KMVInsightips #2: Reach (tổng lượng khán giả) khác gì so với Rating?

KMVInsightips #2: Reach (tổng lượng khán giả) khác gì so với Rating?

Trong bài viết này, #KMVInsightips xin giới thiệu đến các bạn một chỉ số quan trọng không kém rating, đó chính là reach (tổng lượng khán giả).

Reach là gì?

Reach là tổng lượng khán giả của chương trình (hoặc kênh).

Reach cho biết có tổng cộng bao nhiêu người đã xem chương trình trong một khoảng thời gian xác định.

Có 2 đơn vị dùng để biểu thị tổng lượng khán giả: tỷ lệ phần trăm (%) và số tuyệt đối (000).

Ví dụ, tại 4 thành phố lớn:

  • Chương trình Gala Cười phát sóng ngày 13/2 từ 20h-24h có reach đạt 1,5 triệu hoặc 13%. Nghĩa là có 1,5 triệu khán giả xem Gala Cười, tương ứng với 13% dân số 4 thành phố lớn.
  • Trọn bộ phim Nụ Hôn Hoán Đổi Vận May có reach trung bình đạt 330.000. Nghĩa là trung bình mỗi tập phim có 330.000 khán giả theo dõi.

Ý nghĩa của reach?

Nếu rating giống như chiều sâu thì reach chính là chiều rộng (độ bao phủ). Reach cho thấy phạm vi tác động của chương trình đã tiếp cận được bao nhiêu khán giả.

KMVInsightips #2: Reach (tổng lượng khán giả) khác gì so với Rating?

Nguồn: Pexels

Reach và rating khác nhau như thế nào?

Reach (tổng lượng khán giả) mang tính cộng dồn, không trùng lặp. Vì vậy, càng nhiều người khác nhau có xem chương trình, reach của chương trình càng cao.

Ví dụ, khán giả A xem Gala Cười trong 10 phút rồi chuyển kênh, sau đó quay lại xem tiếp Gala Cười, thì vẫn chỉ tính thêm 1 người vào tổng lượng khán giả.

Trong khi đó, rating đếm khán giả ở mỗi phút của chương trình, có tính trùng lặp và không mang tính cộng dồn.

Với mỗi phút bất kỳ mà khán giả A có xem Gala Cười sẽ được tính vào rating của chương trình ở phút đó. Vì thế, khán giả càng dành nhiều thời gian để xem, thì rating của chương trình đó càng cao.

Vì sao chỉ mỗi rating không phản ánh được hết những khía cạnh của chương trình?

Rating chỉ cho biết trung bình mỗi phút có bao nhiêu khán giả xem chương trình. Rating không cho biết:

Nếu rating giống như chiều sâu thì reach chính là chiều rộng (độ bao phủ). Reach cho thấy phạm vi tác động của chương trình đã tiếp cận được bao nhiêu khán giả.

  • Có bao nhiêu người đã xem chương trình
  • Mỗi người xem bao nhiêu phút

Mặt khác, số phút xem chương trình cho biết mức độ hấp dẫn của nội dung đối với khán giả, hay nói cách khác chính là khả năng “giữ chân” khán giả ở lại.

Ông Jack Wakshlag, Cựu Giám đốc Nghiên cứu của Turner Broadcasting System, tập đoàn truyền hình và phương tiện truyền thông của Mỹ, đã đúc kết: “Nếu bạn cho tôi biết ba điều – bao nhiêu, bao lâu, tần suất – tôi có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào về khán giả. Ba chỉ số này là những thước đo nền tảng”.

Vậy rating hay reach quan trọng hơn?

  • Giả sử nhãn hàng S chạy một quảng cáo cho sản phẩm mới trên TV với mong muốn càng nhiều người biết đến sản phẩm đó càng tốt (brand awareness). Trong trường hợp này, trung bình mỗi phút có bao nhiêu khán giả xem quảng cáo (rating) không quan trọng bằng tổng lượng khán giả đã xem quảng cáo đó (reach).
  • Trong khi đó, với một bộ phim dài tập, nếu bộ phim có nội dung thu hút, khán giả dành nhiều thời gian theo dõi, dẫn đến rating của bộ phim cao. Ngược lại, nhiều người mở phim xem, nhưng chỉ được vài phút rồi tắt vì phim dở, dẫn đến tổng lượng khán giả (reach) rất cao nhưng rating lại thấp. Trong trường hợp này, có thể đánh giá mức hấp dẫn của bộ phim thông qua rating và thời gian khán giả dành để xem phim.

Như vậy, rating hay reach quan trọng hơn? Câu trả lời đúng là “còn tuỳ’’. Tùy vào mục đích đánh giá (của ai, nhãn hàng hay nhà sản xuất phim…), hoặc mục tiêu của chiến dịch quảng cáo... Sự kết hợp của tổng lượng khán giả (reach), rating và thời gian xem có thể giúp “giải mã” khán giả và tạo điều kiện so sánh đúng trên các phương tiện truyền thông khác nhau.

* Nguồn: Kantar Media