Điểm danh các thương hiệu trên “đấu trường” metaverse (Phần 1)
Metaverse – một trong những từ khoá thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng, và đặc biệt “nổi cộm” hơn sau khi Facebook tái nhận diện thương hiệu. Cùng điểm qua đâu là các thương hiệu đã ghi tên mình trên bản đồ metaverse.
Đầu tiên có thể kể đến Facebook – một trong những “người chơi” nổi bật trong vũ trụ ảo. Ngày 29/10/2021, CEO Mark Zuckerberg thông báo đổi tên Facebook Inc. thành Meta, bày tỏ mong muốn thoát khỏi hình bóng của một công ty phương tiện truyền thông xã hội đơn thuần. Tên gọi mới còn phản ánh tất cả những điều công ty sẽ triển khai trong tương lai nhằm tập trung xây dựng metaverse.
Bên cạnh đó, Facebook cũng có nhiều động thái cho thấy quyết tâm với cuộc cách mạng metaverse từ lâu. Chẳng hạn, mua lại nền tảng thực tế ảo (VR) Oculus vào năm 2014 để phục vụ công tác làm kính VR, AR. Hay công ty đang trong quá trình xây dựng không gian ảo Horizon được dự kiến ra mắt vào năm 2022.
Không lâu sau cú “nổ súng” của Facebook, ngày 2/11/2021, Microsoft công bố kế hoạch metaverse trong hội nghị Microsoft Ignite. Thay đổi đầu tiên là bản cập nhật dành cho nền tảng Teams được đặt tên là “Mesh”, cung cấp cho người dùng hình đại diện kỹ thuật số được cá nhân hoá và không gian sống động để gặp gỡ trong không gian metaverse. Bản cập nhật “Mesh” được dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2022. Microsoft còn tiết lộ một sản phẩm mới khác có tên là Dynamics 365 Connected Spaces cho phép người dùng di chuyển và tương tác trong không gian bán lẻ và nhà máy.
Trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ mới rục rịch chuẩn bị tiến vào metaverse thì công ty game Roblox bắt đầu hiện thực hoá “giấc mơ” này từ năm 2004. Với Roblox, người chơi có thể tự sáng tạo ra game của riêng mình hoặc chơi những trò được sáng tạo từ người khác. Người tham gia Roblox còn có thể mua bán, trao đổi vật phẩm trong game. Roblox hiện có khoảng 47 triệu người chơi mỗi ngày trên toàn cầu, và có hơn 9,5 triệu nhà sáng tạo. Nhiều thương hiệu nhận thấy tiềm năng và bước chân vào metaverse bằng cách bắt tay với Roblox như Huyndai, Gucci, Nike…
Epic Games là một trong những nhà phát hành game lớn đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng metaverse. Epic Games cho thấy nỗ lực và khả năng tạo metaverse của riêng mình với “át chủ bài” Fornite. Công ty từ lâu đã phát triển các chức năng xã hội cho Fornite và tiến hành nhiều hoạt động hợp tác khác nhau. Ví dụ, Fornite tổ chức buổi hoà nhạc cho nghệ sĩ nổi tiếng như Ariana Grande, Travis Scott…; kết hợp với thương hiệu thời trang như Balenciaga, Air Jordan… hay phim ảnh như Marvel, Squid Game, Naruto…
Tháng 4/2021, Epic Games công bố nhận được khoản đầu tư 1 tỉ USD từ các đối tác hỗ trợ chiến lược metaverse. Ngoài ra, để phục vụ cho công cuộc tạo metaverse, Epic Games còn thâu tóm 2 nhà phát triển game Rocket League và Fall Guys, nền tảng digital marketing dành cho trẻ em SuperAwesome.
Tháng 4/2021, NVIDIA ra mắt nền tảng công nghệ Omniverse cho doanh nghiệp. Omniverse là không gian ảo nơi người dùng dù làm việc bằng những phần mềm thiết kế 3D khác nhau vẫn có thể cộng tác với nhau theo thời gian thực. Đến tháng 8/2021, NVIDIA mở rộng nền tảng đến nhiều người dùng hơn bằng cách tích hợp với Adobe và Blender. Trong khuôn khổ dự án xây dựng một Omniverse rộng lớn, NVIDIA công bố Omniverse Avatar vào tháng 11/2021. Omniverse Avatar là nền tảng cung cấp các công cụ cho phép người dùng tạo ra các nhân vật AI đại diện để tương tác trong thời gian thực.
Disney đang chuẩn bị thực hiện “bước nhảy vọt” vào metaverse. Theo CEO Bob Chapek, metaverse của Disney sẽ là phần mở rộng từ dịch vụ video trực tuyến Disney+, thông qua một hình thức kể chuyện mới mà ông gọi là “tấm vải 3 chiều”. Ông Chapek còn khẳng định với các nhà đầu tư rằng metaverse phù hợp với hướng đi của Disney, bởi vì đây vốn là hãng hoạt hình có lịch sử đổi mới công nghệ từ cách đây gần 1 thế kỷ.
Tháng 9/2021, ByteDance – công ty mẹ của TikTok, “bắn phát súng” đầu tiên vào metaverse khi mua lại startup VR có tên Pico. Pico sẽ kết hợp hoạt động kinh doanh liên quan đến VR, tài nguyên nội dung và năng lực kỹ thuật của Bytedance, đồng thời tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Đầu tháng 10, TikTok công bố phát hành những bộ sưu tập kỹ thuật số từ nội dung dưới dạng NFT. Theo đó, người dùng có thể sở hữu những video của TikToker mình yêu thích một cách độc quyền.
Tháng 11/2021, Nike ra mắt thế giới ảo “Nikeland” được mô phỏng theo trụ sở chính của công ty trên nền tảng Roblox. Sự kiện đưa Nike trở thành một trong những thương hiệu thời trang thể thao lớn đầu tiên tham gia vào metaverse. Nikeland được xây dựng dựa trên mục tiêu biến thể thao và vui chơi trên metaverse thành một phong cách sống. Người chơi sử dụng các sản phẩm và trang phục đặc biệt của Nike cho nhân vật của họ. Dịch vụ này cũng miễn phí cho bất kỳ ai truy cập trên nền tảng Roblox.
Cuộc đua metaverse chỉ mới vừa nhen nhóm với chủ yếu là sự tham gia của các “tay chơi” lớn. Ai sẽ là người chơi tiếp theo gia nhập chặng đua dài hơi và thú vị này?
Thảo Nguyên / Brands Vietnam