẩy nhanh tiến độ thương lượng”. Trong lúc đó, bà Levine gần như chuyển đến sống tại văn phòng luật của YouTube. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, YouTube đã thực hiện một “bước tiến” để “chứng minh” tiềm năng phát triển của mình – mở rộng văn phòng tại San Mateo và lên kế hoạch chuyển trụ sở đến San Bruno. Ông Lamond đã tận dụng các mối quan hệ của mình với các lãnh đạo cấp cao tại The Gap để giúp họ cho thuê trụ sở cũ.

Kế hoạch chuyển văn phòng được chuẩn bị trong vài tháng, trước khi YouTube có quyết định bán lại công ty. Sự gấp gáp và chồng chéo này gây cho bà Levine không ít khó khăn khi phải cùng lúc lo các thủ tục pháp lý cho việc chuyển văn phòng và các thương vụ khác cùng với Maxcy.

“Chúng tôi thường phải ở lại văn phòng đến 2h sáng thứ Bảy, đóng dấu tất cả các hợp đồng và nhân viên vận chuyển liên tục dọn đồ ở đằng sau” – bà Levine chia sẻ - “Tôi nhớ trong lúc đang thương lượng với đại diện của Sony Music và đột nhiên điện thoại bị mất tín hiệu. Nguyên nhân là do một nhân viên chuyển đồ đã vô tình rút ổ cắm của hệ thống điện thoại và máy in ra. Chúng tôi phải vội hét lên rằng “Dừng lại ngay! Đừng rút ổ cắm các điện thoại và máy in này!””.

Cơ hội cuối cùng cho Google

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Bãi đỗ xe của nhà hàng Denny tại Redwood City, California. Nguồn: Katie Canales/Business Insider.

Vào đầu tháng 10/2006, YouTube đã gần ký được thoả thuận, nhưng không phải với Google. Theo lời ông Yu, YouTube lên kế hoạch cho một chuỗi các cuộc họp kéo dài cả ngày với Yahoo để đánh giá kỹ lưỡng các điều khoản và dự định sẽ ký hợp đồng vào cuối ngày hôm đó. 

Trước đó một ngày, họ quyết định cho Google một cơ hội cuối cùng. “Chúng tôi đã đặt Yahoo vào danh sách chờ và thuyết phục Google đưa ra mức giá cao hơn” – ông Lamond cho biết. Ông Yu sau khi được sự đồng thuận từ Hurley và Chen đã thương lượng với Google rằng “Nếu công ty các bạn đưa ra được mức giá này, chúng tối sẽ huỷ buổi họp với Yahoo”.

Đội ngũ YouTube đã đưa ra mức giá là 1,65 tỉ USD. Theo ông Botha, con số này lớn hơn 10% so với số tiền eBay bỏ ra để mua lại PayPal vào năm 2002. Google đã đồng ý với mức giá này và YouTube cho biết họ đã sẵn sàng để chốt hợp đồng. Dù vậy, họ vẫn giữ kế hoạch họp với Yahoo vào sáng hôm sau. Do đó, buổi ký kết giữa hai bên cần được diễn ra ngay lập tức. Drummond và Yu đã phải làm việc suốt đêm để soạn thảo hợp đồng mới với Google. 

Đó là lý do cho buổi ký kết gấp rút vào sáng sớm tại bãi đỗ xe của nhà hàng Denny – cách văn phòng YouTube 14 phút chạy xe và cách văn phòng Google 12 phút di chuyển. Sau khi ký kết thành công, YouTube đã gọi điện và huỷ cuộc hẹn với Yahoo. Phía Yahoo từ chối bàn luận về thương vụ với YouTube sau sự kiện này.

Khoảnh khắc “tim đập chân run”

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Trụ sở thứ hai của YouTube tại San Bruno, California. Nguồn: Katie Canales/Business Insider.

Thời gian từ lúc ký hợp đồng đến khi thông báo chính thức được tung ra chỉ vỏn vẹn 5 ngày. “Trước khoảnh khắc đặt bút ký hợp đồng, mọi tế bào thần kinh đều căng như dây đàn” – Ông Chen nhớ lại khoảnh khắc đó – “Chúng tôi đã ký được hợp đồng và chuyển bản thảo đến cơ quan pháp lý. Tôi lái xe với tốc độ 160 – 170 km/h đến văn phòng mới tại San Bruno và thông báo cho cả công ty”.

Một thông báo đơn giản, ngắn gọn, không rình rang. Ba thành viên gồm ông Larry Page, Sergey Brin, và Eric Schmidt trực tiếp đến trụ sở mới tại San Bruno để thông báo với Hurley và Chen.

Ông Jamie Byrne, thành viên gia nhập YouTube vào tháng 6/2006, giữ vị trí Director of Ad Sales và là cựu Senior Director of Creator Partnership đã miêu tả khoảnh khắc đó là “giây phút vô thực, chấn động”.

“Tôi nghĩ điều khiến chúng tôi vui hơn đó là Google Video là đối thủ của YouTube tại thời điểm đó. Một sự thật đáng mừng là hiện tại chúng tôi đã nhận được những lợi thế không thể ngờ về cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ từ Google; cảm giác tự hào khi thành công đàm phán với một đối thủ lớn trong ngành và vẫn duy trì sự thành công của mình” – Ông Byrne chia sẻ.

Chỉ một số ít nhân viên nhận được thông tin về thương vụ thế kỷ, những người còn lại chỉ nghĩ ngày tiếp theo đi làm tại văn phòng mới. Do vậy, khi thông tin được lan truyền rộng rãi, phần lớn nhân viên đều ăn mặc khá xuề xoà, sẵn sàng cho việc sắp xếp chỗ ngồi mới. Toàn thể công ty chỉ đơn giản uống một vài ly chúc mừng và không có một tấm ảnh kỷ niệm nào về sự kiện “đổi đời” này. 

Ông Byrne nhớ rằng đội ngũ chỉ ghi lại một đoạn video ngắn Hurley và Chen chia sẻ cảm nghĩ được quay tại bãi gửi xe vào ngày công bố thương vụ mua lại của Google. Trong video, Hurley và Chen chỉ mặc trang phục đơn giản, thông báo về hợp đồng mua lại, gửi lời cảm ơn đến cộng đồng creator. 

“Chúng tôi sẽ giữ vững cam kết của mình để mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, luôn phát triển những dịch vụ cải tiến nhất, những công nghệ và công cụ mới để họ có những trải nghiệm vui vẻ trên trang web của chúng tôi” – Hurley chia sẻ trong đoạn video.

“Một bước tiến lớn”

Mọi thứ không thay đổi quá nhiều với đội ngũ YouTube sau khi hai bên hoàn tất toàn bộ quá trình chuyển giao vào tháng 11. Từ thời điểm đó đến hiện tại, YouTube vẫn hoạt động độc lập tại văn phòng ở San Bruno.

Chen rời YouTube và gia nhập vào Google trong năm 2009 sau đó rời Google sau hai năm làm việc. Hurley vẫn đảm nhiệm vai trò CEO đến năm 2010 và vị trí này được trao lại cho ông Salar Kamanger của Google. Chen cho biết ông và Hurley đã bàn đến việc hợp tác cùng nhau trong những dự án khác. Năm 2011, họ cùng nhau thành lập công ty Internet AVOS Systems.

Những nhân viên đời đầu của YouTube chỉ cảm nhận được một khác biệt nhỏ trong cuộc sống của họ vào những ngày đầu sau thương vụ tỉ USD: Google đã đặt một cửa hàng tiện lợi mini của họ tại văn phòng của YouTube. Nhân viên có thể sử dụng kẹo, thức ăn nhẹ và nước ngọt có ga miễn phí. Từ đó, các nhân viên đều đồng ý là các bữa ăn nhẹ tại công ty đã được cải thiện. Trước đó, tại văn phòng cũ mọi người đều chỉ ăn mì gói và bánh mì sandwich mua ngoài. Theo ông Gideon Yu, đó là “một bước tiến khá lớn”.

Chuyện chưa kể về thương vụ thâu tóm YouTube trị giá 1,65 tỉ USD của Google

Trụ sở chính hiện tại của YouTube tại San Bruno, California. Nguồn: Katie Canales/Business Insider.

Google đã “hứa” sẽ để YouTube duy trì các hoạt động kinh doanh hiện tại, không can thiệp và để công ty phát triển theo định hướng ban đầu, đồng thời tiếp tục nuôi dưỡng cộng đồng creator mà YouTube đã xây dựng. Google đã làm đúng cam kết đó.

“Mọi người có thể nghe về những viễn cảnh ác mộng của các công ty sau khi sáp nhập, mua lại nhưng YouTube không nằm trong số đó”. Ông Kevin Donahue, YouTube Vice President of Content tại thời điểm đó cho biết.

Dù thuộc quyền sở hữu của ông trùm công nghệ nhưng Chen và Hurley vẫn nắm quyền kiểm soát và điều hành YouTube. Họ dùng chung một văn phòng và giao việc cho các nhân viên mới từ Google. Chen cho biết, ông chỉ cần Google đảm bảo cam kết cung cấp lưu lượng truy cập theo kịp sự phát triển thần tốc của YouTube như thoả thuận từ trước.

Mối lo ngại lớn nhất từ sự mua lại này là hợp nhất YouTube và Google Video thành một và cùng phát triển trong tương lai. “Việc này tương tự với việc bắt tay kẻ thù lớn nhất của bản thân và hiện tại chúng tôi buộc phải trở thành đồng minh của nhau” – ông Chen cho biết. “Nghe có vẻ kỳ quặc lúc đầu nhưng đơn giản chỉ là hợp nhất hai team Google Video và YouTube lại với nhau”.

Theo thời gian, như mọi công ty start-up sau quá trình sáp nhập và mua lại, đã có những thay đổi lớn diễn ra. YouTube dần không còn là một công ty “gia đình” mà trở thành một công ty trị giá tỉ USD thuộc một trong những tập đoàn lớn nhất hành tinh. 

Ông Botha, cộng sự từ công ty Sequoia, người đồng hành cùng YouTube từ những ngày đầu, đã cảm thấy bỡ ngỡ khi trở lại công ty với những gương mặt hoàn toàn xa lạ. “Tôi bước vào và họ đã thay toàn bộ nhân sự. Họ có lễ tân mới. Tôi cảm thấy mình như kẻ ngoại đạo và hơi sốc. Lúc đó, tôi hoàn toàn nhận thức rõ rằng nơi đây đã trở thành một công ty của Google” – ông chia sẻ.

Thu Nga / Brands Vietnam
*Nguồn: Business Insider