Tenmax: Cập nhật các tính năng, dự án mới của Facebook, Amazon, Google, TikTok
Facebook công bố doanh thu quý III/2021, chuyển tên thành Meta; Facebook, Instagram tung ra các tính năng mới hỗ trợ SMBs; Amazon chính thức ra mắt dịch vụ Data Clean Room; TikTok, Google tung ra thủ thuật xây dựng nội dung số.
Facebook công bố doanh thu quý III/2021, chuyển tên thành Meta
Ngày 25/10 báo cáo doanh thu quý III/2021 đã được công bố, với các con số đáng chú ý sau:
- Lượng người dùng vẫn duy trì tăng trưởng: DAU (Daily Active Users – lượng người dùng tương tác hàng ngày) đạt 1,93 tỷ, MAU (Monthly Active Users – lượng người dùng tương tác hàng tháng) đạt 2,93 tỷ
- Doanh thu quý III tăng 35%, đạt 29 tỉ USD nhưng vẫn thấp hơn so với mức kỳ vọng ban đầu là 29,57 tỷ USD, ảnh hưởng bởi cơ chế ATT (App Tracking Transparency) của Apple
Theo lời chia sẻ của COO Facebook thì cả Facebook và nhà quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục cảm nhận những thay đổi và tác động có liên quan trong vài quý tới. Ngay sau khi doanh thu quý III được công bố thì giá cổ phiếu Facebook đã giảm 4%, tuy nhiên sự sụt giảm doanh thu của Facebook vẫn được xem là khả quan hơn so với Snapchat – doanh thu giảm mạnh, giá cổ phiếu còn sụt giảm đến 22%.
Bên cạnh báo cáo doanh thu, mọi người quan tâm nhất chính là việc Facebook đổi tên. Vào ngày 28/10, Mark Zuckerberg công bố Facebook chính thức đổi tên thành Meta, tập trung nghiên cứu công nghệ thực tế ảo trở thành tầm nhìn phát triển của công ty trong tương lai.
- Cuối tháng 7, Facebook đã thông báo sẽ thành lập biệt đội chuyên nghiên cứu công nghệ siêu vũ trụ Metaverse, tham vọng chuyển mình thành doanh nghiệp Metaverse trong vòng 5 năm.
- Tiếp đến, Facebook đã đề cử ông Andrew Bosworth – người lãnh đạo Reality Lab từ năm 2017, lên đảm nhận vị trí Giám đốc Công nghệ (CTO), thay thế ông Mike Schroepfer sẽ nghỉ hưu vào năm tới.
- Cuối tháng 9, Facebook tiếp tục thông báo sẽ đầu tư 50 triệu USD trong 2 năm, tuyển dụng nhân tài ở khu vực EU trong 5 năm nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh vũ trụ ảo.
“Vũ trụ ảo” như thổi làn gió mới khi những nội dung, dịch vụ trên các nền tảng xã hội đang có xu hướng chững lại. Trong tương lai, chúng ta có thể sống trong thế giới tương tự của phim điện ảnh Ready Player One: đeo thiết bị VR, bạn có thể thoát ly khỏi cuộc sống thực tế, bước vào thế giới ảo và tạo ra một phiên bản mới, tương tác với những người khác trong thế giới ấy. Không ai dám chắc về một tương lai như vậy là điều tốt hay xấu cho sự phát triển của xã hội loài người.
Facebook, Instagram tung ra các tính năng mới hỗ trợ SMBs
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của social commerce, nhất là vào thời điểm cận kề cuối năm, Facebook và Instagram đều tung ra các tính năng mới.
Trước đây, để liên hệ với cửa hàng qua fanpage người dùng chỉ có thể nhắn tin, thì vào ngày 21/10 Facebook thông báo đang thử nghiệm tính năng Video Calls tăng cường hiệu quả giao tiếp giữa chủ cửa hàng và người tiêu dùng. Trước mắt, tính năng này sẽ được triển khai với các SMB đã được chọn, và dần mở rộng quy mô cho tất cả doanh nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, Facebook còn tung ra công cụ Expanded Appointment Bookings (mở rộng tính năng đặt lịch hẹn), đã được phát triển trong vài tháng nay, cho phép doanh nghiệp thiết lập lịch hẹn nhanh chóng, trực tiếp ngay trên fanpage. Quá trình này sẽ đồng bộ với Google Calendar, cũng như một loạt các công cụ booking phổ biến khác, giúp dữ liệu của cửa hàng được tích hợp trong thời gian thực.
Với Instagram, trước đây luôn chú trọng việc dùng điện thoại để đăng bài, nhưng qua một thời gian thử nghiệm thì vào ngày 21/10, Instagram đã chính thức cho phép đăng tải bài viết ngay trên trình duyệt web, điều này cực kỳ thuận tiện cho các nhà tiếp thị thương hiệu. Đến ngày 28/10, Instagram chính thức ra mắt Link stickers (tính năng chia sẻ liên kết dưới dạng sticker trên Stories), đã được thử nghiệm từ hồi tháng 6, được xem là công cụ tuyệt vời đối với các SMBs trong việc quảng bá nội dung, thúc đẩy hành động chuyển đổi của người dùng.
Link stickers hiện đã hoàn toàn thay thế tính năng swipe up (vuốt lên). Swipe up trước đây cho phép người dùng Instagram có thể chèn liên kết của các trang bên ngoài vào Stories, nhưng với điều kiện là tài khoản Instagram đã được xác minh hoặc tài khoản có hơn 10.000 followers, nhưng tính năng này đã bị Instagram vô hiệu hoá vào tháng 8.
Amazon chính thức ra mắt dịch vụ Data Clean Room
Trong tương lai, ngành tiếp thị số sẽ xoay quanh các yếu tố gồm dữ liệu của bên thứ nhất, sự đồng ý của người dùng, quyền bảo vệ riêng tư. Cũng chính vì thế mà vai trò của phòng sạch dữ liệu (Data Clean Room) trong ngành này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thế nào là phòng sạch dữ liệu (Data Clean Room)?
- Là nơi mà các bức tường bảo mật/ hệ sinh thái khép kín (walled gardens) như Google, Facebook, Amazon sẽ chia sẻ dữ liệu tổng hợp với các nhà quảng cáo; mọi hành vi sử dụng, phân tích đều được kiểm soát chặt chẽ trong căn phòng này.
- Sau đó, nhà quảng cáo sẽ đưa dữ liệu của bên thứ nhất (first-party data) đã thu thập được vào căn phòng này để so sánh, đối chiếu với dữ liệu tổng hợp từ các nền tảng khác nhau, nhà quảng cáo có thể đo lường chiến dịch quảng cáo có hoạt động đúng cách hay không, xác định xem có quảng cáo nào đang phân phối quá mức cho cùng một đối tượng hay không.
Vào tháng 8/2019, Amazon tiết lộ rằng họ đang phát triển phòng sạch dữ liệu của riêng mình, tin tức này đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn nhà quảng cáo. Cho đến ngày 26/10 năm nay, Amazon mới chính thức ra mắt dịch vụ với tên gọi Amazon Marketing Cloud (AMC), sẽ bắt đầu từ phiên bản beta.
AMC được xây dựng trên nền tảng đám mây Amazon Web Services (AWS), tương tự như cách Ads Data Hub (ADH) của Google cũng không thể tách rời khỏi Google Cloud Platform. Tuy nhiên, AMC khác biệt so với ADH và Google Cloud ở chỗ là Amazon không yêu cầu marketer phải có tài khoản AWS để sử dụng dữ liệu phòng sạch.
TikTok, Google tung ra thủ thuật xây dựng nội dung số
TikTok không ngừng tung ra các giải pháp tối ưu hoá nội dung, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho nhà quảng cáo:
- Creative Center giúp advertisers tìm được nguồn cảm hứng trong việc lựa chọn các chất liệu quảng cáo, tham khảo các case study tiêu biểu…
- Creator Marketplace hỗ trợ advertisers tìm kiếm những creators chuyên nghiệp, phù hợp với chiến dịch tiếp thị
- Spark Ad cho phép advertisers chủ động tìm kiếm những clip ngắn gốc của creators trên nền tảng TikTok, liên hệ với creators để xin uỷ quyền các clip ngắn ấy, sau đó sử dụng chúng cho mục đích quảng cáo
Vào ngày 25/10, TikTok đã giới thiệu Made for TikTok – dự án về các mẹo và thủ thuật tạo ra các clip ngắn sáng tạo, được chỉ dạy bởi những creator nổi tiếng trên nền tảng này.
Không chỉ TikTok, mà ngay cả Google vào ngày 21/10 cũng giới thiệu Google for Creators – nền tảng tập hợp một loạt kỹ năng sáng tạo, hướng dẫn, các case study tiêu biểu và insights về phát triển nội dung số. Mặc dù nó không cung cấp các kiến thức quá chuyên sâu nhưng cũng đủ giúp cá nhân/ doanh nghiệp nắm được những ý tưởng về xây dựng nội dung một cách hiệu quả, cũng như nên cân nhắc những gì trong hướng tiếp cận của mình.
* Nguồn: TenMax (tổng hợp)