8 dạng content “đánh là thắng” cho chiến dịch inbound marketing B2B
Từ lâu, content marketing đã được xem là một trong những phương thức trọng yếu, ảnh hưởng lớn đến kết quả của chiến lược marketing đường dài.
Trong giai đoạn chuyển đổi từ phương thức marketing truyền thống (gồm print ads, direct mail, cold calls…) sang inbound marketing, doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng content. Đặc biệt là khi khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp B2B phần lớn là người có kiến thức nhất định về sản phẩm/ dịch vụ, họ luôn tìm hiểu kỹ trước khi tiêu tiền.
Do đó, đầu tư nội dung chuyên sâu, cung cấp thông tin chất lượng cho khách hàng tiềm năng sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh uy tín, khiến cho họ tin tưởng và quyết định mua hàng. Ngay trong bài viết này, ERA sẽ giúp bạn cập nhật nhanh 8 dạng content “đánh là thắng” cho chiến dịch inbound marketing B2B.
1. Tập trung nội dung dạng blog đầu tiên
Có thể thấy, blog là dạng nội dung truyền thống nhất, chắc chắn luôn nằm trong số các loại content marketing phải làm. Thế nên, điều bạn cần làm là tìm cách để duy trì sự đa dạng của chủ đề, tần suất đăng bài thường xuyên và tìm nguồn nội dung phong phú.
Hãy ghi nhận các câu hỏi thường gặp (FAQ) trong quá trình tư vấn cho khách hàng và tổng hợp lại thành các bài viết trên blog, đây cũng là một cách triển khai nội dung hữu ích, vừa giải quyết những thắc mắc của khách hàng, vừa làm giàu nội dung. Mặt khác, việc khai thác nội dung từ các câu hỏi thường gặp còn có lợi cho website của bạn khi Google SERPs thu thập các đoạn trích nổi bật.
Ngoài ra, còn một nguồn để khai thác thông tin hiệu quả nữa, đó chính là các nội dung trên các ấn phẩm khác như: profile, brochure, sales kit, nội dung trong các file presentation… Nếu doanh nghiệp của bạn được xếp hạng trong các cuộc khảo sát hoặc xuất hiện trên báo chí, tham gia sự kiện, nhân sự tham gia khoá tập huấn… thì chuyển thể những nội dung này thành bài blog cũng khá thú vị đấy.
2. Triển khai nội dung phỏng vấn từ các chuyên gia
Các chuyên gia ở đây có thể là những nhân viên có thâm niên của công ty hoặc các nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành. Hãy trò chuyện với họ và đặt một vài câu hỏi xoay quanh lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Đó có thể là những đánh giá về tình hình hiện tại, dự báo xu hướng trong tương lai… hoặc đơn giản là nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm, tips, câu chuyện thực tế liên quan đến ngành. Từ các nội dung đó, bạn hoàn toàn có thể triển khai bài blog theo chủ đề hỏi đáp hoặc chuỗi bài kể chuyện thú vị.
3. Xoá bỏ rào cản thuật ngữ
Mỗi ngành đều có hệ thống thuật ngữ riêng biệt. Hãy thú thật, có bao giờ bạn cảm thấy những thuật ngữ đó thật sự quá khó hiểu không? Công nghệ, sản xuất công nghiệp, bảo hiểm, tài chính, luật… là một vài đại diện tiêu biểu cho các lĩnh vực có nhiều thuật ngữ “khó xơi”.
Có thể bạn đã có sẵn danh sách các thuật ngữ trong ngành nghề của mình, và tất nhiên là nội dung giải thích chúng cho dễ hiểu nữa. Dù tự biên soạn hay sưu tầm từ những nguồn khác thì bạn cũng cần tổng hợp chúng lại. Tiếp theo, xuất bản chúng dưới dạng ebook PDF và chia sẻ rộng rãi để người dùng có thể tiếp cận được tài liệu này.
Gợi ý dành cho bạn: Hãy đặt ebook này trên website với mặc định cung cấp email để tải. Nguồn email này sẽ là thông tin hữu ích cho bạn khi cần triển khai email marketing.
4. Xuất bản ebook
Biên soạn và xuất bản ebook là cách “educate” khách hàng hiệu quả. Tại đây, bạn có thể tận dụng nội dung từ blog: tập hợp những bài có cùng chủ đề, bạn sẽ có một quyển ebook đầy đặn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sưu tầm các ebook thống kê số liệu trong ngành, cập nhật xu hướng mới của các đơn vị khảo sát uy tín và chia sẻ chúng.
Ebook này bạn có thể tạo riêng một category trên website, upload dạng PDF để người dùng tải và đọc. Tất nhiên, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp thu thập email của user tải ebook.
5. Xuất bản white paper
Bắt nguồn từ chính trị, white paper được hiểu là một văn bản lập pháp có chức năng giải thích và hỗ trợ cho giải pháp chính trị cụ thể. Theo thời gian, white paper được dùng cho nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ở mỗi lĩnh vực, white paper (sách trắng, bạch thư) được định nghĩa khác nhau.
Và dù có hình thức khá giống một quyển ebook nhưng cách viết 2 loại này không hoàn toàn giống nhau. Nếu như ebook chỉ đơn thuần là viết mới hoặc tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn thì white paper đòi hỏi phải có số liệu thực tế, độ chính xác cao, nội dung mang hơi hướng học thuật.
Trong lĩnh vực công nghệ, white paper được dùng để mô tả lý thuyết hoạt động của một công nghệ mới. Trong marketing, các nhà tiếp thị thường cung cấp white paper để đưa ra hướng dẫn cho khách hàng hoặc giải thích một giải pháp cụ thể. Thông thường, white paper sẽ được đăng tải website và người dùng cần cung cấp email để tải về xem.
Bài hướng dẫn viết white paper hiệu quả của HubSpot: Xem ngay
6. Tái sử dụng nội dung webinar
Tái sử dụng nội dung vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian, vừa khai thác tối đa nguồn thông tin sẵn có. Nếu có tổ chức (hoặc đồng tổ chức) các buổi event, workshop… online, bạn hãy ghi chú nội dung để triển khai bài blog, hoặc quay video để đăng tải trên các kênh truyền thông.
Nếu được, bạn nên dành riêng một mục riêng cho các video này trên website hoặc kênh YouTube. Đây được xem như một kho dữ liệu của doanh nghiệp. Người dùng dễ dàng tìm thấy chúng. Nếu khai thác tốt, dạng nội dung này cũng sẽ góp phần vào chiến dịch content marketing hiệu quả.
7. Infographics vẫn còn được yêu thích
Dù không quá mới mẻ nhưng nội dung dạng hình ảnh hoá (infographics) vẫn luôn thu hút phần lớn độc giả. Những nội dung thích hợp để thiết kế infographics gồm có:
- Số liệu thống kê về một vấn đề nào đó (khảo sát, nghiên cứu, kết quả dùng thử sản phẩm…)
- Giới thiệu quy trình, sản phẩm, dịch vụ
- Hướng dẫn sử dụng sản phẩm/ dịch vụ
- Giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ
8. Content dạng video luôn thu hút lượng tương tác tốt trên các kênh mạng xã hội
Không những là định dạng giúp truyền tải nội dung theo cách trực quan, sinh động, video còn mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, hình thức livestream cũng thu hút được lượng lớn người dùng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.
Nếu quan tâm đến dạng nội dung video, bạn có thể tìm hiểu thêm về TikTok – mạng xã hội đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trong 3 năm gần đây.
Sở hữu phần lớn người dùng thuộc Gen Z với độ tuổi từ 1994 đến 2005 và kho hiệu ứng phong phú, nguồn tài nguyên sáng tạo, nếu tệp khách hàng tiềm năng của bạn thuộc nhóm này thì TikTok là một kênh đáng để xem xét đầu tư.
Hy vọng với 8 dạng content vừa nêu, bạn sẽ có thêm lựa chọn để triển khai content marketing hiệu quả.
Bạn đã hoàn thành chiến lược content marketing cho năm 2020 chưa? Nếu có nhu cầu tư vấn inbound marketing B2B, hãy liên hệ ngay với ERA theo hotline 0919 1000 75 hoặc để lại tin nhắn trong chatbox.
Nguồn tham khảo:
* Nguồn: ERA Content