Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

Lần trở lại không mấy ấn tượng của ông hoàng một thời.

Sự hoài niệm luôn có sức ảnh hưởng mạnh. Những ký ức có thể gợi cảm xúc, niềm tin, thậm chí là sự đồng cảm. Và chỉ có số ít thương hiệu có thể khiến sự “lạnh lùng” của chủ nghĩa tiêu dùng “tan chảy”, một trong những thương hiệu có “đặc quyền” đó là Nokia. 

Dù trải qua nhiều biến động, bộ phận di động của công ty Phần Lan vẫn nhận được làn sóng ủng hộ từ người tiêu dùng cho đến khi về tay Microsoft vào năm 2013. Dù vậy, Microsoft cũng không duy trì mảng kinh doanh này quá lâu. Năm 2016, ông lớn công nghệ quyết định đóng cửa hoàn toàn mảng di động.

HDM Global, công ty được thành lập bởi các cựu nhân viên Nokia, mua lại thương hiệu này với hi vọng có thể “hồi sinh” cho thế hệ điện thoại “đầu đời” của người dùng trên toàn thế giới. Vào ngày 1/12/2016, HDM công bố kế hoạch tái ra mắt thương hiệu Nokia và mục tiêu trở thành một đối thủ đáng gờm trong thị trường di động toàn cầu. Công ty này đã đưa ra nhận định đanh thép về việc biến chương tiếp theo của Nokia với “những chiếc điện thoại Nokia chất lượng, thiết kế đẹp từng centimet”.

Năm 2017, tại hội nghị MWC Barcelona, HDM Global giới thiệu bốn mẫu điện thoại mới của Nokia gồm: Nokia 3310, Nokia 3, Nokia 5, và Nokia 6. Công ty hy vọng sẽ lấn sân sang dòng điện thoại phổ thông và phân khúc tầm trung – cận cao cấp. Những mẫu điện thoại tại thời điểm đó mang phong cách tối giản của Phần Lan cổ điển với phần mềm Android gốc cùng lời hứa sẽ có những phiên bản cập nhật nhanh chóng. Hiển nhiên, sự trở lại của “người bạn thưở xưa” nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt.

Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

Nguồn: Thegioididong

Tại thời điểm đó, ngành công nghiệp smartphone vẫn đang vật lộn với phần mềm cồng kềnh và không có khả năng cung cấp các bản cập nhật kịp thời. Vì vậy, lời hứa của HMD về các bản cập nhật nhanh chóng và trải nghiệm mượt mà là lý do cho sự chào đón nồng nhiệt của người dùng.

Tuy nhiên, “tua nhanh” đến 5 năm sau, Nokia phiên bản mới trở thành một nỗi thất vọng lớn. HMD Global đã trở thành một minh chứng cho câu “hứa một đằng làm một nẻo” khi điện thoại Nokia không có đặc điểm cạnh tranh nổi bật, tốc độ cập nhật phần mềm mới chậm và các vấn đề phần cứng cơ bản.

Hụt hơi trong việc cập nhật phần mềm

Yếu tố quyết định khiến người dùng quan tâm đến smartphone Nokia đến từ việc HMD tham gia chương trình Android One, giúp tối ưu hoá hoạt động của thiết bị nhờ nền tảng Android không tuỳ biến, luôn được cập nhật phiên bản nhanh chóng.

Thực tế, HMD đã hoàn thành tốt tiến độ cập nhật bản vá bảo mật hàng tháng, nâng cấp phiên bản Android sớm cho điện thoại Nokia. Tuy nhiên, HMD không thể giữ phong độ lâu.

Đến phiên bản Android 9 Pie, HMD vẫn đứng đầu khi nói về tốc độ cập nhật nhưng nhanh chóng rớt xuống vị trí thứ 4 khi phiên bản Android 10 ra mắt. Thời điểm phiên bản Android 11 được tung ra thị trường, công ty đã cố gắng bám trụ ở vị trí thứ 10. Hiện tại, HMD vẫn đang tiếp tục cập nhật Android cho một số thiết bị và chưa công bố lịch trình nâng cấp Android 12.

Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

Nokia rớt xuống vị trí thứ 4 về tốc độ cập nhật khi phiên bản Android 10 ra mắt
Nguồn: Thegioididong

Thông thường, thời gian cập nhật phiên bản trung bình là 2 năm và các bản vá bảo mật là 3 năm. Điều đáng chú ý là HMD bắt đầu gặp vấn đề với các bản cập nhật phần mềm ngay khi số lượng mẫu máy bắt đầu tăng. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nguồn lực cần thiết để phát triển.

Không chỉ dừng lại ở việc chậm cập nhật, những lần nâng cấp phần mềm của HMD cũng xuất hiện lỗi rất nhiều. Như trường hợp của Nokia 8.3, bản cập nhật làm tê liệt chức năng chụp ảnh. Một số người dùng không thể kết nối mạng. Trong khi đó, khách hàng sở hữu Nokia 5.3 liên tục phàn nàn về khả năng cuộn (scroll) và phản hồi của bàn phím kém đi sau khi cập nhật phiên bản Android 11. 

Cách duy nhất lấy lại niềm tin là phát triển phần mềm tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại, HMD vẫn chưa cho thấy bất kỳ động thái khắc phục triệt để nào, thậm chí vấn đề còn trở nên tệ hơn.

“Trượt chân” với dòng flagship

Phân khúc tầm trung sẽ là miếng bánh thơm cho tất cả các thương hiệu smartphone, nhưng dòng sản phẩm flagship sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo tiếng vang cho thương hiệu. Một mẫu điện thoại cải tiến với những chức năng mượt mà có thể là cú hích marketing cần thiết cho một thương hiệu mới để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Không may, đến năm 2018 HMD mới có thể giới thiệu một sản phẩm thuộc dòng flagship. Công ty đã đưa ra lựa chọn khá “an toàn” khi lấy cảm hứng từ siêu phẩm cũ Nokia 8800 Sirocco và cho ra mắt dòng điện thoại Nokia 8 Sirocco.

Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

Nguồn: ActualApp

Vào năm 2006, Nokia 8800 Sirocco có lẽ là hình ảnh thu nhỏ của một chiếc điện thoại cao cấp, sang trọng. Nhưng Nokia 8 Sirocco không đáp ứng được tiêu chuẩn cao cấp đó. Dù được thiết kế với vật liệu chất lượng cao, phong cách mới lạ độc đáo cùng tỉ lệ màn hình khác biệt, nhưng thiết kế phần cứng không phải là tất cả. Nokia 8 Sirocco vẫn bị bỏ xa bởi Samsung Galaxy S9 Plus hoặc LG V30 tại cùng thời điểm đó về mặt chất lượng phần mềm. Camera mờ nhạt, khả năng hiệu chỉnh màn hình kém và thiếu loa âm thanh nổi, jack cắm tai nghe cùng với mức giá quá cao đã không đủ sức thu hút người tiêu dùng.

Nokia Pure 9 – giải pháp cho một vấn đề không tồn tại

Xây dựng một chiếc điện thoại phân khúc cao cấp không phải là chuyện dễ dàng. Người tiêu dùng có thể xem Nokia 8 Sirocco là lần “trượt chân” đầu tiên và hi vọng vào sản phẩm tiếp theo cùng phân khúc? 

Đáng tiếc là sự thật không đẹp như tưởng tượng. Nỗ lực thứ 2 của HMD Global trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm flagship cũng không khả quan hơn lần đầu tiên.

Nokia 9 PureView có lẽ được thiết kế với mục đích đẩy mạnh xu hướng chụp ảnh trên điện thoại thông minh. Công ty đã chuyển đổi công nghệ của Lytro Illum, một máy ảnh trường ánh sáng để tích hợp vào sản phẩm mới này. Mẫu điện thoại mới sử dụng 5 cụm camera khác nhau để đạt được khả năng tự điều chỉnh tiêu cự sau khi chụp. Đây vốn là một tính năng không mấy ai mặn mà.

Nokia rớt đài do “ngủ quên” trên di sản thương hiệu

5 cụm camera khác nhau để đạt được khả năng tự điều chỉnh tiêu cự sau khi chụp
Nguồn: Mashable

Dù vậy, Nokia 9 PureView cũng không giữ được lời hứa về khả năng chụp ảnh tĩnh xuất sắc đã được quảng bá. Tóm lại, dù được định vị là phiên bản giới hạn nhưng Nokia 9 PureView không thể cạnh tranh với Galaxy 10 và Huawei P30. 

Sau 2 năm từ ngày ra mắt Nokia 9 PureView, HMD Global vẫn chưa sản xuất thêm mẫu điện thoại flagship mới. Thay vào đó, công ty dường như đang đẩy mạnh việc hồi sinh các dòng điện thoại cổ điển cũng như phát triển thêm các dòng điện thoại phổ thông. Việc ra mắt Nokia 3310 như một sự tôn trọng đối với di sản thương hiệu là một động thái đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu ngôi sao duy nhất của danh mục sản phẩm là những sản phẩm cũ, đó là dấu hiệu cho thấy công ty đang gặp vấn đề về mặt cải tiến.

Đuối sức vì mải chật vật với sự cải tiến

So sánh với các dòng điện thoại của Xiaomi hoặc Realme, các sản phẩm của HMD Global thường có giá cao hơn. Công ty dựa vào những “ưu điểm” như không chèn quảng cáo, cập nhật nhanh chóng để thu hút người dùng. Tuy nhiên, những lợi ích trên không thể đủ sức giữ chân khách hàng nếu cấu hình điện thoại và phần mềm không được tối ưu.

Thời gian gần đây, các hãng smartphone luôn tập trung tối ưu phần mềm để mang đến trải nghiệm mượt và cập nhật nhanh chóng. Điều này khiến các vấn đề như quảng cáo hay phần mềm “rác” dễ được bỏ qua hơn khi điện thoại có cấu hình tốt và giá phải chăng.

Trong khi các đối thủ đang dồn sức để đáp ứng nhu cầu người dùng với việc điều chỉnh các thế hệ Android để tăng độ mượt trải nghiệm, Nokia vẫn mải miết tập trung vào những yếu tố không được người dùng quan tâm. Trong quý II/2021, HMD chỉ xuất xưởng 2 triệu smartphone trên toàn cầu.

Cố gắng theo đuổi ánh hào quang từ quá khứ không thể giúp công ty phát triển và trụ vững.

Không chỉ có những điểm bất cập ở phần mềm, tốc độ trải nghiệm, những yếu tố khiến thương hiệu mất điểm còn nằm ở cách đặt tên và thiết kế sản phẩm. Việc đặt tên khiến người dùng khó có thể nhớ hoặc ấn tượng với những số thập phân, hoặc tên gọi với những chữ cái như X, G hay C. Về mặt thiết kế, các mẫu mấy không có những điểm sáng nổi bật. Có thể nói những thiết kế gần đây không đủ ấn tượng như dòng Lumia từng khuynh đảo thị trường một thời.

Không thể phủ nhận phân khúc tầm trung, giá rẻ là hướng đi phù hợp cho công ty muốn giành thị phần trong một thị trường smartphone đầy cạnh tranh. Dù sở hữu thương hiệu mang tính biểu tượng là Nokia nhưng HMD vẫn gây thất vọng khi liên tục ra mắt những sản phẩm không xứng với sự nổi tiếng của thương hiệu quốc dân. Các vấn đề như tối ưu phần mềm kém, chất lượng camera thấp, thời gian cập nhật Android chậm đã khiến Nokia mất điểm trong mắt người hâm mộ.

Theo Thu Nga / Brand Vietnam
* Nguồn: AndoridAuthority