A Vậy Hả #1: Chè hoa quả Lele – Cử nhân 2 trường đại học mở quán chè online
Sở hữu 2 tấm bằng đại học, thay vì chọn công việc văn phòng nhẹ nhàng, Lưu Nhật Linh quyết tâm theo đuổi đam mê bán chè trái cây online. Cô gái trẻ đã chứng minh được đam mê có thể dẫn lối thành công, sau 7 năm xây dựng tiệm chè Lele.
“A Vậy Hả – Người thường khởi nghiệp” là chuỗi bài viết chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp gần gũi của những cá nhân kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ. Họ là những người bình thường trong cuộc sống, không phải ai cũng bài bản, đủ kỷ luật hoặc có khả năng tự học, hay ước mơ triệu USD. Hy vọng những câu chuyện này giúp bạn có thêm cảm hứng và kinh nghiệm để khởi động dự án của chính mình.
Thông tin về dự án:
- Tên dự án: Tiệm chè hoa quả Lele
- Người được phỏng vấn: Lưu Nhật Linh
- Vốn khởi đầu: 20 triệu VNĐ
- Thời gian đầu tư ban đầu: 42 giờ/tuần
- Doanh thu: 100 triệu VNĐ/tháng
- Số người sáng lập: 1 người
- Số nhân viên hiện thời: 2 người
- Kênh tăng trưởng: Truyền miệng, Social Network, liên kết với đối tác
- Nguồn doanh thu: Bán sản phẩm
* Xin chào, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và công việc kinh doanh của mình không?
Xin chào, mình là Nhật Linh, biệt danh là Lele. Chính vì vậy mình đặt tên cho đứa con tinh thần là Tiệm chè Lele. Doanh thu của tiệm hiện nay khoảng 100 triệu VNĐ/tháng.
Hiện tại, chè Lele hoạt động online tại Hà Nội với những món chủ đạo là chè dạng sinh tố, sữa chua ăn cùng các loại trái cây. Mình quyết định kinh doanh loại hình đồ tráng miệng 100% từ thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu ăn uống lành mạnh ngày một tăng của mọi người.
* Bạn có ý tưởng khởi nghiệp này từ đâu?
Năm 2014, mình còn là cô sinh viên năm nhất nhiều hoài bão, ước mơ lần đầu đến Hà Nội. Đặc biệt, mình có đam mê với đồ tráng miệng gồm hoa quả và các loại bánh.
Trong 4 năm đại học, mình có kinh doanh online và dùng số tiền kiếm được để đi du lịch các nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Singapore. Đến đâu mình cũng chủ động học hỏi về văn hoá và ẩm thực của họ. Chính món chè của tiệm cũng được truyền cảm hứng từ các món chè của người Sing.
Sau khi tốt nghiệp 2 văn bằng (Công Đoàn và Luật) tại Đại học Công Đoàn, mình lại chọn con đường kinh doanh, vất vả hơn so với làm văn phòng hoặc nhà nước nhẹ nhàng theo định hướng của bố mẹ.
Nhờ đã bán online nhỏ lẻ trong thời gian học, mình may mắn có được sự ủng hộ sớm của mọi người. Số lượng đơn cứ tăng dần đều, từ 20, 50 rồi đến 300 cốc chè đã được bán ra.
* Quá trình chuẩn bị sản phẩm này như thế nào?
Nghiên cứu sản phẩm
Để Tiệm chè LeLe mang đặc trưng nổi bật giữa vô vàn hàng quán khác, mình đã chọn nguyên liệu chủ đạo của tiệm là hoa quả tươi và sự kết hợp đa dạng, phá cách trong mỗi món chè. Mình tự tin Tiệm chè LeLe là một trong những cửa hàng kinh doanh chè hoa quả tươi đầu tiên tại Hà Nội.
Nghiên cứu công thức
Khi muốn tìm hiểu về một món ăn nào đó, mình đều đi trải nghiệm tất cả những nơi bán từ bình dân – nổi tiếng đến truyền thống – hiện đại.
Với món chè hoa quả, mình đã đi ăn gần 20 cửa hàng chè ở Hà Nội, đặt online khoảng 10 lần các món chè hoa quả từ mọi vùng miền, quốc gia. Dựa vào trải nghiệm khi đi du lịch và học hỏi từ các công thức trên mạng, mình đã rút ra được công thức ưng ý để phục vụ cho khách hàng.
Tìm hiểu nguồn nguyên liệu đầu vào
Sau nhiều năm kinh nghiệm chai mặt tại các chợ đầu mối để mua hoa quả, giờ mình tự tin nắm chắc được tính chất hoa quả mỗi mùa vụ, chủng loại, giá cả. Nhờ đó, mình có thể mua được nguyên liệu tươi ngon, giá tốt để giảm thiểu chi phí trên mỗi cốc chè mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Nghiên cứu bao bì nhận diện thương hiệu
Là một người cầu toàn, kỹ tính, nên mình mong muốn đưa ra thị trường chất lượng sản phẩm tốt với một vẻ ngoài hoàn hảo nhất. Chính vì vậy, ở lần đầu tiên, bên thiết kế đã phải sửa logo tới hơn 10 lần. Và trong vòng 4 năm sau đó, mỗi năm mình lại yêu cầu thay đổi, bổ sung thêm chi tiết vào logo. Cũng may mắn là bên thiết kế rất “nhẫn nhịn” vẫn đưa ra bản vẽ cuối cùng ưng ý.
Làm tặng để xin nhận xét
Mình từng đổ đi vài nồi chè đầu tiên vì công thức chưa hoàn chỉnh hay thử nghiệm thất bại. Khi bản thân đã thấy ưng ý rồi, mình lại mang những cốc chè đến cho bạn bè, người thân để xin góp ý và nhận xét. Dù lần nào cũng hồi hộp nhưng chính những phản hồi của mọi người đã giúp mình có thêm nhiều ý tưởng hay ho.
Đầu tư hình ảnh sản phẩm
Vì cầu kỳ trong từng chi tiết nên mọi hình ảnh của tiệm đều do chính tay mình căn góc và chỉnh sửa. Mình đẩy mạnh chia sẻ mọi khâu hậu kỳ để khách hàng dừng lại vài giây tìm hiểu sản phẩm của Tiệm chè LeLe. Những kiến thức đó đều là nhờ bản thân chịu khó tham khảo các fanpage, tạp chí, kênh TikTok về ẩm thực và decor.
* Bạn quảng bá cho Tiệm chè LeLe như thế nào?
Ban đầu, mình bán những cốc chè đầu tiên trên trang Facebook cá nhân. Sau đó khi phát triển thêm kênh Instagram và có lượng tương tác tốt nhờ bài review của các Food Reviewer và Food Blogger. Điều này giúp mình hầu như không mất chi phí cho quảng cáo từ nửa năm 2020 trở lại nay.
Bẵng đi một thời gian, khi có nhiều món ăn mới nở rộ, mọi thứ bão hoà do có nhiều quán mở cửa, mình tập trung chạy quảng cáo fapage, đầu tư hình ảnh để quảng bá thương hiệu rộng hơn.
Khi LeLe vẫn còn lạ lẫm với mọi người thì mình đã mở nhiều chương trình xúc tiến bán như khuyến mại, mua 2 tặng 1, freeship... để kích cầu, thậm chí có những đơn hàng chịu lỗ để quảng bá cho tiệm. Mình cũng rất thích việc tặng kèm quà (đôi khi chỉ là một chiếc kẹo hoặc cái bánh) nhưng nó sẽ mang lại ấn tượng tốt của khách hàng.
Không chỉ vậy qua các kênh bán hàng, mình thường chia sẻ câu chuyện bản thân qua các bài đăng để khách hàng đồng cảm và chia sẻ. Ví dụ như lý do mình mở tiệm chè, cảm xúc từ những ngày đầu tiên bán hàng, những khó khăn... Mình luôn coi khách hàng là những người bạn tâm giao để khi vui hay buồn đều có thể mở lòng và chia sẻ với họ.
* Làm sao bạn tìm kiếm và giữ chân khách hàng/người theo dõi?
Xác định tệp khách hàng
Do tệp khách hàng nằm trong độ tuổi từ 14-30 nên mình luôn mở cửa hàng tại các khu vực tập trung nhiều toà nhà văn phòng và trường học.
Tiếp cận khách hàng
Vì mô hình bán online nên mình liên kết đối tác với các ứng dụng giao đồ ăn như Now, Grab… dù hầu hết đều phải chịu chiết khấu cao. Để không phụ thuộc quá nhiều vào họ, mình vẫn khai thác triệt để nguồn khách trực tiếp tìm tới Tiệm chè LeLe trên các kênh chính chủ.
Xây dựng chất lượng
Mình tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dù chi phí nguyên liệu luôn cao hơn so với thị trường do sử dụng hoa quả tươi 100%. Mình sẵn sàng bán ít đi, từ chối đơn hàng lớn khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về nguyên liệu.
Mình làm vậy vì không muốn sự vội vã, hấp tấp đạp đổ đi những nỗ lực mà mình đã cố gắng suốt nhiều năm qua để xây dựng tên tuổi Tiệm chè LeLe.
Xây dựng uy tín
Việc kinh doanh đồ ăn không cho phép mình được cẩu thả hoặc để xảy ra sai sót. Nếu khách phản ánh chè hôm đó có vấn đề thì ngay lập tức mình sẽ đền bù bằng sản phẩm hoặc tặng voucher giảm giá cho những lần sau.
Việc bán ra một sản phẩm không ưng ý cho khách hàng làm mình rất áy náy. Vì mình quan niệm bán ít nhưng chất lượng còn hơn bán nhiều mà khách không bao giờ quay lại.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Mình ý thức được Tiệm chè LeLe cũng có tác động vào ô nhiễm môi trường do lượng khách ngày một tăng, đi kèm với đó là khối lượng lớn đồ nhựa sử dụng 1 lần bị thải ra. Do vậy, mình thường xuyên thay đổi packaging sang cốc giấy, thìa gỗ hay khuyến khích khách mang cốc cá nhân tới đựng chè.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, để bảo đảm vận chuyển mình vẫn phải bắt buộc sử dụng nhựa. Mình vẫn sẽ tiếp tục cải tiến để góp phần giảm bớt chất thải và luôn tự nhủ không được vì lợi nhuận mà vô trách nhiệm với môi trường.
* Khó khăn nào bạn gặp phải khi kinh doanh?
Khi mới bắt đầu với lượng khách ít ỏi, mình đã có một khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần giống như mọi sinh viên mới ra trường khác.
Đầu óc mình luôn phải căng ra để tính toán sẽ phải làm gì tiếp theo khi kinh tế mỗi tháng không còn dư giả như thời sinh viên. Nhất là khi khối lượng công việc quá tải, mình phải thuê nhân viên và xoay sở nhiều chi phí vận hành khác.
Được một thời gian, cứ bán quen khách thì mình lại có vấn đề về địa điểm nên phải chuyển cửa hàng online. Tuy nhiên, rất trộm vía là dù đi đâu, mình vẫn luôn được khách hàng đón nhận và ủng hộ.
Mình có một lượng khách hàng thân quen ở mọi lứa tuổi và ngành nghề. Đó cũng là động lực lớn nhất đối với mình trong 7 năm qua.
* Một điều thú vị trong quá trình kinh doanh?
Có một cặp đôi nhờ hay mua chè LeLe mà giờ đã kết hôn và chuẩn bị có em bé. Cũng có bạn mua chè LeLe tặng crush mà có luôn người yêu. Đây đều là những kỷ niệm rất vui và ý nghĩa khiến mình nhớ mãi không quên.
* Dự án kinh doanh của bạn hiện thời ra sao?
Mỗi ngày lại có thêm người dùng mới tiếp cận và ấn theo dõi tiệm dù công việc kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trước dịch, doanh thu của tiệm là 90-100 triệu VNĐ/tháng, còn hiện tại dao động từ 65-70 triệu VNĐ/tháng.
Dù mọi thứ tuy bị chậm lại nhưng mình vẫn đang duy trì được chi phí vận hành và có lợi nhuận để tái cơ cấu. Một may mắn nữa là mình đã hoãn việc mở cửa hàng ngay trước khi dịch bùng phát trở lại.
Mình luôn quan niệm tất thảy việc xảy ra dù là tích cực hay tiêu cực thì đó đều là “Thiên Ý”, nên mình luôn chấp nhận và hài lòng với mọi việc.
* Trong suốt 7 năm khởi nghiệp kinh doanh, bạn đã học được gì?
Mình đã học được rất nhiều bài học từ khi mở tiệm đến giờ.
Bài học về cách cân bằng cảm xúc
Trong mọi trường hợp phải thật bình tĩnh, lắng nghe để tìm ra cách giải quyết, tránh hấp tấp gây ra hậu quả không mong muốn. Ví dụ như trong khâu giải quyết vấn đề không mong muốn của các đơn hàng.
Bài học về tư duy làm việc
Khi thay đổi sang cách làm việc logic và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới, mình đã đạt được hiệu quả kinh doanh đáng kể. Cụ thể là mình luôn chủ động cập nhật các xu hướng ẩm thực mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng mỗi giai đoạn.
Bài học về Marketing và Quản trị kinh doanh
Mình tự học thêm các kiến thức về Marketing như sáng tạo nội dung, xây dựng thương hiệu, nâng cao sản phẩm… Đặc biệt, cô bạn thân có chuyên môn về content đã giúp mình định hướng chiến lược nội dung một cách bài bản. Từ đó các các bài đăng của Tiệm LeLe luôn mang phong cách hài hước, trẻ trung đúng với tệp khách hàng mục tiêu.
Không chỉ vậy, mình đã học cách vận hành với mô hình kinh doanh chuyên nghiệp hơn so với giai đoạn thô sơ ban đầu. Trong thời gian tới mình sẽ cố gắng trau dồi bản thân hơn nữa để có thể thu hút thêm nhiều khách hàng và quản lý nhân sự hiệu quả nhất.
Bài học về sức khỏe
Mình học được cách lắng nghe sức khoẻ bản thân hơn sau một lần bị chảy máu cam do làm việc quá sức. Thời gian đầu do tự tay làm mọi việc, một ngày mình làm 17 tiếng. Có lúc lại đi nhập hàng ban đêm, ngày thì bán hàng từ 9h sáng tới 22-23h.
Một lần, sau 3 ngày việc liên tục khiến bản thân kiệt quệ, mình đã thức tỉnh về việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân cũng như của đội ngũ nhân viên. Mình nhận ra rằng dù làm gì cũng phải luôn lưu tâm và đặt sức khoẻ lên hàng đầu. Vì sức khoẻ chính là nguồn năng lượng vận hành và duy trì cuộc sống của mình.
* Kế hoạch sắp tới của bạn?
Ngoài việc giữ vững chất lượng và đẩy mạnh tăng trưởng trên các kênh bán hàng thì mình có 4 việc quan trọng đó là:
Mở cửa hàng trong năm 2022
Đại dịch COVID-19 đã khiến mình phải tạm hoãn dự định này. Theo kế hoạch năm 2021, mình sẽ mở một cửa hàng khang trang hơn để tiếp đón khách hàng, tuy nhiên dịch bùng trở lại nhiều lần nên mình đành tạm gác lại và đang trau dồi thêm hành trang cho con đường sắp tới.
Học thêm các khoá nâng cao tay nghề
Mình vẫn luôn muốn đi học thêm 1-2 lớp pha chế và làm bánh để học hỏi và phát triển menu. Nhưng do hiện giờ khối lượng công việc khá nhiều, mình chưa sắp xếp được thời gian, một phần cũng sợ làm nhiều thứ cùng một lúc sẽ không hiệu quả.
Nhượng quyền và mở thêm cơ sở
Đây là những dự định trong 3 năm tới của mình. Khi đã tự tin và quản lý tốt thì mình sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc nhượng quyền và mở thêm cơ sở. Tuy nhiên không thể nói trước được điều gì nên mình vẫn cố gắng ở hiện tại nhiều hơn, nó sẽ là bước đà trong tương lai của mình.
Đi làm tại một môi trường mới
Sau khi ổn định kinh doanh, nếu có thể mình vẫn muốn đi làm để không lãng phí thời gian học 2 tấm bằng đại học. Đây cũng là một cách để mình thay đổi môi trường làm việc và mở rộng mối quan hệ. Biết đâu, mình lại có cơ hội kéo thêm khách về cho Tiệm chè Lele thì sao, một công đôi việc đấy chứ (cười).
* Bạn sử dụng những công cụ, phần mềm gì?
Mình sử dụng những ứng dụng cơ bản sau:
- Ứng dụng lưu trữ thông tin & liên hệ đối tác: Gmail, Zalo, Messenger...
- Ứng dụng chỉnh sửa ảnh: Foodie, VSCO, Snapseed, Line, Fotorus, Picsart...
- Ứng dụng giao hàng: Now, Grab, Baemin, Aha, Hey U...
- Ứng dụng báo cáo tổng kết: Excel, Google docs, Now Merchant, Grab Merchant...
* Lời khuyên cho những người đang bắt đầu?
- Dám theo đuổi ước mơ và phấn đấu hết sức mình: Cuộc sống này là của bạn, đừng sợ ai đó nói rằng bạn chỉ mơ mộng viễn vông. Hãy nhớ rằng mọi cuộc đời vĩ đại đều bắt đầu từ những ước mơ.
- Cân bằng nguồn vốn khi bắt đầu kinh doanh: Hãy nghiên cứu kỹ thị trường và cân đối với khả năng tài chính bản thân để lên kế hoạch chi tiêu và đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
- Luôn lắng nghe khách hàng: Cần cân nhắc và xem xét thật kỹ góp ý của khách hàng để cải thiện sản phẩm, dịch vụ. Chính sự thay đổi linh hoạt nhờ những đóng góp của khách dù là nhỏ nhất đã giúp mình phát triển tư duy hơn rất nhiều.
* Xin chân thành cảm ơn.
* Nguồn: A Vậy Hả