Các cập nhật SEO nổi bật 2021 và dự đoán xu hướng SEO 2022
Vậy là năm 2021 đã khép lại với nhiều sự kiện nổi bật, mở ra một năm 2022 được dự đoán rằng các nhãn hàng sẽ tập trung nhiều hơn về kênh tự chủ – owned channels và chăm sóc khách hàng hiện có (CRM).
Trong bài viết này RED² Digital sẽ tổng hợp các cập nhật lớn nhất của Google trong năm 2021 và chia sẻ nhìn nhận xu hướng SEO năm 2022 cũng như tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia SEO đang làm việc tại Uber, IBM, SEJ trên khắp thế giới.
Phần 1: Các cập nhật SEO nổi bật năm 2021 của Google
Page Experience Update – Tháng 6/2021
Cập nhật lớn nhất trong năm phải kể đến đầu tiên là cập nhật về trải nghiệm người dùng page experience vào tháng 6/2021. Trên thực tế, Google đã thông báo việc này vào giữa năm 2020 để các nhà quản trị website chuẩn bị. Nhưng cho đến khi đợt cập nhật thật sự được tiến hành vào tháng 6 thì cộng đồng mới chú ý nhiều hơn về Core Web Vital. Điểm chính của đợt cập nhật này tập trung vào 2 việc:
- Website có đạt tốc độ tải trang tốt không
- Mức độ ổn định của cấu trúc trang
Để hiểu hơn marketer có thể truy cập vào website chính thức của Google về Core Web Vital.
Quality Link Guideline – Tháng 7/2021
Trong đợt cập nhật tháng 7, Google đưa ra hướng dẫn về liên kết từ tiếp thị liên kết (affiliate link) cũng như các nội dung quảng cáo (sponsor content và guest post). Theo đó các liên kết này phải được gắn thẻ rel=“sponsored”, rel=“sponsored” và rel=“nofollow”.
Cập nhật này cũng cho thấy việc Google muốn quản lý liên kết chặt chẽ hơn và tiến đến việc tìm ra các link thật sự tự nhiên. Tuy nhiên trong 1 cuộc phỏng vấn vào tháng 12, đội ngũ Google cũng khẳng định là chưa tiến hành phạt các affiliate link không gắn markup. Điều này cho thấy đợt update này chỉ là một sự chuẩn bị lâu dài hơn của đội ngũ Google và là một cách lên tiếng của Google rằng “Này các chuyên gia SEO, chúng tôi biết rõ bạn đang làm gì”.
Spam Update – Tháng 11/2021
Đây mới thật sự là đợt update lớn nhất trong năm được Google định danh là một Core Update tập trung vào Spam Update. Đợt cập nhật này đánh trực tiếp vào liên kết xấu động đến website toàn cầu. Theo báo cáo của Semrush Sensor thì đợt cập nhật diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 30/11.
Trong một đợt cập nhật giải thuật lớn như thế này, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng 1-2 tuần. Trong quá trình này, đội ngũ của Google sẽ đánh giá tác động của giải thuật đến hành vi tìm kiếm toàn cầu để quyết định tối ưu giải thuật. Do đó, nếu website của bạn có bị ảnh hưởng hãy kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi Google hoàn thành nó.
Ví dụ bên dưới là của Tiki.vn, lượng truy câp tự nhiên bị rớt 1 nửa ở đợt cập nhật nhưng được khôi phục nhanh chóng.
So sánh truy cập của nhiều website Shopee trong khu vực APAC, RED² nhận thấy xu hướng sụt giảm vào ngày 14/11/2021 sau đó phục hồi nhanh và tăng mạnh mẽ. Kết hợp với với thông tin về đợt cập nhật tháng 7, Google có thể đang tinh chỉnh thuật toán đánh vào các liên kết tiếp thị, guest post có chất lượng thấp.
Trong một năm, Google sẽ đưa ra rất nhiều cập nhật, một số sẽ được đăng tải chính thức tại đây. Đây là một nguồn tư liệu chính thức để các công ty điều chỉnh chiến lược SEO, nội dung của mình và dự đoán các xu hướng SEO tiếp theo. Trong phần 2 của bài, RED² sẽ đưa ra một vài xu hướng SEO nổi bật năm 2022 của mình và của các chuyên gia SEO hàng đầu trên thế giới.
Phần 2: Xu hướng SEO năm 2022
RED² có cơ hội triển khai các dự án trong khu vực và nhận thấy được sự khác nhau trong hành vi tìm kiếm cũng như khác biệt trong cách máy tìm kiếm trả kết quả ở các thị trường. Trong dự đoán về xu hướng SEO này, RED² dựa trên phần lớn kinh nghiệm triển khai SEO cho khách hàng kết hợp các dữ liệu về cách xếp hạng của máy tìm kiếm. Chúng tôi tham khảo rất nhiều từ các chuyên gia SEO khác trên thế giới và nhận định có 3 xu hướng chính:
1. Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo
Các máy tìm kiếm sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn để phục vụ người dùng. Năm 2021 đón chào MUM – một trí tuệ nhân tạo mà theo Google là mạnh hơn người tiền nhiệm BERT 1000 lần (Google Blog, 20221). MUM viết tắt của từ Multitask Unified Model (MUM) là một giải thuật của Google để hỗ trợ người tìm kiếm.
Một cách đơn giản, MUM sẽ thu thập hành vi tìm kiếm của người dùng để hiểu xem người này đang thật sự tìm cái gì, sau đó tìm nội dung phù hợp trong website, file pdf, infographic, hình ảnh (Google Vision), podcast và cả video content. Một cải tiến lớn nhất của MUM theo Google là nó hiểu vượt qua rào cản ngôn ngữ so với người tiền nhiệm BERT.
Ngoài Bert, MUM, Google Vision là một dự án khác mà Google triển khai trong việc hiểu ý nghĩa của hình ảnh vốn là điểm yếu của Google. Nhờ trí tuệ nhân tạo hiện tại Google Vision đã nhận diện chính xác các đối tượng trong hình, bạn có thể thử tại đây: https://cloud.google.com/vision.
2. Xu hướng ưu tiên chất lượng nội dung
Đây không phải là một điều mới lạ, các máy tìm kiếm luôn muốn đưa ra các nội dung tốt nhất từ cách đây 20 năm. Tuy nhiên trải qua nhiều thế hệ các máy tìm kiếm đã phải nội suy một bài viết chất lượng phải đến từ 1 website uy tín, tác giả uy tín… Google đã bắt đầu chuẩn hoá khái niệm uy tín bằng hướng dẫn chi tiết về E-A-T đại diện cho Expertise (chuyên môn), Authoritativeness (thẩm quyền) và Trustworthiness (uy tín).
Một cách đơn giản để hiểu về E-A-T là bạn đang tìm đọc bài viết về điều trị đau răng – một chủ đề liên quan sức khoẻ (YMYL). Một bài viết tốt là một bài viết có tính chuyên môn cao có thể đánh giá trên nội dung và cấu trúc bài viết, các trích dẫn… Nhưng chưa đủ, ai viết bài này họ có đủ thẩm quyền hay không? Nếu là một bác sĩ nha khoa, bạn có thẩm quyền để viết bài này. Nhưng vẫn còn thiếu độ tin cậy, là một bác sĩ nha khoa nhưng bạn có nổi tiếng, tên của bạn có được nhắc đến nhiều và có nhiều người trích dẫn các nghiên cứu của bạn?
Vẫn còn là một dấu hỏi lớn về cách Google thực hiện E-A-T ra sao, tuy nhiên với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo Google đang nhận diện ra các bài viết chất lượng tốt hơn phần (Expertise). Bằng chứng là trong một phỏng vấn tháng 12/2021. Google’s John Mueller trả lời cộng đồng SEO rằng Google không tập trung quá nhiều vào độ uy tín của 1 trang để xếp hạng, Google sẽ xếp hạng cao một trang có nội dung tốt cho dù đó là một doanh nghiệp nhỏ.
Nguyên văn:
“And for a lot of websites, it’s not that you need to be seen as an authority. You essentially put your content out there. If you’re a small business you’re selling something. You don’t need to be an authority. And especially things where like one page websites they’re often very focused on this one thing and you don’t need to be an authority to do that one thing. To sell, I don’t know, an ebook, or to give information about opening hours for a business. It’s like, it’s just information. So from that point of view, having a one page website, I think it’s perfectly fine.”
Nguồn: https://www.searchenginejournal.com/google-you-dont-need-to-be-an-authority-to-rank/429921/
Từ đây, chúng ta có thể thấy Google đang rất tự tin trong việc đánh giá chất lượng nội dung của mình ở nhiều ngôn ngữ khác nhau sau khi công bố trí tuệ nhân tạo MUM. Và đó là cơ hội của các nhà sáng tạo nội dung chuyên sâu. Riêng RED² hoàn toàn ủng hộ hướng đi này của Google và đó cũng là định hướng SEO chính mà RED² áp dụng cho khách hàng.
3. Xu hướng Index Now
Một xu hướng khác có liên quan về vấn đề kỹ thuật hơn là xu hướng giản lược quá trình thu thập dữ liệu của các máy tìm kiếm. Thay vì chờ đợi máy tìm kiếm tìm đến và thu thập nội dung, các website có thể gửi trực tiếp nội dung đến máy tìm kiếm thông qua một giao thức thông tin (API). Điều này có nghĩa nội dung của bạn có thể được đưa vào các máy tìm kiếm ngay khi xuất bản và có lượng truy cập ngay nếu đó là nội dung chất lượng.
Chúng ta thấy điểm này không còn mới với các website lớn như Twitter, Facebook, VnExpress tuy nhiên do nguồn lực có hạn các máy tìm kiếm không thể quét toàn bộ nội dung trên thế giới nhanh và chỉ ưu tiên một số website lớn. Với xu hướng IndexNow, các website nhỏ cũng có thể được ghi nhận ngay lập tức như vậy.
IndexNow được Microsoft và Yandex giới thiệu năm 2021 và Google cũng giới thiệu Instant Index tương tự như Index Now nhưng giới hạn hơn cho loại nội dung Job Posting or BroadcastEvent.
Trong bài phỏng vấn với SEJ SEO Manager của GitHub – bà Jenn Mathews, cũng cho rằng IndexNow sẽ là một xu hướng lớn của năm 2022. Bà Mathews phát biểu trong bài phỏng vấn với SEJ:
“Nó cho phép các website dễ dàng được ghi nhận ngay khi nội dung của họ được tạo ra, cập nhật hay xoá đi. Với API này, các máy tìm kiếm được thông báo các cập nhật và chúng sẽ nhanh chóng thu thập, cập nhật các thay đổi này trong hệ thống dữ liệu và kết quả tìm kiếm. IndexNow đang thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa các chuyên gia làm SEO và máy tìm kiếm mãi mãi”.
Nguyên văn:
“This allows websites to easily notify search engines whenever their website content is created, updated, or deleted. With this API, search engines are notified of updates so they can quickly
crawl and reflect website changes in their index and search results. IndexNow is changing the relationship between SEO professionals and search engines forever,” Mathews said.
Phần 3: Các nhãn hàng cần làm gì?
Hiểu cách vận hành của trí tuệ nhân tạo
Chúng ta sẽ sống với trí tuệ nhân tạo trong những năm tới thế nên ít nhất là chúng ta cần hiểu cách hoạt động của chúng. Ngành SEO liên quan mật thiết tới lĩnh vực hiểu ngôn ngữ tự nhiên của trí tuệ nhân tạo (NLP – Natural Language Processing). Các máy tìm kiếm ngày càng hiểu ngôn ngữ tốt hơn theo một cách có cấu trúc. Ví dụ một chủ đề về xe điện (electric vehicle,) Google không còn hiểu một nội dung liên quan là nội dung có chứa từ khoá như “xe điện”, “xe ô tô điện” mà nó có thể hiểu rộng ra những chủ đề có tính liên quan như: các model xe điện (Tesla Model, Nissan Leaf, Chevrolet Bold…) hoặc các loại liên quan như hybrid car (xe vừa chạy điện, chạy xăng).
Để hiểu cách Google hiểu từ khoá như thế nào chúng ta sử dụng công cụ Google Keywords Planner. Google sẽ cho chúng ta một bức tranh nhỏ về cách máy tìm kiếm hiểu từ khoá đó như hình bên dưới:
Hoặc bạn có thể truy cập dự án Natural Language AI của Google để tìm hiểu cách Google đang đọc hiểu nội dung theo ngữ nghĩa như thế nào tại đây.
Về mặt cấu trúc ngôn ngữ, hiểu thêm về cách trí tuệ nhân tạo hiểu một chủ đề thông qua tham khảo cách Answerthepublic phân loại. Đây là một bức tranh khác rõ hơn về việc đánh giá nội dung của máy tìm kiếm sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo cần dữ liệu có cấu trúc và bằng việc đáp ứng đúng và đủ các nhu cầu tìm kiếm chúng ta sẽ được chúng ưu tiên xếp hạng.
Tập trung vào nội dung
Từ năm 2022 trở đi, nhãn hàng cần phải tập trung nhiều hơn cho nội dung vừa để thích nghi với xu hướng SEO, vừa để tạo ra các giá trị lâu dài cho khách hàng. Khi thực hiện các dự án SEO cho khách hàng ở Singapore, RED2 đã thấy rõ hiệu quả từ việc tạo nội dung chất lượng cao thay vì những “bài viết chuẩn SEO” ngắn và ít giá trị.
Nếu như trước đây một website được ghi nhận là liên quan đến một chủ đề nếu nó có hàng trăm bài viết về chủ đề đó với độ dài 500 - 700 từ, thì hiện nay các máy tìm kiếm sẽ phạt các website có quá nhiều nội dung gần nghĩa như vậy. Thay vào đó, các nội dung dài có cấu trúc tốt, trả lời cụ thể các vấn đề của người tìm, các trích nguồn uy tín với độ dài 1500 - 2000 từ trở lên, chứa nhiều hình ảnh minh hoạ sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, các máy tìm kiếm ngày càng ưu tiên các nội dung mới không trùng lặp.
Một bằng chứng khác của xu hướng này đó là Google gần đây đã thu thập những ghi nhận (crawled - currently not indexed) các nội dung không chất lượng của website.
SEO bền vững
Các thay đổi về SEO sẽ ngày càng nhanh, càng nhiều với sự tiến bộ về công nghệ. Để đáp ứng các xu hướng này thì chiến lược SEO mà RED² đang đề xuất cho khách hàng là “SEO bền vững”. Trong chiến lược này, nhãn hàng không cần tập trung chạy theo các cập nhật giải thuật của Google.
Marketer luôn theo sát cách Google cập nhật để đáp ứng vấn đề kỹ thuật, hệ thống, trải nghiệm người dùng và tiêu chuẩn nội dung. Tuy nhiên, marketer sẽ chú trọng nhiều hơn ở việc phục vụ người dùng bằng các nội dung hữu ích, chất lượng, có giá trị, trải nghiệm phong phú. Đó sẽ là điểm chung của tất cả giải thuật hướng đến.
Jackie Chu, Global SEO Lead & Intelligence tại Uber, chia sẻ trong bài phỏng vấn với SEJ:
“Trong 2022 các chuyên gia cần ngừng chạy cheo các giải thuật mà thay vào đó nên tập trung vào chiến lược SEO dài hạn, bền vững. Sẽ có vô số các thay đổi sẽ diễn ra tới mức bạn không thể làm gì hơn là tập trung vào chất lượng website và thương hiệu của mình chứ không phải là các cập nhật mới nhất của Google.”
Một cách khác để hiểu về SEO bền vững đó là hãy “dừng xả rác trên internet”. Rất nhiều SEO agency đang tư vấn khách hàng những cách nhanh chóng đạt kết quả mà không cần nỗ lực. Nhưng đi kèm theo đó là hàng loạt những nội dung kém chất lượng, những liên kết xấu được coi là rác thải trên internet. Hệ quả của nó là chính nhãn hàng đánh mất uy tín với người dùng. Họ tăng được độ nhận biết thương hiệu nhưng không cải thiện được tỷ lệ chuyển đổi. Còn về lâu dài, khi có quá nhiều rác thải trên kênh SEO, người dùng sẽ không còn sử dụng máy tìm kiếm để tìm thông tin nữa, đó là lúc kênh SEO sẽ chết.
Kết luận
Google đã bước qua năm thứ 24 và đang cùng thế giới tiến vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Marketer sẽ chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của SEO trong vài năm tới nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nhưng SEO cũng sẽ không nằm ngoài sự phát triển và xu hướng của nhân loại đó là bền vững hơn, sạch sẽ hơn và tinh gọn hơn.
Ghi chú: Bài viết trên đây Red2 có sử dụng trích đoạn nổi bật từ các chuyên gia SEO hàng đầu trên thế giới. Nếu muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể tải toàn bộ bài phỏng vấn được thực hiện bởi Search Engine Journal tại đây.
* Nguồn: Red2Digital