Kyanon Digital: 18 cách để ứng dụng AI trong e-Commerce
Trừ khi đã tìm hiểu về lĩnh vực này, nếu không bạn chỉ có thể nghe nói về trí tuệ nhân tạo (AI), mà không biết ứng dụng chúng trong thương mại điện tử như thế nào. Trong bài viết này, Kyanon Digital sẽ chia sẻ những phương pháp hữu ích và thiết thực mà các doanh nghiệp trong ngành mua sắm trực tuyến đang sử dụng.
Khi tìm kiếm về chủ để này, bạn dễ dàng bắt gặp hàng trăm bài báo dự đoán về việc thị trường bị chi phối như thế nào khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thực tế, một nghiên cứu gần đây của Business Insider cho thấy có đến 85% sự tương tác với khách hàng sẽ được quản lý mà không có sự can thiệp của con người vào năm 2020.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã sử dụng AI để hiểu rõ hơn về khách hàng, tạo ra khách hàng tiềm năng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhưng ứng dụng AI như thế nào và nó có tác động ra sao? Dưới đây là 18 cách để ứng dụng AI trong e-Commerce.
1. Tạo các bộ tìm kiếm lấy khách hàng làm trung tâm
Ông Amir Konigsberg, Giám đốc Điều hành Twiggle đã tạo ra các bộ máy tìm kiếm thương mại điện tử có suy nghĩ như con người. Ông cho biết người tiêu dùng thường bỏ qua trải nghiệm thương mại điện tử vì kết quả sản phẩm hiển thị thường không liên quan. Để giải quyết vấn đề này, Twiggle sẽ sử dụng xử lý ngôn ngữ thu hẹp tự nhiên, ngữ cảnh hoá và cuối cùng là cải thiện kết quả tìm kiếm cho khách hàng mua sắm trực tuyến.
Công ty khởi nghiệp công nghệ Clarifai có trụ sở tại Hoa Kỳ cố gắng cải thiện việc tìm kiếm thương mại điện tử bằng cách tập trung vào các yếu tố tìm kiếm bằng hình ảnh. Các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng thông minh hơn, trao quyền cho các doanh nghiệp phát triển trải nghiệm lấy khách hàng làm trung tâm thông qua xử lý hình ảnh và nhận diện video. Họ đã tận dụng máy học, phần mềm AI có gắn tags, sắp xếp và tìm kiếm nội dung trực quan bằng cách gắn các nhãn đặc tính của hình ảnh và video.
Công nghệ AI mang lại cho các doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh khả dụng dành cho những nhà phát triển hoặc các doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô và ngân sách nào. Một ví dụ điển hình là bản cập nhật gần đây của Pinterest với tiện ích mở rộng của Chrome, cho phép người dùng chọn một bức ảnh trực tuyến bất kỳ và sau đó yêu cầu Pinterest hiển thị các mục tương tự bằng phần mềm nhận dạng hình ảnh.
Cũng như việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp, AI cho phép người mua hàng khám phá các sản phẩm tương tự như sản phẩm mình mong muốn về kích thước, màu sắc, hình dạng, chất liệu hoặc cả thương hiệu. Ví dụ, bạn thích chiếc váy mới của bạn bè hay đôi giày Nike mới của đồng nghiệp, nếu có hình ảnh, thông qua AI, bạn có thể dễ dàng tìm thấy mặt hàng tương tự ở các cửa hàng thương mại điện tử.
2. Retarget khách hàng mục tiêu
Theo Conversica, có ít nhất 33% khách hàng tiềm năng chưa được nhóm bán hàng quan tâm. Điều này có nghĩa là những người mua tiềm năng đủ điều kiện quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn lại thường bị bỏ qua (fall through the inevitable cracks). Lý do cho vấn đề này nằm ở việc nhiều doanh nghiệp bị quá tải và khó quản lý dữ liệu khách hàng, khiến các thương hiệu bỏ lỡ một nguồn lợi nhuận lớn.
Nhưng làm thế nào để ứng dụng AI trong việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng?
Một số doanh nghiệp hiện đang sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để quan sát thời gian khách hàng ở trong cửa hàng. Ví dụ, nếu khách hàng dành một khoảng thời gian đủ lâu bên cạnh một sản phẩm như iPod, thông tin này sẽ được lưu trữ để sử dụng cho những lần ghé thăm tiếp theo của họ.
Khi AI phát triển, công ty giới thiệu các ưu đãi đặc biệt của sản phẩm trên máy tính khách hàng dựa trên thời gian khách hàng ở tại cửa hàng và sự quan tâm của họ đối với một sản phẩm nhất định. Qua đó, các nhà bán lẻ đa kênh bắt đầu đạt được tiến bộ trong khả năng tiếp thị lại (Retarget) cho khách hàng.
3. Xác định những triển vọng mục tiêu đặc biệt
Công nghệ AI tiên tiến cung cấp cho các công ty thương mại điện tử thông tin cần thiết để kịp thời giải quyết những thách thức kinh doanh và tạo ra khách hàng tiềm năng.
Mintigo là một công ty chuyên cung cấp giải pháp AI cho marketing, sales và hệ thống CRM. Thông qua phần mềm của Mintigo, Getty Images thành công trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng bằng cách thu thập dữ liệu trang web của doanh nghiệp có sử dụng hình ảnh từ đối thủ của Getty.
Getty có thể xác định nhóm khách hàng tiềm năng chất lượng – giúp đội ngũ bán hàng của công ty có lợi thế cạnh tranh, từ đó có được những giao dịch kinh doanh mới. Thông tin kinh doanh thực tế và hàng triệu hồ sơ khách hàng tiềm năng sẽ được cung cấp trên quy mô lớn cho đội ngũ bán hàng của Getty. Nếu không có AI và máy học, hệ thống của Getty sẽ không thể thực hiện được khối lượng hồ sơ này.
4. Tạo một quy trình bán hàng hiệu quả hơn
Hầu hết các công ty đã ngưng sử dụng những kỹ thuật bán hàng cũ như chọn Yellow Pages đáng tin cậy và kết nối với khách hàng thông qua gọi điện.
Cuộc sống của khách hàng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các phương tiện khác nhau, từ quảng cáo trên TV đến mạng xã hội. Trên thực tế, trong 12 tháng qua, ngay cả Snapchat cũng tự khẳng định mình là một công cụ marketing và bán hàng độc lập nhằm tạo ra những cơ hội mới.
Nếu công ty muốn điều chỉnh lại các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề và tạo ra thông điệp bán hàng đủ mạnh để tiếp cận người tiêu dùng vào đúng thời điểm trên nền tảng phù hợp, thì việc tích hợp AI vào CRM của công ty là cách tốt nhất.
Nhiều hệ thống AI cho phép học được ngôn ngữ tự nhiên và nhập liệu bằng giọng nói như Siri hoặc Alexa. Hệ thống CRM sẽ trả lời các thắc mắc của khách hàng, giải quyết các vấn đề và xác định cơ hội cho nhóm bán hàng. Do đó, một số hệ thống CRM dựa trên AI có thể xử lý tất cả các chức năng này.
The North Face, một nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn, đã sử dụng AI để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng. Thông qua Watson – giải pháp AI của IBM, khách hàng có thể xem xét và nhận tư vấn để tìm được chiếc áo khoác phù hợp với họ ngay trên nền tảng trực tuyến.
Công ty đạt được điều này bằng cách đặt câu hỏi cho khách hàng, ví dụ: “Bạn sẽ sử dụng áo khoác của mình ở đâu và khi nào?”, thông qua công nghệ AI nhập liệu bằng giọng nói. Sau đó, phần mềm của IBM sẽ quét hàng trăm sản phẩm để tìm ra kết quả phù hợp dựa trên thông tin của khách hàng trong thời gian hiện tại và nghiên cứu.
AI đang thực hiện những thay đổi chuyên sâu đối với phương pháp mà công ty sử dụng trong kinh doanh – giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn và khai thác năng lực của nhân viên tốt hơn.
5. Tạo bước tiến mới của sự cá nhân hoá trên nhiều thiết bị
Cá nhân hoá không phải là điều mới mẻ đối với thương mại điện tử. Nếu thường xuyên sử dụng Amazon, bạn sẽ thấy rõ sự cá nhân hoá trên nền tảng này. Tuy nhiên, với những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học, các cấp độ cá nhân hoá chuyên sâu đã thâm nhập vào thế giới thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, cá nhân hoá dựa trên nền tảng AI cho thương mại điện tử lại áp dụng phương pháp đa kênh. Những công cụ AI mới, chẳng hạn như Boomtrain, dựa trên nhiều điểm tương tác với khách hàng và giúp doanh nghiệp phân tích cách khách hàng tương tác trực tuyến.
Cho dù là ứng dụng dành cho thiết bị di động, trang web hay chiến dịch email, công cụ AI liên tục giám sát tất cả các thiết bị và kênh để tạo ra một cái nhìn toàn diện về khách hàng. Tầm nhìn khách hàng thống nhất này cho phép các nhà bán lẻ thương mại điện tử mang đến trải nghiệm khách hàng liền mạch trên tất cả các nền tảng.
Khi khách hàng tìm kiếm ốp lưng iPhone ở lần tiếp theo trên trang web của công ty, khách hàng có thể nhận thông báo về đợt giảm giá cho các ốp lưng iPhone, trực tiếp thực hiện việc mua hàng trên điện thoại, tiết kiệm nhiều bước cho cả hai bên.
6. Cung cấp cách giao tiếp thân thiện với chatbot
Công nghệ tiến bộ đã thay đổi kỳ vọng của khách hàng. Thương mại điện tử hiện tập trung vào việc xây dựng trải nghiệm cho cá nhân. Đối với người tiêu dùng, sự tương tác của công ty sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Nhiều nhà bán lẻ thương mại điện tử hiện đang cải tiến quá trình giao tiếp với khách thông qua phương thức “Conversational Commerce” (Thương mại điện tử trên nền tảng di động, tích hợp khả năng giao tiếp giữa người bán và người mua thông qua các ứng dụng tin nhắn như Facebook Messenger, WhatsApp…).
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo thông qua ứng dụng chatbot chỉ là một cách để thúc đẩy cuộc trò chuyện trong kỷ nguyên Conversational Commerce.
Vậy, chatbot là gì?
Chatbot là một chương trình máy tính được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện với khách hàng qua internet. Dưới đây là một số chức năng chính của chattbot:
- Đảm nhận một số trách nhiệm quan trọng như điều hành một doanh nghiệp trực tuyến, đặc biệt là khi thực hiện các nhiệm vụ cho hoạt động marketing.
- Tự động hoá quy trình đặt hàng một cách hiệu quả với chi phí thấp nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Thông thường, khi người tiêu dùng mua trực tuyến, họ đã đăng nhập vào các nền tảng xã hội như Facebook. Đây là cơ hội tốt để sử dụng chức năng nhắn tin nhằm xác nhận đơn đặt hàng hoặc cung cấp hỗ trợ trực tuyến tức thì.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử có thể tích hợp hệ thống chatbot vào giỏ hàng. Khi hệ thống chatbot đã được tích hợp với giỏ hàng của công ty, nó hoạt động với tất cả các cửa hàng dựa trên nền tảng này. Ứng dụng chatbot của công ty hỗ trợ càng nhiều giỏ hàng thì càng có nhiều khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các hệ thống tích hợp với giỏ hàng để truy xuất thông tin như chi tiết sản phẩm, số lượng và các điều khoản giao hàng mà chatbot sử dụng để cung cấp câu trả lời chính xác cho khách hàng.
7. Trao quyền cho nhân viên cửa hàng
Trong khi nhiều nhà bán lẻ trực tuyến đã thử nghiệm với chatbot, một số lại cân nhắc việc tái tạo trải nghiệm tại cửa hàng. Lowe – cửa hàng chuyên về sửa chữa nhà cửa, đã giới thiệu robot tự động đầu tiên vào cuối năm 2014, được đặt tên là LoweBot.
Lowebot chào đón khách hàng tại cửa hàng, hướng dẫn họ xung quanh cửa hàng, tìm nguồn thông tin sản phẩm liên quan và thậm chí hỗ trợ nhân viên quản lý hàng tồn kho. Điều này giúp Lowe thuyên chuyển nhân viên cửa hàng có kinh nghiệm và để nhân viên tham gia vào các hoạt động tương tác với khách hàng.
8. Trợ lý ảo
Những trợ lý ảo như Siri, Google Now và Alexa đã khá quen thuộc với tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng vẫn còn nhiều bất cập khi sử dụng. Vậy, trợ lý ảo có ý nghĩa gì đối với các nhà bán lẻ thương mại điện tử?
Đầu tiên, hãy cem xét đến trợ lý ảo của Amazon, Alexa.
Alexa gần đây nổi tiếng là một trong những tiếng nói nổi bật trong lĩnh vực thương mại, được tích hợp thành công vào các sản phẩm của Amazon cũng như các sản phẩm của nhà sản xuất khác.
Ví dụ, bằng cách sử dụng Alexa trên thiết bị Echo của Amazon, khách hàng khám phá các buổi biểu diễn địa phương vào cuối tuần thông qua StubHub, đặt Uber hoặc bữa tối (theo dõi trạng thái đơn hàng trong thời gian thực tế).
9. Tích hợp với vật dụng hàng ngày trong gia đình
Một vài ví dụ thú vị hơn về sự tích hợp AI ngoài sự hợp tác giữa Alexa của Amazon là tủ lạnh Smart InstaView của LG.
LG đã thử nghiệm với một số phiên bản trước của tủ lạnh InstaView với màn hình cảm ứng khổng lồ được tích hợp trên cửa tủ. Tuy nhiên, lần này, LG đã đưa vào một trợ lý ảo và phần mềm webOS. Đó là nơi mà trợ lý ảo có những năng lực hữu ích.
Ngoài việc cung cấp tin tức và cập nhật thời tiết, tủ lạnh giúp khách hàng thực hiện các đơn đặt hàng mua sắm của mình như mua sữa ngay tại nhà. Hãy tưởng tượng khả năng mà các nhà bán lẻ ngành thương mại điện tử có thể truy cập trực tiếp đến nhà của người tiêu dùng thông qua sản phẩm này.
10. Cải thiện đề xuất tới khách hàng
Bằng cách sử dụng AI, thương hiệu có thể quét Petabyte dữ liệu thông minh để dự đoán hành vi của khách hàng và đưa ra các đề xuất phù hợp. Mức độ nhận biết này rất quan trọng trong việc cung cấp trải nghiệm mua sắm cá nhân hoá cho người tiêu dùng.
Starbucks đã ứng dụng AI và phân tích dữ liệu người dùng, từ đó có thể đưa ra nhiều đề xuất mang tín cá nhân hoá hơn.
Ví dụ, gần đây thương hiệu đã ra mắt ‘My Starbucks Barista’, sử dụng AI cho phép khách hàng đặt hàng bằng lệnh thoại hoặc nhắn tin.
Thuật toán tận dụng nhiều loại đầu vào, bao gồm thông tin tài khoản, sở thích của khách hàng, lịch sử mua hàng, dữ liệu của bên thứ ba và thông tin ngữ cảnh.
Lĩnh vực thương mại điện tử, đã cách mạng hoá cách mua sắm bằng di động. Mong muốn của công ty thương mại điện tử là mang lại trải nghiệm mua sắm ngoại tuyến tốt nhất, bằng cách cung cấp cho khách hàng sự liền mạch để khám phá các sản phẩm mà họ đang tích cực tìm kiếm.
Một điểm quan trọng trong ‘siêu cá nhân hoá’ là lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ các hoạt động của người dùng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính để bàn để mang lại trải nghiệm liền mạch theo đúng mong muốn của người tiêu dùng.
Một vài ví dụ cho việc áp dụng AI vào quy trình siêu cá nhân hoá như: Amazon đưa ra các đề xuất cho người dùng tuỳ thuộc vào hoạt động của họ trên trang web và bất kỳ giao dịch mua nào trong quá khứ; Netflix đưa ra các đề xuất về TV và phim dựa trên sự tương tác của người dùng với các danh mục, ví dụ như phim truyền hình, hài kịch và hành động; eBay thu thập phản hồi của người dùng về sản phẩm để giới thiệu sản phẩm cho những người dùng có hành vi tương tự...
11. Giới thiệu trợ lý tư vấn mua sắm ảo
AI cho phép thương hiệu tạo ra ‘trợ lý tư vấn mua sắm ảo’ được xây dựng với mục đích hỗ trợ khách hàng trực tuyến. Việc tư vấn trên nền tảng trực tuyến sẽ tốn nhiều thời gian khi khách hàng phải nhập hoặc đánh dấu vào quá nhiều lựa chọn. Do đó, nhiều nhà bán lẻ thương mại điện tử phải tìm ra cách thức sáng tạo hơn để có sự trải nghiệm trực tuyến giống như trải nghiệm ngoại tuyến.
Vào năm 2016, cửa hàng bách hoá Macy’s hợp tác với Watson của IBM để tạo ra một trợ lý mua sắm di động AI cá nhân tên là ‘Macy’s On Call‘. Công cụ di động sáng tạo và có nhận thức, sử dụng API – ngôn ngữ tự nhiên của Watson, Macy’s On Call được thiết kế để hỗ trợ người mua hàng, cung cấp thông tin tại 10 cửa hàng bán lẻ của Macy trên khắp đất nước, khi di chuyển qua từng cửa hàng.
Trợ lý gia đình của Amazon, Alexa hoàn toàn phù hợp trong việc cung cấp trải nghiệm mua sắm hiện đại cho người tiêu dùng. Khách hàng chỉ cần yêu cầu Alexa đặt sữa vào buổi sáng và không cần trực tiếp đến cửa hàng. Một tính năng hấp dẫn khác là Alexa chỉ cần xác minh giọng nói để xử lý đơn đặt hàng.
12. Xây dựng công cụ lọc thông minh
Khách hàng kỳ vọng các nhà bán lẻ có một chiến lược giá phải chăng. Do đó, các nhà bán lẻ đa kênh phải áp dụng sự linh hoạt trong cấu trúc giá để giữ chân khách hàng.
Nhiều nhà bán lẻ đang chuyển sang sử dụng lọc thông minh – tạo điều kiện cho khả năng hiển thị 24/7 và thông tin chi tiết về giá trị hoàn toàn mới so với các loại sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp có thể theo dõi combo sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, sản phẩm được phân khúc theo loại sản phẩm và thương hiệu cũng như tỷ lệ trùng lặp. Sau đó, công cụ loại intelligent cung cấp cho doanh nghiệp khả năng điều chỉnh kết hợp sản phẩm và giá cả với độ chính xác cao.
Một lợi thế cạnh tranh ấn tượng là cung cấp khả năng hiển thị đầy đủ về những sản phẩm đang được cung cấp trên thị trường. Phần mềm thông minh hỗ trợ các nhà bán lẻ trong việc đưa ra các quyết định phân loại và lập kế hoạch cụ thể, đồng thời theo dõi tác động kinh doanh của những hành động đó.
13. Thu hẹp khoảng cách giữa cá nhân hoá và quyền riêng tư
Về chủ đề cá nhân hoá, chúng ta thường lo ngại về quyền riêng tư của người dùng – vốn là một chủ đề nóng trong những năm gần đây.
Các thương hiệu đang tích cực nỗ lực để nâng tính minh bạch, bảo mật và trung thực lên một cấp độ mới. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các thương hiệu không thể từ bỏ cá nhân hoá người dùng, vì vai trò quan trọng của nó trong bất kỳ mô hình thương mại điện tử thành công nào.
Vì vậy, các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể giải quyết vấn đề này như thế nào? Nhiều thương hiệu tin rằng câu trả lời nằm ở trí tuệ nhân tạo.
Người dùng cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ thông tin chi tiết với lời hứa rằng sẽ nhận được thứ gì đó thực sự có giá trị để đổi lại.
Ví dụ, nếu bạn cấp cho Google quyền truy cập vào tài khoản của mình, Google sẽ đồng bộ hoá lịch, email và thói quen tìm kiếm của bạn.
Google sẽ chào buổi sáng bằng một bản tóm tắt về những gì bạn có và thông báo bạn sẽ đi làm muộn nếu bị huỷ chuyến tàu.
Vậy, kết quả cuối cùng là gì?
AI cho phép các nhà bán lẻ cung cấp trải nghiệm tốt hơn trong suốt cả ngày của người dùng ngay cả khi họ không xem qua cửa hàng thương mại điện tử.
Để có trải nghiệm như vậy, người dùng cần chia sẻ thông tin chi tiết của họ. Đó là cách AI đang thu hẹp khoảng cách giữa cá nhân hoá người dùng và quyền riêng tư.
14. Tạo ra doanh số từ Wearable Technology
Thiết bị di động có vai trò quan trọng trong thương mại điện tử.
Theo Shopify, trong năm 2016 thiết bị di động vượt qua các kênh khác trở thành thiết bị truy cập chính của các sàn thương mại điện tử. Khi các sản phẩm như Apple Watch, FitBit và các dạng Wearable Technology khác tham gia vào thị trường thương mại điện tử sẽ tạo nên nhiều tác động đối với các sàn.
Vậy, tại sao Wearable Technology mang lại nhiều lợi ích cho các nền tảng thương mại điện tử? Bởi vì chúng có khả năng thu thập dữ liệu vượt mong đợi của các nền tảng thương mại điện tử.
Một số công nghệ có thể thu được thông tin về sản phẩm người dùng đã xem, xác định sở thích và có thể đề xuất các sản phẩm cá nhân hoá.
Amazon Go hứa hẹn sẽ cách mạng hoá trải nghiệm mua sắm của khách hàng bằng cách không dùng tiền mặt. Khách hàng không cần phải rút ví nhờ các thiết bị wearable. Đó là chìa khoá cho trải nghiệm thanh toán không tiền mặt.
15. Cải thiện các hệ thống đối thoại
Amazon đã bắt đầu áp dụng AI vào hệ thống đối thoại, chẳng hạn như nhận dạng giọng nói, hiểu ngôn ngữ tự nhiên và trả lời câu hỏi.
Ví dụ, bằng cách áp dụng một thuật toán máy học gọi là ‘deep learning’, Amazon có thể chuyển đổi lời nói của khách hàng thành văn bản với kết quả chính xác cao.
Amazon cũng đang giải quyết vấn đề trả lời câu hỏi tự động bằng cách sử dụng AI qua cách tận dụng nội dung trong các trang web như mô tả sản phẩm và đánh giá của khách hàng.
Ví dụ, khách hàng có thể hỏi “Có bao nhiêu cổng USB trên máy tính xách tay này?”.
Những câu hỏi phức tạp hơn sẽ bao gồm “Máy ảnh này có hoạt động trong nhà không?” hoặc “TV nào trong số hai TV này có chất lượng hình ảnh tốt hơn?”.
AI đang mang lại cơ hội mới cho các nhà bán lẻ thương mại điện tử để tương tác với khách hàng.
16. Xử lý các đánh giá giả mạo
Bất kỳ nhà bán lẻ trực tuyến có kinh nghiệm nào cũng sẽ nhận ít nhất một vài đánh giá giả mạo.
Người tiêu dùng nhìn thấy vô số quảng cáo mỗi ngày, điều này có thể trở nên choáng ngợp và thường sẽ trì hoãn việc đưa ra quyết định. Do vậy, các bài viết đánh giá đóng vai trò khá quan trọng trong quyết định mua hàng của họ.
Theo nghiên cứu gần đây của Dimensional Research, 90% người được hỏi có đọc các bài đánh giá trực tuyến cho rằng các bài đánh giá trực tuyến tích cực ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Quan trọng hơn, 86% nói rằng quyết định mua hàng bị ảnh hưởng bởi các đánh giá trực tuyến tiêu cực.
Trong trường hợp những đánh giá này là giả, AI được sử dụng để quản lý và xử lý bằng cách nào?
Việc tạo ra các bài đánh giá giả mạo được biết đến với cái tên ‘astroturfing’ và phổ biến trên nhiều trang web hoặc dịch vụ bao gồm cả Amazon.
Một số nhà bán lẻ thương mại điện tử đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để chống lại astroturfing bằng cách nhấn mạnh hơn vào các đánh giá đã được xác minh và hữu ích.
Amazon sử dụng AI để chống lại các đánh giá sản phẩm giả mạo và lạm phát quy trình xếp hạng sao phổ biến của họ bằng cách ưu tiên những bài đánh giá được đánh dấu là hữu ích bởi người dùng khác cũng như những bài phê bình mới và cập nhật hơn trên trang web. Doanh nghiệp đang liên tục xem xét một số đặc điểm của đánh giá như xếp hạng của chúng để phát hiện các đánh giá giả mạo. Hành động này rất quan trọng đối với công ty, góp phần xây dựng lòng tin của khách hàng đối với Amazon.
17. Nói không với hàng giả
Các thuộc tính của sản phẩm, thương hiệu và danh mục cũng hữu ích trong việc phát hiện các sản phẩm giả mạo.
Khi tìm kiếm sản phẩm trên các trang thương mại điện tử lớn, người tiêu dùng khó có thể xác định được sản phẩm giả từ người bán bên thứ ba. Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm trông như chính hãng nhưng sử dụng kém, điều đó có thể để lại sự khó chịu và tác động tiêu cực đến nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu.
Vậy các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể giải quyết hàng giả bằng cách nào?
Công ty khởi nghiệp 3PM Marketplace Solutions ở Chicago bổ sung thêm một lớp bảo vệ thương hiệu bằng cách áp dụng các thuật toán máy học để phát hiện hàng giả. Công ty dựa trên dữ liệu từ nhiều thị trường trực tuyến và phân tích dữ liệu đó để xác định sản phẩm nào thực sự là hàng giả.
Ông Rob Dunkel, người sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ, gần đây đã tuyên bố rằng các yếu tố như tỷ lệ đăng của một tài khoản, loại mặt hàng mà tài khoản đó bán và thậm chí là các đánh giá có khả năng giả mạo về các mặt hàng được liệt kê, đều được sử dụng để phát hiện kẻ làm giả. Sau đó, khách hàng có thể gửi khiếu nại để loại bỏ các sản phẩm giả mạo mờ ám.
18. Địa phương hoá trải nghiệm của khách hàng
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI trong những năm gần đây, nhiều phát minh tập trung vào ngành dịch vụ bắt đầu xuất hiện. Wayblazer – nền tảng AI cho ngành du lịch, là một ví dụ.
Wayblazer sử dụng AI để cung cấp giải pháp cho các công ty B2B kinh doanh khách sạn, du lịch trên biển và tour du lịch.
Bằng cách tích hợp Watson của IBM và khả năng ngôn ngữ tự nhiên, doanh nghiệp có thể cá nhân hoá thành công các đề xuất ở địa phương cho người tiêu dùng. Điều này cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định nhanh hơn và tự tin hơn.
AI dự kiến sẽ mở rộng trong ngành này đến mức khách hàng có thể nhập điểm đến của mình và ứng dụng sẽ cung cấp cho họ những hoạt động phù hợp. Ví dụ như “Tôi có thể đi leo núi ở đâu trong tuần trăng mật?”. Sau đó, hệ thống AI có thể cung cấp các đề xuất được cá nhân hoá cho các địa điểm ưa thích và thông tin chi tiết về địa phương mà chúng ta chưa biết.
Mặc dù thuật ngữ ‘nhân tạo’ có thể tạo ấn tượng khô khan hoặc không cảm xúc, trí tuệ nhân tạo đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp trải nghiệm cá nhân hoá hơn cho khách hàng. AI giúp các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể phân tích hàng triệu tương tác mỗi ngày và đưa ra đề nghị phù hợp đến khách hàng.
Công nghệ AI có thể sẽ có tác động to lớn và có lợi đối với ngành thương mại điện tử trong những năm tới. AI thay đổi và cải thiện cách người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm trực tuyến. Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về những ý tưởng ứng dụng công nghệ AI vào lĩnh vực thương mại điện tử.
Nguồn: Kyanon Digital