Novaon Communication: Tìm kiếm Big Idea sáng tạo cho mùa Tết 2022
Tết chính là cuộc đua gay gắt giữa các thương hiệu trên mạng xã hội và các kênh thông tin khác. Vì đây là dịp mua sắm lớn nhất năm và cũng là ngày lễ mang giá trị tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh trong và hậu COVID-19, cách đón Tết của người tiêu dùng sẽ có nhiều thay đổi.
Hiểu một cách tích cực, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể là cơ hội để các thương hiệu đẩy mạnh hiệu quả hoạt động Marketing và giành lợi thế cạnh tranh trên môi trường online. Số lượng chiến dịch Tết mỗi năm một tăng và thương hiệu đang đi tìm “ý tưởng lớn” để chiến dịch của mình có thể để lại dấu ấn? Hãy cùng Novaon Communication đi tìm lời giải trong bài viết này.
1. Ngành FMCG – OMO
Trong Bảng xếp hạng (BXH) BSI Top 10 Campaigns nổi bật trên Social Media tháng 1/2021, thương hiệu bột giặt Omo đã quay trở lại vị trí top 4 chiến dịch Tết viral nhất. Thông điệp ý nghĩa, chủ đề khác biệt là điều mọi người nhớ về khiến chiến dịch “Lời chúc hoá hành động – Lấm bẩn mang điều hay”.
“Bình mới rượu cũ”, năm 2021 OMO tiếp tục ghi điểm với chiến dịch “Lời chúc hoá hành động – Lấm bẩn mang điều hay”. Chuyển hoá lời chúc Bình an – Thịnh vượng – Sức khoẻ thành những hành động vì cộng đồng: trồng rừng, tặng cây giống, gói bánh chưng tặng trẻ em vùng cao, ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ, tặng sản phẩm vệ sinh…
Để tạo nên Buzz Volume cao nhất BXH, không thể không nhắc đến MV “Cả ngàn lời chúc”. Sản phẩm âm nhạc là sự kết hợp của hai nghệ sĩ Rhymastic và Suboi để truyền tải thông điệp lời chúc sẽ trọn vẹn ý nghĩa nếu nó được chuyển hoá thành hành động thiết thực.
2. Ngành Food & Beverage – Bia Việt
Nhắc đến top những chiến dịch nổi bật nhất Tết 2021, không thể không nhắc đến “Tết Việt Như Ý” do thương hiệu Bia Việt phát động. Chiến dịch khai thác insight một cái Tết như ý là khi mọi người xung quanh ai cũng vui vẻ và mong ước vẹn tròn. Tuy Tết như ý không phải là một thông điệp mới lạ nhưng cách Bia Việt triển khai đã khiến chiến dịch có chỉ số thảo luận liên quan đến thương hiệu – Relevance Score cao nhất (0,92) trên BXH BSI của Buzzmetrics.
Bia Việt đã số hoá quảng cáo ngoài trời (OOH Advertising). Xuyên suốt chiến dịch, billboards nền đỏ của Bia Việt ở địa phương nào là được “địa phương hóa” theo văn hoá riêng của vùng đất đó thể hiện sự tôn trọng với văn hoá đặc trưng từng địa phương. Không quên trách nhiệm xã hội của mình, Bia Việt còn đặc biệt trao tặng các phần quà Tết đến các hộ gia đình khó khăn dành cho 20 tỉnh có số lượng lời chúc nhiều nhất.
3. Ngành bảo hiểm – Generali
Tiếp nối thành công của chiến dịch “Sống Như Ý” 2020, năm 2021 Generali Việt Nam cùng vũ trụ “Sống Như Ý” tung ra sản phẩm phim âm nhạc Tết 2021 cùng thông điệp “Tựa vào nhau cho Tết này như Ý”. Đi ngược lại số đông, trong khi các thương hiệu khác mong muốn kéo bạn về nhà vào ngày Tết thì Generali lại tuyên bố “Con đừng về! Nếu…”.
Bằng sở trường kể chuyện cuốn hút cùng sự thăng hoa của yếu tố âm nhạc, Generali đã thành công gửi lời tôn vinh đến những “điểm tựa” vững chãi luôn ở bên âm thầm ủng hộ người trẻ. Generali mang “điểm tựa” yêu thương và những phần quà thiết thực đến với 300 gia đình đồng bào dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
4. Cuộc đua giữa các “ông lớn” ngành TMĐT
Cuộc đua chiến dịch Tết không thể vắng bóng các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki. Mặc dù hoạt động chủ yếu xoay quanh chương trình khuyến mại “sale lớn, sale khủng” nhưng mỗi sàn lại tìm cho mình một cách triển khai khác biệt.
Shopee ghi dấu ấn với chiến dịch “Bán hàng xuyên Tết – Đời sống lên hết”, siêu sale và giao hàng xuyên Tết để khuyến khích người dùng mua sắm nhiều hơn mà không lo nhận hàng trễ. Lazada tiếp tục chiến lược mua sắm kết hợp giải trí và Tết là dịp không thể phù hợp hơn để áp dụng. Sự kiện show ca nhạc Lazada Supershow Tết 21 diễn ra trong 48 giờ quy tụ dàn sao hàng đầu Vpop cùng cơn mưa phần thưởng kêu gọi người dùng liên tục “chốt đơn”. Tiki có lối đi riêng khác biệt khi thể hiện trách nhiệm xã hội, hỗ trợ người dân trong lúc nền kinh tế khó khăn vì dịch bệnh với chiến dịch “Bốc số thưởng Tết” và slogan “Không được thưởng Tết, Tiki thưởng hết”.
1. Nhân khẩu học
Theo dự đoán của Bộ Công thương Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm ngày Tết sẽ giảm mạnh. Người dân đã chuẩn bị tâm thế để đón một cái Tết đơn giản hơn, tập trung vào các ngành hàng thiết yếu như: FMCG (hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, bánh kẹo), F&B (bia rượu, nước giải khát), Điện tử điện máy, Năng lượng (xăng dầu), Sức khoẻ Y tế.
49% người được hỏi nói rằng họ sẽ cắt giảm chi phí chi tiêu cho Tết và dành tiền tiết kiệm nhiều hơn những năm trước đây (Vietnam expectation toward Tet 2022 – Asia Plus Inc)
2. Hành vi
Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ đón một cái Tết ảm đạm. Theo phân tích của Think with Google, dịch bệnh sẽ là yếu tố để người dân Việt Nam hướng tới một cái Tết công nghệ. Cụ thể họ:
- Tìm kiếm trên Internet những phương thức mới để tận hưởng dịp nghỉ Tết tại nhà (70% trong số thực hiện khảo sát).
- Sắm Tết online nhiều hơn. Năm 2021, doanh thu bán hàng online trước Tết tăng từ 20-25% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khi số ca nhiễm tăng cao và mở rộng ra nhiều vùng trên cả nước (63 thành phố), nên xu hướng sắm Tết online sẽ tăng chứ không giảm.
- Lựa chọn các chương trình truyền hình trên Smart TV (TV kết nối mạng) để giải trí nhiều hơn TV và đài truyền hình truyền thống. Điều này thúc đẩy chương trình streaming YouTube/ web/ app giải trí phát triển mạnh.
Năm 2021, tìm kiếm trên YouTube cho các chương trình trực tiếp trên Smart TV đã tăng đột biến 12 lần so với thời điểm không phải Tết, và nội dung âm nhạc đạt mức người xem cao nhất 54%.
- Tìm kiếm các thông tin online hoặc các review online để đưa ra thông tin trước khi ra quyết định mua hàng, đặc biệt ở những ngành hàng như Sức khoẻ và Làm đẹp, Đồ gia dụng, Điện tử gia dụng (những mặt hàng trọng điểm dịp Tết).
50% người dùng nói rằng họ biết đến sản phẩm mới thông qua quảng cáo online, 40% từ gợi ý của người quen, 32% qua các online marketplace
-
Tận hưởng mua sắm kết hợp giải trí: Theo kết quả khảo sát của TikTok, cứ 3 người thì có 1 người nói rằng họ muốn mua sắm và việc mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ, giảm bớt áp lực trong cuộc sống. Xu hướng này dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong 2022.
TikTok đã thu hút 89% người mua hàng ngoài kế hoạch sau khi xem video.
3. Tâm lý
Tâm lý chung của người Việt Nam, đặc biệt là những người làm ăn xa quê là được trở về nhà đoàn viên với gia đình. Theo khảo sát của Q&Me Vietnam Market Research, 71% người trên 25 tuổi được hỏi nói rằng họ chắc chắn sẽ về nhà ăn Tết, số còn lại là chưa chắc chắn bởi lý do khoảng cách địa lý quá xa và dịch bệnh.
Đối với những người trên 25 tuổi, 3 điều khiến người Việt Nam cảm thấy phấn khích nhất về Tết đó là: dịp để gia đình đoàn viên, thăm hỏi người thân trong gia đình họ hàng; thời gian để nghỉ ngơi thư giãn; gặp gỡ bạn bè. Từ 25 tuổi trở xuống, ngoài 3 điều trên thì họ còn thích thú với việc được thưởng thức những món ăn truyền thống đặc biệt.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2022, như dự đoán, 2 điều khiến người Việt Nam quan tâm nhất là gia đình và sức khoẻ.
Có thể thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động lên tâm lý và hành vi tiêu dùng của người dân rất nhiều. Bằng cách lắng nghe sự biến động của thị trường, insight mới của người tiêu dùng, Novaon đã đưa ra một số ý tưởng sáng tạo xoay quang 3 góc tiếp cận chính: Tết đủ; Tết an toàn, làm vạn điều lớn; Tết xa hoá gần...
1. Tết tiện lợi
Từ khi dịch bệnh xuất hiện, kinh tế khó khăn kéo theo thói quen mua sắm online. Càng gần Tết thì tình trạng người dân tụ tập mua sắm càng nhiều, dẫn đến nguy cơ bùng dịch cao. Vì vậy, Tết 2022 hứa hẹn sẽ là cơ hội vàng dành cho các sàn thương mại điện tử.
Một cái Tết đơn giản, tiết kiệm và mua sắm tiện lợi là điều người tiêu dùng mong muốn cho Tết 2022 này. Qua một khoảng thời gian được “tôi luyện” với hình thức mua sắm, săn sale trên các sàn thương mại điện tử, việc sắm Tết online sẽ được đón nhận.
Các sàn thương mại điện tử và nhãn hàng đối tác có thể tạo những chương trình “siêu sale sắm tết” cùng phí vận chuyển và thời gian giao hàng xuyên Tết như cách Shopee triển khai trong dịp Tết 2021. Đặc biệt, do sự tiện lợi nên nhu cầu mua sắm online có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nên nhãn hàng cần triển khai kế hoạch quảng cáo online sớm trên các kênh mạng xã hội.
2. Tết an toàn, làm vạn điều lớn
Gia đình và sức khoẻ là 2 điều người Việt chú trọng nhất trong ngày Tết theo khảo sát. Ngày Tết là dịp để chúng ta gặp gỡ người thân, bạn bè nhưng cũng chính vì việc tụ tập đông người lại tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, insight này sẽ được khai thác rất nhiều, đặt ra cho nhãn hàng bài toán làm sao để người dùng tận hưởng cái Tết trọn vẹn mà vẫn đảm bảo an toàn.
Thông điệp này đặc biệt phù hợp với các ngành bảo hiểm, y tế, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Các nhãn hàng bảo hiểm tận dụng cơ hội nhu cầu quan tâm đến sức khoẻ tăng cao để truyền thông tăng độ nhận diện và thúc đẩy các gói bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ. Đối với ngành y tế & chăm sóc sức khoẻ, khách hàng sẽ bị thu hút bởi dịch vụ chăm sóc sức khoẻ được số hoá để đảm bảo an toàn và các gói ưu đãi khi khám sức khoẻ tổng thể để đón năm mới với một cơ thể khoẻ mạnh nhất.
3. Tết xa hoá gần
Gia đình đoàn viên vào ngày Tết là ước mong lớn nhất của người dân Việt Nam, đặc biệt là những người con đang đi làm ăn xa xứ. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên nhiều người sẽ không thể thực hiện được mong ước này. Chính vì vậy, một cái Tết tưởng xa nhưng lại hoá gần nhờ những chiến dịch kết nối yêu thương của thương hiệu sẽ ghi điểm tuyệt đối trong mắt khách hàng.
Học hỏi từ chiến dịch Tết 2021 của OMO, Bia Việt và Pepsi, năm nay bên cạnh việc sáng tạo thông điệp thì nhãn hàng cũng cần sáng tạo cách truyền tải thông điệp: đưa offline lên online, mua sắm kết hợp giải trí, chương trình streaming YouTube, thúc đẩy nội dung người dùng tạo (User-generated Content), mua sắm online.
Chẳng hạn, với mục tiêu thúc đẩy nội dung được tạo bởi người dùng, một thương hiệu nước giải khát có thể thiết kế lời chúc ở dưới nắp lon, mỗi lời chúc lại được cá nhân hoá theo tên người dùng hoặc địa phương mà sản phẩm được vận chuyển đến. Người dùng có thể chia sẻ lời chúc thú vị sau khi khui lon trên tài khoản mạng xã hội, thu hút người dùng khác mua sản phẩm để khám phá lời chúc.
Như vậy, Novaon đã đưa ra dự đoán một số xu hướng giúp nhãn hàng đi tắt đón đầu cho dịp mua sắm quan trọng nhất năm. Thời gian chuẩn bị đang đi vào giai đoạn gấp rút, nếu nhãn hàng còn đang gặp khó khăn trong việc định hình chiến lược triển khai thì các gói giải pháp đã được thiết kế tới từ Novaon Communication là lựa chọn đáng cân nhắc lúc này.
Novaon Communication đã và đang là đơn vị tư vấn chiến lược Digital Marketing cho nhiều nhãn hàng lớn, hân hạnh đồng hành cùng doanh nghiệp trong mùa mua sắm Tết 2022 này.
Tìm hiểu thêm về Novaon Communication và giải pháp tại đây.