Digital Product #1: Cần “độ chín” về công nghệ và lĩnh vực chức năng để chuyển đổi số thành công
“Doanh nghiệp nên cân nhắc bối cảnh và độ tập trung trước khi tiến hành số hoá. Bối cảnh ở đây là xác định rõ độ trưởng thành về năng lực sử dụng công nghệ của doanh nghiệp (Digital Maturity). Còn độ tập trung nhằm chỉ lĩnh vực chức năng nào (Business Area) doanh nghiệp muốn chú trọng chuyển đổi”.
Đó là chia sẻ của 2 chuyên gia đến từ GEEK Up, chị Lê Hồ Mỹ Duyên – Head of Growth & Strategy, và anh Chris Nguyễn – Head of Product Analysis, trong số đầu tiên của series Digital Product.
Digital Product là series được thực hiện bởi Brands Vietnam và GEEK Up, dưới sự điều phối của anh Hứa Thái Đạt – Founder & CEO của CASK. Đây là chuỗi nội dung đào sâu vào vai trò và cách thức phát triển sản phẩm số, nhằm mang chủ đề Digital Product Development đến gần hơn với những người đọc quan tâm đến Digital Transformation & Business Innovation. Xem phiên bản đầy đủ của series tại Brand Camp.
* Anh Đạt: Đầu tiên, anh/ chị hãy giới thiệu sơ lược về mô hình kinh doanh của GEEK Up?
Chị Duyên: GEEK Up là doanh nghiệp chuyên xây dựng sản phẩm số như app, website, các ứng dụng số… Khái niệm công ty làm sản phẩm số tuy quen thuộc ở nhiều nước có ngành công nghệ phát triển, nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Thông thường, doanh nghiệp làm phần mềm được chia thành 2 nhóm. Một là đơn vị outsource, đảm nhận lập trình dựa trên yêu cầu cụ thể của khách hàng. Đến những năm gần đây, thế hệ lập trình viên trẻ Việt mong muốn tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng sản phẩm số. Bởi họ quan tâm hơn về giá trị mà sản phẩm mang đến cho người dùng và doanh nghiệp. Từ đó, những doanh nghiệp có chuyên môn mới là làm sản phẩm số ra đời. Doanh nghiệp thuộc nhóm này sẽ xây dựng sản phẩm số dựa trên insight của doanh nghiệp, của người dùng, và kết hợp với việc ứng dụng công nghệ phù hợp và tối ưu nhất. Và GEEK Up là doanh nghiệp thuộc nhóm thứ 2 này.
* Anh Đạt: Theo anh/ chị, doanh nghiệp cần cân nhắc những yếu tố nào trước khi thực hiện chuyển đổi số?
Anh Triết: Theo tôi, doanh nghiệp cần cân nhắc 2 yếu tố chính là bối cảnh (Context) và độ tập trung (Focus) trước khi chuyển đổi số hay ứng dụng sản phẩm số trong bất kỳ lĩnh vực nào của doanh nghiệp (Business Area). Về bối cảnh, cụ thể doanh nghiệp cần đánh giá độ trưởng thành về năng lực sử dụng công nghệ (Digital Maturity) của mình. Còn độ tập trung xét đến việc doanh nghiệp muốn chú trọng chuyển đổi số một phòng ban, nghiệp vụ nào đó để có thể giải quyết vấn đề hoặc nắm bắt cơ hội mới.
Chị Duyên: Tôi cho rằng bên cạnh việc xem xét 2 yếu tố trên, doanh nghiệp cũng cần phân tích đối thủ cạnh tranh và bối cảnh thị trường. Công tác phân tích giúp doanh nghiệp xác định được giá trị tạo nên lợi thế cạnh tranh của mình so với đối thủ. Lúc này, doanh nghiệp sẽ dễ xác định đâu là lĩnh vực cần được chuyển đổi số để tạo ra giá trị nói trên.
* Anh Đạt: Anh/ chị có thể chia sẻ thêm về thang đo Digital Maturity không?
Anh Triết: Hiện nay có rất nhiều thang đo giúp doanh nghiệp xác định mức độ Digital Maturity. Nhìn chung, Digital Maturity gắn liền với quá trình Digital Transformation của doanh nghiệp. Theo tôi, quá trình này có thể chia thành 3 giai đoạn chính: Digitalised & Connected, Integrated & Transformed và Reinvented.
Ở giai đoạn Digitalised & Connected, doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh để giúp việc quản lý dễ dàng hơn. Vai trò của sản phẩm số trong giai đoạn 1 là thay thế con người thực hiện những nghiệp vụ đơn giản. Có thể kể đến một ví dụ đơn giản như doanh nghiệp bắt đầu lưu trữ dữ liệu khách hàng, hàng hoá trên hệ thống CRM thay vì lưu trong file Excel, hay sử dụng máy POS thu ngân để không phải tính toán bằng tay. Thế nên, giá trị sản phẩm số mang lại ở giai đoạn này là giúp tăng hiệu suất, tránh những sai sót thường xảy ra khi giải quyết công việc thủ công.
Đến giai đoạn 2 – Integrated & Transformed, các sản phẩm số được kết nối với nhau để thực hiện nhiệm vụ phức tạp hơn, và tạo giá trị gia tăng cho khách hàng lẫn doanh nghiệp. Nói nôm na, trong giai đoạn này, sản phẩm số giúp doanh nghiệp giảm việc hao tốn nhiều nguồn lực so với thực hiện nhiệm vụ một cách thủ công, truyền thống.
Tôi giả dụ một doanh nghiệp bán lẻ muốn triển khai chương trình khuyến mãi. Các công cụ ở giai đoạn 1 như POS, CRM, quản lý Inventory… đang thực hiện những nhiệm vụ riêng lẻ, sẽ được liên kết với nhau và phục vụ cho mục tiêu lên kế hoạch khuyến mãi hiệu quả. Đặc biệt, khi dữ liệu các bên được liên kết chặt chẽ, doanh nghiệp có thể áp dụng các hoạt động cá nhân hoá. Từ đó dự đoán và cung cấp chương trình khuyến thị đúng với nhu cầu của khách hàng. Ngược lại, nếu các công cụ trên không được liên kết với nhau, doanh nghiệp sẽ hao tốn nhiều nguồn lực để có thể triển khai được 1 chương trình khuyến mãi mỗi tháng. Thậm chí, chương trình diễn ra thiếu suôn sẻ vì xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như bộ phận bán hàng không nhớ đủ các chương trình, hay cửa hàng bị thiếu hàng khi đang chạy khuyến mãi…
Sau cùng là giai đoạn Reinvented. Nếu 2 giai đoạn trước thiên về độ phức tạp, cách xử lý của sản phẩm số, thì ở giai đoạn 3, doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị hoặc mô hình kinh doanh mới dựa trên giải pháp số.
Ví dụ về việc “tái tạo” hoạt động kinh doanh của Walmart. Từ lúc gia nhập thị trường e-Commerce vào năm 2009, Walmart đã xác định đối đầu trực tiếp với Amazon. Song, áp lực chuyển đổi số của Walmart tăng cao khi Amazon mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods (tháng 8/2017). Tuy nhiên, Walmart đã có sự chuẩn bị từ trước. Không lâu sau thương vụ giữa Amazon và Whole Foods, Walmart bắt tay Google để thúc đẩy hoạt động mảng e-Commerce của mình. Thậm chí, Walmart còn tiến sâu hơn, hợp tác cùng Adobe bán công nghệ e-Commerce cho các nhà bán lẻ khác. Nhờ đó, Walmart tạo ra chuỗi giá trị dài hơi và “transform” hoạt động kinh doanh của mình. Hiện giờ, ngoài danh xưng nhà bán lẻ, Walmart còn là nhà cung cấp dịch vụ số cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ khác.
* Anh Đạt: Tôi đã hình dung được 3 giai đoạn chính qua chia sẻ của anh Triết. Vậy câu hỏi đặt ra là có phương pháp nào để doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào không?
Anh Triết: Theo tôi, để xác định được, doanh nghiệp cần xem xét vai trò của sản phẩm số trong từng giai đoạn. Có thể hình dung cách xác định giai đoạn đơn giản như sau.
Đầu tiên, nếu sản phẩm số đang giúp công việc của nhân viên diễn ra dễ dàng hơn, nhanh hơn, an toàn hơn thì doanh nghiệp đang ở giai đoạn 1. Khi ấy, sản phẩm số chưa tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Còn trong trường hợp phòng ban không chỉ tiếp cận sản phẩm số ở góc độ nghiệp vụ, mà còn dùng công nghệ để giải quyết một bài toán nào đó, tạo ra giá trị gia tăng cho trải nghiệm khách hàng, quá trình vận hành của doanh nghiệp và việc ra quyết định của cấp quản lý, thì doanh nghiệp đang trong giai đoạn 2. Ở giai đoạn thứ 3, vai trò của sản phẩm số là giúp doanh nghiệp phát triển, thử nghiệm 1 nhánh hoặc mô hình kinh doanh mới để hiện thực hoá tầm nhìn mới.
Chị Duyên: Triết đã chia sẻ đâu là dữ kiện để doanh nghiệp xác định mình ở giai đoạn nào. Tôi muốn bổ sung thêm về nhu cầu ứng dụng sản phẩm số, từ phía nội tại doanh nghiệp và bài toán với đối thủ.
Trước hết, nhu cầu ứng dụng sản phẩm số thường xuất hiện khi doanh nghiệp muốn giải quyết thách thức hoặc nắm bắt cơ hội trong quá trình kinh doanh. Lúc này, việc chuyển đổi số nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán đang gặp phải, củng cố lợi thế trong ngành với hiệu suất vận hành cao. Sau đó, doanh nghiệp có xu hướng quay lại đánh giá vai trò của sản phẩm số trong hoạt động kinh doanh để tiếp tục tối ưu, tạo ra giá trị gia tăng để thực sự khác biệt với đối thủ. Còn khi ở giai đoạn 3, doanh nghiệp xác định tầm nhìn mới, không chỉ muốn cạnh tranh với đối thủ mà muốn trở thành “người thay đổi cuộc chơi” trong ngành hàng. Khi đó, họ có thể lựa chọn tự tìm hiểu để chuyển đổi, hoặc tìm kiếm các công ty tư vấn chuyển đổi số để tiến hành các thử nghiệm về mô hình kinh doanh mới và “lột xác”.
* Anh Đạt: Vậy những lĩnh vực chức năng nào (Business Area) nào mà doanh nghiệp cần phân tích để chuyển đổi số? Vì sao?
Anh Triết: Theo tôi, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xem xét ở cả cấp độ doanh nghiệp và cấp độ vực chức năng. Doanh nghiệp cần biết rõ việc chuyển đổi số nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho hoạt động kinh doanh nào. Chẳng hạn như tăng doanh thu, cải tiến trải nghiệm khách hàng, nâng cấp hệ thống quản lý kho… Vậy các phòng ban hay lĩnh vực chức năng nào cần được số hoá, và mức độ chuyển đổi ra sao để đạt được những giá trị gia tăng kể trên? Tiếp đến là đo lường digital maturity của lĩnh vực cần chuyển đổi rồi đưa ra giải pháp số phù hợp.
Sản phẩm số chỉ phát huy tối đa giá trị của chúng khi doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi quy trình vận hành của mình.
Ví dụ cũng với chương trình khuyến mãi, Marketing hay Inventory team sẽ cần được đầu tư công nghệ nhiều hơn Finance team. Bởi vì trái ngược với Finance team, Marketing và Inventory team cần dùng công nghệ tối ưu hơn để thiết kế chiến lược tạo giá trị gia tăng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh.
Chị Duyên: Thoạt nhìn chuyển đổi số có vẻ là số hoá chỉ ở 1 hoặc 2 phòng ban nhưng thực chất là quá trình chuyển đổi cả một doanh nghiệp. Để xây dựng được một sản phẩm số tốt, tạo ra sức ảnh hưởng (Impactful) như triết lý của GEEK Up, doanh nghiệp cần giúp đơn vị làm sản phẩm hiểu rõ quy trình vận hành, insight của doanh nghiệp, và người sử dụng sản phẩm... Và tôi tin sản phẩm số chỉ phát huy tối đa giá trị của chúng khi doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi quy trình vận hành của mình.
Anh Đạt: Như vậy, việc chuyển đổi số đòi hỏi nhiều thứ, từ chiến lược đến hiểu lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp tạo ra, đến xác định cần thay đổi quy trình vận hành gì, cần mindset, công nghệ gì... Sau đó tiếp tục các hoạt động cần thiết để nhân sự ứng dụng quy trình vận hành công nghệ mới.
Cảm ơn những chia sẻ của chị Duyên và anh Triết. Trong số tiếp theo, tôi và các khách mời sẽ đào sâu vào những lựa chọn nào doanh nghiệp có thể cân nhắc để đạt mục tiêu tăng trưởng trong quá trình chuyển đổi số.
Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.
Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam