Vũ trụ siêu tưởng của Metaverse sẽ được hình thành ra sao
Facebook đang làm chấn động thế giới khi tuyên bố biến thế giới ảo trở thành “vũ trụ siêu ảo” (Metaverse) sau quyết định lịch sử chuyển tên thành Meta. Hãy cùng khám phá xem Metaverse là gì và nó đang được hình thành như thế nào?
Metaverse là gì?
Metaverse là một thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các công nghệ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất. Chúng ta có thể xem Metaverse là một thế giới kỹ thuật số hay còn gọi là “vũ trụ ảo” hay “siêu ảo” tồn tại song song với thế giới thực.
Trong “vũ trụ ảo” này, mỗi người đều có thể hoá thân thành các nhân vật, thể hiện cảm xúc, tham gia các hoạt động như dạo chơi với bạn bè, làm việc, mua hàng hoá dịch vụ và tham gia sự kiện.. Nói chung mọi hoạt động đa dạng không khác gì ngoài đời thực. Video từ Adobe dưới đây sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn.
Metaverse được dự báo có thể trở thành ngành công nghiệp nghìn tỉ USD, hứa hẹn trở thành một nơi để giải trí, thương mại… và đối với một số người, thậm chí còn là nơi làm việc. Metaverse sẽ mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư với mức lợi nhuận cao. Doanh thu Metaverse toàn cầu có thể đạt 800 tỉ USD vào năm 2024 so với khoảng 500 tỉ USD vào năm 2020 – theo Bloomberg nhận định.
Không ngạc nhiên khi Facebook đã bắt đầu đầu tư vào dự án Metaverse từ vài năm trước. Mark Zuckerberg – CEO của Facebook tuyên bố rằng: “Tôi hy vọng mọi người sẽ chuyển từ việc xem chúng tôi là một công ty truyền thông xã hội thành một công ty Metaverse”.
Metaverse thực ra đã được manh nha từ gần 30 năm trước
Liệu Metaverse có phải là một thuật ngữ mới nổi lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày hôm nay? Sự thật thì không phải như vậy, thuật ngữ Metaverse được đề cập lần đầu tiên bởi nhà văn Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Snow Crash” vào năm 1992.
Trong cuốn tiểu thuyết, con người sẽ nhập vai thành những nhân vật (avatar) trong thế giới ảo và tương tác với nhau như ngoài đời thực. Như vậy, thuật ngữ Metaverse đã được ra đời từ cách đây khá lâu (trước cả thời đại Internet).
Bản thân từ Metaverse cũng được cấu tạo từ 2 từ: “Meta” hay “Beyond” có nghĩa là “vượt lên”, còn “Verse” trong “Universe” có nghĩa là “vũ trụ”. Do đó, concept của Metaverse có hàm ý là “vượt lên vũ trụ hiện hữu”.
Trong những năm qua, thuật ngữ “thế giới ảo” đang dần được các “anh lớn” của thung lũng Silicon để mắt đến. Những ý tưởng về một vũ trụ “siêu tưởng” hợp nhất với một vũ trụ vật lý đang được hình thành.
Bằng chứng là từ năm 1992 đến năm 2004, một số tổ chức như There Inc, Blaxxun Interactive và IMVU đã phát triển các thế giới ảo 3D khác nhau với đa dạng hình thức như: trò chơi, ứng dụng, mạng xã hội... cung cấp các nhân vật khác nhau để tương tác và mua bán vật phẩm thông qua hình thức thanh toán số.
Từ đó, Metaverse đã trở thành một trải nghiệm được người dùng yêu thích trong các trò chơi điện tử. Thành công mà trò chơi Unreal Engine và Fortnite đạt được chính là lý do mà Facebook sẵn sàng đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển Metaverse và Great Galaxy Initiative.
Metaverse – Một thế giới mở, chân thực và kết nối xuyên thời gian
Một số đặc điểm của Metaverse có thể kể đến đó là: Sustainability, Immersion, Openness, Economic System.
- Sustainability: Khả năng duy trì và liên tục có những cải tiến về dịch vụ hay hệ sinh thái trong đó.
- Immersion: Mức độ chân thực của Metaverse, đặc điểm này trả lời cho câu hỏi liệu trải nghiệm của chúng ta trong Metaverse đạt được bao nhiêu % so với thực tế.
- Openness: Tính mở, có nghĩa là Metaverse cho phép người tham gia có thể kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào. Đồng thời, đó phải là không gian mở cho phép sáng tạo không có giới hạn.
- Economic System: Một hệ thống kinh tế song hành thực tế. Trong đó, người tham gia có thể dịch chuyển tài sản của mình giữa thế giới thực và Metaverse một cách dễ dàng, cũng như có thể dựa trên việc có những cải tiến sáng tạo đột phá trong Metaverse để tích luỹ và gia tăng tài sản cho chính bản thân.
Metaverse – Mỏ vàng cho tất cả mọi người trong ngành công nghiệp trò chơi
Ngành công nghiệp trò chơi giờ đây sẽ trở thành “mảnh đất” kiếm tiền cho các game thủ thay vì phần lớn lợi nhuận thuộc về các nhà phát triển như trước. Những mô hình Metaverse đang tồn tại ngày nay đều được hậu thuẫn bởi công nghệ Blockchain. Trong trò chơi, người dùng có thể giao dịch mua vật phẩm, nhận thưởng thông qua NFT có được khi chơi game.
Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội lâu ngày giúp chúng ta nhận ra chơi game không chỉ đơn thuần để giải trí mà đó còn là một công cụ để kiếm tiền hữu ích.
Hai nhà phát hành tựa game Axie và Alien Wood đã chứng kiến số lượng người dùng tăng chóng mặt kể từ khi ra mắt, chỉ tính riêng Axie đã có hơn 250.000 người chơi hoạt động hàng ngày và khoảng 90.000 ETH được giao dịch.
Tựa game blockchain Decentraland cho phép người dùng giao dịch các tác phẩm nghệ thuật NFT, tính phí vào cửa một buổi triển lãm hoặc buổi hoà nhạc ảo.
Đồng thời, người chơi còn có thể kiếm tiền bằng cách kinh doanh đất đai, giá đất ảo trong game cũng đã tăng mạnh trong vài năm qua.
“Sự phát triển của game NFT đã cho thấy người dùng thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với nền kinh tế bên ngoài của họ. Nó thực sự tạo ra một sân chơi bình đẳng khi bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ bất cứ đâu”, ông TJ Kawamura, thành viên của Republic Realm & Republic Crypto nhận định trong một buổi toạ đàm về NFT.
Facebook – “Gã khổng lồ” công nghệ đặt dấu chân tiên phong lên Metaverse
Ngày 28/10/2021, Facebook đã chính thức quyết định đổi tên công ty sang Meta tại Hội nghị thường niên Connect của công ty. Ông chủ Facebook nói với The Verge rằng: “Chúng tôi sẽ chuyển đổi một cách hiệu quả từ những người xem chúng tôi chủ yếu là một công ty truyền thông xã hội sang một công ty Metaverse”.
Facebook cũng đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào thực tế ảo, thực tế tăng cường, phát triển phần cứng như tai nghe Oculus VR, kính AR và các công nghệ thiết bị đeo tay. Công ty dự kiến thuê 10.000 nhân viên xây dựng phần cứng tiêu dùng như kính AR (kính tương tác thực tế ảo), và Mark Zuckerberg tin rằng cuối cùng công nghệ này sẽ phổ biến như điện thoại thông minh.
Cơ hội và tiềm năng từ Metaverse
Metaverse có thể được ứng dụng vào giải trí, học tập, tham gia các cuộc họp, buổi đào tạo trực tuyến và tiềm năng từ Metaverse là vô tận.
Ứng dụng Metaverse trong Marketing sẽ mở ra nơi bạn có thể thấy quảng cáo của thương hiệu trong một vũ trụ không giới hạn bằng sự chuyển động, tương tác và khắp mọi nơi.
Về du lịch và bất động sản ảo, bạn có thể sở hữu hay đồng sở hữu một mảnh đất trên Metaverse. Bên cạnh đó, bạn có thể đi du lịch khắp thế giới, trải nghiệm những vùng đất mới.
Công nghệ NFT sẽ giúp hàng tỷ sản phẩm được tạo ra, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tạo nên những sàn giao dịch NFT khổng lồ.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những lo ngại về quyền riêng tư và khả năng khi sử dụng Metaverse. Chúng bao gồm vi phạm về dữ liệu, ảnh hưởng của các phần mềm gián điệp hoàn toàn có thể xảy ra, nên các nhà phát triển cần đảm bảo tính bảo mật tối đa khi sử dụng trên Internet. Đây là lý do tại sao nhiều tổ chức đang đầu tư vào Metaverse để cách mạng hoá cách mà con người giao tiếp với nhau.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng Metaverse sẽ là tương lai của Internet. Tại Việt Nam, mặc dù xu hướng này còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có không ít doanh nghiệp quan tâm và lên kế hoạch nghiên cứu, đầu tư một cách nghiêm túc. Trong đó phải kể đến JK Technology với nền tảng Seens.io kết nối hàng triệu người dùng, giúp họ tương tác với nhau thông qua công nghệ VR.
JK Technology trước đó được biết đến với tên gọi Dreamerland, một công ty cung cấp chuỗi dịch vụ về VR lớn nhất Đông Nam Á năm 2017. Nền tảng Seens.io cho phép tổ chức những buổi gặp mặt trực tuyến dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR), hứa hẹn mang lại những hình ảnh về con người, nhà cửa, cảnh vật gần với thực tế nhất.
* Nguồn: Trends Việt Nam