Brands Vietnam 2021 Review: Top 10 bài viết chọn lọc
Dưới đây là 10 bài viết tiêu biểu nhất do ban chuyên môn Brands Vietnam gạn lọc để giới thiệu đến bạn đọc. Chúng tôi cho rằng mỗi bài viết đều chứa hàm lượng kiến thức bổ ích và nhiều quan điểm đáng để suy ngẫm trong năm 2021.
Performance Marketing #4: Facebook CPAS – Giải pháp giúp nhãn hàng tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử | bởi Hạnh Lê
Trong bài viết, tác giả Hạnh Lê đã đi sâu vào một trong các giải pháp đang được các nhãn hàng sử dụng trong quá trình làm Performance Marketing để đẩy mạnh doanh số trên các sàn thương mại điện tử – Facebook CPAS.
Trước khi có CPAS, việc các nhãn hàng đẩy quảng cáo từ Facebook vào các sàn để tăng lượng người dùng, cũng như đơn hàng, doanh thu trên các sàn là một việc cực kỳ khó khăn, bởi sự giới hạn về dữ liệu. Năm 2019, CPAS ra đời và giải quyết được hầu hết các vấn đề khó khăn trong việc đẩy quảng cáo vào các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh những thông tin cơ bản về CPAS, tác giả còn hướng dẫn 3 bước cơ bản để có thể sử dụng CPAS hiệu quả.
Để tìm hiểu chi tiết công cụ CPAS là gì và cách ứng dụng như thế nào, mời bạn đọc theo dõi tại link này.
[Debate] Brand-Building vs Performance-Marketing #3: Quảng cáo là đầu tư, đừng xem chúng như chi phí | bởi Thành Toàn
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Jeremy Bullmore, một nhà tư tưởng vĩ đại trong ngành truyền thông quảng cáo (Adland’s greatest philosopher) theo tờ Campaign.
Thông qua câu chuyện của hãng xe Aston Martin, một mẩu quảng cáo với tuổi đời 30 năm vẫn tiếp tục tạo ra doanh số cho thương hiệu, ông Jeremy đã khẳng định vai trò của quảng cáo. Ông cho rằng mỗi mẩu quảng cáo nên được xem là một khoản đầu tư vào giá trị thương hiệu thay vì khoản chi phí có thể bị cắt bỏ dựa vào chỉ tiêu doanh số ngắn hạn.
Với kinh nghiệm chuyên sâu, ông Jeremy đã có những phân tích đa chiều và sâu sắc về vai trò của quảng cáo. Ông không thổi phồng tầm quan trọng mà chỉ đưa quảng cáo về với đúng mức độ cần thiết của nó trong việc xây dựng giá trị thương hiệu.
Bạn đọc có thể đọc kỹ hơn tại link này.
Deep Dive #5: Bàn về chiến dịch mùa Vu Lan của Ensure – Ý tưởng chạm đến trái tim xuất phát từ trái tim | bởi Thành Toàn
Vu Lan là ngày mà những người con sẽ hướng về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, để nhắc nhớ nhau niềm hạnh phúc khi cha mẹ còn mạnh khoẻ. Nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 kéo dài, nhiều người con đã chẳng thể về nhà với cha mẹ. Nhãn hàng Ensure Gold đã gửi lời yêu thương, vỗ về hàng triệu trái tim giữa tâm dịch thông qua chiến dịch ‘Vu Lan này, chẳng phải ai cũng được về nhà...’
Brands Vietnam đã có cuộc trao đổi với anh Chung Chí Công – Director tại 30 Pictures – và chị Thạch Thảo – Creative Director tại Saatchi & Saatchi Vietnam, để đào sâu vào chiến dịch đầy cảm xúc này. Không chỉ bàn luận về những khó khăn và nỗ lực để giải bài toán sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta sẽ được nghe người trong cuộc chia sẻ về những cảm xúc, kỷ niệm của họ khi thực hiện chiến dịch.
Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết những điểm sáng xúc động của chiến dịch tại link này.
Chứng bệnh “ảo tưởng briefing tốt” của marketer – Nguyên do từ đâu? | bởi Thảo Nguyên
Nội dung bài viết lược dịch quan điểm của ông Mark Ritson – một nhà tư vấn thương hiệu và cựu giáo sư chuyên ngành marketing. Theo bản báo cáo Better Brief, 90% marketer chưa thể đưa ra một bản brief hiệu quả cho các agency. Nguyên nhân cho con số 90% này nằm ở sự thiếu chiến lược.
Trong bài viết này, tác giả muốn đề cập đến hai vấn đề khá lớn, là “chiếc nhọt” của ngành marketing. Vấn đề đầu tiên là chiến lược và thứ hai là quá trình brief những yêu cầu của client cho agency. Hai vấn đề tưởng chừng như không liên quan nhưng lại có sự liên kết mật thiết. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến yếu tố kia. Nếu cả hai yếu tố đều không được thực hiện một cách rõ ràng và bài bản sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Mời bạn đọc theo dõi những phân tích chi tiết cùng giải pháp cho một bản brief hiệu quả tại link này.
Quản lý tài sản marketing online: “Đừng để mất trâu mới đi làm chuồng” | bởi Trần Quốc Kỳ
Doanh nghiệp không thể phủ nhận tầm quan trọng của Marketing hay Digital Marketing, nhưng rất ít chủ doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ và quản lý những tài sản online hay còn gọi là nền tảng để phục vụ hoạt động Digital Marketing.
Trong bài viết, ông Kỳ đã có những phân tích chi tiết về định nghĩa tài sản online của doanh nghiệp; những hệ luỵ nếu không quản lý tốt tài sản online và những lời khuyên thực tế cho doanh nghiệp trong việc “chăm sóc” tài nguyên online của mình.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại link này.
Personalization #2: Lằn ranh giữa cá nhân hoá và xâm phạm quyền riêng tư | bởi Thảo Nguyên
Câu chuyện cá nhân hoá và quyền riêng tư luôn là đề tài được tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn. Dù không phủ nhận sự tiện lợi của việc cá nhân hoá với mục đích tạo nên trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, tác giả vẫn nhấn mạnh sự thật rằng không một ai muốn bị “theo dõi” trắng trợn và quá đà trên không gian mạng. Vì vậy khi nói đến dữ liệu người dùng, doanh nghiệp thu thập càng nhiều, trách nhiệm càng cao.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến cách tiếp cận đúng, tránh “lấn vạch” từ tối ưu cá nhân hoá sang xâm phạm quyền riêng tư.
Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách tiếp cận đúng dữ liệu người dùng tại link này.
Digital Product #1: Cần “độ chín” về công nghệ và lĩnh vực chức năng để chuyển đổi số thành công | bởi Thảo Nguyên
Digital Product là series được thực hiện bởi Brands Vietnam và GEEK Up, dưới sự điều phối của anh Hứa Thái Đạt – Founder & CEO của CASK. Đây là chuỗi nội dung đào sâu vào vai trò và cách thức phát triển sản phẩm số, nhằm mang chủ đề Digital Product Development đến gần hơn với những người đọc quan tâm đến Digital Transformation & Business Innovation.
Trong số đầu tiên, 2 chuyên gia đến từ GEEK Up, chị Lê Hồ Mỹ Duyên – Head of Growth & Strategy, và anh Chris Nguyễn – Head of Product Analysis, đã chia sẻ những thông tin cơ bản doanh nghiệp cần nắm khi bắt đầu bước vào hành trình chuyển đổi số. Cụ thể, những thông tin được đề cập là điều kiện cần và đủ để thực hiện quy trình số hoá; giới thiệu và phân tích thang đo Digital Maturity; phương pháp giúp doanh nghiệp xác định giai đoạn chuyển đổi số cùng những lĩnh vực (Business Area) cần phân tích khi quyết định số hoá.
Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về các “trang bị” cơ bản cho hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp tại link này.
“Muốn lay động khách hàng, nước mắt bạn phải rơi” | bởi Nguyễn Hải Minh
Thời đại công nghệ mang đến cho các marketer trẻ nhiều thuận lợi hơn, với những công cụ giúp thấu hiểu người dùng cũng như các kênh triển khai ngày càng đa dạng. Các chiến dịch theo đó cũng ngày càng dày đặc hơn với nội dung vô cùng phong phú. Tuy thế, các nội dung và hoạt động na ná nhau cũng ngày càng nhiều, và dường như công nghệ, theo một cách nào đó, đang đưa marketing vào vòng xoáy của việc “thừa lượng và thiếu chất”.
Trong bài viết, tác giả đã đặt vấn đề về thực trạng hiện tại của các thông điệp quảng cáo “na ná nhau” và chưa thật sự chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng. Phần tóm gọn quan điểm của ông Richard Huntington – Chủ tịch Saatchi & Saatchi đã thể hiện được góc nhìn về một nguyên tắc trong việc làm nghề khó có thể thay đổi qua nhiều thời đại: Cảm xúc nên trở thành một phần trong suy nghĩ, trong cách truyền đạt và bản chất thương hiệu.
Để hiểu sâu hơn và bàn luận cùng tác giả về quan điểm trên, bạn đọc có thể tìm hiểu tại link này.
Khi cờ vua dạy cho tiếp thị và quản trị doanh nghiệp các nguyên tắc của chiến lược | bởi Nguyễn Hải Minh
Một bài viết khác của tác giả Hải Minh về những chiêm nghiệm khá thú vị giữa cờ vua và hoạt động tiếp thị. Trong bài viết, từ việc so sánh tiếp thị và cờ vua, tác giả đã đưa ra những điểm tương đồng giữa hai vế gồm: quan niệm sai lầm về chiến lược; tầm quan trọng của khả năng tư duy hình tượng; sự cần thiết của trực giác và khả năng tính toán cùng sự tiến hoá của tốc độ.
Đây là một bài viết với những so sánh và phân tích thú vị, bổ ích. Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết tại link này.
Fashion Marketing #17: Xu hướng kết hợp công nghệ trong lĩnh vực thời trang đã qua sử dụng, cho thuê và NFTs năm 2021 | bởi Lâm Hồng Lan
Trong bài cuối năm 2021 khép lại chủ đề thời trang bền vững, chị Lâm Hồng Lan đã chia sẻ một phần trong báo cáo khảo sát năm 2021 của Vogue Business đăng ngày 10/12/2021 về xu hướng kết hợp công nghệ trong lĩnh vực thời trang đã qua sử dụng, cho thuê và NFTs.
Dựa trên báo cáo khảo sát, có những xu hướng nổi bật như sau:
- Nhu cầu thời trang đã qua sử dụng được người tiêu dùng toàn cầu đón nhận
- Người tiêu dùng thời trang mong muốn áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc
- Xu hướng tư vấn trực tuyến và video shopping
- Sự lên ngôi của NFT với tốc độ vũ bão
Mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết phân tích báo cáo tại link này.
Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam