Thương mại điện tử và tầm ảnh hưởng của chúng trong phát triển thương hiệu

Khi thời đại gen Z bắt đầu phát triển, Internet dần chiếm sóng nhiều hơn trên thị trường, con người thích nghi với cuộc sống công nghệ, cũng là lúc ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến cũng trở nên mong manh hơn. Điều rõ ràng nhận thấy trong cuộc sống thường nhật là chúng ta không còn dành nhiều thời gian tới cửa hiệu nữa, mà thay vào đó là nhu cầu mua sắm online nhiều hơn. 

Chính vì thế thương mại điện tử ra đời và đưa doanh nghiệp lên một bước tiến để thích nghi với xu thế này. Vậy, thương mại điện tử thật chất được định nghĩa như thế nào? Thương mại điện tử đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và khách hàng? Và sự thay đổi thương mại điện tử trong chiến lược thương hiệu có đáng được lưu tâm hay không? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây của Vũ.

Thương mại điện tử được định nghĩa như thế nào?

Có rất nhiều định nghĩa về thương mại điện tử , nhưng một cách dễ hiểu nhất, thương mại điện tử là quá trình mua bán sản phẩm trên Internet, mạng trực tuyến hoặc một ứng dụng trung gian trên thiết bị điện tử. 

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở thời đại 4.0, thương mại điện tử ngày càng phát triển và được ứng dụng nhiều hơn trong gia đình, cuộc sống thường nhật vì sự tiện dụng của hoạt động này. 

Một số ví dụ dưới đây có thể giúp bạn dễ hình dung hơn về thương mại điện tử: dịch vụ Digital Banking của ngân hàng, ứng dụng mua bán trực tuyến (như Tiki, Shopee, Amazon…), ví điện tử (Momo, Airpay…), mua bán sản phẩm trên website của doanh nghiệp. 

Lợi ích của thương mại điện tử

Thương mại điện tử được ra đời theo xu thế mới của thời đại gen Z hiện nay khi mọi thứ đều được tối ưu hoá thông qua trực tuyến (Internet). Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống, mà trong hoạt động thương mại, thương mại điện tử đã giải quyết vô số vấn đề giúp quá trình diễn ra trôi chảy, nhanh gọn hơn. Chính vì lý do đó, rất nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển hướng sang thương mại điện tử cho chiến lược thương hiệu để đạt hiệu suất cao hơn trong kinh doanh. 

1. Tiết kiệm thời gian

Nếu trước đây, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào giờ làm việc thì bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi – 24/7. Chỉ cần một thao tác nhỏ vài giây, bạn đã có thể mua sắm món đồ ngay lập tức, đáp ứng nhu cầu cần thiết của mình.

Thương mại điện tử

Khi mọi quy trình mua bán chuyển hướng sang thương mại điện tử, doanh nghiệp thoải mái hơn khi tiếp cận khách hàng và thể hiện được sự chu đáo trong quá trình chăm sóc khách hàng. Từ đó, gia tăng thiện cảm, mức độ tin tưởng và số lượng khách hàng trung thành cho thương hiệu.

2. Tiết kiệm chi phí

Nếu ngày trước, trước khi bắt đầu vào kinh doanh, bạn phải tốn rất nhiều chi phí để thuê văn phòng, tìm kiếm vị trí thuận lợi cho doanh nghiệp của mình. Thì ở thời đại của thương mại điện tử , đó không còn là mối bận tâm nữa. Bạn hoàn toàn khởi nghiệp trên hình thức online, tương tác với khách hàng và giao dịch thông qua các trang mạng xã hội. Chi phí lúc này chỉ còn sử dụng vào quảng cáo, củng cố chất lượng sản phẩm và đầu tư hình ảnh, nội dung thu hút hơn. 

Tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn đủ sức để hoạch định chiến lược thương hiệu tiếp cận thị trường và mở rộng doanh nghiệp trong tương lai.

3. Gia tăng khả năng mua sắm

Từ những lợi thế trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy thương mại điện tử hỗ trợ, giúp khách hàng thoải mái hơn trong quá trình thực hiện mua sắm của mình. Và đó cũng là chất xúc tác khiến họ nhanh chóng đưa ra quyết định chi trả, rút ngắn thời gian do dự và giảm thiểu khả năng hủy bỏ giao dịch hơn. 

Chúng ta dễ dàng thấy được rằng thương mại điện tử đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp và khách hàng trong hành vi mua sắm: từ việc mở rộng thời gian, tự động hóa quy trình, cho đến hình thức thanh toán tiện lợi. Từ đó, rút ra được kết luận thương mại điện tử đang gián tiếp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng, đem lại lợi thế về mặt doanh số và cải thiện hoạt động thương mại lâu dài. 

4. Đa dạng hóa hình thức thanh toán

Thương mại điện tử

Không còn bó hẹp với chi trả chỉ bằng tiền mặt, thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp lẫn khách hàng tự do hơn trong việc thanh toán. Ví dụ như thông qua một ví điện tử, ứng dụng trực tuyến của ngân hàng (Mobile Banking, Internet Banking) hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại điện tử (COD) … . 

5. Tính ứng dụng cao cho mọi ngành nghề

Không chỉ dòng sản phẩm cao cấp mà ngay cả các vật dụng thông thường cũng dần được chuyển hướng từ ngoại tuyến lên trực tuyến, mở rộng phạm vi tiếp cận của đối tượng khách hàng và đa dạng dòng sản phẩm, dịch vụ khác nhau. 

Có thể nói, thương mại điện tử tạo sự cân bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường cạnh tranh . Quy mô thế nào, nhân lực bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn thể hiện được lợi thế thương hiệu của mình như thế nào đến với khách hàng. Chiến lược thương hiệu từ đó cũng bắt đầu tập trung vào thị trường thương mại điện tử nhiều hơn, đáp ứng xu hướng mới và đáp ứng nhu cầu thường nhật của khách hàng.

Thương mại điện tử xuất hiện dưới các hình thức nào? 

Có 4 mô hình của thương mại điện tử chúng ta thường thấy nhất, đó là:

  • Doanh nghiệp đến khách hàng (B2C)
  • Doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B)
  • Khách hàng với khách hàng (C2C)
  • Khách hàng với doanh nghiệp (C2B)

Thương mại điện tử

1. Doanh nghiệp đến khách hàng (B2C)

Đây là mô hình được sử dụng nhiều nhất và chúng ta cũng bắt gặp nhiều nhất. Khi bạn đóng vai trò là khách hàng, mua sắm vật dụng với mục đích cá nhân, không bán lại thông qua vai trò trung gian thì đó là mô hình B2C. 

Ví dụ như bạn mua điện thoại trên website của Thế giới di động. Chỉ cần hoạt động này diễn ra trên Internet, nó sẽ được xem là hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp và khách hàng. 

Với mô hình B2C, doanh nghiệp dễ dàng hoạch định chiến lược thương hiệu: không cần mất quá nhiều chi phí vào văn phòng, nhân lực. Chỉ cần một thiết bị nào đó kết nối Internet, mọi quá trình mua bán vẫn được đảm bảo. 

2. Doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B)

Trong mô hình này, một doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp vật liệu, doanh nghiệp còn lại sẽ là người bán sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng.

Ví dụ, doanh nghiệp A cung cấp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp B là đơn vị thi công nhà ở. Có thể thấy, một căn nhà hoàn thiện không hoàn toàn là sản phẩm do chỉ mình doanh nghiệp B tạo nên, mà là tổng hợp của rất nhiều giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau. Đó gọi là B2B.

Thông thường, doanh nghiệp B2B không gặp khó khăn quá nhiều trong việc thuyết phục khách hàng vì hầu hết, họ hiểu được công việc, mô hình kinh doanh và lợi ích của nhau. Vì thế, doanh nghiệp có khả năng gia tăng doanh thu nhanh chóng bằng cách cung cấp số lượng lớn vật phẩm cho một đơn vị khác và đảm bảo vị thế trên thị trường. 

3. Khách hàng đến khách hàng (C2C)

Mô hình C2C đang ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên rất nhiều các nền tảng trực tuyến như: Shopee, eBay, Tiki… . Thậm chí, các trang mạng xã hội cũng dần bắt kịp xu hướng này, thêm nhiều tính năng để hỗ trợ khách hàng giao dịch: Marketplace của Facebook là một ví dụ. 

Thương mại điện tử

So với hai mô hình trên, C2C có nhiều lợi thế về mặt quảng bá sản phẩm và lợi nhuận: không giới hạn quy mô, số lượng, khả năng tương tác, có nhiều sự lựa chọn. Nhưng bù lại, C2C lại gây khó khăn cho người dùng khi muốn kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Hay đối với các ví điện tử (Momo, Airpay,…), các doanh nghiệp còn phải đối mặt với vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Cho nên, chiến lược thương hiệu của mô hình C2C cần khắc phục nhược điểm này mới có thể xây dựng cộng đồng trung thành bền vững. 

4. Khách hàng đến doanh nghiệp (C2B)

C2B là mô hình trái ngược với B2C, tức là người tiêu dùng sẽ là người tạo ra sản phẩm, và doanh nghiệp sẽ mua nó. Ví dụ, hình thức C2B đang khá phát triển trong thời gian gần đây là các travel blogger, KOLs… . Từ video cá nhân của họ, doanh nghiệp sẽ mua lại chúng để quảng bá cho sản phẩm mình cung cấp. 

Thương mại điện tử

C2B không bó hẹp doanh nghiệp và khách hàng ở mối quan hệ mua bán như truyền thống. Khách hàng tự do hơn trong việc tìm kiếm thu nhập từ năng lực cá nhân. Doanh nghiệp cũng mở rộng phương thức tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình, tăng sự tin tưởng và cá nhân hoá thương hiệu của mình dễ dàng hơn. 

Tóm lại, thương mại điện tử đem lại rất nhiều lợi thế cho thị trường, từ doanh nghiệp đến khách hàng, từ người cung cấp cho đến người tiêu thụ. Tuy nhiên, Internet như con dao hai lưỡi thì thương mại điện tử cũng tương tự. Quan trọng là bạn phải thật sự suy xét kỹ lưỡng khi quyết định giao dịch, hoạt động thương mại với bất kỳ đối tượng nào.

Kết

Thương mại điện tử không đơn giản chỉ là sự lựa chọn mà nó còn chi phối chiến lược thương hiệu rất lớn trong tương lai. Thương mại điện tử đang là xu thế mới, gia tăng tỷ lệ thuận với tỷ số người sử dụng Internet hằng năm. Vì thế, bắt kịp và sử dụng thương mại điện tử khéo léo vào hoạt động thương mại là điều tiên quyết trong chiến lược thương hiệu cho sự phát triển lâu dài. 

Nguồn bài viết: https://vudigital.co/hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-e-commerce-va-tam-anh-huong-cua-chung-trong-chien-luoc-thuong-hieu.html