Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

“Sôi động” và “Cạnh tranh” là những cụm từ phù hợp để mô tả đặc trưng của ngành hàng bỉm tã em bé trên Social Media trong 5 năm gần đây. Đặc biệt trong 3 quý đầu năm 2021, bất chấp đại dịch, tổng thảo luận toàn ngành tăng đến 77,26% so với cả năm 2020, đạt đến hơn 2 triệu thảo luận – số liệu ghi nhận được từ Nền tảng SocialHeat của YouNet Media.

Đây không phải là điều quá bất ngờ bởi bỉm tã em bé là một phân nhánh quan trọng trong ngành hàng Mẹ & Bé – 1 trong 10 ngành hàng “sôi động” nhất Social Media. Theo Tổng cục Dân số Việt Nam năm 2019, mỗi năm ở Việt Nam có trung bình khoảng 1,56 triệu trẻ em được ra đời, vì vậy Việt Nam được cho là thị trường đầy tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc Mẹ & Bé (Baby Care), cụ thể hơn là một thị trường hấp dẫn đối với các hãng kinh doanh mặt hàng tã, bỉm. 

Sôi động qua nhiều năm, vậy trong 9 tháng đầu năm 2021, điều gì đã thúc đẩy thảo luận trong ngành hàng này tăng vượt trội? Đặc trưng thảo luận và mức độ “cạnh tranh” của ngành hàng bỉm tã trên Social Media trong thời gian qua có điều gì mà các thương hiệu lớn cần lưu tâm?

Hãy cùng YouNet Media khám phá và phân tích thị trường bỉm tã em bé qua góc nhìn Social Listening.

 

Ngành hàng bỉm tã “sôi động” và “cạnh tranh” trên mạng xã hội

Với đặc trưng là dòng sản phẩm phục vụ cho đối tượng người dùng cuối là trẻ nhỏ 0-3 tuổi – nhóm đối tượng được quan tâm, nâng niu và luôn được “dành những điều tốt nhất” trong mỗi gia đình, các nhãn hàng “lão làng” trong ngành bỉm tã em bé như: Kimberly-Clark với sản phẩm Huggies, Procter & Gamble với Pamper, Unicharm với Bobby và Moony, KAO với Merries... dễ dàng chiếm trọn sự chú ý của các gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa trên mọi phương tiện truyền thông từ offline đến online như: báo chí, TV, kênh phân phối, đại lý, chuỗi bán lẻ đến các nền tảng mạng xã hội.

Trước đại dịch, cuộc “so găng” giữa các “lão làng” vẫn chiếm trọng số ở “mặt trận offline” – đó là cuộc đua của các nhãn hàng trong việc chiếm thị phần tại các kênh phân phối, mở rộng mạng lưới đại lý và “bao phủ” các quầy hàng đẹp nhất trong các chuỗi bán lẻ Mẹ & Bé, cũng như hệ thống siêu thị lớn nhỏ khắp các tỉnh thành. Việc đa dạng hoá kênh phân phối trên các kênh mua sắm online như sàn thương mại điện tử, fanpage và các hội nhóm cộng đồng đã được triển khai bài bản từ năm 2019 tuy nhiên mức độ thảo luận sôi nổi vẫn ở mức khiêm tốn. Dù là một ngành hàng sôi động, thảo luận của ngành hàng bỉm tã em bé trên mạng xã hội chỉ tăng trưởng nhẹ 25,60% trong năm 2018 và 9,29% trong năm 2019, với mốc cao nhất là 933.066 tổng thảo luận toàn ngành.

Đến đợt dịch đầu tiên năm 2020 và đáng chú ý nhất là thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát trên cả nước, khi các mẹ bỉm buộc phải thay đổi hành vi tiêu dùng hoàn toàn từ offline sang online, kèm theo nhiều trở ngại trong giao – nhận hàng hoá, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu trên “mặt trận online” mới trở nên thật sự khốc liệt. Theo số liệu thống kê từ Nền tảng SocialHeat của YouNet Media, tổng thảo luận toàn ngành tăng 62,41% trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu thảo luận, và tiếp tục tăng vượt trội đến 77,26% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt 2.686.220 thảo luận. Bên cạnh những thương hiệu “lão làng” chiếm lĩnh thị trường lâu năm, thị trường bỉm tã 2 năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều cái tên mới, từ các quốc gia khác nhau như hàng nội địa Trung Quốc, hàng nội địa Nhật... Điều này cho thấy thị trường bỉm tã đang ngày một cạnh tranh hơn trên mọi mặt trận online & offline, các nhãn hàng cũng vì vậy mà luôn cần quan sát, nắm bắt chuyển động của thị trường để giữ vững vị thế của mình.

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Không chỉ có những  thảo luận “sôi nổi” đến từ các nhãn hàng, luồng thảo luận trong ngành bỉm tã em bé vô cùng “rôm rả” và đa dạng sắc thái, bởi sự tham gia của nhiều đối tượng thảo luận như: các hệ thống bán lẻ Mẹ & Bé, chuỗi hệ thống siêu thị, online seller, các sàn TMĐT... và đặc biệt “sôi nổi”, “đông đảo” hơn cả, chính là thảo luận tự nhiên từ các mẹ bỉm sữa. Vẫn dựa trên đặc trưng quan trọng nhất của ngành hàng là sản phẩm dành cho bé, dễ dàng nhận thấy các mẹ bỉm luôn là người tích cực tìm kiếm thông tin, tham khảo ý kiến, bàn luận, review, so sánh từ thương hiệu, tính năng mới, đến độ mềm mại, thấm hút, khô thoáng... ở khắp các hội nhóm, cộng đồng, trang cá nhân trên mạng xã hội. 

Nhu cầu và mối bận tâm của mẹ hiện nay không dừng lại ở chỗ chọn lựa thương hiệu tin cậy nhất, mà ngày càng mở rộng thêm nhiều nhóm sản phẩm, có thể cùng hoặc khác thương hiệu, kết hợp sử dụng đồng thời, để phù hợp với cơ thể, làn da của con, cũng như nhu cầu dùng tã trong các hoạt động hàng ngày. Theo dữ liệu thống kê từ Nền tảng SocialHeat, tã quần là nhóm sản phẩm được thảo luận nhiều nhất – 49%, tiếp đó lần lượt là tã dán 32%, miếng lót 17% và  tã vải 2%.

Lắng nghe và nắm bắt được những nhu cầu ngày một đa dạng và khắt khe của hội mẹ bỉm, các nhãn hàng liên tục đổi mới, ra mắt hàng loạt sản phẩm với tính năng mới hàng năm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu dù là trên “mặt trận offline” hay “mặt trận online”. Những dòng sản phẩm mới nổi bật nhất trên mạng xã hội ghi nhận được là: Huggies Gold (2018), Bobby Extra soft dry (2018), Goon Premium (2019), Pampers giữ dáng (2019), Moony Natural (2019), Huggies Platinum (2019), Huggies bọc kén con tằm (2019), Unidry Premium (2020)... 

Vậy, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường Bỉm tã em bé trên mạng xã hội, nhãn hàng nào đang “chiếm sóng”? Các mẹ bỉm đang phản hồi ra sao về các thương hiệu? Đâu là yếu tố mẹ quan tâm hàng đầu khi chọn bỉm lựa tã cho con?

 

Thương hiệu bỉm tã nào đang sôi nổi nhất trên Social Media

5 thương hiệu bỉm tã em bé luôn luôn chiếm giữ gần 90% thị phần thảo luận trên mạng xã hội trong 9 tháng đầu năm 2021 là: Pampers (thuộc Procter & Gamble), Moony (Tập đoàn Unicharm – Nhật Bản); Bobby (Tập đoàn Unicharm – Nhật Bản); Huggies (thuộc Kimberly-Clark đến từ Mỹ) và Merries (Tập đoàn KAO – Nhật Bản). Từ top 5 thảo luận trên mạng xã hội, có thể thấy đây là cuộc chiến ở “mặt trận online” vẫn là của các tên tuổi đình đám: Unicharm, P&G, Kimberly-Clark và KAO. Sự cạnh tranh sôi động của các thương hiệu trong ngành hàng này thể hiện qua việc thứ hạng trong của top 5 thương hiệu dẫn đầu thay đổi liên tục qua mỗi tháng, mỗi quý. Đơn cử, trong quý II/2021, Pampers chỉ chiếm giữ hơn 7% thị phần thảo luận (vị trí thứ 5) nhưng đến hết quý III/2021 Pampers dẫn đầu thị phần thảo luận hơn 51%.

Không những sự cạnh tranh về thị phần thảo luận (Share of Voice), các thương hiệu còn so kè nhau về mức độ yêu thích của người dùng dành cho thương hiệu (Brand Love). Trong quý III/2021, đáng chú ý khi chỉ số cảm xúc (Sentiment Score) của Pampers, Bobby và Huggies lần lượt là 0,92, 0,84 và 0,77, cho thấy lượng phản hồi yêu thích về thương hiệu chiếm đa số thảo luận. Đặc trưng sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ trẻ nhỏ khiến ngành hàng này có thêm đặc điểm nổi bật là các mẹ bỉm sữa cực kỳ nhạy cảm với tin tức tiêu cực của ngành hàng hoặc đôi khi chỉ là những thông tin tiêu cực nhỏ lẻ được phát tán trên không gian mạng. Điều này khiến việc nhãn hàng liên tục theo dõi phản ứng của người dùng và duy trì được mức độ yêu thích của người dùng về thương hiệu là vô cùng quan trọng.

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Chiếm 10% thị phần thảo luận của toàn ngành, những thương hiệu ở ngoài top 5  lần lượt là Yubest (nội địa Trung), GOO.N (Tập đoàn DAIO – Nhật Bản), Jo (Công ty Việt Sing), Bino (được sản xuất bởi KyKy)  và Unidry (sản phẩm của Tập đoàn Taisun Việt Nam). Dễ thấy, bên cạnh các thương hiệu được phân phối bởi đại lý chính thức hoặc sản xuất trong nước, sự xâm nhập của các thương hiệu nội địa Nhật, nội địa Trung, nội địa Hàn. Nhu cầu chuộng hàng ngoại đặc biệt là hàng nội địa Nhật và gần đây nội địa Trung, cơn sốt tìm kiếm sản phẩm bỉm nội địa Trung đang được các mẹ quan tâm. Luôn giữ vị trí top 6 thảo luận trên mạng xã hội (quý II và quý III/2021) với gần 40.000 thảo luận mỗi quý, Yubest là thương hiệu bỉm tã nội địa Trung Quốc được các mẹ tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội gần đây. 

Dù không có lợi thế nhà phân phối hỗ trợ quảng bá, chỉ được các mẹ “truyền tai” nhau nhưng Yubest có tổng thảo luận lớn hơn 4 thương hiệu còn lại, cho thấy sức cạnh tranh của các thương hiệu nội địa Trung Quốc. Sở hữu thế mạnh về giá cả, đa dạng về sản phẩm và dễ dàng đưa mặt hàng vào VIệt Nam, đây cũng là lựa chọn được các mẹ lựa chọn trải nghiệm. Mặc dù vậy, hiện tại thông tin về nguồn gốc và chất lượng chưa rõ ràng là điểm hạn chế của những sản phẩm nội địa Trung này, vì vậy, chỉ số cảm xúc dành cho Yubest không cao. Ở chiều ngược lại, 4 thương hiệu còn lại là GOO.N, Jo, Bino và Unidry có lượng thảo luận nhỏ, nhưng luôn duy trì được sự yêu thích và phản hồi tích cực về thương hiệu của mình. Trong quý III/2021, chỉ số cảm xúc của Unidry và GOO.N đặc biệt rất ấn tượng, lần lượt là 0,92 và GOO.N 0,81.

Mùa dịch các thương hiệu bỉm tã sôi nổi triển khai hoạt động

Ngay cả trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, quý II/2021 (trước thời điểm đỉnh dịch), Nền tảng SocialHeat đã ghi nhận 630.000 thảo luận nhưng đến quý III/2021 (trong thời điểm đỉnh đợt dịch) ghi nhận 760.000 thảo luận, tổng thảo luận ngành hàng gia tăng thêm 20,36% chỉ trong 3 tháng, cho thấy ngành hàng càng sôi động hơn trong mùa dịch. Các nhãn hàng ngành bỉm tã nhanh chóng đẩy mạnh đa dạng các hoạt động của mình trên mạng xã hội. Nổi bật như các chương trình ưu đãi mua sắm mùa dịch; các hoạt động tương tác cùng các mẹ bỉm như minigame nhận quà; các chiến dịch vì cộng đồng mùa dịch hay chiến dịch ra mắt sản phẩm mới.

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Trong khuôn khổ chiến dịch thay lời cảm ơn shipper “Một đơn hàng, vạn yêu thương” được triển khai bởi Tập đoàn P&G, Pampers tham gia quảng bá cho chương trình thông qua minigame trên fanpage của nhãn hàng “Trao vạn lời cảm ơn tới Shipper – Nhận ngay quà ý nghĩa” và minigame trên fanpage của sàn  TMĐT Lazada, Tiki “Cảm ơn Shipper – Nhận quà trao tay cùng P&G” đã thu hút các mẹ tham gia chương trình và phản hồi tích cực vì thông điệp ý nghĩa. 

Sôi nổi với chiến dịch ra mắt sản phẩm mới, Bobby đã ra mắt sản phẩm mới “Tã quần với Lõi nén thần kỳ” cùng hàng loạt hoạt động quảng bá cho sản phẩm mới như minigame cùng bé chụp hình; chương trình promotion hoặc bài đăng tương tác cùng mẹ. Trên các fanpage của thương hiệu TMĐT và nhà bán lẻ, Bobby cũng có tần suất xuất hiện nhiều cùng các hoạt động như minigame bình chọn thương hiệu yêu thích tại Lazada; minigame “Lõi nén thần kỳ 3mm” để quảng bá tính năng sản phẩm và các chương trình ưu đãi đặc biệt mùa dịch. Không chỉ vậy, Bobby còn xuất hiện nhiều trên các community pages quảng bá cho sản phẩm tã quần mới. 

Huggies triển khai các ưu đãi khi mua tại KidsPlaza.vn, bài đăng tương tác “Trao quà chương trình Quà mềm cho bé, Lời thương gửi mẹ” và minigame “Mặc Cưng Quậy Tưng Siêu Show của Huggies VN”. Bên cạnh tích cực trong hoạt động ra mắt sản phẩm mới, Huggies thường xuyên ra mắt các dòng sản phẩm giới hạn trong khoảng thời gian ngắn, quảng bá sản phẩm thông qua chạy minigame, promotion để thu hút người dùng.  

Moony và Merries triển khai nhiều chương trình ưu đãi trên fanpage của mình và trên fanpage của sàn TMĐT và fanpage bán lẻ kích thích mua sắm mùa dịch.

Bên cạnh nhãn hàng bỉm tã triển khai hoạt động của mình, các đơn vị phân phối như chuỗi bán lẻ, sàn TMĐT, đại lý rất tích cực triển khai hoạt động để tương tác với các mẹ bỉm. Các hoạt động được nhãn hàng đa dạng triển khai như các chương trình chia sẻ kiến thức cùng bác sĩ; các chương trình ưu đãi hay chương trình sẵn sàng cung cấp bỉm tã mùa dịch như ATM “Cháo – sữa – tã”...  Đây cũng là các hoạt động mà thương hiệu Bỉm có thể khai thác để triển khai các hoạt động kết hợp cùng với nhà bán lẻ.  

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Vậy ở phía người tiêu dùng, các mẹ phản hồi gì về các thương hiệu bỉm tã, bận tâm hàng đầu của mẹ bỉm là gì?

 

Hội các mẹ chọn bỉm cho con trên mạng xã hội ra sao? 

Nhu cầu của các mẹ đối với những sản phẩm dành cho con ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Đặt yếu tố an toàn cho trẻ lên hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm, vì vậy việc tìm hiểu sản phẩm bỉm phù hợp với con mình được các mẹ thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Không chỉ tích cực tham gia thảo luận trên fanpage trang TMĐT (chiếm 40,4% thảo luận); fanpage các nhà bán lẻ (chiếm 37,6% thảo luận); fanpage của thương hiệu (chiếm 5% thảo luận) để tìm kiếm thông tin; các mẹ sôi nổi tham gia vào các Hội nhóm Cha mẹ (chiếm 10% thảo luận) để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hoặc để lại phản hồi về chất lượng sản phẩm trên các trang TMĐT (chiếm 3,6% thảo luận) và trên chính trang cá nhân của mình (chiếm 2,7%) .Trong đó, chia sẻ trên trang cá nhân (hot moms, KOLs...) các hội nhóm và trang TMĐT thường là những nguồn thảo luận tự nhiên của các mẹ bỉm. Đây là những kênh mà thương hiệu có thể khai thác để truyền tải thông điệp khéo léo và tự nhiên tới người dùng. 

Khi lựa chọn bỉm tã cho con mình, những chủ đề được mẹ quan tâm lần lượt là Chất lượng (31,2%); Giá cả (16,4%); Kênh phân phối (9,2%); Hình ảnh thương hiệu (6,6%) và Khuyến mãi (3,2%). 

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

“Chất lượng” là mỗi quan tâm và ưu tiên hàng đầu của mẹ (chiếm 31,2%). Trong đó những tính năng lần lượt được mẹ quan tâm ở sản phẩm là Khả năng thấm hút (8,7%), Mềm mại (6,7%), Độ mỏng (6,1%), Hăm tã (6,0%), Chống rò rỉ (5,8%). Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng được mẹ lưu tâm để lựa chọn hoặc chuyển đổi các sản phẩm bỉm cho con mình như Khô thoáng, Kích thước, Thành phần sản phẩm, Sự thoải mái và Bao bì.

Bên cạnh Chất lượng và Giá cả thì Kênh phân phối được đặc biệt mẹ quan tâm trong đợt dịch vừa qua. Đặc biệt là kênh mua sắm trực tuyến như TMĐT, các online seller và chuỗi bán lẻ Mẹ & Bé. Với nhu cầu dự trữ bỉm cao mùa dịch nhưng gặp phải tình trạng đứt gãy kênh phân phối, phản hồi của mẹ về kênh phân phối gia tăng đáng kể. Thêm nữa, trong đợt dịch vừa qua, bỉm được quy định là mặt hàng không thiết yếu do vậy việc mua sắm bỉm càng khó khăn hơn. Ưu tiên của mẹ là mua những sản phẩm bỉm có sẵn thay vì ưu tiên mua thương hiệu bỉm quen thuộc. Vì vậy, việc người dùng sẵn sàng thay đổi, trải nghiệm thương hiệu khác, miễn là dự trữ được đủ số lượng bỉm cho con, đã xuất hiện trong rất nhiều thảo luận thời gian qua. Lúc này có thể thấy thương hiệu bỉm tã nào có thế mạnh kênh phân phối trực tuyến đa dạng, có đầy đủ số lượng sản phẩm sẵn sàng phân phối ngay, đồng thời kiểm soát tốt vấn đề giao – nhận trong mùa dịch, sẽ chiếm giữ được lợi thế và có thể thu hút được nhóm khách hàng mới trải nghiệm sản phẩm. 

Lắng nghe người dùng liên tục trên nhiều kênh thảo luận với những chỉ số cảm xúc khác nhau cho từng chủ đề mẹ quan tâm là chìa khoá để thương hiệu kịp thời nắm bắt tâm lý & đưa ra thông điệp hoặc cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mẹ. Cụ thể, dựa trên phân tích phản hồi của mẹ về thương hiệu Pampers, có thể thấy, “Chất lượng”, “Kênh phân phối TMĐT”, “Độ mỏng”, “Thấm hút”, “Hình ảnh thương hiệu” là những yếu tố quan trọng được mẹ phản hồi tích cực. Nổi bật như: Chất lượng bỉm ổn, bỉm khá mỏng, không bị cộm và khả năng thấm hút tốt… Mặc dù vậy, những tính năng mẹ phản hồi tiêu cực là “Kích thước khá nhỏ”, “Bỉm khá bí, không khô thoáng” hay “Em bé dễ bị hăm tã”... thương hiệu cần lưu ý cải thiện để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?

Cơ hội nào cho các thương hiệu tã bỉm tận dụng Social Listening để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới?

Là một ngành hàng luôn nằm trong những ngành hàng sôi động, bỉm tã em bé là ngành hàng luôn tạo được thảo luận “sôi động” và “cạnh tranh” trên mạng xã hội. Những thảo luận này không chỉ đến từ thương hiệu (Brand), mà còn đến từ chính các khách hàng (các mẹ bỉm sữa), nhà phân phối bán hàng (seller). Do đó, việc lắng nghe và phân tích thường xuyên dữ liệu trên MXH sẽ mở ra nhiều cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho thương hiệu trong ngành này: 

1. Lắng nghe liên tục, kịp thời nắm bắt các nhận xét, đánh giá, lo lắng của người dùng giúp cho thương hiệu: 

  • Hiểu rõ sức khoẻ thương hiệu (Brand Health): Phân tích các nhận xét, đánh giá yêu ghét của khách hàng về tổng quan thương hiệu hoặc đi sâu vào từng dòng sản phẩm, từng tính năng được khách hàng quan tâm thảo luận nhất đang có mặt trên thị trường, sẽ giúp nhân sự phòng ban Marketing/ Branding nắm bắt được sắc thái cảm xúc (Sentiment Score) của khách hàng đối với thương hiệu mình đang quản lý. Từ đây, thương hiệu có thể đánh giá hiệu quả của thông điệp truyền thông, khuyến mãi 
  • Với đặc thù khách hàng là mẹ bỉm sữa – người vô cùng nhạy cảm với tin tiêu cực như đã phân tích ở trên, thế nên, việc hiểu rõ người dùng mục tiêu với những sắc thái cảm xúc được đo lường rõ ràng sẽ giúp thương hiệu phát hiện sớm và luôn ở thế chủ động khi cần xử lý các thông tin tiêu cực (Crisis Management) trước khi nguồn tin lan rộng. 

2. Nắm bắt chuyển động ngành hàng và đo lường hiệu quả truyền thông theo từng chiến dịch giúp cho thương hiệu: 

  • Hoạch định hiệu quả cho kế hoạch tiếp thị hay bán hàng thông qua hoạt động phân tích ngành hàng (Category Tracking): So sánh thị phần thảo luận trên truyền thông của thương hiệu, đồng thời theo dõi hoạt động truyền thông của đối thủ (Competitor Tracking) sẽ giúp thương hiệu dễ dàng nắm bắt chuyển động của các đối thủ, từ đó có định hướng rõ ràng các chiến lược phù hợp, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường và trong tâm trí người tiêu dùng. 
  • Tối ưu hoá chiến dịch truyền thông (Optimize Social Performance): Lắng nghe MXH để kiểm tra mức độ hào hứng, đáp ứng với thông điệp truyền thông từ các chiến dịch lớn vào các dịp cao điểm như Tết, hè hoặc khi ra mắt sản phẩm mới. Từ đó, thương hiệu điều chỉnh kịp thời các thông điệp hoặc hoạt động Marketing, tactics truyền thông, bảo đảm chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất. 

3. Phân tích nhu cầu khách hàng (Consumer Needs) đóng góp vào việc cải tiến, đổi mới sản phẩm: 

  • Việc thu thập và có mô hình phân tích phản hồi của người dùng về những hạn chế của sản phẩm đang gặp phải, những mong mỏi của các mẹ bỉm sữa chưa được đáp ứng, hay những phản hồi tích cực về sản phẩm của đối thủ... sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thương hiệu phát hiện ra những hướng đi chiến lược phù hợp cho dòng sản phẩm mới. Từ đó, tạo cơ sở vững chắc để cải tiến sản phẩm, đưa vào thị trường nhiều mẫu mã tã bỉm với tính năng hoặc chất liệu mới đáp ứng đúng thị hiếu khách hàng (Consumer Insight)
  • Thấu hiểu mong đợi, nỗi lo & các nhu cầu chưa được đáp ứng của mẹ bỉm sữa, đồng thời, giúp thương hiệu chuẩn bị tốt cho thông điệp truyền thông trước các chiến dịch quan trọng. Điều này cũng góp phần tạo tiền đề để thương hiệu hiểu được câu chuyện có khả năng tạo ra kết nối, tương tác gần gũi với mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội. 

4. Tận dụng sức mạnh của những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng (Influencers/ KOLs/ Hot Moms/ Micro Moms):

Influencer Marketing từ lâu đã được các thương hiệu trong ngành hàng chăm sóc Mẹ & Bé nói chung và ngành hàng bỉm tã đầu tư rất sôi động; đặc biệt là nhóm Hot Moms/ Micro Moms trên mạng xã hội. Vì vậy, việc tìm kiếm các gương mặt Hot Moms mới nổi, phân tích, lựa chọn các Micro Moms đạt chất lượng và thật sự phù hợp với nhãn hàng (Influencer Analytics) sẽ giúp thương hiệu tránh lãng phí ngân sách khi đầu tư vào các hồ sơ không thực sự hiệu quả. 

Trong và sau chiến dịch Influencer Marketing, câu chuyện đo lường hiệu quả và tối ưu hiệu quả của chiến dịch để khai thác hết tiềm năng của influencers và cơ sở để tối ưu cho các chiến dịch sau cũng giúp thương hiệu lãng phí ngân sách khổng lồ cho mình khi triển khai cho những chiến dịch tiếp theo. 

Cạnh tranh từ offline tới online, thị trường bỉm tã sôi động trên mạng xã hội ra sao?