Đừng nhầm lẫn số hoá với chuyển đổi số
Như các bạn đã biết, chúng ta đang ở thời đại 4.0 – kỷ nguyên số – với những cải tiến công nghệ được tạo ra mỗi ngày. Do vậy, cụm từ chuyển đổi số (digital transformation) xuất hiện với tần suất ngày một dày trên các phương tiện truyền thông.
Tưởng chừng là một thuật ngữ quen thuộc nhưng liệu doanh nghiệp bạn đã thực sự bước vào tiến trình chuyển đổi số hay vẫn chỉ đang dừng lại ở giai đoạn số hoá? Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu với các bạn những thông tin cơ bản cùng một vài ví dụ về tiến trình chuyển đổi số nhằm giúp phân biệt rõ các khái niệm liên quan đến chủ đề này.
Trước hết, tôi muốn bàn về bối cảnh của tiến trình chuyển đổi số tại thị trường Việt Nam, từ cả hai phía: Chính phủ và doanh nghiệp.
Từ phía Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 được giới chuyên gia nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương. Ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chính phủ Việt Nam hiện đã sẵn sàng áp dụng những công nghệ mới như công nghệ fintech (tài chính điện tử), taxi công nghệ. Đặc biệt, chúng ta đang tiến tới chính sách Sandbox. Từ đó cho thấy Việt Nam đã cởi mở hơn với công nghệ và số hoá.
Với doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy rõ các nỗ lực trong việc số hoá và tiến dần đến chuyển đổi số qua đợt bùng phát dịch gần đây. Dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, từ mua sắm đến sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí… Các công ty đã nhanh chóng nắm bắt được sự thay đổi này và bắt đầu tập trung phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ phục vụ khách hàng.
Bên cạnh việc tự phát triển các sản phẩm công nghệ phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cũng hợp tác với các hãng công nghệ lớn để số hoá hoạt động quản trị và nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng di động. Hãng xe Mai Linh cũng đang trong quá trình đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn để số hoá, mở ra nhiều dịch vụ và tính năng mới, hoàn thành quy trình trải nghiệm của người dùng, từ lúc đặt xe cho đến khi kết thúc chuyến đi và thanh toán. Một ví dụ khác trong ngành vận tải là Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang hợp tác với ví điện tử MoMo để phân phối vé trực tuyến cho hãng xe này. Đây được xem là bước đi chiến lược để Phương Trang có thể tận dụng nền tảng công nghệ hiện đại và tiếp cận được lượng người dùng lên đến 23 triệu người của MoMo.
Chuyển đổi số khác số hoá như thế nào?
Vì sao phần lớn mọi người hay nhầm lẫn giữa số hoá với chuyển đổi số? Theo quan sát của tôi, nguyên nhân đến từ việc chúng ta chưa phân biệt và hiểu rõ các khái niệm liên quan đến Digital Transformation.
Để phân biệt rõ hơn, tôi sẽ ví dụ về câu chuyện gọi taxi. Trước đây, chúng ta đã quen với hình thức taxi truyền thống. Khách hàng cần taxi có thể đặt xe qua tổng đài hoặc vẫy bắt xe trên đường. Sau đó đến giai đoạn số hoá, chúng ta có thể quẹt thẻ taxi thay vì trả tiền mặt cho mỗi chuyến xe. Khi công nghệ phát triển hơn và tiến vào giai đoạn công nghệ số hoá, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng của mình. Và giai đoạn chuyển đổi số bắt đầu với dịch vụ taxi công nghệ. Người dùng chỉ cần sử dụng một ứng dụng để đặt xe và nắm rõ thông tin hành trình của mình từ giá cước, thông tin tài xế, thông tin lộ trình đến thanh toán trực tiếp qua ứng dụng.
Từ ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, trong chuyển đổi số có 3 khái niệm gồm: Số hoá (Digitization), Công nghệ số hoá (Digitalization) và Chuyển đổi số (Digital Transformation). Trong đó:
- Số hoá (Digitization): Là hoạt động đưa những thông tin dạng bản cứng thành dữ liệu số. Ví dụ: máy scan tài liệu trên giấy thành file PDF lưu trữ trên máy, chuyển từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử.
- Công nghệ số hoá (Digitalization): Là quy trình giúp doanh nghiệp sử dụng thông tin đã được số hoá một cách hiệu quả hơn. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn này.
- Chuyển đổi số (Digital Transformation): Đây là bước nối tiếp cho 2 khái niệm tôi kể trên. Digital Transformation thay đổi cách chúng ta phát triển doanh nghiệp của mình, tác động trực tiếp đến quy trình vận hành nội bộ, trải nghiệm khách hàng hay tiếp cận khách hàng mới.
Để có cái nhìn đa chiều hơn, chúng ta hãy cùng xem các định nghĩa của các công ty lớn về chuyển đổi số.
Đầu tiên là định nghĩa từ Deloitte. Theo họ, chuyển đổi số là sự chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện của một tổ chức, từ chiến lược đến vận hành, từ lãnh đạo đến văn hoá toàn doanh nghiệp, được hậu thuẫn bởi các công nghệ tiên tiến. Định nghĩa theo cách đơn giản, chuyển đổi số là cách mà chúng ta chuẩn bị để doanh nghiệp thích nghi với các thách thức trong tương lai.
Còn với McKinsey, chuyển đổi số là nỗ lực để giúp các mô hình kinh doanh tồn tại bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại. Công ty Gartner lại cho rằng chuyển đổi số có thể bao gồm nhiều vấn đề, từ hiện đại hoá công nghệ thông tin (ví dụ như điện toán đám mây) đến tối ưu hoá công nghệ số, các phát minh của nhiều mô hình kinh doanh số mới. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức đại chúng để đề cập đến các nỗ lực khá khiêm tốn như đưa dịch vụ lên online hay hiện đại hoá các vấn đề tồn tại trong thời gian dài.
Sử dụng công nghệ chỉ là một bước trong cả quá trình và chuyển đổi số cần phải đi liền với mục đích kinh doanh.
Với một nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số như Salesforce, chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để tạo mới, hay điều chỉnh các quy trình doanh nghiệp, văn hoá, và trải nghiệm khách hàng để theo kịp sự thay đổi của thị trường và doanh nghiệp đó. Sự “tái tưởng tượng” lại doanh nghiệp trong kỷ nguyên số chính là chuyển đổi số.
Vậy, điểm giống và khác nhau của 4 định nghĩa này là gì? Điểm giống nhau ở đây là sự chuyển đổi doanh nghiệp kết hợp giữa việc sử dụng công nghệ và mục đích giúp doanh nghiệp thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và thị trường. Nhưng quy mô và phạm vi của chuyển đổi có sự khác nhau tuỳ theo phương pháp luận và đặc thù của từng nhà tư vấn.
Các bạn có thể tham khảo nhiều định nghĩa khác nhau nhưng cốt lõi chúng ta cần hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện sử dụng công nghệ. Việc sử dụng công nghệ chỉ là một bước trong cả quá trình và chuyển đổi số cần phải đi liền với mục đích kinh doanh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bối cảnh và các giai đoạn của quá trình chuyển đổi số. Qua bài viết, tôi hy vọng các bạn có thể dễ dàng phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm liên quan đến chuyển đổi số. Vậy khi nào thì chúng ta nên bắt đầu và lợi ích doanh nghiệp đạt được khi thực hiện quá trình này là gì? Những hình thái mà doanh nghiệp có thể trải qua trong quá trình chuyển đổi số? Những điều trên sẽ được tôi chia sẻ trong bài viết tiếp theo về chủ đề thú vị này.