10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do

10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do

Trước khi quyết định trở thành người viết tự do, bạn đã đối mặt với những tin đồn nào khiến mình chùn bước? Điều gì mà khi bước chân vào con đường này rồi, bạn mới thấy hoàn toàn không đúng?

Trong bài viết dưới đây, mình sẽ liệt kê 10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn. Qua đó, bạn có thể đưa ra quyết định hợp lý đối với công việc này.

Lầm tưởng 1: Làm việc tự do giúp bạn tăng thu nhập nhưng không đủ để bạn bỏ công việc fulltime

Đây là lầm tưởng của nhiều bạn trước khi bắt đầu theo con đường tự do. Họ quyết định vẫn tiếp tục công việc toàn thời gian và làm tự do ngoài giờ. Dù biết việc duy trì song song hai nghề sẽ vất vả, họ không đủ dũng cảm để từ bỏ một công việc ổn định để chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tự do, vì nghĩ nghề viết không giúp họ có thu nhập tốt.

Tuy nhiên, mình biết những người dành toàn bộ thời gian đầu tư vào sự nghiệp viết lách tự do đều có mức thu nhập rất ổn. Thậm chí số tiền còn nhiều hơn so với khi họ làm tại công ty. Linh Phan là một ví dụ điển hình cho một người viết tự do thành công với nghề khi đã kiếm được 2.539.572.027 VND trong một năm từ tháng 5/2020 - tháng 4/2021 (Con đường trở thành Freelance Writer).

Giải pháp: Trước khi quyết định có nên từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi con đường viết lách tự do toàn thời gian hay không, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:

  • Vì sao bạn chọn nghề viết?
  • Định hướng tương lai cho nghề viết tự do của bạn là gì?
  • Dịch vụ bạn sẽ cung cấp là gì?
  • Khách hàng đến với bạn như thế nào?
  • Thu nhập tối thiểu bạn muốn từ nghề viết tự do mỗi tháng là bao nhiêu?
  • Tương lai, bạn muốn thu nhập từ nghề viết trong một tháng (năm) là bao nhiêu?
  • Làm thế nào để có được thu nhập đó?

Nếu bạn vừa làm fulltime vừa viết lách, bạn phải chấp nhận mỗi ngày bỏ ra 8 tiếng để hoàn thành công việc chính, như vậy thời gian bạn có thể đầu tư cho viết rất ít. Nếu bạn là người biết cách quản lý thời gian, bạn sẽ hoàn thành tốt hai công việc cùng lúc. Nếu không, bạn sẽ dễ dàng bị rơi vào trạng thái “burn out”, mất tập trung, cuối cùng dẫn đến chất lượng hai công việc đều bị sụt giảm. Tóm lại, bạn cần phải biết mình muốn chuyên tâm vào điều gì ngay lúc này, khi đó bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định.

Một lời khuyên dành cho bạn là, trong thời gian đầu, bạn có thể duy trì hai công việc song song để chuẩn bị chu toàn trước khi ra làm tự do toàn thời gian. Sự chuẩn bị đó bao gồm thu nhập, mối quan hệ, kỹ năng – những yếu tố cần thiết để bạn xây dựng sự nghiệp viết tự do.

Nguồn: Envato

Lầm tưởng 2: Kỹ năng viết của bạn nếu ở mức trung bình thì sẽ không ai thuê

Đây cũng là lầm tưởng của mình khi mới bước chân vào nghề. Mình sợ với kinh nghiệm còn non nớt, chắc sẽ không có khách hàng nào muốn thuê mình. Nhưng sau này mình mới nhận ra kỹ năng viết có thể rèn luyện được. Chỉ cần bạn luyện tập chăm chỉ và kiên trì, kỹ năng viết sẽ cải thiện đáng kể.

Giải pháp: Nếu hiện tại bạn lo lắng về kỹ năng viết lách của mình, hãy tham gia một số diễn đàn, hội nhóm về viết lách và đăng bài lên đó. Hiện tại, một trong những nhóm đang hoạt động sôi nổi nhất là Những người viết hàng ngày (Viết đi đừng sợ!).

Bạn không cần phải chờ admin duyệt bài, việc của bạn là viết bài, sau đó sẽ có những người khác góp ý một cách chân thành và văn minh. Đọc một số sách về viết lách như Viết đi đừng sợ, Con đường trở thành Freelance Writer, Người viết kiếm sống... để cải thiện kỹ năng viết. Ngoài ra, bạn nên lên kế hoạch và luyện viết mỗi ngày, 100 từ rồi tăng dần đều. Nếu bạn thực hành đều đặn, chỉ cần sau một tháng, kỹ năng viết của bạn sẽ thay đổi đáng kể. Khi đó, bạn cũng bỏ qua được nỗi sợ không ai muốn thuê bạn.

Ngoài ra, công việc viết cũng được chia thành nhiều cấp độ và nhu cầu. Không phải ai cũng muốn thuê chuyên gia về viết cho họ, đôi khi yêu cầu của họ cũng chỉ là những người viết ở mức trung bình. Chỉ cần bạn không từ bỏ, sớm muộn cũng sẽ tìm được công việc đầu tiên.

Lầm tưởng 3: Làm việc tự do thì nhàn

10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do

Nguồn: Freepik

Điều đầu tiên khi mọi người nghĩ đến làm việc tự do là sự nhàn hạ. Họ cho rằng, làm tự do đồng nghĩa sẽ không còn phải đầu tắt mặt tối như khi làm việc ở văn phòng, cũng không cần phải dậy sớm để đi làm đúng giờ. Nhưng, thực tế có đúng như vậy không?

Theo mình, không hẳn như vậy, đặc biệt vào những ngày đầu bước chân vào con đường này, mình không hề cảm thấy nhàn hạ. Bạn làm nghề viết tự do nghĩa là mọi việc đều đổ dồn lên bạn: tìm kiếm khách hàng, lên hợp đồng, báo giá, chăm sóc khách hàng, viết bài, chỉnh sửa bài, đăng bài... Thậm chí, nếu công việc nhiều hoặc vào mùa chạy dự án, bạn sẽ không có thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần, phải thức khuya dậy sớm để hoàn thành kịp thời hạn.

Ranh giới giữa công việc và cuộc sống rất mong manh, nhất là lúc bạn làm việc tại nhà. Ngoài ra, do đặc điểm của nghề tự do, khối lượng công việc lên xuống theo mùa, nên vào những mùa cao điểm, bạn sẽ bận rộn hơn so với mùa thấp điểm.

Giải pháp: Kỹ năng sắp xếp công việc là một trong những yếu tố quyết định thành công của công việc tự do. Hiện nay, nhiều công cụ hỗ trợ bạn xử lý công việc hiệu quả như Trello, Asana, Google calendar...

Bạn hãy lựa chọn và tận dụng triệt để tính năng của mỗi công cụ, biến nó thành trợ lý ảo cho riêng mình. Ngoài ra, bạn cần thực tế hơn về những gì có thể làm, đừng cố nhận thật nhiều việc để rồi trễ deadline vì không kham nổi. Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong mắt khách hàng.

Kỹ năng sắp xếp công việc là một trong những yếu tố quyết định thành công của công việc tự do.

Bên cạnh đó, nếu bạn nghĩ mình sẽ không hoàn thành kịp thời hạn, hãy thông báo cho khách hàng càng sớm càng tốt, đừng đợi đến gần thời hạn mới nói hoặc chờ khách hàng hỏi mới trả lời. Khi thông báo, bạn đừng kể lể lý do, vì đối với khách hàng, kết quả công việc mới quan trọng, nên mọi lý do bạn kể chỉ mang tính bao biện. Thay vào đó, hãy chủ động đưa ra deadline thứ hai và cố gắng hoàn thành.

Lầm tưởng 4: Thu nhập là mức đo lường sự thành công của cây viết tự do

Thực ra, lầm tưởng này tuỳ vào định nghĩa thành công của mỗi người. Có người cho rằng thu nhập cao nghĩa là họ đang thành công với sự nghiệp mình đã chọn. Có người lại nghĩ thời gian bạn dành cho công việc đó càng ít là bạn đang thành công. Người thì thấy chỉ cần công việc đem lại niềm vui và sống ở mức “đủ”, như vậy đã là thành công. Còn mình cho rằng, bạn vừa dành ít thời gian cho công việc đó vừa có thu nhập tốt chính là thành công. Vì vậy, không phải định nghĩa nào cũng đúng đối với bạn.

Giải pháp: Hãy định nghĩa lại khái niệm thành công của một cây viết tự do đối với bạn là gì. Bạn không nhất thiết phải theo suy nghĩ của người khác, chỉ cần lắng nghe tiếng nói từ bên trong và lên kế hoạch thực hiện điều đó. Thành công đôi khi chỉ đơn giản là bạn hoàn thành xong một cuốn ebook hoặc có được một công việc đầu tiên. Thành công là như thế nào do bạn quyết định.

Lầm tưởng 5: Làm tự do nghĩa là làm cả vào kỳ nghỉ

Một trong những lời “dụ dỗ” hấp dẫn nhất của những người đang làm tự do dành cho các bạn đang “đứng ngoài nhìn vào” là có thể làm việc ở bất cứ đâu, kể cả khi đi chơi cùng với gia đình. Vì bạn không phải đang làm công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và đóng máy lúc 5 giờ chiều. Với một freelance writer, bạn phải chấp nhận thời gian làm việc cũng “bấp bênh” như thu nhập.

Nhưng, hãy chậm lại một chút và nhìn thử xem mục đích của bạn khi làm nghề viết tự do là gì? Đó là sự tự do, tự do trong công việc và tự do nghỉ ngơi đúng không? Vậy tại sao bạn lại mang theo công việc trong kỳ nghỉ để rồi bạn tự tay biến lầm tưởng thành sự thật?

Khi bạn làm tự do, điều này có nghĩa bạn làm chủ cho doanh nghiệp của mình. Bạn có quyền nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mình muốn và khi nghỉ ngơi, bạn được nghỉ ngơi đúng nghĩa chứ không phải là ngồi thư giãn với cái laptop chễm chệ trên đùi.

10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do

Nguồn: Freepik

Giải pháp: Để có thể nghỉ ngơi đúng nghĩa, bạn có thể đặt ra một số quy tắc như ngừng nhận việc vào thời gian không ở nhà, giao bài cho khách hàng trước ngày nghỉ, thông báo với khách bạn không trả lời email vào những ngày bạn đi du lịch và ngày bạn quay trở lại với công việc... Như vậy, bạn sẽ yên tâm nghỉ ngơi và không lo sợ bị quấy rầy.

Lầm tưởng 6: Bạn nên nói “đồng ý” với mọi dự án

Con người thường mắc chứng FOMO, tức là nỗi sợ bị bỏ lỡ. Bạn lo nếu không nhận dự án này, bạn sẽ mất khách hàng. Bạn muốn nhận tất cả dự án vì sợ sẽ không có thu nhập vào mùa thấp điểm. Nhưng thực tế, nếu nhận quá nhiều, bạn sẽ không thể hoàn thành tốt mọi việc và giao bài cho khách hàng đúng thời điểm. Bạn chỉ có mỗi ngày 24 tiếng vừa làm việc vừa nghỉ ngơi. Bạn nhận càng nhiều với số lượng vượt quá khả năng, bạn càng dễ bị “burnt out”.

Giải pháp: Bạn cần xem xét lại mức thu nhập mong muốn vào mỗi tháng, thời gian bạn cần phải hoàn thành cho từng dự án, dự án nào ngắn hạn, dự án nào dài hạn, dự án nào đem lại thu nhập xứng đáng với công sức và thời gian bỏ ra hợp lý, dự án nào giúp bạn tiến xa hơn với nghề viết…? Khi suy xét cẩn thận, bạn sẽ loại bỏ được nỗi sợ phải nói “Đồng ý” với mọi dự án và tập trung vào những việc đem lại giá trị thật sự.

Lầm tưởng 7: Bạn phải có bằng cấp về viết lách thì mới tham gia vào thị trường viết tự do

Gạt bỏ nỗi sợ, tập trung tạo dựng thương hiệu cá nhân, rèn kỹ năng viết lách và xuất bản những bài viết chất lượng.

Khi nói đến lầm tưởng này, chúng ta đang bị ám ảnh quá mức về bằng cấp ở Việt Nam. Không cần biết hiện tại bạn đang làm gì, nhưng để xin vào một công ty A nào đó, bạn phải có ít nhất là bằng trung cấp, cao đẳng hoặc đại học. Mình không nói đến một số ngành đặc thù như bác sĩ, y tá... nhưng đối với một số ngành nghề khác, mình không biết bằng cấp dùng để làm gì, trong khi bạn không hề sử dụng chúng cho công việc hiện tại.

Khi làm nghề viết tự do, bạn cho rằng mình cần phải tốt nghiệp ngành báo chí hoặc ngữ văn thì mới có thể tham gia vào thị trường này. Nhưng đó chỉ là bạn nghĩ, còn thực tế không phải như vậy. Điển hình như mình, người đang viết những dòng chữ này gửi đến bạn. Mình từng tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học và hiện tại, mình đang làm nghề viết tự do. Khi tìm kiếm khách hàng, không có người nào hỏi mình về bằng đại học. Cái họ quan tâm là mình có thể giúp gì cho họ, kỹ năng viết của mình như thế nào, dịch vụ mình đang cung cấp là gì.

Giải pháp: Đầu tiên, bạn cần bỏ nỗi sợ này qua một bên. Sau đó, tập trung vào tạo dựng thương hiệu cá nhân, rèn kỹ năng viết lách và xuất bản những bài viết chất lượng. Khi khách hàng tìm đến bạn, hoặc bạn đi tìm khách hàng, bạn sẽ có cái để chứng minh thực lực của bản thân.

Lầm tưởng 8: Bỏ việc ngay lập tức để theo đuổi nghề viết tự do không có gì sai trái

Bỏ việc ngay lập tức để theo đuổi nghề viết tự do là việc làm không hề đúng đắn nếu bạn chưa chuẩn bị gì cho chặng đường phía trước. Mình đồng ý với bạn, nghề tự do giúp bạn linh động hơn trong công việc, làm được những gì mình thích nhưng bạn đã chuẩn bị tinh thần cho chặng đường dài phía trước chưa? Rất nhiều bạn vì không chuẩn bị kỹ nên đã rơi vào khủng hoảng sau những ngày đầu làm nghề viết tự do.

Giải pháp: Để việc bỏ công việc full-time và chuyển sang nghề viết tự do không còn sai trái, bạn nên xem xét lại tình hình tài chính hiện tại có giúp bạn đứng vững trong ít nhất 3 tháng không có việc hay không? Để yên tâm khi làm nghề viết tự do, bạn cần chuẩn bị về tinh thần, tài chính, mối quan hệ và cả kinh nghiệm. Vì những ngày đầu sẽ rất chông gai, nếu không đủ tự tin, bạn sẽ dễ bỏ cuộc và quay trở lại công việc fulltime.

10 lầm tưởng phổ biến về nghề viết tự do

Nguồn: Freepik

Lầm tưởng 9: Nghề viết tự do chỉ là về viết lách

Chính chữ viết trong cụm từ “nghề viết tự do” dễ khiến nhiều người có lầm tưởng này. Thực tế, để đi được đường dài trong nghề, bạn không chỉ cần kỹ năng viết lách.

Theo Linh Phan, tác giả cuốn sách “Con đường trở thành Freelance Writer”, để trở thành người viết tự do, bạn cần thêm những kỹ năng dưới đây:

  • Kỹ năng giao tiếp tốt, vì bạn sẽ phải làm việc với nhiều khách hàng hoặc nhiều nhóm cùng lúc
  • Khả năng thích nghi khi có thể sử dụng nhiều phong cách, giọng văn khác nhau để tiếp cận nhiều thể loại khác nhau
  • Chủ động giải quyết vấn đề và hoàn thành các công việc theo các kế hoạch đã đề ra
  • Luôn trung thực, hoàn thành đầy đủ trách nhiệm
  • Có khả năng tổ chức và lập kế hoạch tốt
  • Giải quyết vấn đề một cách linh hoạt
  • Biết nên ưu tiên cái gì, không nên ưu tiên cái gì
  • Khả năng quản lý thời gian tốt
  • Khả năng tập trung cao
  • Không ngừng cập nhật, phát triển bản thân

Giải pháp: Bạn đọc các kỹ năng mình đã nêu trên, liệt kê xem mình còn thiếu những gì rồi tìm cách cải thiện hoặc bổ sung dần.

Lầm tưởng 10: Ít có khách hàng tử tế, trả mức nhuận xứng đáng với công sức người viết

Đôi khi, từ bỏ chính là cách giúp bạn đón nhận thêm nhiều cơ hội mới phía trước.

Nếu bạn có lầm tưởng này, chắc hẳn bạn đã tham gia quá nhiều nhóm như chợ viết, chợ content trên group Facebook đúng không? Thực tế hoàn toàn khác với những gì bạn nghĩ. Bạn bỏ công sức bao nhiêu, bạn nhận lại xứng đáng bấy nhiêu. Vẫn có nhiều khách hàng tử tế, trả mức nhuận xứng đáng với công sức người viết, miễn là bạn phù hợp với họ.

Giải pháp: Để có được mức giá xứng đáng với năng lực và công sức, bạn cần biết thời gian hoàn thành một bài viết và số tiền mong muốn nhận được trong khoảng thời gian đó là bao nhiêu. Sau đó, bạn thương lượng với khách hàng.

Nếu khách hàng không chấp nhận với mức giá bạn đưa ra, họ không dành cho bạn. Tốt nhất bạn nên tìm những khách hàng khác, người sẵn sàng chi trả mức xứng đáng hơn. Chắc chắn vẫn có khách hàng cần nội dung và sự hiểu biết của bạn, nên đừng ngần ngại nói lời từ chối trước những lời đề nghị không phù hợp. Đôi khi, từ bỏ chính là cách giúp bạn đón nhận thêm nhiều cơ hội mới phía trước.

Viết tự do là nghề kinh doanh dành cho những ai sẵn sàng học hỏi và không ngừng cải thiện bản thân. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google, bạn sẽ có hàng tá hướng dẫn bước chân vào nghề. Một khi bạn bước chân vào một thị trường mới nào đó, thử thách sẽ đua nhau ập tới.

Vì vậy, dù bạn đang ở đâu, đang làm gì, nếu bạn quyết tâm bước chân vào con đường này, đây chính là lúc kiểm tra sự bản lĩnh của bạn, và chỉ những người biết được mục tiêu của họ là gì mới có thể vượt qua những rào cản đó một cách dễ dàng. Mình đã làm được, mình tin bạn cũng sẽ như thế.

* Nguồn: Vietlachkiemtien