Marketer ERA Content Marketing
ERA Content Marketing

CÔNG TY TNHH PHẦN MỀM VÀ TRUYỀN THÔNG VÂN TAY

Inbound Marketing 2022: Dự báo và cái nhìn tương lai toàn cảnh

Inbound marketing, bao gồm các chiến lược content marketing, SEO, email marketing, social media marketing,… được xem là phương pháp tiếp thị hiệu quả và triển vọng cho doanh nghiệp, với khả năng thu hút khách hàng tiềm năng và mang lại tỷ lệ ROI cao trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nắm bắt và ứng dụng các xu hướng inbound marketing mới nhất, doanh nghiệp khó có thể đạt được và duy trì những lợi ích này lâu dài.

Trong bài viết này, ERA Content Marketing sẽ giới thiệu tất cả các xu hướng inbound marketing mới nhất, nổi bật nhất mà doanh nghiệp không nên bỏ qua. Nắm bắt được những xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp áp dụng vào tiếp thị một cách có mục đích, thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng với mức chi phí tối ưu – đặc biệt là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh vẫn luôn có những biến động khôn lường.

bao-cao-ve-3-loai-xu-huong-cua-inbound-marketing-quoc-te

Báo cáo về 3 loại xu hướng của Inbound marketing quốc tế (Nguồn: FinancesOnline)

Những xu hướng inbound marketing không thể bỏ lỡ

Báo cáo từ Hubspot năm 2018 cho thấy, 75% các nhà tiếp thị cho rằng sử dụng inbound marketing giúp doanh nghiệp đạt được tỉ lệ lợi nhuận cao hơn các phương pháp marketing khác.

Nghiên cứu và khảo sát từ Hubspot cho thấy, cùng với content marketing, inbound marketing mang lại lượng khách hàng tiềm năng tương đương, với mức chi phí giảm 61% so với outbound marketing. Các doanh nghiệp sử dụng inbound marketing cũng có thể tiết kiệm cho mình ít nhất 14 USD/khách hàng mới. 

Như vậy, tính hiệu quả về chi phí cũng như các lợi ích khác mà inbound marketing mang lại đã biến nó trở thành một lựa chọn marketing hoàn hảo cho các hoạt động kinh doanh ngày nay. Tuy nhiên, hành vi người dùng liên tục thay đổi đã khiến cho việc áp dụng inbound marketing ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Đã đến lúc bạn thay đổi quy trình marketing của mình, bằng cách nắm bắt và ứng dụng những xu hướng inbound marketing nổi bật sau.

1. Ảnh hưởng của các Micro-Influencers

Nếu hướng đến marketing trên các nền tảng mạng xã hội, hẳn bạn cũng không quá xa lạ với khái niệm KOL hay influencer – những người có ảnh hưởng và xây dựng được một lượng người theo dõi đáng kể thông qua việc sáng tạo nội dung. Micro-influencers cũng là một dạng KOL, chỉ là mức ảnh hưởng của họ nhỏ hơn, với lượng người theo dõi dao động ở mức 10.000 – 40.000 người.

Ý kiến của những influencers lúc nào cũng dễ dàng được tin tưởng hơn, đồng thời dễ gây ảnh hưởng đến hành vi của các khách hàng mục tiêu. Nghiên cứu từ AdWeek tiết lộ rằng có đến 82% người dùng xem xét các đề xuất của một micro-influencer. Và nếu biết tận dụng điểm này, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong bước xây dựng nhận thức về thương hiệu, kết nối với khách hàng cũng như quảng bá các nội dung cần thiết.

hop-tac-voi-micro-influencers-hua-hen-roi-cao-hon-voi-muc-chi-phi-thap-hon

Hợp tác với micro-influencers hứa hẹn ROI cao hơn với mức chi phí thấp hơn

Một ví dụ khá điển hình mà bạn có thể kể đến ở đây chính là chiến dịch marketing tăng phạm vi tiếp cận của Coca-Cola hợp tác với Miette Dierckx – một micro-influencer ở mảng du lịch và ẩm thực. Thay vì những người nổi tiếng, làm việc với một micro-influencer như Miette cho phép Coca-Cola tiếp xúc với khách hàng mục tiêu theo cách dễ dàng nhất. Thông qua một bài content chất lượng được đăng trên trang chính của Miette và một quảng cáo chạy song song của Coca-Cola, chiến dịch đã tạo ra hiệu quả đáng kể, thu hút người dùng một cách mạnh mẽ.

Làm việc với những micro-influencer sẽ đi kèm với một số vấn đề phát sinh như quản lý thêm công việc, thời gian và nguồn lực, nhất là khi nhiều chiến dịch diễn ra cùng lúc. Tuy nhiên, mức chi phí sử dụng thấp hơn và ROI cao hơn là một điều kiện khá lý tưởng để các doanh nghiệp hợp tác với một micro-influencer để thúc đẩy các chiến lược inbound marketing.

Đúc kết lại:

  • Hợp tác với một ngôi sao nổi tiếng hạng A có thể tốn rất nhiều chi phí, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ, công ty startup. Hơn nữa, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, đã có rất nhiều người tiêu dùng dần không còn tin vào người nổi tiếng nữa. Vì thế, hợp tác với một micro-influencer là một lựa chọn khá tối ưu.
  • Hợp tác với micro-influencers hứa hẹn ROI cao hơn với mức chi phí thấp hơn, do đó xu hướng này đang dần trở thành một tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp nhỏ.

2. Nội dung tương tác – một phần không thể thiếu trong content marketing

Ngày nay, có hàng triệu website cùng cạnh tranh làm content marketing trong một thị trường ngách, khiến cho người xem bị quá tải thông tin và giảm tập trung đến một bài viết hoặc một website nhất định.

Bên cạnh đó, người dùng ngày nay “khát” nội dung tương tác: VR, biểu đồ, bản đồ, đồ họa hấp dẫn,… có khả năng biến họ trở thành một phần của hoạt động, cho phép họ đưa ra lựa chọn, khám phá các tình huống,… Vì thế, sử dụng những nội dung có tính tương tác cao có thể làm tăng mức độ chuyển đổi cho chiến dịch marketing.

Theo một báo cáo từ Demand Metric (2014), nội dung tương tác tạo ra lượng chuyển đổi nhiều gấp 2 lần so với nội dung thụ động. Ngoài ra, báo cáo từ Content Marketing Institute năm 2017 cũng cho biết, có đến 77% nhà tiếp thị đồng ý rằng nội dung tương tác có khả năng tái sử dụng và cho tạo ra nhiều lượt truy cập lặp lại. Như vậy, với khả năng làm tăng mức độ tương tác và tăng tỷ lệ chuyển đổi người dùng, nội dung tương tác đang dần trở thành “tiêu chuẩn” của nội dung website.

noi-dung-tuong-tac-la-mot-phan-khong-the-thieu-trong-chien-dich-content-marketing

Nội dung tương tác là một phần không thể thiếu trong chiến dịch content marketing

Điển hình, VenturePact là một doanh nghiệp đã thành công ghi nhận mức tăng trưởng lưu lượng truy cập 15% và tỷ lệ chuyển đổi tăng 28% khi sử dụng nội dung tương tác. Công ty này đã hợp tác với Outgrow để tạo ra một chiếc máy tính cho phép người dùng tự mình ước tính chi phí để xây dựng một ứng dụng. VenturePact biết rằng, chi phí là mối quan tâm lớn nhất đối với khách hàng mục tiêu của mình.

Trong trường hợp này, VenturePact đã biết cách tạo ra nội dung tương tác và thành công trong chiến dịch của mình chỉ trong 2 tuần ngắn ngủi.

Đúc kết lại:

  • Khách hàng ngày nay muốn có được tương tác và sự kiểm soát trong quá trình mua hàng, và điều này có thể được thực hiện thông qua nội dung tương tác.
  • Nội dung tương tác đóng vai trò quan trọng trong chiến lược marketing nội dung, mang lại tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn so với nội dung thu động.

3. Tìm kiếm bằng giọng nói (voice search)

Ngày nay, việc có quá nhiều doanh nghiệp làm SEO đã biến việc xếp hạng ở top 1 trên SERPs (search engine result pages – trang kết quả của công cụ tìm kiếm) trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một xu hướng mới có thể bổ trợ một cách rõ ràng cho website doanh nghiệp trong hoạt động SEO, đó chính là voice search (tìm kiếm bằng giọng nói).

Sự phát triển của voice search một phần là do sự ra đời của các trợ lý ảo thông minh như Siri, Cortana và Alexa. Từ khi ra mắt cho đến giờ, các thiết bị này liên tục được phát triển và đạt độ hoàn thiện cao. Các cuộc khảo sát từ eMarketer tại Mỹ vào năm 2019 và 2020 đã cho thấy số lượng người dùng voice search đã tăng lên đáng kể (với 115.2 triệu người dùng sử dụng voice search ít nhất một lần mỗi tháng).

Vậy là, voice search đã phát triển và được nhiều người ưa chuộng ngay cả khi tìm kiếm bằng văn bản vẫn còn phổ biến. Hơn nữa, việc ngày càng có nhiều thiết bị hỗ trợ giọng nói ra đời và thay đổi sở thích của người dùng đã cho thấy dự đoán một tương lai phát triển của tìm kiếm bằng giọng nói.

tim-kiem-bang-giong-noi-ngay-cang-tro-nen-pho-bien-hon

Tìm kiếm bằng giọng nói ngày càng trở nên phổ biến hơn

Các doanh nghiệp cũng đang áp dụng những thay đổi cần thiết để theo kịp “trào lưu voice search” nhằm thúc đẩy tăng lưu lượng truy cập. Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Thêm đoạn mã voice search vào các bài đăng trên blog
  • Viết nội dung trực tiếp mang tính đối thoại

Tất nhiên, điều này đòi hỏi những điều chỉnh về cách bạn tiến hành quản lý khách hàng tiềm năng để đảm bảo bạn nắm bắt được các khách hàng tiềm năng trong tìm kiếm bằng giọng nói.

Đúc kết lại:

  • Tìm kiếm bằng giọng nói, hay voice search, đang ngày một trở nên phổ biến với sự phát triển của các trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI. Nhiều người dùng đang sử dụng voice search để tìm kiếm trên web hàng ngày.
  • Voice search được dự đoán sẽ trở thành xu hướng và đóng góp phần lớn vào lưu lượng truy cập website trong những năm tới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần học cách viết content tối ưu cho voice search để có được hiệu quả marketing tốt nhất.

4. Thay đổi độ ưu tiên của các nội dung trên mạng xã hội

Năm 2018 được đánh dấu như một thời điểm sôi sục của sự phát triển mạng xã hội, khi mà vụ bê bối Facebook – Cambridge Analytica nổ ra. Kể từ thời điểm đó, người dùng bắt đầu đặt câu hỏi về các giá trị mà mạng xã hội mang lại, cũng như các nghi ngờ về quyền riêng tư và tính toàn vẹn khi chia sẻ thông tin trực tuyến.

Ở thời điểm hiện tại, người dùng đã thay đổi cách kết nối và chia sẻ nội dung trực tuyến thông qua mạng xã hội. Về phương thức marketing trên mạng xã hội, hiện tại có đến 72% người dùng thích xem video hơn là đọc để tìm hiểu thông tin (Hubspot, 2018). Và để đáp ứng nhu cầu này, 93% nhà tiếp thị đã bắt đầu ưu tiên tạo ra các nội dung video (Renderforest, 2020).

Đối với các marketer, cách duy nhất để tăng độ cạnh tranh hiện nay chính là tạo ra các nội dung ý nghĩa hơn, chân thực hơn để thu hút khách hàng. Trọng tâm marketing giờ đây không còn là tối đa phạm vi tiếp cận nữa, mà đã chuyển thành content chất lượng và có tính tương tác cao – bởi những nội dung này có khả năng tác động đến tăng trưởng ROI cũng như tăng nhận diện thương hiệu.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là chiến dịch quảng cáo trên Instagram của GAP, một nhà bán lẻ hàng may mặc của Mỹ. Trong nỗ lực kết nối với người dùng thế hệ Millennials, GAP đã kết hợp âm nhạc, văn hóa đại chúng và cả thời trang để tạo ra những hình ảnh ấn tượng, gây chú ý với những người trẻ. Sau 19 ngày, chiến dịch đã ghi nhận tỷ lệ nhấp cao hơn 73% so với các quảng cáo Instagram trước đó của GAP (AdEspresso, 2019).

Đúc kết lại:

  • Truyền thông mạng xã hội luôn thay đổi, do đó, các thương hiệu phải liên tục áp dụng những chiến lược mới để theo kịp nhu cầu và sở thích mới của người dùng.
  • Các chiến lược truyền thông ngày nay phải được tối ưu theo đối tượng người dùng chính, sẽ không có công thức “tất cả trong một” để thành công.

5. Tối ưu hóa featured snippet

Nhiều người vẫn cho rằng vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm của Google là top 1. Tuy nhiên, vị trí đầu bảng thực ra thuộc về position 0 – hay còn gọi là top 0 của Google.

Vào năm 2014, Google lần đầu tiên giới thiệu featured snippet, nó được hiển thị ở đầu Google SERPs dưới dạng hộp thông tin (information box) nhằm trả lời một truy vấn của người dùng. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời nhờ vào thông tin của featured snippet mà không cần phải nhấp vào liên kết.

lam-inbound-marketing

Những gì đoạn trích nổi bật làm là giúp người dùng tìm câu trả lời mà không cần phải rời khỏi SERP đầu tiên. Ví dụ: khi khách truy cập tìm kiếm “phần mềm họp online”, họ nhanh chóng nhận được câu trả lời ngay cả trước khi họ mở trang web trên SERP đầu tiên.

Google mong muốn và cố gắng biến mình trở nên ngày càng hữu ích với người dùng. Việc sử dụng featured snippet chính là một bước đi cộng hưởng với mong muốn cung cấp cho người dùng kết quả chính xác tức thì của Google. Do đó, thay vì sử dụng chiến lược viết content chuẩn SEO để xếp hạng top 1, giờ đây các thương hiệu mong muốn website của mình được xuất hiện ở vị trí featured snippet. 

Khi người dùng tìm kiếm một cụm từ trên Google, họ sẽ nhìn thấy featured snippet đầu tiên và khả năng cao sẽ truy cập vào link có chứa featured snippet. Điều này có nghĩa là nếu website của bạn xuất hiện ở vị trí P0, bạn sẽ nhận được lưu lượng truy cập miễn phí khá lớn.

Đúc kết lại:

  • Featured snippet hay P0 là vị trí mục tiêu mới để doanh nghiệp phấn đầu đạt được trong bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm (SERPs). Tối ưu featured snippet được dự đoán sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong vài năm tới.
  • Tối ưu hóa nội dung website cho featured snippet có thể giúp tăng lợi nhuận.

6. Video marketing cũng là một hình thức của inbound marketing

Content marketing trong một vài năm qua đã có sự thay đổi rất lớn: từ cách tạo cho đến cách phân phối nội dung,… gần như tất cả các khía cạnh đều có sự thay đổi. Bên cạnh đó, cách thức người dùng tiếp nhận và tương tác với nội dung cũng có những sự thay đổi nhất định.

Trong số đó, video đã trở thành dạng nội dung phổ biến nhất được nhiều người ưa chuộng, ngay cả khi tìm kiếm thông tin. Video hấp dẫn hơn nhiều so với các dạng nội dung khác, đồng thời cũng mang tính linh hoạt cao, có thể được sử dụng cho nhiều mục đích marketing khác nhau: giáo dục, quảng cáo, tăng tương tác,…

Bên cạnh việc cung cấp thông tin, video cũng mang lại nhiều lợi ích tiếp thị khác. Chẳng hạn, báo cáo của WordStream năm 2020 cho biết, thêm video vào landing page có thể giúp làm tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 80%.

Trong suốt đại dịch Covid-19, định dạng nội dung video trên các nền tảng mạng xã hội đạt mức tăng trưởng lần lượt là 15.8% (Facebook) và 14.2% (Instagram). Đặc biệt, các video trên Instagram mang lại lượt tương tác cao hơn 21.2% so với hình ảnh (báo cáo từ Socialbakers, 2020). Đây cũng chính là một trong những lý do khiến 9/10 nhà tiếp thị cho rằng video đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược thương hiệu, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh (theo Hubspot, 2021).

Vậy là, bên cạnh việc viết content chuẩn SEO, giờ đây các nhà tiếp thị có thể bắt đầu sử dụng video để tăng lưu lượng truy cập và giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trên website của mình. Cùng với sự phát triển của xu hướng video marketing, các thương hiệu sẽ dần tập trung vào đầu tư cho các hình thức nội dung như livestream, podcast, webinar,… Video thực tế ảo và video 360 độ cũng sẽ trở nên quen thuộc hơn với người dùng trong những năm tới.

Đúc kết lại:

  • Video chính là hình thức nội dung được yêu thích nhất hiện nay, là cách tốt nhất để cung cấp thông tin cho người dùng với mức độ tương tác và tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn.
  • Các doanh nghiệp nên xem xét phương án kết hợp những định dạng video tương tác, video thực tế ảo, video 360 độ,… và đưa chúng vào chiến lược marketing doanh nghiệp.

7. Tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Cùng với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trở thành một phần thiết yếu của gần như tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm marketing.

Về bản chất, inbound marketing cung cấp nội dung hữu ích và thu hút người dùng thông qua việc kết hợp các kênh khác nhau: SEO, content marketing và social media marketing. Cùng với đó, AI sẽ mang đến trải nghiệm người dùng tốt hơn thông qua việc cá nhân hóa nội dung đọc. Đồng thời, sử dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng cũng sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp và phân bổ nội dung đúng thời điểm để tăng phạm vi tiếp cận và thúc đẩy lưu lượng truy cập chất lượng.

tang-cuong-su-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-inbound-marketing

(Nguồn: FinancesOnline)

Sự ra đời của các giải pháp AI đã phần nào đơn giản hóa inbound marketing, chẳng hạn như các widget do AI hỗ trợ. Các widget này đề xuất những nội dung liên quan đến bài viết để khách truy cập có thể hứng thú và đọc thêm. Và thông qua việc đề xuất này, các nội dung mà khách hàng đọc sẽ dần được cá nhân hóa, từ đó làm tăng mức độ tương tác và mức độ chuyển đổi của người dùng trên trang.

Bên cạnh đó, khi tìm kiếm bằng giọng nói (voice search) bắt đầu được sử dụng nhiều hơn trong inbound marketing, AI sẽ đóng vai trò giám sát và đảm bảo độ chính xác của truy vấn người dùng (theo Marketing Insider Group, 2019). Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những tác động của AI đến digital marketing thông qua báo cáo của Econsultancy năm 2019.

Đúc kết lại:

  • Khi các công cụ marketing được hỗ trợ bởi AI ngày càng trở nên tinh vi hơn, chúng có thể hỗ trợ đề xuất phân bổ nội dung hợp lý và cá nhân hóa, nhằm làm tăng trải nghiệm người dùng.
  • Sử dụng AI để phân bổ nội dung đúng thời điểm cũng giúp tăng mức độ tương tác và tăng lưu lượng truy cập.

8. Chatbots

Khi người tiêu dùng truy cập website lần đầu, họ đang tìm kiếm thông tin để đưa ra quyết định mua hàng. Người dùng rất có thể đã truy cập qua một loạt các website khác trước đó, và lúc này, bạn chỉ có vài giây để tạo ấn tượng với họ.

Khi người dùng xem qua mô tả sản phẩm, họ sẽ bắt đầu tự mình đưa ra một số câu hỏi và có nhu cầu được giải đáp ngay lúc đó, và nếu không tìm thấy câu trả lời ngay tức thì, nguy cơ khách hàng rời đi là rất cao. Có đến 83% người mua sắm trực tuyến muốn nhận được trợ giúp ngay lập tức để hoàn tất việc mua hàng (Econsultancy, 2013). Hơn nữa, 55% người dùng nói rằng họ thích các phản hồi nhanh chóng mà họ nhận được từ một chatbot (Drift, 2018).

Không chỉ cung cấp các thông tin cần thiết thông qua trò chuyện, chatbot còn được lập trình để chuyển các câu hỏi khó của khách hàng qua cho nhân viên phụ trách. Nhờ vậy, sử dụng chatbot vừa làm giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dịch vụ khách hàng 24/7. 

Với sự phát triển của AI và công nghệ di động, người dùng đang ngày một trở nên quen thuộc hơn với chatbots. Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng chúng trên website của mình. Chatbot cũng rất hữu hiệu trong việc thu thập dữ liệu khách hàng để cung cấp tài nguyên có thể phân tích được cho các chiến lược content.

Đúc kết lại:

  • Công nghệ chatbot đang gây ra những thay đổi nhất định trong việc thực hiện các chiến dịch inbound marketing.
  • Chatbot làm giảm thời gian chờ đợi của khách hàng, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng; đồng thời chúng hỗ trợ cung cấp dữ liệu người dùng phục vụ cho các chiến dịch inbound marketing.

9. Inbound marketing trên thiết bị di động

Tính đến năm 2020, có 3,5 tỷ người dùng smartphone trên thế giới (Statista, 2020) và hơn 50% traffic đến từ thiết bị di động (StatCounter, 2021). Thiết bị di động đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ. Các cá nhân đang sử dụng thiết bị di động nhiều hơn trên máy tính. Sự thay đổi hứa hẹn sẽ là một tương lai thú vị cho các nhà quảng cáo. 

Điều tốt nhất về tiếp thị trên thiết bị di động là nó có tiềm năng lan truyền rất lớn và mang lại kết quả tức thì. Không ai muốn bỏ lỡ những lợi ích của tiếp thị di động. Do đó, tối ưu hóa nội dung và trang web cho thiết bị di động đã được ưu tiên trong chiến lược tiếp thị của các thương hiệu. Vào năm 2021 và những năm sau đó, chúng ta kỳ vọng sẽ chứng kiến ​​một lượng lớn các nhà tiếp thị tích cực hơn nữa trong việc tối ưu hóa nội dung của họ trên các thiết bị di động.

Các trang web sẽ trở nên thân thiện với thiết bị di động hơn, khi các nhà tiếp thị cố gắng tạo ra trải nghiệm người dùng hấp dẫn và nhất quán. Ví dụ: các nhà tiếp thị sẽ tối ưu hóa trang web của họ để đảm bảo dễ dàng điều hướng trên thiết bị di động và các ứng dụng sẽ trở nên dễ sử dụng. 

Đúc kết lại:

  • Điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Do đó, ngày càng nhiều thương hiệu đang tối ưu hóa trang web của họ cho thiết bị di động.
  • Với hầu hết người mua sắm duyệt Internet bằng thiết bị di động của họ, các nhà tiếp thị nên tìm cách tạo content chất lượng sẵn sàng cho thiết bị di động để duy trì tính cạnh tranh.

10. Nội dung theo cụm định hướng SEO

Google cập nhật thuật toán của mình rất nhiều lần trong một năm. Vào năm 2018, họ đã tung ra hơn 3.000 “cải tiến” và năm trước đó, đã có hơn 2.000 “thay đổi” (Moz, 2019). Google đã liên tục điều chỉnh thuật toán của mình để đáp ứng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng để nâng cao trải nghiệm người dùng. Sự thay đổi thực sự đầu tiên đối với thuật toán Google là vào năm 2013 với bản cập nhật Hummingbird. Nhiều chuyên gia SEO tin rằng sự thay đổi này đã chấm dứt sự thống trị của từ khóa và nâng cao các cụm nội dung như một yếu tố xếp hạng quan trọng.

Kể từ năm 2013, các nhà tiếp thị và chuyên gia SEO đã tuyên truyền các ý tưởng phân nhóm nội dung mới. Thử nghiệm cụm chủ đề hiệu quả đầu tiên được thực hiện bởi HubSpot vào năm 2016. HubSpot phát hiện ra rằng số lượng liên kết nội bộ càng nhiều thì vị trí trong SERP càng cao. Những phát hiện của thử nghiệm này đã mở ra một chân trời SEO mới và từ thời điểm này, xu hướng cụm nội dung đã bắt đầu chuyển động. Năm 2018, xu hướng này bùng nổ. Sau đó, vào năm 2019, có một cơn sốt điên cuồng để tổ chức lại nội dung web và tuân thủ các quy tắc cụm nội dung.

Đây là cách hoạt động của phân cụm nội dung:

Giả sử bạn có “phần mềm dành cho doanh nghiệp nhỏ” làm bài đăng chính của mình. Sau đó, bạn tạo các nội dung liên quan khác (mỗi nội dung nhắm vào một chủ đề ngách) và liên kết chúng với bài chính. Ví dụ: bạn có thể có các chủ đề phụ (cụm) như phần mềm cộng tác, phần mềm giao tiếp, phần mềm kế toán, v.v.

Khi nội dung được tạo tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về SEO khác, Google sẽ coi bạn là người có am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực này. Như vậy, đối với mọi tìm kiếm “phần mềm dành cho doanh nghiệp nhỏ” trên Google, bạn sẽ có cơ hội cao hơn được tìm thấy trên các SERPs. Điều này là do Google thấy bạn hữu ích hơn các trang web không có cụm chủ đề.

Chúng ta không có quả cầu pha lê để nói trước tương lai, nhưng năm 2022 có thể là năm để xu hướng này thống lĩnh.

Đúc kết lại:

Phân cụm nội dung hiện là một yếu tố quan trọng trong chiến lược SEO. Do đó, các nhà tiếp thị nên tận dụng các lợi thế mà cụm nội dung mang lại. 

11. Tính xác thực đáp ứng trải nghiệm người dùng

Người tiêu dùng hiện ngày nay rất thông minh và có thể dễ dàng thấy quảng cáo trong phần nội dung của bạn. Khó khăn hơn nữa là người tiêu dùng sẵn sàng tắt các nội dung quảng cáo phản cảm, cố lôi kéo họ mua hàng. Vậy, người tiêu dùng muốn gì? Người tiêu dùng ngày nay khao khát tính chân thực và quan tâm đến nội dung hấp dẫn, dễ bắt chước và mang tính đối thoại.

Tính xác thực, cùng với trải nghiệm người dùng, là cách mới cho các nhà tiếp thị. Sản xuất video chất lượng cao, bài đăng trên mạng xã hội, hình ảnh, bài đăng trên blog và podcast sẽ là những gì bạn có thể sáng tạo để mang đến cảm giác trải nghiệm và xác thực cho người dùng. Bên cạnh đó, nội dung của bạn sẽ phải được xây dựng theo cách dễ hiểu, thú vị và hấp dẫn nhất. Trên tất cả, mọi khía cạnh của doanh nghiệp của bạn từ văn hóa, tiếp thị và truyền thông phải thể hiện tính xác thực và minh bạch.

Ví dụ: để tăng cường sự tin tưởng và lòng trung thành, các nhà tiếp thị ngày nay đang gửi email mang tên khách hàng. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chatbot thông minh nhớ lại lần ghé thăm cuối cùng của khách hàng đang trở thành một tiêu chuẩn mới. Tốt hơn nữa, các nhà tiếp thị đang sử dụng bất kỳ công cụ tốt nhất nào để quản lý mạng xã hội để theo dõi tất cả các tương tác của khách hàng. Bằng cách này, họ có thể đưa ra các câu trả lời được cá nhân hóa để giải quyết các điểm khó khăn của khách hàng.

Tài khoản Instagram của The North Face Climb là ví dụ hoàn hảo về cách các thương hiệu có thể xác thực và đồng cảm. Trong một trong những video của mình, thương hiệu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quên bạn đến từ đâu. Thương hiệu kêu gọi những người theo dõi lấy cảm hứng từ lịch sử của họ bằng một thông điệp cộng hưởng với câu chuyện thương hiệu của mình. Bằng cách này, North Face cung cấp một thông điệp xác thực và phù hợp nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người xem đối với những gì thương hiệu quan tâm.

Hơn nữa, các thương hiệu cũng tận dụng nội dung do người dùng tạo (user generated content – UGC) nhiều hơn. Người ta thấy rằng người tiêu dùng có xu hướng coi UGC là thật và chân thành hơn nội dung do thương hiệu tạo ra cao gấp 2,4 lần. Kết quả là, 79% khách hàng tin rằng UGC tác động lớn đến quyết định mua hàng của họ (Stackla, 2019).

Đúc kết lại:

  • Người tiêu dùng ngày nay khao khát tính xác thực. Có nghĩa là, các thương hiệu nên tránh quảng cáo công khai và tập trung vào việc tạo ra các tương tác chân thực.
  • Với nhu cầu ngày càng tăng về tương tác đích thực, các thương hiệu cần bắt đầu phân phối nội dung chất lượng cao, được cá nhân hóa để cải thiện phạm vi tiếp cận và thúc đẩy lưu lượng truy cập.

Cách áp dụng các xu hướng inbound marketing để tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Trên đây là các xu hướng mới nhất để giúp bạn lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược tiếp thị năm 2022 của mình. Thay đổi là hằng số duy nhất trong thị trường ngách, và sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 mang lại đã chứng minh điều này. Nói một cách đơn giản, inbound marketing đang phát triển đều đặn khi các nhà tiếp thị hướng tới bắt kịp với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Do đó, bạn cần phải nắm bắt các xu hướng để tăng ROI và tăng trưởng kinh doanh tổng thể. Để giữ lợi thế của bạn trước đối thủ, hãy tận dụng các công nghệ mới nổi như AI và các chatbot do AI hỗ trợ. Ngoài ra, hãy tìm hiểu và triển khai các chiến lược SEO mới nhất, bao gồm tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói, phân cụm nội dung, tối ưu hóa đoạn trích nổi bật và tiếp thị video.

Quan trọng nhất, hãy tạo ra nội dung chân thực, tương tác mà khách hàng trong đời thực của bạn không thể không đọc. Bạn cũng nên xem xét việc hợp tác với những micro influencer và áp dụng các phương pháp truyền thông xã hội tốt nhất mới nhất. Đây là những cách nhanh nhất để cập nhật vào bảng kế hoạch truyền thông cho năm 2022 của doanh nghiệp bạn. 

Bài viết được tổng hợp và lược dịch từ Financesonline

*Nguồn: Inbound Marketing 2022: Dự báo và cái nhìn tương lai toàn cảnh