TenMax: Chuỗi bán lẻ Walmart tiến quân vào NFT, TikTok công bố báo cáo ROAS & Creators

TenMax: Chuỗi bán lẻ Walmart tiến quân vào NFT, TikTok công bố báo cáo ROAS & Creators

Tiêu điểm nổi bật: Walmart tham vọng tiến quân vào NFT, triển khai crypto; Meta, Microsoft tăng tốc phát triển cuộc đua vũ trụ ảo; TikTok công bố báo cáo về ROAS, Creators; Quảng cáo programmatic podcast vẫn còn gặp nhiều hạn chế.

1. Walmart tham vọng tiến vào NFT, triển khai crypto

Trong khoảng thời gian trở lại đây các nhà bán lẻ truyền thống có quy mô lớn đều hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ để xây dựng Retail Media Network (RMN) của riêng mình. Chuỗi siêu thị bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart cũng không ngoại lệ khi liên tục đưa ra những chiến lược đổi mới để cạnh tranh với đối thủ Amazon. Từ năm 2020, Walmart đã bắt đầu thiết lập hệ thống RMN và gần đây nhất là tiết lộ kế hoạch triển khai tiền ảo (cryptocurrency) và NFT (non-fungible token).

Nguồn: Walmart

Theo bài viết của Bloomberg ngày 17/1/2022, Walmart vào cuối năm ngoái đã nộp đơn đăng ký bảo hộ một loạt các nhãn hiệu mới của mình cho USPTO (Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ) gồm AR, VR, tiền ảo… cho thấy công ty đang chuẩn bị “bài binh bố trận” cho mảng kinh doanh thế giới ảo. Người đại diện phát ngôn của Walmart chia sẻ rằng họ không ngừng tìm kiếm những công nghệ mới để tạo ra các trải nghiệm mua sắm phù hợp trong tương lai; đồng thời sẵn sàng phát triển cơ chế thanh toán bằng tiền ảo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, ngành hàng thời trang như adidas đã bán ra hàng chục nghìn NFT; Nike mua lại thương hiệu giày ảo RTFKT để tăng tốc cuộc chơi; hoặc Gucci, Balenciaga cũng đã nhanh chóng tung ra những sản phẩm ảo của riêng mình.

2. Meta, Microsoft cùng tăng tốc phát triển cuộc đua vũ trụ ảo

Sau hơn 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Meta vào đầu tháng 12 năm ngoái đã chính thức tung ra nền tảng xã hội vũ trụ ảo đầu tiên với tên gọi Horizon Worlds (trong giai đoạn beta), dành riêng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại thị trường Mỹ và Canada. Người dùng có thể sử dụng thiết bị Oculus Rift S hoặc Oculus Quest 2 để tương tác (giao lưu, chơi game, tạo vật phẩm…) cùng lúc tối đa với 20 người. Meta hy vọng trong tương lai sẽ tổ chức nhiều sự kiện ảo quy mô lớn, hoặc doanh nghiệp có thể tạo ra các văn phòng ảo ngay trên nền tảng Horizon Worlds. 

Nguồn: Meta Quest 

Bên cạnh đó, nỗ lực của Microsoft trên chặng đường metaverse với vạch xuất phát “enterprise metaverse” hướng về doanh nghiệp, sau đó sẽ dần mở rộng sang các loại hình trò chơi giải trí. Vào tháng 11/2021 Microsoft đã tích hợp Teams vào nền tảng Mesh, giúp những cuộc họp video và trò chuyện khi làm việc tại nhà trở nên sống động và chân thực hơn. 

Yếu tố gaming được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu mà người dùng quyết định tham gia vào nền tảng vũ trụ ảo, do đó bối cảnh trong game trở thành một trong những dự án quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái vũ trụ ảo. 

Vì vậy, Microsoft đã tích cực mua lại Activision Blizzard – nổi tiếng với những trò chơi kinh điển như StarCraft, World of Warcraft, Diablo, Call of Duty và Candy Crush. Đây được xem là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Microsoft, giúp Microsoft trở thành nhà sản xuất game đứng thứ ba xét về doanh thu, chỉ sau Tencent và Sony. Việc mua lại Activision Blizzard giúp Microsoft tăng tốc cuộc đua không chỉ ở mảng game di động mà còn ngay trên nền tảng metaverse. 

Nguồn: XBOX

3. TikTok công bố báo cáo về ROAS, Creators

Năm 2021, TikTok không chỉ đạt những con số ấn tượng như hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, 3 tỷ lượt tải về toàn cầu, mà còn “đánh bại” Google và đoạt luôn ngôi vị quán quân về lưu lượng truy cập toàn cầu. Kể từ khi xuất hiện trên thị trường, TikTok không ngừng tăng cường hoạt động kinh doanh quảng cáo, kết nối quan hệ giữa creators và các nhãn hàng, thương hiệu, nhằm đẩy nhanh sự phát triển và khai thác tối đa các tiềm năng kinh doanh trên nền tảng.

Vào đầu năm nay, TikTok đã phát hành báo cáo dữ liệu, chủ yếu xoay quanh ngành hàng tiêu dùng đóng gói (Customer Packaged Goods – CPG). Báo cáo được uỷ quyền cho bên thứ ba là Nielsen và NCSolution thực hiện đo lường các hoạt động marketing trên TikTok ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động bán hàng ngoại tuyến.

Theo kết quả khảo sát của Nielsen, TikTok đã đem lại kết quả ROAS (tỉ lệ hoàn vốn chi tiêu quảng cáo) khả quan và tích cực trong việc thúc đẩy hiệu quả bán hàng offline. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, ROAS TikTok cao hơn 14% và hiệu quả chuyển đổi trên các kênh bán hàng offline cao gấp 2 lần so với các phương tiện truyền thông số khác. Những con số này ở thị trường Châu Âu và Đông Nam Á thậm chí còn ấn tượng hơn nhiều.

Nguồn: TikTok

Kết quả khảo sát của NCSolution cũng chỉ ra các chiến dịch quảng cáo chạy trên TikTok có thể tạo ra ROAS cao gấp 2 lần so với hiệu quả trung bình của các chiến dịch tiếp thị khác (dựa vào chỉ số benchmark). Trong số 16 chiến dịch do NCSolution khảo sát thì có đến 14 chiến dịch đều tạo ra mức tăng trưởng doanh số đáng kể.

Nguồn: TikTok

Cả hai kết quả khảo sát trên đều chứng minh quảng cáo TikTok thực sự thúc đẩy doanh số bán hàng offline, đặc biệt là đối với các nhà quảng cáo trong ngành hàng CPG.

Ngoài ra, TikTok cũng khuyến khích các thương hiệu có thể cân nhắc hợp tác với các TikTok Creators khi thực hiện các chiến dịch tiếp thị. Trong một cuộc khảo sát cho thấy, những nội dung hợp tác với creators sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn về gợi nhớ thương hiệu (Brand Recall) thông qua các chỉ số như tỷ lệ tương tác, tỷ lệ xem video… Đặc biệt, trong ngành chăm sóc sắc đẹp, TikTok càng khuyến khích thương hiệu nên phát triển mối quan hệ đối tác với creators để tạo ra những video ngắn về giới thiệu sản phẩm và cách sử dụng sản phẩm một cách hài hước, từ đó thu hút sự chú ý của người xem và thúc đẩy cảm xúc tích cực của họ đối với thương hiệu. 

Nguồn: TikTok

4. Quảng cáo programmatic podcast còn gặp nhiều hạn chế

Ngành công nghiệp podcast ở nước ngoài đã phát triển sớm và trưởng thành hơn, phương thức kiếm tiền từ lưu lượng truy cập cũng đã phát triển từ hình thức đăng ký trả phí, đặt quảng cáo đến quảng cáo programmatic. 

Hình thức người dẫn chương trình podcast trực tiếp giới thiệu nội dung quảng cáo vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, nhiều nền tảng đã được nghiên cứu và phát triển công nghệ quảng cáo programmatic podcast, giúp các nhà quảng cáo có thể dựa vào thời gian, vị trí và những dữ liệu khác nhằm truyền tải các nội dung quảng cáo cá nhân hoá. 

Thế nhưng, công nghệ này vẫn chưa thực sự phát triển và thậm chí còn gặp nhiều tranh chấp. Điển hình như nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify gần đây đã để xuất hiện quảng cáo người lớn trong chương trình dành cho trẻ em trên hệ thống podcast của American Public Media (AMP), điều này khiến AMP ngay lập tức dừng hợp tác với Spotify. Đây được xem như một lời cảnh báo về sự xuất hiện không phù hợp của nội dung quảng cáo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa nhà quảng cáo, nhà sáng tạo nội dung và đối tượng người nghe. 

Nguồn: Spotify 

* Nguồn: TenMax (tổng hợp)