5 hình thái doanh nghiệp nào thường gặp trong quá trình chuyển đổi số?
Sau khi đã hiểu rõ sự khác nhau giữa số hoá và chuyển đổi số ở bài viết trước, vấn đề tiếp theo tôi muốn đặt ra là thời điểm lý tưởng để bắt đầu và những cơ hội mở ra khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Trong bài viết này, ngoài làm rõ thời điểm và lợi ích của quá trình chuyển đổi số, tôi sẽ điểm qua 5 hình thái doanh nghiệp thường gặp trong quá trình chuyển đổi số. Về thời điểm bắt đầu, theo tôi câu trả lời là càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 là cú hích buộc các doanh nghiệp vẫn đang thờ ơ với vấn đề này phải nghiêm túc suy nghĩ và bắt tay triển khai các bước đầu tiên. Trong khi đó, các công ty thức thời với chuyển đổi số, có sự chuẩn bị từ trước là những doanh nghiệp đang thích nghi tốt và tìm thấy cơ hội tăng trưởng ngay trong khủng hoảng.
Mặt khác, khi bàn về chuyển đổi số, chúng ta thường đề cập đến tính chiến lược, dài hạn để thay đổi toàn bộ quy trình vận hành của một tổ chức. Những vấn đề "vĩ mô" như vậy dễ tạo nên một ngộ nhận rằng chuyển đổi số là cuộc chơi cho các doanh nghiệp lớn, với quy mô và tiềm lực tài chính. Nhưng liệu thực sự có phải vậy? Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mới thành lập cũng cần xem công nghệ số là ưu tiên và ứng dụng ngay để tạo nên điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh.
Lợi ích doanh nghiệp nhận được từ chuyển đổi số là gì?
Khi công nghệ phát triển, xu hướng tiêu dùng và hành vi khách hàng sẽ thay đổi với nhu cầu cao hơn. Một lợi ích hiển nhiên khi áp dụng công nghệ và đầu tư chuyển đổi số đó là doanh nghiệp khó bị thay thế trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Tôi xin chia sẻ một vài ví dụ về những cái tên áp dụng hiệu quả chuyển đổi số, tạo nên lợi thế cạnh tranh khó có thể bị thay thế như: Apple với điện thoại cảm ứng; Airbnb thay đổi ngành khách sạn khi ứng dụng công nghệ cho dịch vụ thuê căn hộ trên phạm vi toàn cầu, cạnh tranh với các khách sạn tầm nhỏ và trung; Grab “lấn át” ngành taxi truyền thống và dần mở rộng thành một siêu ứng dụng, cung cấp đầy đủ dịch vụ phục vụ cho các nhu cầu ăn uống, di chuyển và vận chuyển của khách hàng.
Chuyển đổi số đồng thời giúp tạo ra cơ hội tăng năng suất cho các phòng ban chức năng của doanh nghiệp. Đối với các phòng ban như tài chính và nhân sự, việc áp dụng công nghệ số hoá sẽ giúp doanh nghiệp rời bỏ các quy trình thủ công, chuyển sang tự động hoá ở các mảng quan trọng.
Một ví dụ dễ thấy nhất đó là việc tạo bảng lương. Trước đây các doanh nghiệp làm bảng lương và chấm công dựa trên Excel. Sau khi áp dụng công nghệ, bảng lương sẽ không còn cần thiết. Nhân viên đến công ty khi bước vào sẽ có máy chấm công ghi lại thời gian. Dữ liệu đó được chuyển trực tiếp vào máy tính để tính thành bảng lương. Dựa vào đó, bộ phận kế toán và nhân sự có thể thanh toán lương cho người lao động nhanh chóng và chính xác hơn.
Nhờ việc rút gọn quy trình và tự động hoá, bộ phận lãnh đạo và quản lý sẽ có thời gian tập trung vào các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cơ hội bứt phá và phát triển dài hạn cho công ty.
Những lợi ích của chuyển đổi số nhiều vô kể, tôi sẽ tóm gọn lại bằng một đánh giá rất hay của Imaginovation gồm:
- Chuyển đổi trải nghiệm khách hàng
- Thấu hiểu khách hàng dựa trên dữ liệu
- Tạo ra sự cộng tác tốt hơn giữa các phòng ban
- Tạo ra sự đổi mới và cải thiện sự nhanh nhẹn, thích ứng của doanh nghiệp
5 hình thái doanh nghiệp thường gặp trong quá trình chuyển đổi số
Ở phần này, tôi muốn làm rõ 5 hình thái mà doanh nghiệp có thể trải qua trong quá trình chuyển đổi số cùng một số ví dụ để bạn hình dung rõ hơn.
Đầu tiên là nhóm doanh nghiệp “đột phá bằng tư duy mới”. Chúng ta có thể gọi họ là những kẻ thức thời. Đây là những ông lớn đón đầu được xu hướng, sẵn sàng cạnh tranh. Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến là MB Bank với dịch vụ ngân hàng số, Thế Giới Di Động chuyển mình từ doanh nghiệp bán lẻ offline sang online và triển khai hoạt động omni-channel khá tốt. Hay Masan với ba giai đoạn chuyển đổi để giải bài toàn ba chữ A (Availability – Assurance of Quality – Affordable).
Trong đó, Masan đã bắt đầu triển khai ba làn sóng chuyển đổi từ năm 2013. Khía cạnh đầu tiên của quy trình chuyển đổi số là dây chuyền phân phối sản xuất nhằm đảm bảo tính sẵn có (Availability) của sản phẩm. Để đạt được bước chuyển mình này Masan đã mất 3 năm lên kế hoạch cho quy trình chuyển đổi số và 1 năm rưỡi để triển khai cho hệ thống với 2.600 siêu thị và 370.000 cửa hàng trên cả nước.
Đến năm 2015, trọng tâm của quy trình chuyển đổi chuyển sang yếu tố “chất lượng” (Assurance of Quality). Mọi bước trong dây chuyền sản xuất cần được công nghệ hoá để vận hành xuyên suốt, đảm bảm chất lượng sản phẩm đồng nhất.
Cuối cùng, là công ty hàng tiêu dùng, Masan tập trung vào tôn chỉ quan trọng nhất: “giá cả phù hợp” (Affordable). Với sự phát triển của e-Commerce (thương mại điện tử) và bán lẻ, Masan đã quyết định chính thức chuyển từ các cửa hàng vật lý, tiếp cận 26 triệu hộ dân Việt Nam qua chuỗi kinh doanh mới. Đây là một quyết định táo bạo từ phía Masan. Trong đó, đáng kể nhất là thương vụ mua lại Vinmart để thay đổi và bổ sung phương thức phân phối.
Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp “thay đổi do bị phá bĩnh”. Nói cách khác, khi những đối thủ mới với những ứng dụng công nghệ hiện đại xuất hiện, ngành của họ buộc phải triển khai quy trình chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh. Đây là tình huống bị buộc phải chuyển đổi thường gặp nhất.
Đề cập đến nhóm doanh nghiệp này, không thể không nhắc đến Vinasun và Mai Linh. Dù đã nỗ lực số hoá mô hình kinh doanh taxi truyền thống, họ vẫn đang gặp khó khăn với mô hình kinh doanh taxi. Nguyên do bắt nguồn từ sự thay đổi hành vi người dùng cùng sự tác động và dẫn dắt thị trường của Grab và Uber trước đó tại Việt Nam.
Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp “buộc đổi vì mệt mỏi”. Hình thái này dùng để miêu tả những doanh nghiệp dần bị lạc hướng và đang nỗ lực để lấy lại phong độ. Họ chưa bị đe doạ bởi đối thủ mới nhưng do quy mô lớn, cồng kềnh nên cần đến những giải pháp tinh gọn hơn.
Một ví dụ chúng ta có thể phân tích là Savills – công ty bất động sản lớn trên thế giới. Savills có hơn 600 văn phòng sở hữu và liên kết, hơn 39.000 nhân viên tại hơn 70 quốc gia trên khắp Châu Mỹ, Châu ÂU, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi và Trung Đông. Quy mô của họ đã tạo nên khó khăn trong sự đồng nhất khi triển khai quy trình chuyển đổi vận hành. Dù vậy, tập đoàn đã vượt qua điều đó trong hành trình chuyển đổi kéo dài 5 năm.
Nhóm thứ tư là những doanh nghiệp “làm chơi ăn thiệt”. Đây là những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số ở quy mô nhỏ. Sau khi nhận được kết quả khả quan, họ tiếp tục mở rộng quy mô. Hoặc đó có thể là những công ty “vô tình lượm được bí kíp”.
Ví dụ như TNex – ngân hàng số dành cho giới trẻ của SMB Bank (Ngân hàng Hàng Hải) – hiện đã trở thành sản phẩm chủ lực của ngân hàng. Họ bắt đầu công cuộc chuyển đổi số của mình bằng mô hình từ quy mô nhỏ như trong nội bộ đội ngũ, phòng ban. Sau đó, họ cảm thấy chỉ ở trong phạm vi nhỏ là chưa đủ, bản thân doanh nghiệp có thể làm lớn hơn và biến nguồn lực đó thành một sản phẩm kinh doanh hoàn toàn mới.
Đây là những nỗ lực của các ngân hàng truyền thống trong công cuộc chuyển đổi số nhằm mở rộng quy mô và tiếp cận những khách hàng mới, ra mắt những dịch vụ mới với mô hình kinh doanh mới.
Hình thái cuối cùng là nhóm doanh nghiệp “thắng ngay trong ngắn hạn”. Họ là những doanh nghiệp biết mình muốn gì, tận dụng chuyển đổi số để có kết quả nhanh chóng cho các quy trình vận hành, hoạt động kinh doanh.
Một ví dụ cho hình thái này là The Coffee House. Họ đã dùng chuyển đổi số như một năng lực cạnh tranh với những chuỗi cà phê khác – vốn chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm và chưa quan tâm nhiều đến việc gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Có thể nói The Coffee House là doanh nghiệp tiên phong trong việc dùng công nghệ để bán hàng, phân tích nhu cầu và tăng cường trải nghiệm khách hàng nhờ vào ứng dụng được thiết kế riêng cùng chương trình thành viên hấp dẫn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu được lợi ích và vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại “bình thường mới” với những thay đổi nhanh đến khó lường. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích các hướng tiếp cận cơ bản của chuyển đổi số và hai khía cạnh luôn song hành trong quá trình này.