Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

“Thay vì nghĩ rằng ‘một vài doanh nghiệp lớn sẽ thua, một số startup sẽ thắng’, startup nên được xem như đối tác tiềm năng. Quan hệ đối tác này sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và ngành hàng”, quan điểm của ông Giuseppe Zocco – Đồng sáng lập của Index Venture khi bàn về startup và kỷ nguyên đổi mới sáng tạo mở.

Theo BambuUp, trong mô hình Đổi mới sáng tạo (ĐMST) truyền thống, số lượng tham gia và tương tác của các thành tố còn hạn chế. Trái lại, với mô hình ĐMST mở, ngày càng nhiều thành tố tham gia và tương tác qua lại mạnh mẽ, chia sẻ nguồn lực, và cùng đóng góp để kiến tạo và phát triển.

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Nguồn: BambuUp

Xu hướng ĐMST mở tại thị trường Việt Nam

Sự kết hợp giữa doanh nghiệp và startup trong bối cảnh ĐMST mở 

Báo cáo “Lifting the lid on corporate innovation in the digital age” (2020) chỉ ra rằng đến năm 2025, startup sẽ là nguồn ĐMST hàng đầu cho các tập đoàn, doanh nghiệp ở mọi quy mô.

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Bàn về startup và kỷ nguyên ĐMST mở, có một nhận định nổi bật của ông Giuseppe Zocco – Đồng sáng lập của Index Venture, về vai trò của startup trong ĐMST như sau: “Gần đây, các doanh nghiệp lớn đối diện với thực tế rằng ngành công nghiệp của họ đang dần bị ‘thống lĩnh’ bởi những ĐMST do các startup dẫn đầu. Thay vì nghĩ rằng ‘một vài doanh nghiệp sẽ thua, một số startup sẽ thắng’, startup nên được xem như những đối tác tiềm năng. Quan hệ đối tác này sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn ngành hàng”.

Có thể thấy, doanh nghiệp và startup có nhiều cách hợp tác với nhau để thực hiện ĐMST mở. 

Theo A Guide of Corporate Venturing: Tools, Descriptions and Features, các bên có thể hợp tác theo từng giai đoạn ĐMST: Khám phá – Hoàn thiện – Triển khai. Cách phân loại này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các mô hình hợp tác ĐMST mở một cách dễ dàng; từ đó, lựa chọn được mô hình kết hợp phù hợp với bối cảnh kinh doanh. 

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Một trong những mô hình hợp tác đổi mới phổ biến giữa doanh nghiệp và startup là Khách hàng mạo hiểm (Venture Client). Qua đó, doanh nghiệp mua sản phẩm khởi nghiệp của startup khi công ty này còn ở giai đoạn khởi điểm. Ưu điểm lớn là, ở giai đoạn này, doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn lực bên ngoài với chi phí thấp để khai thác sản phẩm, quy trình, và đổi mới mô hình kinh doanh từ các startup hàng đầu.

Về phía startup, công ty có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp lớn trong ngành, từ đó mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Startup có thể kiểm tra, cải thiện sản phẩm, dịch vụ với hệ thống chuyên gia và kiến thức chuyên sâu từ doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, startup vẫn có thể giữ vững cấu trúc ban đầu và những quyết định mang tính định hướng.

Một trường hợp doanh nghiệp bắt tay với startup gần đây có thể kể đến FPT và Base.vn. Đầu tháng 5/2021, Tập đoàn FPT chính thức công bố đầu tư chiến lược vào startup Base.vn với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua lần hợp tác này, Base.vn sẽ dễ dàng tích hợp các giải pháp của FPT và mang lại hơn 100 giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng Base.vn.

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Đại diện FPT và Base.vn

Ông Phạm Kim Hùng – CEO của Base.vn, chia sẻ: “Mối quan hệ hợp tác giúp Base.vn tiết kiệm 10 năm vươn lên thành một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp”. Còn ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT, nhận định: “Hợp tác với Base.vn là con đường ngắn nhất để FPT xây dựng nền tảng chuyển đổi số cho SMEs trên thị trường”.

Hay một trường hợp khác là startup công nghệ Việt OLLI bắt tay với “ông lớn” sản xuất chip hàng đầu thế giới MediaTek. Thương vụ này đặt nền móng cho các thiết bị thông minh tích hợp tương tác thoại tiếng Việt. Được biết, OLLI là một trong các startup hưởng ứng lời hiệu triệu “Make in Vietnam” bằng việc kiến tạo sản phẩm công nghệ nhằm chủ động giải quyết bài toán Việt. Nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt mang tên MAIKA và loa thông minh OLLI MAIKA là các sản phẩm đầu tiên của quan hệ hợp tác. 

Hệ sinh thái startup Việt trong thời đại Đổi mới sáng tạo mở – Nhiều tiềm năng nhưng đầy thử thách

Loa thông minh OLLI MAIKA

Thách thức cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam

Dù hệ sinh thái startup tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Phần lớn startup Việt Nam đều đang ở giai đoạn hạt giống, khả năng bức phá còn hạn chế và đang cần được ươm tạo thêm. Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” của Austrade chỉ ra 5 thách thức nổi bật mà các startup Việt đang phải đối mặt.

Khả năng tiếp cận tài chính

Năm 2016, nguồn đầu tư trong nước chủ yếu đến từ 3 công ty đầu tư mạo hiểm lớn là IDG Ventures Việt Nam, Cyber Agent và DFJ VinaCapital. Tổng chi phí đầu tư là 120 triệu USD và phần lớn là rót vào các startup lớn mạnh.

Trái lại, việc thuyết phục các nhà đầu tư trong nước chấp nhận rủi ro và đầu tư vào các startup còn ở giai đoạn hạt giống là vô cùng khó khăn. Do đó, phần lớn startup Việt đều phải tự mình vươn lên trong giai đoạn khởi đầu. Dù các startup trong giai đoạn đầu phát triển thường phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư thiên thần nhưng loại hình này chỉ mới manh nha tại Việt Nam.

Tài năng và năng lực điều hành

Có một hiện thực rằng startup địa phương có khả năng tạo ra những sản phẩm công nghệ chất lượng nhưng lại thiếu kỹ năng kinh doanh và điều hành. Mặc dù Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á về số lượng startup, nhưng không nhiều công ty trong số đó được trang bị kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững. Điều này hạn chế cơ hội kết nối với hệ sinh thái startup trong khu vực của nhiều startup Việt.

Hệ sinh thái bị phân mảnh

Mặc dù có sự hỗ trợ từ Chính phủ, hệ sinh thái vẫn thiếu sự kết nối. Vậy, để tăng hiệu quả, cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa các bên liên quan, nâng cao năng lực thể chế. Đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc giúp startup tiếp cận nhiều hơn nguồn tài chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Khả năng R&D

Hệ thống ĐMST quốc gia đang ở trạng thái non trẻ, manh mún và R&D vẫn chưa được chú trọng cả trong và ngoài doanh nghiệp. 

Sở hữu trí tuệ

Khung pháp lý xoay quanh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa thật sự chặt chẽ. Đồng thời, Chính phù cũng cần triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với cộng đồng startup Việt. 

 

Khó khăn vẫn còn đó, và thách thức không ngừng gia tăng theo tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường. Điều này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn của cộng đồng startup để cùng nhau phát triển trong kỷ nguyên ĐMST mở.

Chính vì thế, với mong muốn góp sức, nền tảng kết nối Đổi mới Sáng tạo BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) đang nỗ lực xây dựng báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”. 

Một trong số các nội dung nổi bật trong Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở 2021 là nêu lên thực trạng và các nhu cầu của startup. Các startup có thể tham gia khảo sát tại đường link để hoàn chỉnh bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Nội dung bản khảo sát bao gồm: 

  • Những điểm yếu và thách thức mà các startup Việt Nam đang gặp phải trong quá trình đổi mới sáng tạo
  • Nhu cầu hỗ trợ từ phía Chính phủ và cộng đồng.

Các startup hoàn thành khảo sát được ghi danh ngay trên bản đồ khởi nghiệp Việt trong Báo cáo. Đây là bản đồ dự kiến tiếp cận với hơn 25.000 cá nhân, đơn vị doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ trên 20+ quốc gia, mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước cho các startup.

Để xem nội dung chi tiết, anh/chị vui lòng tải báo cáo phiên bản thứ nhất (v1.0) tại: https://ldp.to/report-soft-launch-03

Báo cáo chính thức phát hành vào tháng 12/2021.