Dự định đổi tên của Facebook

Dự định đổi tên của Facebook

Năm 2021 là năm của những thay đổi và không nằm ngoài xu thế này, Facebook cũng chuẩn bị cho những cải cách của mình bằng việc tái định vị thương hiệu, dự kiến công bố vào ngày 28/10 tới. Vậy tên mới của Facebook là gì?

Tuy vẫn chỉ là thông tin bên lề nhưng việc đổi tên lần này được dự đoán là nhằm phản ánh định hướng kinh doanh mới mà Mark Zuckerberg theo đuổi với khái niệm “vũ trụ ảo” (metaverse), thay vì chỉ tập trung vào mạng xã hội (social media) như hiện tại.

Theo dòng lịch sử và nhu cầu phát triển thì việc đổi tên doanh nghiệp là không có gì lạ. Việc đổi tên có thể đến từ nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh như Apple Computer sang Apple khi họ quyết định mở rộng ra nhiều thiết bị và dịch vụ hơn chỉ là máy tính. Google đổi sang Alphabet khi quyết định đầu tư phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo mà cái tên Google thì đã gắn bó quá nhiều với công cụ tìm kiếm.

Google đổi sang Alphabet khi quyết định đầu tư phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo
Nguồn: Genk

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đổi tên khi họ thay đổi hay mở rộng phạm vi kinh doanh. Hongkong and Shanghai Banking Corporation rút gọn tên thành HSBC khi chuyển trụ sở về UK sau khi mua lại Midland Bank. Federal Express Corporate rút gọn tên thành FedEx khi mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi nước Mỹ.

Hay British Petroleum rút gọn thành BP khi mở rộng phạm vi ra ngoài nước Anh. Dù là với nguyên nhân nào thì việc thay đổi tên hay thương hiệu chắc chắn phải bắt đầu từ một thay đổi khác sâu xa hơn trong nội tại doanh nghiệp.

Ở Việt Nam vào thời kỳ đổi mới, các công ty chưa chú trọng đến việc đặt tên, cá nhân tôi quan sát thấy có vài cách đặt tên phổ biến sau:

  • Theo đất nước: tiêu biểu như tiếp đầu ngữ Vina trong Vinamilk, Vinaconex, Vinataba...
  • Theo địa phương bằng chữ rút gọn như: Lothamilk (Sữa Long Thành), Habeco (Bia Hà Nội), Sabeco (Bia Sài Gòn), Bitis (Bình Tiên) và một bạn khách hàng của tôi là Vianco (Gia Vị Việt Ấn), Thảo Điền Investment (nay là Masterirse Group)...

Doanh nghiệp Việt có thể thay đổi hay cải tiến tên gọi để phù hợp hơn với thời đại và điều kiện “bình thường mới”.

  • Theo người sáng lập: gần nhất thì là TH True (bà Thái Hương), các công ty dịch vụ tư vấn hay dùng cách này với những tên kiểu như McKinsey với nhiều hãng luật, công ty truyền thông như Le Group (Le Media)...
  • Theo tên con cái: tập đoàn vận tải Mai Linh, công ty xây dựng quảng cáo Kim Ngân...
  • Theo chức năng: cực kỳ phổ biến trong giới tài chính như Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), Sacombank (SCB)...

Những cái tên này theo dòng phát triển lịch sử gắn liền với đời sống của người Việt Nam nên các doanh nghiệp thường ít khi suy nghĩ đến việc thay đổi. Điều này cũng không nhất thiết như cách mà IBM (International Business Machine) vẫn giữ cái tên cũ kỹ của họ từ năm 1924.

Có điều việc thay đổi tên cũng là một hình thức để thông báo với công chúng về những thay đổi lớn hơn ở mặt định hướng mà công ty chuẩn bị thực hiện nhằm đạt được tiếng vang như những ví dụ đổi tên ở trên. Trải qua một lộ trình hình thành, phát triển, định hình và nhu cầu hiện tại của việc làm mới, doanh nghiệp Việt cũng có thể cân nhắc thay đổi hay đơn giản chỉ là cải tiến tên gọi để phù hợp hơn với thời đại và điều kiện bình thường sau dịch bệnh.

Nguồn: Vietnamnet

Trở lại với câu chuyện của Facebook và định hướng theo đuổi vũ trụ ảo mà ở đó con người có thể giao tiếp với nhau như trong phim Avatar khi có một nhân cách riêng tách biệt khỏi đời sống hiện tại, thì đúng là cái tên Facebook không còn phù hợp. Theo giới chuyên môn, mảng dịch vụ xã hội vẫn tiếp tục lấy tên là Facebook, chỉ có tập đoàn sẽ đổi sang một cái tên khác, chủ quản của Facebook, Instagram và Oculus. Cách đổi này khá giống với câu chuyện của Google. Và có một số cái tên đang được đồn đoán, tuy nhiên theo ý kiến riêng thì tên gọi “Blue Horizon” có vẻ là khá phù hợp cho định vị mới.

Một sự trùng hợp nữa là hiện nay rất nhiều công ty công nghệ lớn lựa chọn màu xanh dương (blue) cho thương hiệu của mình như Microsoft (chủ đạo), IBM, GE, Cisco, Tencent và có thể sẽ là Facebook khi họ lấy luôn chữ Blue vào tên của mình.

Tóm lại, tất cả vẫn là may rủi. Sau một loạt thương hiệu “thay tên đổi họ” từ đầu năm đến nay, chúng ta cùng chờ đợi tên mới của tập đoàn chủ quản Facebook vào ngày 28/10 này.

* Nguồn: Nguyễn Hải Minh