Chuyên gia từ Đại học RMIT: Marketing cần hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ để chống biến đổi khí hậu
Nhân dịp Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Tiến sĩ Vicki Little và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân đến từ Đại học RMIT phân tích vai trò của marketing trong việc chống biến đổi khí hậu và lý do chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến khái niệm “de-marketing”.
Là một nghiên cứu viên định tính và người làm marketing vĩ mô, Tiến sĩ Vicki Little (Giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm chương trình Kết nối doanh nghiệp tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT) đã nghiên cứu về đổi mới theo định hướng bền vững và vai trò của marketing trong biến đổi khí hậu nhiều năm nay.
Bà cho rằng người làm marketing phải chịu một phần trách nhiệm cho lối tư duy dẫn đến tiêu thụ quá mức, sản xuất quá mức, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm.
“Tư duy marketing xoay quanh sự tăng trưởng – tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng doanh số, tăng trưởng nhu cầu. Phần lớn những người làm trong lĩnh vực marketing vẫn đang dạy và thực hành marketing theo cách cũ, với rất ít góc nhìn phản biện về những tổn hại mà marketing gây ra khi đi ngược hoàn toàn với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, Tiến sĩ nhận định.
Giảng viên Đại học RMIT và nhà hoạt động môi trường Nguyễn Hữu Nhân chỉ ra rằng đây là một vấn đề toàn cầu.
“Nhiều người làm marketing ở Việt Nam đang làm việc cho các công ty đa quốc gia đến từ các nước khác, vì vậy những định hướng marketing có thể không do văn phòng Việt Nam quyết định. Ngoài ra, đây là một vấn đề không biên giới vì mức tiêu thụ và phát thải khí nhà kính của một quốc gia ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh”, ông nói.
“Có những điều chúng ta có thể làm ngay tại Việt Nam để giúp giải quyết vấn đề toàn cầu. ‘Tư duy toàn cầu, hành động địa phương’ là một khẩu hiệu rất đỗi quen thuộc nhưng đúng trong trường hợp này".
Marketing hướng tới giảm nhu cầu là hướng đi cho tương lai
Tiến sĩ Little tin rằng “de-marketing” (tạm dịch: marketing hướng tới giảm nhu cầu) là một công cụ giúp con người sống sót trước nguy cơ diệt vong do biến đổi khi hậu.
“De-marketing xoay quanh việc tiếp thị ý tưởng ‘ít hơn là tốt nhất’ – ít tăng trưởng hơn, ít vật chất hơn, ít thịt và sản phẩm sữa hơn, và không sử dụng nhiên liệu hoá thạch”, bà chia sẻ.
Năm 2019, Tiến sĩ Little là đồng tác giả bài báo khoa học đưa ra khái niệm “macro-demarketing” (tạm dịch: marketing vĩ mô hướng tới giảm nhu cầu) và giải thích ý tưởng trên, với tiêu đề “Marketing vĩ mô hướng tới giảm nhu cầu: Chìa khoá khai mở các hệ thống sản xuất và tiêu thụ không bền vững?”. Bà cũng đang soạn thảo một tuyên ngôn mới về “net-zero carbon marketing” (tạm dịch: marketing hướng tới phát thải ròng bằng không) với Tiến sĩ Sabrina Helm đến từ Đại học Arizona, Mỹ.
“Tuyên ngôn của chúng tôi nói rằng: Chúng tôi (những người làm marketing) muốn tạo ra giá trị để chia sẻ với mọi người trên thế giới, mà không dẫn đến phá hủy Trái đất bởi sản xuất và tiêu thụ quá mức, cũng như không phá huỷ cơ cấu xã hội bởi bất bình đẳng và bất công. Chúng tôi tin rằng lối tư duy truyền thống trong lý thuyết về marketing đang cổ xuý cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng gây tổn hại, và trọng tâm này cần thay đổi chuyển sang hợp tác thay vì cạnh tranh, chú trọng vào tổng thể hơn là vào từng phần riêng lẻ, vào cuộc sống no đủ hơn là chủ nghĩa vật chất, và vào hạnh phúc cộng đồng hơn lợi ích của từng cá nhân", bà chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân nhấn mạnh vai trò to lớn của giáo dục trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
“Ở Việt Nam, giáo dục thanh thiếu niên về biến đổi khí hậu cần được quan tâm. Trong công việc hằng ngày, tôi vẫn bắt gặp nhiều bạn trẻ không hiểu điều gì gây biến đổi khí hậu. Hầu hết các bạn trẻ đã nghe nói về vấn đề này nhưng không nhiều bạn biết cách giải thích nó. Do vậy, giáo dục rất quan trọng”, Thạc sĩ Nhân nói.
“Những người làm marketing cho các tổ chức phi chính phủ và khu vực công có thể hỗ trợ bằng cách tiếp thị các thông điệp giáo dục để nâng cao nhận thức và xây dựng hiểu biết của công chúng về vấn đề biến đổi khí hậu. Đối với những người làm marketing trong khu vực tư nhân, đây là một yêu cầu khó thực hiện hơn vì công việc của họ là tiếp thị sản phẩm và bán hàng”, ông cho biết.
Thạc sĩ Nhân gợi ý: “Lý tưởng nhất là họ và doanh nghiệp họ sẽ tìm cách cân bằng giữa doanh số và tác động đến môi trường. Điều này sẽ đòi hỏi họ phải thiết kế lại mô hình kinh doanh từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn”.
Tiến sĩ Little tin tưởng rằng ngành marketing sở hữu bộ công cụ mạnh mẽ và con người có thể dùng bộ công cụ này để giảm tăng trưởng thay vì tăng trưởng.
“Đã đến lúc chúng ta phải tìm cách thay đổi tư duy trong ngành marketing – rời xa mục tiêu tăng trưởng và quay lại cứu nhân loại khỏi chính bản thân chúng ta”, bà nhận định.
Giới thiệu chuyên gia:
Tiến sĩ Vicki Little là giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm chương trình Kết nối doanh nghiệp tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT. Bà có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, marketing cho doanh nghiệp, tư vấn và khởi nghiệp. Bà đã và đang giảng dạy các môn học về chiến lược marketing kinh doanh, marketing kỹ thuật số và quản trị đổi mới bậc đại học và sau đại học tại New Zealand, Malaysia và Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân là giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT. Ông giảng dạy các môn học Marketing, Quản trị và Khởi nghiệp, và đã đồng hành với nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường tại Việt Nam từ năm 2006. Ông hoạt động tích cực trong cộng đồng bảo vệ môi trường/ phát triển bền vững và đã khởi xướng một số sáng kiến, trong đó có Việt Nam Sạch & Xanh và Refill, một sáng kiến mới nhằm giảm rác thải nhựa ở Việt Nam.
* Nguồn: RMIT