VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

Trong bối cảnh đại dịch nóng bỏng và sự tiếp xúc với công chúng mục tiêu đang trở nên “digital hoá” hơn bao giờ hết, truyền thông cũng thu hẹp mục tiêu và có nhiều cách tiếp cận, tương tác “sát sườn” hơn nữa. 

2021 tiếp tục là một năm khó khăn cho thị trường nói chung cũng như cộng đồng tiếp thị – truyền thông. Sự leo thang của đại dịch COVID-19, những đợt giãn cách, cách ly giữa các thành phố lớn làm ảnh hưởng tới sức mua và thị trường nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Nhiều thử thách đã xuất hiện đòi hỏi các doanh nghiệp ở mọi quy mô phải thích ứng nhanh chóng, tìm cách duy trì và phát triển hoạt động của mình. Cùng với đó, tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các ứng dụng cũng như mạng xã hội cũng mang tới cho PR – Truyền thông một không gian rộng mở để sáng tạo và phát triển. 

Trong bối cảnh đó, truyền thông quay lại với vai trò đồng hành cùng đời sống hàng ngày, cập nhật những diễn biến của đại dịch chính xác tới công chúng, tạo ra nhận thức đúng, hạn chế hệ quả xấu, đồng thời sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Hoạt động PR – Truyền thông cũng trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ này với vai trò lớn và tính linh hoạt ngày càng gia tăng.  

Nhìn lại bức tranh truyền thông Việt 2021, chúng ta có thể thấy một số đặc điểm sau đây: 

Sự lên ngôi của những giá trị nhân bản trong truyền thông là điểm nổi bật đầu tiên. Trong khoảng 1,2 năm gần đây, những câu chuyện chia sẻ về việc tử tế thắng thế trong cơn khủng hoảng đã tạo ra sự lan toả và liên kết cộng đồng rất lớn. Không có những tranh cãi nảy lửa trong xu hướng hay quan điểm, những sự việc gây sốc tạm lắng xuống để nhường chỗ cho những câu chuyện thường ngày nhưng đầy giá trị mà doanh nghiệp lan toả, từ việc cứu giúp một bữa cơm cho đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch, hay việc một hệ thống siêu thị quyên góp thực phẩm cho động vật ở Thảo Cầm Viên… đều được công chúng đón nhận và lan toả. 

VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

“Việc tử tế” là điều mà nhiều doanh nghiệp và đội ngũ truyền thông hướng tới năm 2021

Điều này thực chất là một bước “back to basic” trong hoạt động truyền thông, khi bản chất của việc lan toả thông tin từ xưa đều hướng đến mục đích cuối cùng là kết nối con người vào các cộng đồng, tập thể lớn cùng chung giá trị. Đây là giá trị mà người làm PR cần suy nghĩ và lan toả cho chính tổ chức mình. Các hoạt động truyền thông – quan hệ công chúng cần mang giá trị nhân văn, đồng thời người làm PR cũng cần “nhân bản” hơn trong tác nghiệp.

Tiếp theo là tầm quan trọng của “relevant content” ngày càng cao trong hoạt động PR – Truyền thông – tức là nội dung phải phù hợp với công chúng và hoàn cảnh xã hội. Dù sáng tạo nội dung bằng hình thức nào, đích đến cuối cùng là phải khiến công chúng quan tâm và hứng thú.

Trong năm 2021, do đặc thù cả thế giới hoạt động trên các nền tảng online, chúng ta quan sát thấy rõ sự gia tăng của “relevant content”, mà ví dụ tiêu biểu là sự lan toả của trào lưu ăn theo bộ phim “Squid game” – Trò chơi con mực, series dẫn đầu lượng người xem của nền tảng phim trực tiếp Netflix. Rất nhiều số liệu và báo cáo chứng minh đều này. Chúng ta có thể hình dung rõ sự cạnh tranh của các thương hiệu trong cuộc đua “relevant content”. Việc theo dõi xem bên nào sản xuất chúng một cách liên tục, sáng tạo tốc độ và có được bài học cho mình là một hoạt động có giá trị với những người làm truyền thông trong năm vừa qua được trải nghiệm. 

VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

Những biểu tượng tròn, tam giác, vuông gây bão từ bộ phim “Squid game” liên tục xuất hiện trong nhiều ấn phẩm, nội dung truyền thông của các thương hiệu.

Dữ liệu ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong việc xác lập chiến lược truyền thông. Trong bối cảnh kỹ thuật số và các nền tảng mạng xã hội thắng thế trong việc tiếp cận người dùng, sự tham gia của của dữ liệu trong việc quyết định nhóm công chúng hướng tới ngày càng có vai trò quan trọng. Các nghiên cứu về xu hướng, báo cáo dữ liệu người dùng, thời gian sử dụng mạng xã hội… ngày càng tham gia sâu vào việc quyết định cách tiếp cận và nội dung. Tại Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (mà nền tảng là dữ liệu) vào hoạt động truyền thông cụ thể như sáng tạo nội dung hoặc tương tác với người dùng.

Một xu hướng tiếp theo là việc lựa chọn kênh truyền thông phải ngày càng hiệu quả và tối ưu hơn. Hàng loạt các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Vì vậy, tiếp thị kỹ thuật số đang được đánh giá cao trong thời kỳ khủng hoảng vì dịch COVID-19 và cũng là giải pháp cụ thể chính xây dựng chiến lược Marketing Online hiệu quả mùa COVID-19. Chính vì vậy, việc sử dụng nó hiệu quả là kỹ năng cần thiết của người làm truyền thông. Cần dựa vào nhóm công chúng mục tiêu và mục đích, thông điệp của mình để lựa chọn kênh truyền thông hiệu quả, trong bối cảnh mạng xã hội thắng thế và không ít các nền tảng mới ra đời trong năm vừa qua. 

Cuối cùng là sự tham gia của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao vào hoạt động truyền thông ngày càng rõ nét. Nhà lãnh đạo thành công hiện nay ngày càng am hiểu truyền thông xã hội. Hiện nay chúng ta thấy các lãnh đạo đều trực tiếp tham gia và lên tiếng trên các kênh truyền thông chính thống, một số nhà lãnh đạo cũng tự mình xây dựng kênh cá nhân trên các trang mạng xã hội/ nền tảng nội dung riêng. Họ sẽ không phó thác toàn bộ việc phát ngôn của mình cho nhân sự truyền thông nữa mà tham gia trực tiếp, kịp thời nhất với các diễn biến nhanh chóng đang diễn ra ngoài kia. Họ ngày càng ảnh hưởng tới các nhóm công chúng trong xã hội, nhiều người trở thành hình mẫu phát triển của giới trẻ và nhà quản lý. 

Điều này là một hệ quả của xu hướng cá nhân hoá đang diễn ra nhanh chóng trong hoạt động truyền thông, đi cùng với sự phát triển của các Influence, KOLs, chương trình thực tế… 

Sự phát triển hình ảnh cá nhân của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn là một hoạt động “lợi cả đôi đường” khi sự chủ động họ không chỉ mang lại ảnh hưởng cho cá nhân mà còn góp phần tạo ra những liên kết gần gũi của doanh nghiệp họ điều hành với nhóm công chúng/ khách hàng mục tiêu.  

VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

Cơ hội cho ai – một chương trình thực tế nơi các sếp chọn ứng viên trực tiếp nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng

Việc các xu hướng trên sẽ thay đổi và phát triển như thế nào trong năm 2022 sắp tới, khi chúng ta chứng kiến những biểu hiện rõ ràng của thời đại VUCA là một điều cần được những người làm quan hệ công chúng – truyền thông lưu tâm theo dõi, để không cũ trong một thời đại luôn mới, duy trì sức sáng tạo và đổi mới trong công việc của mình. 

 

Với mục đích ghi nhận những nỗ lực của thương hiệu, agency, các đội nhóm nỗ lực tạo ra các hoạt động PR – Truyền thông có giá trị cho thương hiệu, tổ chức và cộng đồng, cuối tháng 11 vừa qua, Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam bắt đầu tổ chức giải thưởng VNPR Awards. Giải thưởng dành cho tất cả đội ngũ chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng, truyền thông, xây dựng thương hiệu và quản lý danh tiếng đến từ các công ty, đơn vị tư vấn, hiệp hội, tổ chức, trường đại học và tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. 

Nắm bắt những xu hướng truyền thông đang thịnh hành, đề cao sức sáng tạo và giá trị nhân văn là những tiêu chí cơ bản của VNPR trong việc lựa chọn và tôn vinh các chiến dịch, đơn vị tư vấn, bộ phận truyền thông mà VNPR Awards hướng tới. 

VNPR: Truyền thông Việt 2021 – Giá trị nhân văn và nội dung tương tác lên ngôi

Chúng ta đều sống trong cộng đồng nhân văn, vì vậy dù làm gì cũng hướng đến việc giúp đỡ, tạo lợi ích cho đời sống con người. Hãy cùng nhau làm việc ý nghĩa và tôn vinh những người làm việc tốt, để cộng đồng nghề nghiệp cùng nhau lan toả thêm những điều tốt đẹp cho xã hội và chính chúng ta.  

Nguyễn Khoa Mỹ
Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR)