Chuyện chiếc khăn lau của Apple

Chuyện chiếc khăn lau của Apple

Số là tối qua đến giờ từ nhà đến công ty cứ râm ran câu chuyện chiếc khăn lau giá 20 USD mới ra của Apple. Ai cũng chê đắt. Ai cũng nói Apple bị hâm, nhưng tôi thấy giá đó hợp lý mà.

Một là mọi người mua đồ Apple, chúng ta đâu chỉ mua mỗi công năng. Nếu là thiết bị, thì vì hệ thống phần mềm, còn những đồ này thì tiền thương hiệu là chính. Có rất nhiều ví dụ tương tự như việc một ly cà phê trong Sheraton giá gần 200.000 đồng mà vẫn đông, hay cái áo Pierre Cardin mắc gấp đôi An Phước mà người ta vẫn mặc. Ai tìm hiểu về thương hiệu thì sẽ biết Pierre Cardin là thương hiệu “chết lâm sàng” từ rất lâu rồi, họ chỉ bán cái tên rồi gắn lên sản phẩm thôi, chứ đồ Pierre Cardin không có gì đặc biệt hết cả. Tương tự như những loại quần áo khác, tương tự như xe hơi.

Nền kinh tế đã thay đổi, chỉ có tư duy một số người chưa sẵn sàng. 

Hai là Apple không thể bán rẻ hơn. Người ta nói “mây tầng nào gặp mây tầng đó” mà. Thương hiệu lỡ định vị sang chảnh rồi thì dù sản xuất ra chi phí bằng với người ta cũng không thể bán rẻ được.

Ba là nền kinh tế đã thay đổi, chỉ có tư duy một số người là chưa sẵn sàng. Theo lịch sử, kinh tế trải qua các thời kỳ thay đổi trọng tâm liên tục, từ nền kinh tế sản xuất, sang nền kinh tế sản phẩm, nền kinh tế dịch vụ, và hiện nay là nền kinh tế trải nghiệm. Nghe “trải nghiệm” thì có vẻ hơi phù phiếm, nhưng một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, con người đang giàu lên từng ngày, thì vấn đề công năng đã đi vào dĩ vãng lâu rồi. Hàng tiêu dùng xa xỉ, bất động sản hàng hiệu, dịch vụ thời trang chó mèo... giữa một rừng những sản phẩm và dịch vụ như thế thì thêm một cái khăn lau 20 USD có đáng là gì.

Chuyện chiếc khăn lau của Apple

Khăn lau của Apple

Người tiêu dùng là vậy, còn công ty thì cần làm gì? Tôi tình cờ được đại diện ở Việt Nam cho Landor & Fitch nên dần nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của thương hiệu. Nói thế không phải nó là tất cả, nhưng nền kinh tế trải nghiệm là mảnh đất màu mỡ để thương hiệu phát triển so với các mô hình trước. Mặc dù thương hiệu đối với tổng thể doanh nghiệp cũng không hẳn là quá thiết yếu, nhưng thời điểm bây giờ nó cần được quan tâm nhiều hơn.

Nền kinh tế trải nghiệm là mảnh đất màu mỡ để thương hiệu phát triển.

Thông thường, chúng ta chỉ nhớ tới thương hiệu khi cần đổi tên, làm lại cái huy hiệu hay chạy một chương trình ra mắt gì đấy. Tuy nhiên, đối với quản trị thương hiệu đúng nghĩa, thương hiệu có đội ngũ tư vấn riêng, làm việc trên một cơ sở đánh giá liên tục và trả phí định kỳ. Hàng quý hay hàng tháng, đội tư vấn sẽ làm việc với khách hàng để đánh giá lại các hoạt động coi đúng định hướng không, đúng gu không, chi tiêu đo lường đạt được bao nhiêu, có “ra số” không, hay giá trị thương hiệu này dự kiến bán được khoảng bao nhiêu? Những câu hỏi kiểu như vậy…

Tôi chưa thấy nhiều công ty ở Việt Nam làm việc này. Không phải vì họ không biết, mà vì họ chưa quan tâm. Bởi vậy cũng không lạ gì khi phần đông mọi người vẫn dè bỉu cái “khăn lau 20 đô” của Apple như vậy.

Có điều tôi tin chê là chê thế thôi, chứ khăn lau vẫn sẽ cháy hàng. Vì khi thu nhập cả trăm thì 40.000 hay 400.000 đồng đâu có gì khác biệt.

* Nguồn: Nguyễn Hải Minh