Vòng Chung kết Young Marketers 10: Khi Marketing không chỉ là câu chuyện riêng của ý tưởng
Sau hơn 4 tháng tranh tài từ hơn 1.024 thí sinh tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, tối ngày 28/01 vừa qua, cuộc thi Young Marketers mùa thứ 10 đã chính thức về đến đích. Thật khó cho những người đóng vai trò cầm cân nảy mực tại vòng Chung kết của cuộc thi, khi cả ba ý tưởng tới trước vòng này đều thể hiện sự đột phá trong cách tiếp cận và táo bạo trong việc đề xuất giải pháp.
Điểm mới của cuộc thi Young Marketers mùa thứ 10 – mùa đặc biệt đó là lần đầu tiên, Top 3 chung cuộc có cơ hội được triển khai thí điểm ý tưởng của mình. Không còn chỉ là bản kế hoạch được viết ra trên giấy, năm nay, các thí sinh sẽ được trực tiếp đo lường tính hiệu quả cho giải pháp của mình thông qua sự bảo trợ chuyên môn từ Đường dây nóng Ngày mai, hỗ trợ từ Agency Dentsu Redder – Creative Agency of The Year nhiều năm liền tại Việt Nam và ngân sách do Young Marketers tài trợ.
Chướng ngại lớn nhất mà các bạn phải đối mặt tại vòng Chung kết là phải thuyết phục được Hội đồng Ban giám khảo rằng giải pháp và ý tưởng của mình có khả năng gây được sự chú ý, thực tế và dễ dàng triển khai ở quy mô thí điểm lẫn trong tương lai.
Về việc đánh giá vòng thi Chung kết, bên cạnh những gương mặt gạo cội uy tín trong ngành Marketing còn có đại diện của Đường dây nóng Ngày mai, cùng các anh chị có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, giải quyết các vấn đề xã hội, tâm lý học con người:
- Anh Hùng Võ – Jury Chair, Founder (Young Marketers), Young Advisory Board (Fulbright), Chief Marketing & Growth Officer (Giao Hàng Tiết Kiệm), Founder & CEO (Dentsu Redder), Founding Board Member (Embassy Education), APAC Top 50 Asia CMO 2021
- Anh Đặng Hoàng Giang – PhD, Best Seller Author, Founder (Đường dây nóng Ngày mai)
- Chị Phạm Nhã Uyên – Former Head of Marketing (Coca-Cola Indochina), General Manager (Provence Vietnam)
- Anh Bình Bồng Bột – Nhà biên kịch của các bộ phim nổi tiếng: “30 chưa phải là Tết”, “Tiệc trăng máu”, “Trạng Tí”…
- Chị Vũ Phi Yên – Tiến sĩ, Bác sĩ, Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, Huấn luyện viên tâm lý tại Better Living
Bối cảnh
Tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã dấy lên nỗi căng thẳng và hoang mang tâm lý trong cộng đồng. Dịch bệnh bất định làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, mất kết nối kéo dài, gây ra nỗi đau mất người thân, gánh nặng việc làm, sự bất an về tương lai… Những vấn đề về sức khoẻ tinh thần ở Việt Nam vốn là tảng băng chìm và chưa được đặt nặng trước đây, nay đã trồi lên mặt nước và thật sự cần những giải pháp.
Các báo cáo chỉ ra rằng:
- Tỷ lệ các triệu chứng lo âu và trầm cảm đã tăng đáng kể trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ với mức độ nghiêm trọng cao hơn người lớn từ 30-80%.
- 1/3 người trẻ Gen Z thừa nhận họ bị tổn thương tâm lý do cảm xúc cô đơn mang lại.
- Chỉ có chưa tới 52% đáp viên chọn dành thời gian giãi bày cùng người thân và bạn bè để chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mình.
Bước qua một mùa đại dịch, đa số – đặc biệt là người trẻ, nhận ra rằng họ thực sự thiếu hụt những mối quan hệ ý nghĩa, những kỹ năng giao tiếp cần thiết và thiếu khả năng về làm chủ tâm trí, cảm xúc, để có thể nhận ra và giúp đỡ chính mình và người thân vượt qua những khủng hoảng về tâm lý. Đã tới lúc mỗi người cần học cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần của chính mình và quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của người khác.
Bài dự thi 1. MindGym – Thể dục tinh thần (Nguyễn Văn Tuyền – Học viện Ngoại giao Hà Nội)
Insight
“Tôi tin rằng thử thách khiến chúng ta thêm mạnh mẽ. Nhưng, sự thật là phải chuẩn bị cho bản thân một tâm thế vững chãi mới là cách tốt nhất để vượt qua mọi khó khăn”
Thí sinh Nguyễn Văn Tuyền tìm thấy insight của mình qua câu chuyện được chia sẻ trong cuốn sách Đại Dương Đen, trong đó tác giả Đặng Hoàng Giang có viết rằng:
“Có thể hình dung khả năng chịu đựng stress của mỗi người là một cái thùng. Người có khuynh hướng trầm cảm cao là người mà trong thùng đã có sẵn nhiều thân gỗ... Anh sẽ không còn nhiều chỗ cho những sự kiện gây áp lực mới trước khi cái thùng của anh đầy” – trích Đại Dương Đen, NXB Hội Nhà Văn.
Dựa vào đó, anh Tuyền đã phát triển insight (sự thật ngầm hiểu) của chiến dịch theo định hướng “Phòng còn hơn chữa” – tập trung vào việc tác động đến đối tượng mục tiêu, nói ra các vấn đề của mình trước khi “chiếc thùng gỗ” bị làm đầy quá mức.
Ý tưởng lớn
Chiến dịch MindGym – Thể dục tinh thần được ra đời, khuyến khích các bạn trẻ tập đối diện và nói ra các vấn đề của mình, mà Đường dây nóng Ngày mai sẽ “luôn ở đó” đồng hành và lắng nghe.
Triển khai
Thông qua sự hỗ trợ từ các đơn vị truyền thông cũng như micro-influencer, cùng với sự quyết liệt trong khâu thực thi nhằm biến ý tưởng thành hiện thực nên chiến dịch của anh Tuyền nhận được khá nhiều sự đón nhận từ đối tượng mục tiêu.
Chiến dịch thí điểm diễn ra trong khoảng 2 tuần với 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1 (26/12/2021 – 02/01/2022): Triển lãm phòng Gym tâm trí
- Mục tiêu: Giúp đỡ người tham gia đối diện và dọn dẹp những vướng bận của năm cũ, hướng về một năm mới khoẻ mạnh và an lành hơn
- Hoạt động chính: Soi chiếu vấn đề của các cá nhân đã bày tỏ câu chuyện và vấn đề thông qua hoạt động viết, vẽ tương tác
- Giai đoạn 2 (02/01/2021 – 09/01/2022): Thử thách TikTok #LuônỞĐó
- Mục tiêu: Lan toả ý nghĩa của Đường dây nóng Ngày mai, sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia và đồng hành cùng người trẻ
- Hoạt động chính: Lan toả thông qua KOLs, thúc đẩy người tham gia tự sáng tạo nội dung trên nền nhạc do chiến dịch sáng tác
Điểm nhấn của chiến dịch là bài hát tự sáng tác Luôn Ở Đó. Bài hát thực sự chạm đến đối tượng mục tiêu và cổ vũ họ can đảm nhấc máy gọi tới Đường dây nóng Ngày mai.
Kết quả
- Phòng Gym Tâm Trí
- 432+ lượt đăng ký
- 500+ lượt tham gia
- 10.000+ phút thăm quan và suy nghĩ sau trong 2 ngày
- 414+ câu chuyện được kể lại
- Thử thách TikTok #LuônỞĐó
- 50.200+ lượt tương tác
- 512.400+ lượt xem
- Media
- 01 đơn vị báo chí đồng ý đồng hành tham gia
- 20+ đơn vị cá nhân tham gia hỗ trợ truyền thông
- 180.000+ lượt tiếp cận
Đây thực sự là kết quả khá ấn tượng với một chiến dịch mà ngân sách chỉ vỏn vẹn 45.000.000 VNĐ. Tuy vậy, đã có nhiều câu hỏi được Ban giám khảo đặt ra nếu kế hoạch được phát triển và tiếp tục triển khai trong tương lai.
Anh Đặng Hoàng Giang nhận xét: “Đây là một sản phẩm chỉn chu từ ý tưởng tới triển khai, ngay cả bản báo cáo của bạn cũng cho thấy bạn rất tâm huyết với công việc của mình. Về mặt chuyên môn, ẩn dụ của bạn về phòng gym cũng khá phù hợp và nêu được vai trò của Đường dây nóng Ngày mai là người đồng hành, chứ không phải người giải quyết vấn đề của người trầm cảm”.
Chị Phạm Nhã Uyên cho rằng: “Ý tưởng của bạn rất tích cực, không làm vấn đề trầm cảm thêm nặng nề. Phần triển khai rất chỉn chu, chu đáo, thấy được nỗ lực, tâm huyết của bạn và kêu gọi được nhiều bên tham gia cùng. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào các hoạt động offline khiến cho mục tiêu tăng nhận thức của bạn dường như bị đuối”.
Bài dự thi 2. Mental Sound (Nguyễn Thị Xuân – Đại học Ngoại thương Hà Nội)
Bằng sự quan sát kỹ lưỡng, thí sinh Nguyễn Thị Xuân đã phát hiện ra một mâu thuẫn chưa được giải quyết bởi WHO là phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp người trầm cảm điều trị và hồi phục chính là chia sẻ với những người họ tin tưởng. Thế nhưng, sự hiểu biết mơ hồ về trầm cảm của những người thân cận nhất với người bệnh đã khiến việc chấp nhận và chia sẻ trở nên khó khăn.
Insight
“Tôi không hiểu rõ tình trạng của chính mình. Tôi sống trong những suy nghĩ rối bời mà chẳng thể gọi tên những cảm xúc này. Điều đó khiến tôi không biết làm cách nào để giải thoát, và tôi cũng không biết phải làm sao để mọi người có thể hiểu cho mình”
Việc động viên, khuyến khích người trẻ suy nghĩ tích cực sẽ không giúp họ giải quyết các vấn đề của trầm cảm một cách thực tế, hiệu quả. Do đó, chiến dịch cần tiếp cận trầm cảm dưới góc nhìn thực tế, gần gũi, nhằm tạo cơ hội để người trẻ dũng cảm đối diện và tiếp cận những giải pháp phù hợp cho vấn đề của chính mình.
Nâng cao nhận thức là chìa khoá để đường dây nóng không còn “lạnh”.
Ý tưởng lớn
Lấy cảm hứng từ nhịp tim bất thường của người bệnh trầm cảm, Đường dây nóng Ngày mai đã thực hiện một bản nhạc đặc biệt mang tên “Mental Sound” nhằm giúp người trẻ tự do sáng tạo, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn về trầm cảm của chính mình.
Cơ sở khoa học
Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất với các bệnh lý thường gặp như tim mạch, xương khớp, ung thư, hen suyễn, tiểu đường... Có đến 40% người bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, từ đó tạo nên nguy cơ tử vong do suy tim và đột quỵ. Các nghiên cứu và thử nghiệm chỉ ra rằng người bệnh trầm cảm có nhịp tim bất thường so với người khoẻ mạnh, được thể hiện ở hai xu hướng cao hơn và thấp hơn rõ rệt so với người khoẻ mạnh.
Triển khai
Chiến dịch gồm 2 sản phẩm chính:
- 01 MV chính thức được sáng tạo trên nền nhạc
- 01 beat giúp người trẻ tự do sáng tạo với thông điệp của chiến dịch
Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng sinh viên, người trẻ khắp hai miền Nam – Bắc, trong vòng 10 ngày triển khai, chiến dịch đã lan toả thông điệp đến 830.000+ Gen Z trên khắp Việt Nam, phần lớn tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Mục tiêu:
Nâng cao nhận thức về trầm cảm đối với Gen Z tại Việt Nam, khiến những người trẻ từ phủ nhận, không dám dũng cảm đối mặt với cảm xúc của mình có cơ hội nhìn lại những vấn đề, nỗi đau, từ đó chia sẻ về câu chuyện của mình với người thân, và xa hơn là cộng đồng.
Triển khai:
Được triển khai chỉ trong vòng 10 ngày, cùng với nguồn ngân sách 2.000 USD, Mental Sound cần lựa chọn những kênh tiếp cận phù hợp nhằm đạt được mục tiêu và tạo hiệu ứng lan toả hiệu quả cho chiến dịch.
Nhằm giúp chiến dịch tiếp cận các đối tượng một cách tự nhiên, hiệu quả, bên cạnh nền tảng chinh là Fanpage “Đường dây nóng Ngày mai”, Mental Sound cần đến sự hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân – nơi thu hút tập đối tượng tiềm năng. Những hình thức hợp tác đã được chú trọng phát triển đa dạng, sáng tạo, nhằm tạo nên những định dạng nội dung phong phú, chất lượng, có giá trị bền vững ngay cả sau khi chiến dịch kết thúc.
Những tác phẩm sáng tạo:
Dựa trên nền nhạc chủ đạo của Mental Sound, các bạn trẻ từ Music Club và The Glam đã cùng nhau sáng tạo hàng loạt tác phẩm mới mẻ. Nội dung của các tác phẩm xoay quanh chủ đề của chiến dịch. Các bạn trẻ có thể tự do thể hiện quan điểm của mình về trầm cảm cũng như chia sẻ những nỗi niềm của chính mình. Với các hình thức thể hiện sáng tạo: hát, rap, đàn ghita..., những tác phẩm này đã được cộng đồng sinh viên đón nhận và lan toả tích cực.
Các tác phẩm đồng thời được chia sẻ trên những nền tảng đa dạng như Fanpage chính thức, Facebook cá nhân, TikTok cá nhân... của các bạn sinh viên tham gia hỗ trợ.
Bên cạnh nền tảng chính là âm nhạc, Mental Sound đã phối hợp cùng TeamX Hà Nội sáng tạo bộ ảnh đặc biệt với chủ đề “Cái bóng” – câu chuyện “ngại” cất lời, không dám chia sẻ của những người trẻ nhiều đam mê, hoài bão.
Cùng với đó, Mental Sound đã xuất hiện trên chuyên mục “Đồng sáng tạo” tại hệ thống trang tin Urbanist Vietnam, với những chia sẻ của đội ngũ sáng tạo về thông điệp, câu chuyện của chiến dịch. Trang tin là nơi đưa Mental Sound tiếp cận hàng ngàn đối tượng độc giả tiềm năng – những bạn trẻ yêu nghệ thuật, âm nhạc.
Kết quả
- 300+ organic view mỗi ngày
- 13.200+ lượt xem music video
- 200+ lượt chia sẻ
- 830.000+ lượt tiếp cận
Mental Sound nhận được sự hưởng ứng, hỗ trợ tích cực từ cộng đồng người trẻ với cách truyền tải thông điệp sáng tạo, hấp dẫn. Nhờ có hình thức truyền tải độc đáo, chiến dịch đã nhận được sự hỗ trợ của các nghệ sĩ indie, micro-influencers... Những hoạt động của chiến dịch cũng là nơi các bạn trẻ để lại tâm tư, suy nghĩ về câu chuyện của chinh mình.
Anh Bình Bồng Bột và chị Vũ Phi Yên đều cho rằng cách tiếp cận của thí sinh Xuân rất sáng tạo. Tuy nhiên, trong khi anh Bình lo ngại ý tưởng chưa cho thấy đây là một hướng tiếp cận lâu dài, bền vững thì đối với chị Yên, tone và mood nhạc của thí sinh khá “sợ”. Điều này có thể dẫn đến hai trường hợp: một là khi tác động mạnh tới người nghe thì có thể thúc đẩy họ gọi tới Ngày mai, hai là trường hợp ngược lại, kéo tâm trạng của người nghe xuống cực độ, và nếu xảy ra trường hợp tệ hơn thì ai là người sẽ cấp cứu và cấp cứu thế nào? Đây là điều thí sinh cần cân nhắc khi triển khai ở mức độ rộng hơn. Và chị Yên gợi ý thí sinh nên tham khảo tính chuyên môn về trị liệu bằng âm thanh (music therapy).
Chị Phạm Nhã Uyên nhận xét: “Ý tưởng về một sản phẩm âm nhạc rất phù hợp với đối tượng mục tiêu là Gen Z. Và cũng giống như thí sinh Tuyền, bạn có khả năng tổ chức tốt khi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cộng đồng khác nhau cho một sản phẩm tử tế. Tuy nhiên, bạn có hơi ‘tham’ khi giới thiệu thêm ‘chiếc bóng’, thay vì nên nhất quán với ý tưởng sản phẩm âm nhạc của mình (mental sound)”.
3. Bài dự thi Tiệm Ký Gửi Cảm Xúc (Nguyễn Hữu Thành – Đại học Ngoại thương Hà Nội)
Gây ấn tượng mạnh với Hội đồng Ban giám khảo tại vòng thứ 2 của cuộc thi khi anh Thành chia sẻ muốn biến ý tưởng ban đầu của Tiệm Ký Gửi Cảm Xúc là Cửa Hiệu Tự Sát thành hiện thực. Tuy nhiên, anh Đặng Hoàng Giang góp ý rằng thực tế không chỉ dừng lại ở câu chuyện ý tưởng mà còn là sự cẩn thận, chuẩn chỉ trong từng câu chữ sử dụng, bởi những điều đó dù có thể giúp một số người, nhưng cũng có thể để lại trong tâm trí và ảnh hưởng tiêu cực tới người khác chứ không dễ dàng biến mất như “lời nói gió bay”.
Insight
Người trẻ gọi trầm cảm là bệnh, nhưng người mắc trầm cảm lại không được đại đa số cộng đồng gọi là bệnh nhân cần sự chăm sóc đặc biệt, mà cho rằng mệt mỏi là làm biếng, khóc là làm quá, lẩn trốn là vô trách nhiệm…
Cái mác vô hình của sự “không bình thường” ấy ngăn cản người mắc trầm cảm được nói, được nghe và được hiểu.
Anh Thành đã phân tích kỹ 2 nhóm đối tượng là The Sad Skip-er và The Sad Lover.
Khi The Sad Skip-er biết họ đang có tâm trạng tồi tệ, nhưng đồng thời họ cũng cho rằng tất cả những cảm giác này chỉ đơn giản là nỗi buồn trong chốc lát và không muốn nghĩ tới nó, hay muốn nó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình.
Còn đối với The Sad Lover, anh Thành nhận định họ hoàn toàn nhận thức được nỗi buồn của mình, nó đồng hành với họ mỗi ngày. Vấn đề của họ là không thể làm cho mình mỉm cười. Không ai có thể hiểu được nỗi buồn kỳ quặc của họ ngay cả khi đã cất tiếng chia sẻ.
Điểm chung của cả hai nhóm này là sự nhận thức về trầm cảm là một điều gì đó bất thường.
Ý tưởng lớn
Với lời hứa luôn ở đó lắng nghe mọi câu chuyện, anh Thành muốn Đường dây nóng Ngày mai tiến thêm một bước dài hơn về phía người trẻ, và truyền cảm hứng về ý tưởng “bình thường hoá” cảm xúc. Sẽ ra sao, nếu có một “cửa tiệm” vận hành trên “đơn vị tiền tệ nỗi buồn”, ở đó, mọi cảm xúc dù là khác biệt nhất đều có giá trị riêng và được trân trọng. Đó là lý do ra đời Tiệm Ký Gửi Cảm Xúc – một nơi mà người ta được phép gói ghém, ký gửi những cảm xúc không tên để cùng tìm ánh sáng vào ngày mai.
Cửa tiệm thổi điều ý nghĩa vào những điều dị biệt nhất, là sự kết nối, sự thấu hiểu sẻ chia như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng với những người trẻ Sad Skip-er (người trẻ biết mình buồn nhưng chưa nói).
Triển khai
Ý tưởng được triển khai một cách tinh gọn, tập trung vào nâng cao nhận thức thông qua quảng cáo trên các nền tảng số, micro-influencer, để rồi dẫn người dùng về micro-site: https://www.tiemkyguicamxuc.shop, nơi mà mọi người được chia sẻ, trao đổi cảm xúc nhằm mục tiêu truyền tải thông điệp “Trầm cảm không dị thường”.
Kết quả
- 1.200.000+ lượt hiển thị qua quảng cáo
- 600.000+ lượt hiển thị qua các kênh cộng đồng, micro-influencer
- 1034+ lượt truy cập micro-site
- 60+ tin nhắn trên micro-site
Chị Vũ Phi Yên nhận xét: “Insight khiến tôi hơi giật mình một chút bởi thỉnh thoảng cách bạn dùng từ ngữ gây khó chịu với người tiếp cận. Với tôi, insight này không chính xác lắm. Ví dụ như gọi các bạn trầm cảm là The Sad Lover thì họ đâu có yêu thích nỗi buồn đâu? Tại sao em lại đặt như vậy? Có một câu em khẳng định trong một slide đó là: ‘Connecting to inner emotions can't help’. Ý này là chưa đúng. Chúng ta không thể khẳng định như vậy được. Nếu bạn dùng tương đối: ‘Chỉ connect không thôi là chưa đủ để giúp được’ thì còn có thể chấp nhận. Nếu bạn tiếp tục muốn phát triển ý tưởng Tiệm Ký Gửi Cảm Xúc thì cần phải điều chỉnh một số hiểu biết của bản thân về bản chất của trầm cảm. Bạn đang thể hiện những hiểu lầm của xã hội về trầm cảm nên insight của bạn không đúng ngay từ gốc”.
Anh Đặng Hoàng Giang cho rằng: “Câu hỏi lớn nhất tôi muốn đặt cho Thành là vai trò của Đường dây nóng Ngày mai ở đâu trong chiến dịch? Tại sao người ta cần tới Ngày mai khi đã có Tiệm Ký Gửi Cảm Xúc? Về mặt triển khai, dường như Thành đang bị đuối hơn so với 2 bạn còn lại khi không tận dụng được nguồn lực từ nhiều bên để hỗ trợ chiến dịch, nên cách triển khai của bạn khá đơn giản đối với chiến dịch của mình”.
Chị Phạm Nhã Uyên, anh Hùng Võ và anh Bình Bồng Bột cùng đồng ý rằng: “Ý tưởng light-hearted và cho người nghe có cảm giác bạn có thể mở rộng ra nhiều nền tảng khác để triển khai thậm chí có thể lên sàn thương mại điện tử. Thiết kế hình ảnh nhẹ nhàng, gần gũi với người xem. Tuy nhiên, hoạt động của Thành rất mỏng, vẫn chỉ loanh quanh Facebook, micro-site và mang tính cá nhân nhiều hơn, không có sự hỗ trợ từ cộng đồng”.
Đứng trên vai trò đại diện của Đường dây nóng Ngày mai, anh Đặng Hoàng Giang muốn gửi lời cảm ơn tới Young Marketers và các bạn thí sinh năm nay vì mọi người đều dành rất nhiều tâm huyết trong công việc của mình để cộng đồng có thể hưởng lợi nhiều từ đây, khi mà sức khoẻ tinh thần hay vấn đề trầm cảm tại Việt Nam được mọi người biết tới, quan tâm đúng mực hơn, và đặc biệt là những người trầm cảm cảm thấy được bên cạnh, được lắng nghe thay vì cô đơn và mặc cảm.
Cuối cùng, cả 3 thí sinh đã hoàn thành tốt bài làm của mình trong cả hành trình này. Ban giám khảo cũng đã có kết quả chung cuộc của cuộc thi Young Marketers 10:
Đồng Á quân 1: Nguyễn Văn Tuyền – Học viện Ngoại giao Hà Nội; Nguyễn Thị Xuân – Đại học Ngoại thương Hà Nội
Á quân 2: Nguyễn Hữu Thành – Đại học Ngoại thương Hà Nội
Phần thưởng lớn nhất cho các bạn thí sinh là khoá học Young Marketers Elite Development Program Season 9, kéo dài hơn 9 tháng với lượng kiến thức tập trung và chuyên sâu về Marketing và các vấn đề về tương lai, được hướng dẫn trực tiếp bởi các anh chị marketer đầu ngành, các chuyên gia đa lĩnh vực tại Việt Nam và trên thế giới. Khoá học hứa hẹn sẽ nuôi dưỡng tài năng không chỉ về lối tư duy Marketing mà còn có trách nhiệm trong việc xây dựng những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Young Marketers – Building The Future Purposeful Marketing Leaders since 2013:
Cuộc thi Young Marketers 10 là một phần của hành trình Building The Future Purposeful Marketing Leaders của Young Marketers – bên cạnh Young Marketers Elite Development Program, với Brands Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, Advertising Vietnam và Goldsun Focus Media là đối tác truyền thông từ 2018, cùng với sự đồng hành của Đường dây nóng Ngày Mai.