Định nghĩa lưới logo và 3 lỗi ứng dụng thường gặp
Lưới logo trong hình ảnh thương hiệu là cơ sở trí tuệ và thuộc trách nhiệm của đội ngũ thiết kế.
Logo là đại diện cho một thương hiệu về mặt hình ảnh. Thiết kế logo là bước khởi đầu không thể thiếu trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Logo có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, trên những tấm namecard, những ấn phẩm brochure, bao bì sản phẩm hay thậm chí là trên các phương tiện truyền thông quảng cáo. Chính vì vai trò và tầm quan trọng của logo mà chi tiết này trở thành yếu tố nhận diện làm “tiêu tốn” nhiều chất xám và năng lực của người nghệ sĩ thiết kế.
Vì thế, logo thương hiệu không còn là những nét vẽ vô hồn, được quyết định phần lớn bởi nguồn cảm hứng của mỗi nhà thiết kế, mà cần có một hệ thống giúp kiểm soát từ thao tác cho đến nét vẽ, kể lại quy trình định hướng và cho ra đời một thiết kế hoàn thiện – lưới logo. Đây là cơ sở trí tuệ và sở hữu trách nhiệm của một đội ngũ thương hiệu, giúp chứng tỏ năng lực chuyên môn của nhà thiết kế, đồng thời là thái độ tôn trọng và chịu trách nhiệm trong từng dự án của một tập thể.
Vai trò quan trọng của lưới logo thương hiệu
Có một điều cần lưu ý rằng, lưới logo không nên hay thậm chí là không thể xuất hiện, trước khi thiết kế logo được hoàn thiện cơ bản. Bởi đây là hệ thống giúp kiểm soát và điều hướng các nét vẽ, tạo hình thiết kế tuân theo quy tắc của nghệ thuật thị giác.
Trong những phút “cao hứng”, người hoạ sĩ thiết kế có thể vẽ ra những đường nét ấn tượng nhất. Nhưng cũng chính vì sự bay bổng, bất chợt đó mà những đường nét này cũng mất đi tính hiệu quả. Vì nó không tuân theo những quy luật và nguyên lý thị giác trong thiết kế. Lúc này, lưới logo giúp kiểm soát và định hướng sửa đổi để cho ra đời một logo thương hiệu hoàn thiện.
Lưới logo có kiềm hãm năng lực sáng tạo hay không?
Có một vấn đề về lưới logo luôn được nhiều người mang ra tranh luận, đó là lưới logo có đang kiềm hãm sức sáng tạo của hoạ sĩ thiết kế hay không? Trước khi đi tìm đáp án cho câu hỏi này, bạn cần biết rằng quy trình thiết kế logo thương hiệu hiện đang tồn tại hai “trường phái” khác nhau.
Một bên vì muốn đốt cháy giai đoạn, ưu tiên rút ngắn thời gian hoàn thiện để tối ưu số lượng sản phẩm thiết kế được “xuất xưởng”, buộc lòng phải tạo ra lưới logo trước khi đi vào thiết kế. Bên còn lại thay vì ưu tiên tiên số lượng và tốc độ, họ hướng đến tính hiệu quả của sản phẩm thiết kế nhiều hơn.
Lúc này, lưới logo quay về đảm nhiệm đúng vai trò của mình – công cụ kiểm soát và định hướng ra đời một thiết kế logo vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa đảm bảo tính hiệu quả nhờ tuân thủ trọn vẹn các nguyên lý thị giác.
Khó lòng kết luận trường phái nào mang đến nhiều lợi ích hơn, hoàn thành tốt vai trò của đội ngũ thiết kế với các khách hàng doanh nghiệp hơn, bởi “chín người mười ý”, nhu cầu của các doanh nghiệp và đội ngũ thương hiệu cũng không giống nhau.
Nhưng khi chọn ưu tiên tốc độ và số lượng sản phẩm, đồng nghĩa rằng người thiết kế chọn phát triển lưới logo trước khi đi vào chi tiết từng đường nét. Điều này phần nào sẽ kiềm hãm năng lực sáng tạo của đội ngũ hay bản thân hoạ sĩ thiết kế.
Nếu một hoạ sĩ thiết kế nói với bạn rằng: “Mình không ngại tạo ra những thiết kế logo đẹp và hiệu quả, mình chỉ cần có lý do thôi”, thì việc tạo ra lưới logo trước khi bắt tay vào phát triển các đường nét, sẽ làm người đó “hết sạch” lý do để tạo ra một thiết kế logo đẹp mắt và hiệu quả. Vì sao phải mất thời gian đầu tư vào từng đường nét, khi ưu tiên của họ đang gọi tên số lượng và thời gian?
Không dừng lại ở đó, bắt đầu quy trình thiết kế bằng việc phát triển lưới logo giúp người thiết kế tiết kiệm được thời gian sau khi đã cơ bản hoàn thiện sản phẩm thiết kế.
Tuy nhiên hành động này vô tình làm khó đội ngũ phát triển hay thi công hình ảnh thương hiệu về sau. Đặc biệt, khi có nhu cầu phát triển thiết kế thành nhiều biến thể khác nhau, mà không có lưới logo khiến họ không có nhiều cơ sở và quy tắc để bắt tay vào thực hiện.
3 lỗi ứng dụng lưới logo thường gặp trong thiết kế
Như đã đề cập ở trên, lưới logo không chỉ là cơ sở trí tuệ, mà còn là yếu tố mang tính sở hữu trách nhiệm của một đội ngũ thiết kế: Trách nhiệm với những đường nét mình tạo ra, trách nhiệm với sự hiệu quả của từng dự án thương hiệu lớn nhỏ.
Nhưng nếu lưới logo là bằng chứng chứng minh đội ngũ thiết kế đã tuân thủ quy luật, quy tắc và các nguyên lý về thị giác, thì bản thân việc ứng dụng lưới logo cũng phải tuân thủ các quy luật và quy tắc riêng. Điều này giúp đội ngũ thiết kế tránh sa đà hay thậm chí lạm dụng việc sử dụng lưới logo chỉ để thể hiện rằng mình có đủ kiến thức về thiết kế thương hiệu và đặc biệt là quy trình phát triển lưới logo. Dưới đây là 3 lỗi ứng dụng lưới logo thường gặp.
Dùng lưới logo như một điểm tựa để thuyết phục khách hàng
Lưới logo khi được sử dụng sau quy trình phát triển đường nét thiết kế giúp hiệu chỉnh lại các đường nét sao cho tuân thủ tốt các nguyên lý thị giác, mà không làm mất đi sức sáng tạo, cũng như yếu tố thẩm mỹ cần có của một sản phẩm thiết kế.
Tuy nhiên, không ít các hoạ sĩ thiết kế hình ảnh thương hiệu ngày nay có xu hướng sử dụng lưới logo như một biện pháp thuyết phục khách hàng của mình.
Vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì cho rằng khách hàng có ít kiến thức về thiết kế thương hiệu hơn mình hoặc đơn giản là đang lạc lối trong việc đi tìm một lời giải thích phù hợp cho từng đường nét thiết kế của bản thân.
Năm 2013 đội ngũ thiết kế nội bộ của Yahoo từng đi vào vết xe đổ này, khi phát triển và giới thiệu lưới logo của sản phẩm thương hiệu mới nhất.
Trả lời truyền thông về phương án phát triển lưới logo tương đối phức tạp của mình, Giám đốc Marissa Mayer cho biết: “Lưới logo mà chúng tôi phát triển là tổng hợp của nhiều phép tính toán học khác nhau. Điểm nhấn dấu chấm than đặt nghiêng một góc 9 độ, với mục đích phá tan sự cân bằng và đồng đều của những đường nét đi trước”.
Rõ ràng đây là lời giải thích không mấy thuyết phục, bằng chứng là cả lời phát biểu lẫn thiết kế logo mới của Yahoo đã không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng.
Dùng lưới logo để biến những thiết kế mềm mại trở nên cứng cáp
Có bao giờ bạn liên tưởng đến việc, một hoạ sĩ thiết kế đã hoàn thành đến 99,98% tiến độ thiết kế logo, rồi bỗng nhận ra đôi tay mình đang quá bay bổng và “điệu đà”, trong khi khách hàng kỳ vọng vào một thiết kế mạnh mẽ và cứng cáp hay chưa?
Trên thực tế, tình huống này không hoàn toàn hiếm gặp. Và thông thường, các nhà thiết kế thường chọn đầu tư vào tính chi tiết của lưới logo như một giải pháp nhằm biến những thiết kế logo mềm mại trở nên cứng cáp hơn.
Chẳng hạn như một thiết kế gồm toàn những đường nét tròn và cong, nhưng lại được phát triển một bộ lưới logo cầu kỳ và tương đối chi tiết, thậm chí còn bị lạm dụng vào các thuật toán và phép tính một cách quá đà.
Rõ ràng người hoạ sĩ thiết kế không sai khi làm như vậy, nhưng trong phần lớn các tình huống nó làm giảm sút các bằng chứng thể hiện năng lực sáng tạo của họ, thông qua cách triển khai các đường nét và ý tưởng thiết kế nói chung.
Lưới logo quá cứng nhắc và cầu kỳ khi được ứng dụng vào một thiết kế có phần mềm mại góp phần tạo cảm giác ban đầu rằng người thiết kế đã thật sự chăm chút và nỗ lực, để hoàn thiện tác phẩm logo cuối cùng. Nhưng khi đi vào phân tích chi tiết hơn, quy trình phát triển lưới logo đó gần như vô nghĩa. Vì bản thân nó không đóng góp quá nhiều giá trị vào chất lượng và tính hiệu quả sau cùng của thiết kế logo.
Ứng dụng tỷ lệ vàng vào một logo không tuân theo tỷ lệ đó
Trường hợp ứng dụng tỷ lệ vàng vào một thiết kế logo vốn không tuân theo những phép tính đó thường xảy ra trong môi trường học đường hoặc trên các phương tiện truyền thông quảng cáo. Nhiều hơn là trong thực tế các quy trình thiết kế thương hiệu.
Đây thậm chí không hẳn là một lỗi của quy trình thiết kế nói riêng, mà có thể so sánh nó với thuật ngữ loaded question – những giả định tạo ra nhiều tranh cãi.
Loaded question xuất hiện khi một cá nhân bất kỳ cố gắng bảo vệ cho luận điểm của mình bằng cách gán ghép một thực tế sai trái hoặc chưa được chứng minh rõ ràng cho một cá nhân, đồ vật hay sự việc nào đó khác.
Ở Việt Nam loaded question thường gặp khi nhiều trang tin không chính thống, thiếu uy tín cố tình gán ghép một câu nói đạo lý hay phân tích khoa học cho một nhân vật uy tín, có sức ảnh hưởng nhưng tuyệt nhiên chưa từng có những phát ngôn liên quan. Có thể kể đến một số trường hợp như Bill Gates, Steve Jobs hay Warren Buffet.
Quay lại với trường hợp của thiết kế thương hiệu nói chung và lưới logo nói riêng, một trong những hành vi loaded question nổi tiếng nhất phải gọi tên, chính là thương hiệu Apple với thiết kế logo hình quả táo cắn dở huyền thoại.
Năm 1976 khi phát triển một số biến thể của logo Apple, nghệ sĩ thiết kế Rob Janoff phát hiện ra rằng logo hình quả táo khi thu nhỏ lại rất dễ bị nhầm lẫn với hình ảnh quả cherry. Đó là lý do vì sao ông quyết định tạo ra một “vết cắn đúng chỗ”, trên hình tượng quả táo mà sau này đã trở thành một trong những huyền thoại của thế giới thiết kế.
Tuy nhiên, nhiều người luôn cố nhồi nhét và phát triển lưới logo của hình tượng quả táo cắn dở, gán ghép một cách bị động hình ảnh nổi tiếng này vào một tỉ lệ vàng – vốn xuất phát từ những bộ não có trí tưởng tượng vượt xa năng lực thiết kế của chính đội ngũ Apple.
Lưới logo là một yếu tố cần có của bất cứ một thiết kế nào, nếu bản thân đội ngũ hay người hoạ sĩ thiết kế đang hướng đến việc tạo ra một thiết kế logo hiệu quả, có tính thẩm mỹ, đồng thời tuân thủ nguyên lý thị giác.
Dù vậy, nhưng không phải bất cứ ai cũng đủ sức ứng dụng lưới logo một cách hiệu quả và chính xác. Ứng dụng lưới logo đúng cách nghĩa là đang bảo chứng tốt cho ý tưởng, đường nét và năng lực thiết kế của người hoạ sĩ. Ngược lại, lưới logo cũng có thể trở thành “mồ chôn sức sáng tạo” nếu bất cứ một hoạ sĩ thiết kế nào có ý định lạm dụng hoặc sử dụng lưới logo với mục đích đốt cháy giai đoạn.
* Nguồn: Vũ Digital