ASO là gì? 7 bước ASO dành cho ứng dụng NFT
Từ lâu, ASO không còn là khái niệm xa lạ đối với các nhà phát triển ứng dụng và các doanh nghiệp quan tâm đến việc phát triển kênh mobile (các nền tảng trực tuyến sử dụng trên thiết bị di động). Tuy nhiên, không ít người vẫn có sự nhầm lẫn giữa ASO và SEO.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về khái niệm ASO và 7 bước ASO phù hợp cho các ứng dụng NFT (Non-fungible Token, tạm dịch là Token không thể thay thế).
ASO là gì?
Theo Adjust, tối ưu hoá cửa hàng ứng dụng (App Store Optimization – ASO) là quá trình tăng khả năng hiển thị ứng dụng của bạn trong các cửa hàng ứng dụng để ứng dụng nằm trong kết quả tìm kiếm hàng đầu; đó là phiên bản ứng dụng di động của tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO)...
Điều quan trọng cần lưu ý là thay vì chỉ triển khai một lần, ASO là quá trình triển khai liên tục, không ngừng thử nghiệm và đo lường các bản cập nhật theo thời gian trung hạn và dài hạn cho nội dung tiếp thị trên cửa hàng ứng dụng với mục tiêu tăng khả năng hiển thị và lượt cài đặt ứng dụng.
Tại sao ASO đóng vai trò quan trọng?
Thị trường ứng dụng là một trong những thị trường có tính cạnh tranh rất cao với khoảng 2 triệu ứng dụng iOS App Store và 2,5 triệu ứng dụng Google Play Store. Với số lượng ứng dụng khổng lồ và chi phí quảng cáo tăng chóng mặt, việc thu hút và giữ chân người dùng thành công là một thách thức lớn.
Ở phương diện khác, App Store Optimization (ASO) là cách thức tăng mức độ hiển thị của ứng dụng trên App Store và Google Play Store. Điều này rất quan trọng trong hành trình của người dùng. Vì ngay cả khi ứng dụng đã có một chiến dịch quảng cáo tốt và đưa được lượng lớn người dùng tiềm năng đến App Store, thì trang cửa hàng ứng dụng phải thật sự hấp dẫn nhằm thuyết phục người dùng hoàn tất việc cài đặt. Hay hiểu cách khác, ASO còn góp phần tăng lượng người dùng organic mà không tốn bất kỳ chi phí quảng cáo nào.
Tương tự SEO, đối với ASO, marketer cũng cần xác định và lựa chọn từ khoá để tăng thứ hạng của ứng dụng trên App Store. Ảnh chụp màn hình và video sử dụng ứng dụng cũng là các nội dung không thể thiếu. Marketer có thể tạo thêm danh mục phụ để người dùng có nhiều cách tìm ra ứng dụng. Nếu được, hãy thử dịch phần mô tả và giới thiệu ứng dụng ra ngôn ngữ bản địa.
Mục tiêu của ASO là gì?
Mục tiêu của ASO là phải tăng khả năng được nhìn thấy của ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng. Cơ hội nhìn thấy ứng dụng càng nhiều thì khả năng có được lượng cài đặt càng cao. Hơn thế, khi làm ASO đủ tốt, chi phí để thu hút một người dùng mới sẽ giảm đi, từ đó biên độ lợi nhuận có thể tăng lên đáng kể.
Tiêu chí đánh giá ASO gồm những KPIs nào?
Để đánh giá kết quả triển khai ASO hiệu quả hay không, chúng ta cần quan tâm đến 2 tiêu chí: Impression và Conversion Rate. Trong đó có 4 luồng chính nhằm tăng Impression bao gồm: App Featured (ứng dụng được đề xuất bởi chính cửa hàng ứng dụng); App Ranking (ứng dụng xuất hiện trên các bảng xếp hạng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng); Keyword Ranking (thứ hạng từ khoá của ứng dụng khi người dùng thực hiện việc tìm kiếm trên cửa hàng ứng dụng); Ads (các chiến dịch awareness hoặc install app campaigns trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và kênh Google UAC).
Sau đó, marketer cần quan tâm đến Conversion Rate (CR). CR ở đây cụ thể là tỷ lệ click-to-install khi user đã truy cập đến trang ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng.
Theo AppsFlyer, ASO thành công giúp người dùng mới có thể dễ dàng tìm thấy ứng dụng của bạn trong kết quả tìm kiếm mà không cần phải trả phí. Những người dùng này thường tương tác và trung thành hơn những người dùng khám phá ứng dụng của bạn thông qua một chiến dịch trả phí.
Thứ hai, tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi có tác động tích cực đến các chiến dịch trả tiền, tiếp thị xã hội và những nỗ lực chuyển đổi người dùng khác. Tỷ lệ chuyển đổi cao hơn dẫn đến nhiều lượt tải xuống hơn từ tất cả các kênh lưu lượng truy cập, vì vậy bạn kiếm được nhiều hơn từ mỗi USD tiếp thị mà mình chi tiêu.
Vậy điểm khác biệt giữa ASO và SEO là gì?
Theo Google, SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization – Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm. SEO website là tập hợp các phương pháp giúp cải thiện thứ hạng của một website trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm – SERPs (thông thường là Google). ASO là công tác tối ưu dành cho ứng dụng, còn SEO là công tác tối ưu đa phần dành cho website.
ASO có 2 mục tiêu là tăng trưởng Impression và Conversion Rate cho ứng dụng, còn SEO nhằm cải thiện thứ hạng và mật độ hiển thị của website khi tìm kiếm thông qua các công cụ như: Google Search, Yahoo Search, Bing...
7 bước ASO dành cho ứng dụng NFT
Khác với các ứng dụng mobile thông thường, ứng dụng NFT được nhà phát triển kỳ vọng sẽ mang lại giá trị lớn hơn. Vì thế, việc thực hiện ASO dành cho các ứng dụng NFT cũng là một trong những yêu cầu được ưu tiên khi các nhà đầu tư chọn mobile app là kênh để phát triển sản phẩm dành cho end-users thay vì website và mobile-site như thời gian vừa qua. Vậy nhà phát triển ứng dụng NFT và đội ngũ cần thực hiện ASO như thế nào?
Bước 1: Xuất bản ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng
Để có một ứng dụng được công khai trên các cửa hàng ứng dụng và sẵn sàng được tìm thấy bởi người dùng, nhà phát triển cần đảm bảo ứng dụng của mình đã được xuất bản thành công trên các cửa hàng ứng dụng hiện nay.
Đa phần, các nhà phát triển ứng dụng nói chung và ứng dụng NFT nói riêng đã và đang quen thuộc với 2 cửa hàng ứng dụng phổ biến đó là iTunes Store và Google Play. Tuy nhiên, đối với một ứng dụng NFT, nhằm tối đa hoá khả năng được tìm thấy và độ phủ trên toàn cầu, tôi sẽ giới thiệu thêm về một cửa hàng ứng dụng tiềm năng khác là Huawei AppGallery.
Thật vậy, theo thông tin chính thức từ tập đoàn Huawei, Huawei AppGallery, nền tảng phân phối ứng dụng chính thức của Huawei, là chợ ứng dụng triển khai hệ thống xác minh danh tính nhà phát triển. Nó cũng có hệ thống phát hiện 4 lớp để đảm bảo tính bảo mật của ứng dụng và tận dụng các thuật toán độc quyền để đưa ra các đề xuất nội dung hữu ích. Người dùng có thể tải xuống ứng dụng mà không cần lo lắng về các vấn đề bảo mật.
Về hướng dẫn xuất bản ứng dụng NFT trên các cửa hàng ứng dụng, tôi sẽ đề cập ở các bài viết tiếp theo trong cùng Series NFT & Mobile App.
Bước 2: Tối ưu trang sản phẩm ứng dụng & các nhân tố Metadata
Dĩ nhiên, việc nghiên cứu thị trường và các công tác xây dựng sản phẩm (về mặt phát triển sản phẩm) đòi hỏi là đã hoàn thành như một phần hiển nhiên của doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái trước khi bắt tay vào phát triển ứng dụng NFT này.
Với quyền hạn là người sở hữu ứng dụng NFT, doanh nghiệp có thể thay đổi và điều chỉnh trực tiếp các nhân tố Metadata của ứng dụng. Các nhân tố này còn được gọi là On-page Metadata, bao gồm tiêu đề ứng dụng, phụ đề (iOS) hoặc mô tả ngắn (Android), trường từ khoá (chỉ iOS), mô tả ứng dụng, biểu tượng ứng dụng, ảnh chụp màn hình và video.
Ngoài ra, còn có các Off-page Metadata, bao gồm đánh giá ứng dụng bởi người dùng, xếp hạng của ứng dụng, số lượng tải về ứng dụng và khối lượng dữ liệu của các ứng dụng trong cùng một danh mục (ngành ứng dụng). Rõ ràng, trên Google Play và iTunes Store chưa có danh mục (ngành) ứng dụng NFT. Đa phần các ứng dụng liên quan đến Blockchain hiện đang có mặt trên 2 cửa hàng ứng dụng này đều thuộc danh mục Trò chơi (Games).
Vì thế, cách chọn một danh mục phù hợp với ứng dụng NFT cũng là một sự lựa chọn khắc khe hơn với các nhà phát triển nếu ứng dụng NFT đó không phải là một trò chơi. Ví dụ, trong tương lai, chúng ta sẽ cùng phát triển một ứng dụng mua sắm thời trang NFT bằng Coin. Vậy thì ứng dụng này sẽ được xuất hiện trên danh mục nào của Google Play? Finance, Lifestyle hay Shopping? Hay sẽ có một danh mục mới – NFT?
Ở một khía cạnh khác, người dùng sẽ không dễ dàng thực hiện tải xuống ứng dụng NFT nếu như ứng dụng đó có nhiều lượt đánh giá thấp và phản hồi, bình luận tiêu cực từ phía người dùng. Đặc biệt đối với các sản phẩm NFT luôn đặt yếu tố người dùng, phát triển cộng đồng lên hàng đầu thì đây chính là chìa khoá giúp ứng dụng có được tỷ lệ tải xuống thành công cao hơn đáng kể.
Bước 3: Thiết kế bộ từ khoá phù hợp với ứng dụng NFT
Không phải mọi từ đều là từ khoá, chỉ những thuật ngữ thu hẹp mục đích của người dùng mới đủ điều kiện làm từ khóa. Nghĩa là, họ nên cung cấp thông tin bổ sung về các vấn đề hoặc nhu cầu của người dùng, hoặc về giải pháp mong muốn. Vì lý do này, mạo từ, giới từ hoặc liên từ sẽ không phải là từ khoá.
Vậy nên thiết kế bộ từ khoá như thế nào để phù hợp với ứng dụng NFT? Chúng ta nên có một “bản đồ” từ khóa và phân tập rõ ràng. Thông thường, tôi sẽ khuyến khích đối tác phát triển ứng dụng nên thiết kế bộ từ khoá cho ASO gồm 5 tập khác nhau: Problem Key – Feature Key – Action Key – User Key – Location.
Trong đó:
- Problem Key có vai trò thu hẹp nhu cầu và vấn đề quan tâm của người dùng.
- Feature Key (từ khoá nổi bật) giải thích cách ứng dụng giải quyết những vấn đề này. Họ mô tả cơ học và tính năng, đặc biệt là những thứ là đề xuất sản phẩm, dịch vụ độc nhất của ứng dụng (USP).
- User Key mô tả những người sử dụng ứng dụng của bạn về độ tuổi, giới tính hoặc nghề nghiệp cũng như vai trò của họ khi sử dụng ứng dụng. Ví dụ: người dùng ứng dụng piano là nhạc sĩ hoặc người yêu âm nhạc, nhưng họ cũng là nhân viên văn phòng.
- Action Key mô tả những gì mọi người làm khi và sau khi sử dụng ứng dụng của bạn. Ví dụ: người dùng ứng dụng công cụ tìm nhà hàng tìm kiếm và tìm nhà hàng, sau đó đặt hoặc đặt bàn.
- Location chỉ định vị trí hoặc ngữ cảnh mà mọi người sử dụng ứng dụng của bạn. Đây có thể là tên của các quốc gia hoặc thành phố cũng như các thuật ngữ chung như “văn phòng”, “bãi biển” hoặc “vùng nông thôn”.
Nói cách khác, để thiết kế được bộ từ khoá hoàn chỉnh cho ứng dụng NFT, nhà phát triển nên quan tâm 5 yếu tố: đúng người – đúng việc – đúng lúc – đúng nơi và đúng sản phẩm.
Bước 4: Triển khai bộ từ khoá và tối ưu tỷ lệ chuyển đổi (CRO)
Đối với các ứng dụng NFT trên cửa hàng ứng dụng iTunes Store của Apple, trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs) trên iOS chỉ hiển thị một hoặc hai kết quả tìm kiếm không phải trả tiền trên trang đầu tiên. Để xem thêm kết quả, người dùng phải kéo xuống dưới. Tuy nhiên, không nhiều người dùng làm như vậy.
Các ứng dụng ở 3 thứ hạng hàng đầu chiếm đến 50% tỷ trọng tổng số lượt tải xuống nhờ kết quả hiển thị khi tìm kiếm từ khoá, nhưng những ứng dụng xếp hạng kém hơn Top 10 thì hầu như không có lượt tải xuống nào. Các nhà phát triển ứng dụng Apple hiện nay hiểu rõ vấn đề này nhất.
Trên Google Play, thuật toán hoạt động khác với thuật toán trên iOS. SERPs hiển thị tối đa 5 ứng dụng trên mỗi trang. Điều đó có nghĩa là ngay cả những ứng dụng xếp hạng thấp hơn Top 3 cũng sẽ hiển thị cho người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên mà không cần phải lướt SERP xuống.
Để tối ưu được tỷ lệ chuyển đổi CRO, nhà phát triển ứng dụng NFT sẽ cần có công cụ đo lường các yếu tố, tác động đến kết quả ASO. Nhà phát triển có thể tìm thấy nó trong phần Analytics của iTunes Connect. Đảm bảo đặt bộ lọc Nguồn thành “Tìm kiếm”, có một mẹo đó là so sánh các con số hàng tuần.
Tuy nhiên, sẽ không thể thấy số lần hiển thị trong Google Play Console đối với các ứng dụng Android. Do đó, chúng ta cần sử dụng số liệu người dùng truy cập danh sách cửa hàng cho bạn biết có bao nhiêu người đã nhấp vào ứng dụng của bạn trong kết quả tìm kiếm. Số liệu này không cung cấp cho bạn giá trị chính xác về khả năng hiển thị, nhưng nó là điểm dữ liệu tốt nhất mà Google cung cấp.
Vậy, chúng ta sẽ cần những thước đo, công cụ hiệu quả hơn. Đó chính là nguyên nhân vì sao tôi thường đề xuất các nhà phát triển ứng dụng hiện tại và ứng dụng NFT trong tương lai nên quan tâm đến nền tảng đo lường chuyên biệt dành cho mobile app như AppsFlyer. Trên cả 2 cửa hàng ứng dụng, sẽ mất hơn 1 tuần để có thể thu hoạch đầy đủ dữ liệu cho đến khi các thuật toán, thay đổi và hiệu chỉnh kết quả tìm kiếm của ứng dụng. Trái lại, AppsFlyer cung cấp dữ liệu mỗi ngày và gần như theo thời gian thực với nhà phát triển. (Lưu ý: AppsFlyer có cơ chế Look-back Windows mặc định là 7 ngày).
Bước 5: Đầu tư vào chiến lược quảng cáo & truyền thông tổng thể
Như mọi người đã biết, sau khi đạt đến điều kiện sẵn sàng cho “cú phóng”, nhà phát triển ứng dụng NFT sẽ quan tâm đến việc chuẩn bị và lên chiến lược thực sự nghiêm túc cho “bệ phóng” của mình. Chiến lược quảng cáo và truyền thông tổng thể là bước đệm không thể thiếu nhằm đưa sản phẩm ứng dụng NFT đến với đông đảo người dùng & các nhà đầu tư. Trong một số trường hợp, các nhà phát triển ứng dụng NFT (games) sẵn sàng sử dụng 18 đến 24% tổng tỷ trọng token của sản phẩm để đầu tư vào quảng cáo.
Sẽ có rất nhiều chiến lược, chiến thuật mà chúng ta có thể đề cập, tuy nhiên trong công tác ASO dành cho ứng dụng NFT, tôi xin phép chỉ đề cập đến 1 loại quảng cáo cụ thể. Đó là Search Ads (quảng cáo trên công cụ tìm kiếm).
Theo Google Ads Support, một nhà quảng cáo ứng dụng sẽ muốn đưa ứng dụng đến với nhiều người dùng sẵn sàng trả tiền hơn. Vậy làm thế nào để ứng dụng NFT kết nối với những người dùng đó? Chiến dịch ứng dụng đơn giản hoá quá trình này, giúp nhà phát triển ứng dụng NFT dễ dàng quảng bá ứng dụng của mình trên các kênh, nền tảng lớn nhất của Google (bao gồm Google Tìm kiếm, Google Play, YouTube, Khám phá trên Google Tìm kiếm và Mạng Hiển thị của Google).
Đối với iTunes Store thì sẽ thế nào? Quảng cáo đi kèm kết quả tìm kiếm của Apple giúp mọi người khám phá ứng dụng của bạn khi họ tìm kiếm trên App Store, đối sánh khách hàng với ứng dụng của bạn ngay khi họ đang tìm kiếm. 70 % của App Store, khách truy cập sử dụng tìm kiếm để tìm ứng dụng tiếp theo của họ. 65 % của tất cả các lần tải xuống diễn ra sau khi tìm kiếm. Hơn 50 % tỷ lệ chuyển đổi trung bình cho các quảng cáo kết quả tìm kiếm.
Bước 6: A/B Testing hiệu quả ASO dành cho ứng dụng NFT
A/B Testing cho ASO là gì? Đó là phương thức đánh giá từ hai hoặc nhiều lựa chọn để so sánh xem lựa chọn nào sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Khi áp dụng hình thức A/B Testing cho ASO chính là đang kiểm tra những giá trị khác nhau của các thành phần trên Product Page để tăng đồng thời 2 yếu tố lượt hiển thị và tỷ lệ chuyển đổi cho ứng dụng.
Google Play Store cung cấp phương thức testing miễn phí là Google Play Store Listing Experiment. Ở đây có thể kiểm tra các thành phần như app name, icon, screenshot, description, có thể tuỳ biến testing một cách dễ dàng. Mỗi lần chỉ test 1 tiêu chí để nhận diện được trị nào đang ảnh hưởng đến Conversion Rate.
Với iOS, hiện tại không có cách test miễn phí cho A/B Testing. Các nhà phát triển ứng dụng có thể sử dụng dịch vụ A/B Testing của Splitmetric cho iOS app. Dịch vụ này tạo ra những Product Pages giống hoàn toàn với pages đang có trên Apple Store và dùng tiêu chí quyết định kết quả tốt nhất là Conversion Rate.
Cách thứ 2 là Apple Search Ads Creative Set Test, để thực hiện bạn cần đăng tải cả 2 phiên bản lên cửa hàng. Sau đó, những creative cần test đã có sẵn, các bạn vào Apple Search Ads Platform để tạo 1 chiến dịch mới và tuỳ chọn những lựa chọn mình mong muốn ở Asset Selection. Khi đó việc chạy quảng cáo sẽ được thay phiên giữa lựa chọn mặc định và lựa chọn cần test. Chúng ta có thể xem báo cáo để xem lựa chọn nào có nhiều Impression và Conversion Rate hơn.
Cuối cùng: Lắng nghe từ chính khách hàng, người dùng của ứng dụng NFT
Việc lắng nghe và thăm dò ý kiến đóng góp từ phía người dùng của chính ứng dụng NFT sẽ là câu trả lời tốt nhất dành cho nhà phát triển. Từ đó, nhà phát triển ứng dụng NFT không chỉ thu hoạch được insight khách hàng của chính mình, có thêm góc nhìn khách quan và dữ liệu sạch. Đồng thời, đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng, trân trọng người dùng của nhà phát hành. Trong bài viết về chiến lược giữ chân người dùng nhằm tối ưu CLV (Customer Lifetime Value) trước đây tôi có đề cập việc lắng nghe khách hàng và người dùng của chính ứng dụng sẽ là bước đi tinh tế và tạo thiện cảm tốt đối với cộng đồng người dùng.