Bước chuyển mình “vì sức khoẻ khách hàng” của ngành F&B hậu Covid
Trong thời đại khi nhu cầu “ăn sang” phải nhường chỗ cho thói quen ăn uống đặt sức khoẻ lên hàng đầu, ngành kinh doanh nhà hàng đã có những bước chuyển mình kịp thời để cổ vũ lối sống lành mạnh, bền vững này của người tiêu dùng.
Hậu Covid: “Sức khoẻ là đầu câu chuyện”
Báo cáo “Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam: Kiên cường trước khó khăn, tháng 02/2021” của Deloitte Việt Nam chỉ ra, ý thức bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Việt Nam đã có từ trước Covid-19, và đại dịch là cú hích thúc đẩy người dân quan tâm đến sức khoẻ hơn.
Covid đã khiến chúng ta ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm giàu dưỡng chất và bảo vệ sức khoẻ, giảm hấp thu lượng đường có hại vào cơ thể, được sản xuất bền vững với môi trường.
Tại sự kiện Digital Growth Summit diễn ra ngày 5/11 vừa qua, phiên thảo luận chủ đề "New Dawn", ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh Lazada Việt Nam đã trình bày các xu hướng mới hình thành hậu đại dịch, trong đó sức khoẻ trở thành một trong ba mối quan tâm chính.
Trong chia sẻ của ông Hoàng, mối quan tâm về vệ sinh, hệ miễn dịch và sức khỏe được nâng cao trong giai đoạn “bình thường mới”.
Một nghiên cứu gần đây của ADM OutsideVoice cũng công bố các xu hướng tiêu thụ thực phẩm thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thời gian tới, bao gồm: tìm kiếm sự cân bằng giữa dinh dưỡng lành mạnh và sự hưởng thụ, chú trọng giải pháp phù hợp từng cá nhân, mua sắm dựa trên giá trị (chọn hàng thiết yếu với nhãn hiệu, mức giá thấp hơn).
Có thể thấy, các báo cáo, xu hướng thị trường sau đại dịch cùng đưa đến kết luận rằng, người tiêu dùng hiện nay vô cùng quan tâm đến sức khoẻ, đặc biệt qua đường ăn uống bên cạnh việc vận động thể chất hay cải thiện tinh thần.
Do đó, các doanh nghiệp ngành F&B cần nắm bắt nhanh chóng sự thay đổi của thị trường, từ đó ứng phó và xoay chuyển tình thế hậu đại dịch.
Chú trọng dùng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch và bền vững thúc đẩy các nhà hàng kết hợp các nguyên liệu hữu cơ, các món thuần chay lành mạnh hơn vào thực đơn, thúc đẩy làn sóng thành công của yến mạch, đậu nành và các lựa chọn thay thế sữa khác.
Những công ty lâu đời cho đến các thương hiệu mới nổi đều đang tìm cách giành lấy miếng bánh này.
Đơn cử như món bánh mì kẹp thịt thuần chay của Beyond Meat mang lại danh tiếng cho hãng, được cam kết chứa 100% nguyên liệu từ thực vật, không biến đổi gen (no GMOs), vừa có hương vị thơm ngon như chiếc bánh mì kẹp thịt truyền thống.
Hay như hai món thịt gà chay của hãng thực phẩm Natera Splendid là Natera Seasoned Chick-Un Tenders và Chick-Un Nuggets, đã có mặt tại chuỗi nhà hàng Denny’s và Bar One trên khắp Canada cũng đang được người tiêu dùng tại đây hưởng ứng mạnh mẽ.
William White, Giám đốc điều hành Komo Plant Based Foods, một thương hiệu chuyên sản xuất và kinh doanh các thực phẩm nguồn gốc thực vật, chia sẻ: “Việc chuyển đổi sang chế độ ăn giàu protein thực vật có thể có tác động đáng kể đến biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất vui khi mang đến cho người tiêu dùng toàn cầu khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh mà không làm mất đi hương vị, chất lượng những món ăn thịnh soạn họ yêu thích".
Chuyển đổi mô hình kinh doanh, trở thành “thương hiệu vì sức khoẻ”
Theo các chuyên gia, thức ăn lành mạnh cho sức khoẻ không nhất thiết phải loại trừ hoàn toàn nguyên liệu chứa nguồn gốc động vật.
Đó có thể là sử dụng loại thịt giàu vitamin và dưỡng chất, cách chế biến hạn chế dầu và gia vị hay các thành phần “vỗ béo thực khách”, nấu chậm và ăn đúng giờ...
Tại Việt Nam, câu chuyện của chuỗi nhà hàng Lion City, thương hiệu chuyên về ẩm thực truyền thống Singapore, cũng là minh chứng cho việc chuyển hướng phục vụ từ “cao cấp” sang “vì sức khoẻ thực khách”.
Với xuất phát điểm là nhà hàng dành cho các thực khách có thu nhập cao, đam mê trải nghiệm các món ăn chuẩn vị Singapore truyền thống, “bộ tứ” làm nên tên tuổi của nhà hàng là cua sốt ớt truyền thống, cháo ếch Singapore, cà ri đầu cá và sốt sambal.
Tất cả được chọn lọc từ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng, chế biến công phu và mang đến thực khách theo concept Fine Dining “đắt xắt ra miếng”.
Tuy nhiên khi làn sóng Covid ập đến, loạt thương hiệu nhà hàng cao cấp buộc phải tìm ra giải pháp sống sót và tìm hướng đi mới để thay đổi vận mệnh. Lion City cũng không là ngoại lệ.
Và giải pháp chuỗi nhà hàng đã chọn là “chuyển mình” sang phục vụ các khách hàng ở phân khúc phổ cập, mang các món ăn bồi bổ sức khoẻ và phù hợp túi tiền đến thực khách để cổ vũ cuộc chiến chống Covid trường kỳ.
Từ thay đổi thực đơn...
Ông Harry Ang, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Lion City, đã cùng các cộng sự cập nhật vào thực đơn các món từ thịt ếch. Ông cho biết ếch là loại thịt dễ chế biến, giàu dưỡng chất, không cholesterol, hỗ trợ tuần hoàn máu và phù hợp cho người ăn kiêng. Thịt ếch được thái nhỏ vừa ăn, quyện cùng nước sốt sánh sệt, thơm nồng vị hành ớt đặc trưng của ẩm thực Singapore.
Thịt ếch xuất hiện khá phổ biến trong các món ăn của xứ đảo quốc sư tử.
“Nhà hàng tập trung vào ếch vì chúng không chứa cholesterol và có lợi cho xương. Lion City vốn đã nổi tiếng từ trước với cháo ếch và chúng tôi sẽ khiến món ăn này trở nên đặc sắc hơn. Chúng tôi cũng chuẩn bị ra mắt món mới là bánh mì ếch sốt truyền thống và sốt sa tế Singapore lấy cảm hứng từ đặc sản thương hiệu.
Khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, Lion City mong muốn mang đến cho khách hàng những bữa ăn giúp bồi bổ sức khoẻ và chất lượng được khẳng định, giữ trọn hương vị độc đáo của đảo quốc sư tử kèm theo mức giá tốt nhất”.
... đến thay đổi sứ mệnh
Lion City là một trong số những nhà hàng nỗ lực tìm kiếm sáng kiến phát triển mới sau đại dịch. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành F&B, ông chủ nhà hàng Harry Ang đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một thương hiệu mới mang định vị phổ thông hơn: Ok-lah.
Harry Ang trải lòng: “Trước đây, chúng tôi chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng có thu nhập cao. Cốt lõi khi chúng tôi phát triển Ok-lah rất rõ ràng: đảm bảo sự lành mạnh, bảo vệ sức khoẻ và vừa với túi tiền của hầu hết mọi người, khi Covid đã tác động tiêu cực đến thu nhập, nhu cầu thưởng thức bữa ăn thượng hạng và làm tăng nỗi lo lắng của mọi người về sức khoẻ.
Nếu không có Covid-19, có lẽ tôi đã không nảy ra ý tưởng làm sao đưa Lion City lên một tầm cao mới và nỗ lực để người Việt công nhận chất lượng, hương vị của các món ăn đường phố Singapore.
Mục tiêu của Ok-lah trong thời gian tới là tiếp cận thị trường rộng hơn, phục vụ được nhiều người Việt hơn với các món ăn chất lượng, lành mạnh và phù hợp điều kiện kinh tế. Vào tháng 12 này, chúng tôi sẽ chính thức khai trương thương hiệu mới Ok-lah”.
Ok-lah là sự kết hợp giữa tinh hoa ẩm thực cao cấp vốn có của Lion City với dòng chảy ăn uống thiên về giá trị thực, phù hợp nhu cầu bảo vệ sức khoẻ và túi tiền của người tiêu dùng.
Dù tập trung vào phân khúc phổ thông hơn, vậy nhưng Ok-lah vẫn luôn nhất quán với định hướng của Lion City khi đặt hương vị cao cấp trứ danh Singapore làm kim chỉ nam để phục vụ “thượng đế”.
Thực đơn mới của Ok-lah sắp ra mắt gồm: cơm, cháo ếch, bánh mì ếch, bánh kếp, bánh chấm cà ri… kèm nước sốt ớt cực “bắt miệng”, hứa hẹn mang lại cơ hội tiếp cận hương vị đắt đỏ Singapore đến đông đảo người Việt.
Sứ mệnh của nhà hàng không chỉ là phục vụ thực khách những bữa ăn đơn thuần. Đó còn là tìm cách giải quyết những vấn đề của khách hàng và khẳng định niềm đam mê cháy bỏng cùng ẩm thực.
Chân dung Harry Ang, chủ thương hiệu Lion City và Ok-lah vốn nổi tiếng với phương châm “kinh doanh vì khách hàng”.
Lion City là một trong số các nhà hàng đã nỗ lực bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng thông qua việc cải tiến menu sử dụng nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng, chuyển đổi sang định vị “bình dân mới” giúp đưa văn hoá ẩm thực truyền thống Singapore đến đông đảo bạn bè Việt Nam.
Theo Báo Dân Sinh