Công ty du lịch thì làm inbound marketing như thế nào?
Khi các quảng cáo trả phí ngày càng gây khó chịu và cản trở trải nghiệm của khách hàng thì cũng là lúc doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược marketing, tập trung nhiều hơn đến nhu cầu thật sự của người dùng. Và inbound marketing là giải pháp.
Theo đó, các công ty du lịch hiện nay cũng cần thích nghi với sự thay đổi của hành vi người dùng, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19, từ đó sử dụng các phương pháp marketing phù hợp và tối ưu hơn. Vậy một công ty du lịch làm inbound marketing có phù hợp không và làm như thế nào?
Inbound marketing là gì?
Trước tiên, chúng ta cần làm rõ inbound marketing là gì. Nếu outbound marketing tập trung nhiều vào các quảng cáo trực tiếp về sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng thì inbound marketing hướng đến giải pháp cung cấp nội dung hữu ích, có thể giải quyết được vấn đề của người dùng. Với inbound marketing, doanh nghiệp cần cung cấp trải nghiệm có giá trị đối với người dùng.
Còn inbound marketing ngành du lịch thì sẽ như thế nào? Lúc này, công ty du lịch sẽ cung cấp kiến thức (có thể dưới dạng văn bản, hình ảnh, video clip…) về du lịch như các địa điểm du lịch đẹp, cách đặt vé máy bay khi đi du lịch, hướng dẫn chọn tour du lịch… Nội dung được chia sẻ cần phù hợp với vấn đề và nhu cầu của người dùng hiện nay, chứ không đơn thuần là chỉ tập trung vào việc quảng cáo dịch vụ.
Tại sao công ty du lịch cần làm inbound marketing?
Vậy, lý do nào khiến các công ty du lịch làm inbound marketing? Theo các chuyên gia marketing, triển khai mô hình inbound marketing mang đến cho công ty du lịch 4 lợi ích chính:
Không mất điểm trong mắt khách hàng
Theo khảo sát người dùng, hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu khi quảng cáo làm gián đoạn việc họ đang làm. Có thể thấy, quảng cáo trả phí hiện nay đang ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của người dùng và khiến họ có ác cảm với thương hiệu. Cho dù các công ty du lịch có cố gắng làm quảng cáo thật hấp dẫn về các địa điểm du lịch, về khách sạn 5 sao hay các trải nghiệm tuyệt vời khi đi du lịch mà không tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu thì cũng không thể làm hài lòng người dùng.
Ngược lại, inbound marketing không sử dụng quảng cáo quá đà mà chỉ cung cấp nội dung hữu ích cho người dùng. Điều này giúp doanh nghiệp không “làm phiền” người dùng và khiến họ không ác cảm với thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tiếp cận đúng nhóm đối tượng thật sự có nhu cầu.
Sử dụng chi phí marketing hiệu quả
Khi công ty du lịch làm inbound marketing, sẽ giúp giảm thiểu chi phí đáng kể cho các hoạt động truyền thông. Đặc biệt, trong bối cảnh khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát như hiện nay, công ty du lịch cần giảm thiểu tối đa kinh phí hoạt động thì inbound marketing lại càng trở nên phù hợp hơn bao giờ hết.
Khi dịch bệnh diễn biến, người dân phải chịu giãn cách xã hội, các địa điểm du lịch cũng không được phép mở cửa cho du khách. Lúc này, công ty du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm. Nếu lúc này vẫn chọn hình thức chạy quảng cáo (Google Ads, Facebook Ads), công ty sẽ mất một khoảng phí lớn nhưng không thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi. Tuy nhiên, nếu không chạy Ads, doanh nghiệp có thể sẽ bị lãng quên. Đặc biệt, với các công ty du lịch ít tên tuổi thì việc “biến mất” một thời gian có thể khiến du khách không còn bất kỳ ấn tượng nào với các công ty này.
Đây chính là lúc cần làm inbound marketing. Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội và bị hạn chế du lịch, du khách sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm các thông tin về du lịch, lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Vì thế, các công ty du lịch có thể tập trung chia sẻ những nội dung hữu ích để tiếp cận người dùng, tạo ấn tượng với du khách mà không phải mất quá nhiều kinh phí như khi chạy quảng cáo trên các nền tảng như Google, Facebook, Instagram…
Tiếp cận đúng nhóm khách hàng có nhu cầu
Khi tiếp cận khách hàng bằng quảng cáo trả phí, công ty du lịch có thể thiết lập đối tượng nhận quảng cáo theo nhân khẩu học. Việc này có thể sẽ tiếp cận trúng nhóm khách hàng có nhu cầu và cả khách hàng không có nhu cầu. Dẫn đến chi phí chuyển đổi khách hàng mới thường cao. Và bỏ ra một khoảng chi phí lớn để chạy quảng cáo đến những khách hàng không có nhu cầu thật sự là một sự lãng phí.
Với inbound marketing, công ty sẽ tiếp cận được nhóm khách hàng có nhu cầu. Khi họ muốn đi du lịch, họ sẽ bắt đầu lên kế hoạch và tìm kiếm các thông tin liên quan đến chuyến đi của mình. Vì thế, lượt người truy cập vào website hoặc các trang thông tin du lịch chắc chắn là những người có nhu cầu thực sự. Các công ty du lịch có thể dễ dàng thu thập được dữ liệu quan trọng về nhóm khách hàng mục tiêu của mình.
Triển khai inbound marketing cho công ty du lịch như thế nào?
Các giai đoạn của một chiến dịch Inbound marketing cho công ty du lịch
Với mô hình inbound marketing, các công ty du lịch phải trải qua 3 giai đoạn chính: thu hút (Attract); kết nối, nuôi dưỡng (Engage); tạo trải nghiệm vượt kỳ vọng (Delight).
Giai đoạn 1: Thu hút
Cụ thể, ở giai đoạn đầu tiên – thu hút, các công ty du lịch cần tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua việc tạo ra nội dung hữu ích và chia sẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như social media hay SEO.
Để thu hút khách hàng mới, trước khi xây dựng nội dung, công ty cần thật sự hiểu được nhóm khách hàng tiềm năng của mình đang cần gì. Họ đang cần được tìm cảm hứng cho những chuyến đi hay đang quan tâm đến cách lựa chọn các tour du lịch giá rẻ?
Để có thể tiếp cận khách hàng đúng hướng, công ty du lịch có thể bắt đầu bằng việc nghiên cứu từ khoá, tham gia các nhóm chia sẻ thông tin du lịch… Ví dụ, trong mùa COVID-19, trên các hội nhóm du lịch thường có các dạng câu hỏi như đi du lịch ở đâu thì an toàn, các phương pháp để bảo vệ sức khoẻ khi đi du lịch, hiện nay đi du lịch có cần giấy chứng nhận sức khoẻ hay không…
Hãy nhớ, với inbound marketing, việc thấu hiểu khách hàng vô cùng quan trọng. Càng chia sẻ nội dung phù hợp, bạn càng có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Giai đoạn 2: Kết nối, nuôi dưỡng
Ở giai đoạn kết nối và nuôi dưỡng, công ty bắt đầu “tăng tốc”, tương tác với khách hàng, nuôi dưỡng nhóm khách hàng tiềm năng đã tiếp cận được ở giai đoạn trước.
Lúc này, các công ty du lịch có thể kêu gọi khách hàng đăng ký nhận bảng tin hoặc đặt lịch hẹn để được tư vấn về các địa điểm du lịch. Trong thời điểm mọi người chưa thật sự ra ngoài nhiều như trước, công ty du lịch có thể tạo các buổi tư vấn online, người dùng chỉ cần để lại các thông tin cơ bản như họ tên, email, số điện thoại, vấn đề họ cần tư vấn…
Ngoài ra, việc giảm giá cho các chuyến đi sắp đến hoặc tặng combo ưu đãi khi khách hàng để lại thông tin cũng là một cách tiếp cận khách hàng mà công ty du lịch nên cân nhắc.
Giai đoạn 3: Tạo trải nghiệm vượt kỳ vọng
Và giai đoạn cuối cùng của chuỗi inbound marketing, công ty du lịch có thể chốt sale và thực hiện các vấn đề liên quan đến chăm sóc khách hàng để họ không chỉ được trải nghiệm dịch vụ một cách tốt nhất mà còn lựa chọn công ty ở những lần tiếp theo.
Các hoạt động cần có khi triển khai inbound marketing cho công ty du lịch
Xây dựng Buyer Persona (chân dung khách hàng lý tưởng)
Hiểu rõ khách hàng là điều cơ bản nhất để có thể triển khai các chiến lược inbound marketing một cách hoàn hảo. Khi có chân dung khách hàng, tất cả chiến lược marketing của doanh nghiệp có thể triển khai dựa trên chân dung này để mang về kết quả tốt nhất.
Vậy, các công ty du lịch phải làm sao để xây dựng được buyer persona cho riêng mình? Có nhiều phương pháp để có thể thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, như thông qua các cuộc khảo sát, phỏng vấn hay behavior flow trên website, diễn đàn du lịch.
Khi vẽ chân dung khách hàng, cần tập trung các yếu tố: ai, cái gì, cái nào, như thế nào, tại sao, ở đâu, và khi nào để nhấn mạnh các hành vi mua hàng của khách hàng.
Sử dụng SEO để tăng mức độ tương tác
Một trong những công cụ hiệu quả nhất khi làm inbound marketing cho công ty du lịch chính là SEO. Theo các thống kê về du lịch, 82% du khách tự đặt vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ khác trên website. Có thể thấy, Google vẫn có tác động rất lớn đến hành vi mua hàng của người dùng.
Vì thế, các công ty du lịch có thể chia sẻ các nội dung hấp dẫn về du lịch và sau đó tối ưu bài viết theo chuẩn SEO, xuất hiện ở trang đầu tiên của các công cụ tìm kiếm, điển hình nhất là Google. Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo, vừa tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Không bỏ qua các nền tảng xã hội
Tính đến giữa năm 2020, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội Facebook, chiếm hơn 70% toàn bộ dân số. Có thể thấy, mạng xã hội là một mảnh đất màu mỡ để các công ty du lịch có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Vì thế, bạn có thể xây dựng nội dung hữu ích trên các nền tảng này để thu hút lượng khách hàng của mình.
Sử dụng email marketing
Theo các thống kê, email marketing là một trong những giải pháp mang đến tỷ lệ chuyển đổi cực cao khi các doanh nghiệp thực hiện inbound marketing. Vì thế, sau khi xây dựng được nền tảng nội dung hấp dẫn và có giá trị, các công ty chuyên về lĩnh vực du lịch và lữ hành có thể gửi nội dung này đến người dùng thông qua email.
Các email marketing có thể được gửi theo tuần, hoặc theo tháng, theo mùa du lịch, tuỳ theo khối lượng nội dung của doanh nghiệp.
Các chỉ số cần đo lường khi làm inbound marketing ngành du lịch
Bất kỳ một chiến lược nào cũng cần đặt ra mục tiêu cụ thể. Và để xác định một công ty du lịch có thành công trên các chiến dịch inbound marketing của mình hay không, có thể dựa trên các chỉ số như:
- Lưu lượng truy cập trang web (Website traffic)
- Tỷ lệ click tự nhiên (Organic click-through rate)
- Tỷ lệ chuyển đổi (Conversions)
- Đăng ký email (Email sign-ups)
- Nguồn và chất lượng nhóm khách hàng tiềm năng (Source of leads & Lead quality)
- Lợi tức đầu tư (Return on Investment – ROI)
- Chi phí sở hữu khách hàng (Customer Acquisition Cost – CAC)
- Thị phần thương hiệu (Brand market share)
- Tỷ lệ duy trì khách hàng (Customer retention)
Tugo – công ty ngành du lịch Việt Nam thành công với các chiến lược inbound marketing
Được thành lập từ năm 2015, đến nay Tugo đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức tour du lịch hướng đến thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Pháp, Mỹ. Đơn vị này đã tham gia vào các tổ chức du lịch trong và ngoài nước như Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ (ASTA), Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA).
Không dừng lại ở đó, Tugo vẫn muốn phát triển lớn mạnh hơn và đã thực hiện chiến dịch inbound marketing. Tugo đã tìm đến ERA Content Marketing để tìm kiếm giải pháp inbound marketing toàn diện cho doanh nghiệp. ERA Content Marketing đã tiến hành phân tích hành vi khách hàng của Tugo, kết hợp song song giữa content chất lượng và SEO, cùng phòng marketing nội bộ đẩy mạnh nội dung theo mùa du lịch. Kết quả đạt được, ERA Content Marketing đã đẩy thành công trên 300 từ khoá top 10 về tour du lịch Tugo đang cung cấp.
Nên thuê ngoài hay tự thực thi inbound marketing cho công ty du lịch?
Các ưu điểm nổi trội của inbound marketing đã cho thấy, công ty du lịch cần nghiêm túc đầu tư vào mô hình marketing này để có thể tối ưu hoá chi phí và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Tuy nhiên, một câu hỏi được khá nhiều công ty du lịch đặt ra lúc này chính là nên để đội ngũ inhouse làm marketing hay thuê agency phụ trách?
Thông thường, đội ngũ inhouse không chỉ tập trung một vấn đề duy nhất mà phải thực hiện nhiều công việc cùng lúc nên sẽ rất khó để tập trung triển khai inbound marketing. Hơn nữa, team agency thường thực hiện nhiều dự án cùng một lúc nên có thể cập nhật nhanh các xu hướng marketing cũng như có nhiều kinh nghiệm thực chiến hơn so với team inhouse.
Tuy nhiên, đội ngũ marketing inhouse chính là những người hiểu về doanh nghiệp rõ nhất, nắm được USP của dịch vụ mà công ty cung cấp, chỉ tập trung cho các dự án của công ty. Vì thế, để có thể triển khai chiến lược inbound marketing ngành du lịch hiệu quả nhất, nên kết hợp giữa đơn vị agency và đội ngũ inhouse.
Với tiêu chí “không đeo bám khách hàng mà tặng cho họ những nội dung hay ho, bổ ích”, ERA Content Marketing đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực content marketing với hơn 1.000 dự án lớn nhỏ khác nhau. Chọn ERA Content Marketing để thực hiện chiến dịch inbound marketing, các công ty du lịch sẽ có thể tạo được điểm nhấn khác biệt, khẳng định cá tính riêng của thương hiệu, lan toả câu chuyện thương hiệu và điểm mạnh sản phẩm.
Đến với ERA Content Marketing, doanh nghiệp sẽ có những buổi trò chuyện để tìm ra vấn đề đang gặp phải, cùng nhìn về bức tranh toàn cảnh để đặt mục tiêu, sau đó tư vấn giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, ERA Content Marketing còn cung cấp dịch vụ thực thi chiến lược inbound marketing, đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi bắt đầu cho đến cuối chiến lược. Một số lợi ích khi đồng hành cùng ERA Content Marketing:
- Đặt lợi ích khách hàng làm trung tâm
- Nội dung sáng tạo, chuyên sâu theo từng lĩnh vực
- Nghiên cứu nội dung cạnh tranh
- Hướng đến chiến lược tổng thể và dài hạn
- Thiết kế hình ảnh minh hoạ chuyên nghiệp
- Tối ưu hoá nội dung để tăng tỷ lệ nhấp
- Hỗ trợ đăng bài
- Hỗ trợ tối ưu SEO theo bảng tiêu chuẩn mới nhất
Tác động của COVID-19 ắt hẳn đã làm công ty du lịch cân nhắc nhiều hơn trong các chi phí cho hoạt động marketing. Vì thế, hãy bắt đầu một chiến lược inbound marketing tiếp cận đúng đối tượng – đúng thời điểm – đúng nhu cầu ngay hôm nay để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.
* Nguồn: ERA Content Marketing