Re-think CSR #8 – Ông Nguyễn Ngọc Đạt @ Di Động Việt: “Có cần câu, đối tượng sẽ không còn chờ con cá”

Re-think CSR #8 – Ông Nguyễn Ngọc Đạt @ Di Động Việt: “Có cần câu, đối tượng sẽ không còn chờ con cá”

“Nói CSR là hoạt động thiện nguyện thì không sai nhưng chưa đủ. Hầu hết những hoạt động thiện nguyện mang đến cho đối tượng ‘con cá’ – để giải quyết những vấn đề trên bề mặt. Nhưng cái mà họ cần trong lâu dài là ‘cần câu’ – những hoạt động an sinh khác liên quan đến cơ hội việc làm, kỹ năng làm việc, quyền lợi lao động…”

Đó là chia sẻ từ ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO của chuỗi cửa hàng Di Động Việt với Brands Vietnam trong số thứ 8 của chuyên mục Re-think CSR. Buổi trò chuyện xoay quanh những cơ hội và khó khăn của một doanh nghiệp SME khi bắt tay vào làm hoạt động trách nhiệm xã hội.

Chuyên mục Re-think CSRcủa Brands Vietnam phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp này. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

 

* Đầu tiên, ông có thể giới thiệu các hoạt động CSR gần đây nhất của doanh nghiệp mình?

Trong đợt cao điểm vì dịch bệnh vừa qua, Di Động Việt đã thực hiện một số hoạt động hỗ trợ người dân tại TP.HCM xuyên suốt trong tháng 5 và tháng 6. 

Cụ thể, các cửa hàng Di Động Việt tổ chức những gian hàng 0đ chia sẻ túi thực phẩm cho các hoàn cảnh khó khăn. Khi chợ truyền thống buộc phải đóng cửa, chúng tôi hợp tác với Satra Mart và FoodBank triển khai thêm hoạt động “Thực phẩm chia sẻ” đồng giá tại 14 cửa hàng ở khu vực TP.HCM. Các hoạt động này nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn thực phẩm thiết yếu với giá cả bình ổn trong hoàn cảnh “ai đang ở đâu, ở yên đó”. Đồng thời cũng giúp bà con ở các tỉnh thành lân cận tiêu thụ lượng rau củ bị ùn ứ. 

Các cửa hàng Di Động Việt tổ chức những gian hàng 0đ chia sẻ túi thực phẩm cho các hoàn cảnh khó khăn
Nguồn: Di Động Việt

Sau đó, đến đầu tháng 8, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình túi thuốc 0đ cho F0 điều trị tại nhà. Và khi việc học online trở thành hoạt động bắt buộc, chúng tôi cũng có chương trình hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn các thiết bị điện tử như iPad để các bạn có thể học tập thuận lợi hơn. 

* Nhiều người thường cho rằng CSR là làm việc thiện nguyện cho cộng đồng địa phương. Điều này có thật sự đúng hay không?

Theo tôi, nếu nói hoạt động CSR là hoạt động thiện nguyện thì không sai. Đa số người tiêu dùng, hoặc chủ các doanh nghiệp nhỏ như Di Động Việt thường nghĩ CSR giống như hoạt động thiện nguyện. Khi có vấn đề phát sinh và cộng đồng cần, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ trên tinh thần “làm từ tâm” với sự đồng lòng của nội bộ công ty. Các bạn có thể thấy những hoạt động tôi chia sẻ ở trên đều là những hoạt động thiện nguyện. 

Di Động Việt triển khai chương trình túi thuốc 0đ cho F0 điều trị tại nhà
Nguồn: Di Động Việt

Nhưng trước khi bắt đầu vào những hoạt động thiện nguyện như thế, chúng tôi cũng có những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp của mình. Cụ thể, bên cạnh việc bổ sung thuốc men cho nhân viên, Di Động Việt còn có những hoạt động trang bị kiến thức phòng chống dịch cho các bạn ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện. Khi một số khu vực phải dừng hoạt động kinh doanh, công ty cũng cố gắng lo cho nhân viên để họ có thể trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Về cơ bản, tôi cho rằng trước khi ra ngoài xã hội với các hoạt động thiện nguyện thì ít nhất doanh nghiệp và đội ngũ của mình phải khoẻ mạnh trước đã. Và đó cũng là hành động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Như vậy, nếu nhìn rộng hơn, CSR không đơn thuần dừng lại ở các hoạt động từ thiện. Khi thành phố mở cửa, nhiều người vội vã trở về quê vì không có đủ chi phí để tiếp tục ở lại. Điều này phản ánh một điều rằng hầu hết những hoạt động thiện nguyện trong tâm dịch chỉ mang đến cho họ “con cá” – để giải quyết những vấn đề trên bề mặt. Nhưng rõ ràng cái mà đối tượng cần là “cần câu” – những hoạt động trách nhiệm xã hội và an sinh khác liên quan đến cơ hội việc làm, kỹ năng làm việc, quyền lợi lao động và môi trường lao động... Khi đã có “cần câu”, họ có thể tiếp tục câu cá và sinh sống chứ không cần thụ động chờ đợi những “con cá” từ các doanh nghiệp.

* Có nhận định cho rằng hoạt động CSR thường phù hợp với các doanh nghiệp lớn, ngân sách cao và nguồn lực nhiều, chứ không hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về nguồn lực. Vậy theo ông, các doanh nghiệp SME có thể triển khai hoạt động CSR như thế nào?

Chương trình Trade-In – Thu cũ đổi mới
Nguồn: Di Động Việt

Thật ra tôi nghĩ điều quan trọng là doanh nghiệp có muốn làm hay không và làm có tâm hay không thôi. Di Động Việt thực hiện các chương trình CSR của mình với tâm thế như vậy. Trước khi triển khai hoạt động, ban lãnh đạo công ty có trao đổi nhiều vấn đề như ngân sách còn bao nhiêu, các khoản chi cần được phân bổ như thế nào, và doanh nghiệp có thể làm những gì để giúp người dân trong thành phố. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó, tôi có chia sẻ với các cộng sự rằng vấn đề không phải là có bao nhiêu tiền mà là có thật tâm làm hay không.

Vậy chiến lược CSR lâu dài của Di Động Việt được triển khai như thế nào? Tôi muốn chia sẻ về một chương trình Di Động Việt thực hiện xuyên suốt 5 năm qua. Đó là chương trình Trade-In – Thu cũ đổi mới, cho phép người dùng đổi những thiết bị cũ đang sử dụng hoặc các thiết bị không còn hoạt động được để nâng cấp lên những sản phẩm thế hệ mới, phù hợp với nhu cầu hơn. Di Động Việt sẽ sửa chữa, tái chế các sản phẩm để tăng vòng đời sản phẩm, giảm lượng rác thải điện tử ra môi trường. Điều này mang lại giá trị không chỉ cho khách hàng mà còn cho cả Di Động Việt. Chúng tôi có được nguồn khách hàng mới, tăng trưởng doanh thu từ việc đáp ứng nhu cầu của khách mà không phải đầu tư quá nhiều ngân sách. 

* Vậy doanh nghiệp cần quan tâm những vấn đề gì khi triển khai hoạt động CSR?

Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy có 3 vấn đề chính cần quan tâm. Đó là đảm bảo sự đồng lòng trong nội bộ, sự rõ ràng trong giao tiếp và kiểm soát rủi ro về mặt danh tiếng.

Vấn đề đầu tiên là thống nhất quan điểm đội ngũ nhân sự nội bộ. Sự bất nhất gây ra nhiều rủi ro trong việc thực hiện các hoạt động CSR. Do đó, ngay từ đầu doanh nghiệp cần dung hoà và thuyết phục các luồng ý kiến khác nhau để có sự đồng thuận trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ chương trình trách nhiệm xã hội nào. Ví dụ như chương trình đồng hành và chia sẻ trong mùa dịch, nhờ sự thống nhất mục đích phi lợi nhuận ngay từ đầu nên khi gặp vấn đề về tài chính, các bên liên quan đều chủ động kiểm soát rủi ro, phân bổ lại ngân sách, tránh được những mâu thuẫn nội bộ không đáng có trong thời điểm căng thẳng. 

Bản chất CSR như con dao hai lưỡi. Nếu doanh nghiệp làm không khéo thì sẽ khó kiểm soát được sự rủi ro về danh tiếng.

Vấn đề thứ hai là duy trì việc truyền thông nội bộ nhất quán cho các hoạt động CSR. Khi chương trình kéo dài lâu, nhân sự nội bộ dễ bị quên hoặc nhầm lẫn nội dung hoạt động. Để tránh tình trạng đó, công ty cần đảm bảo giao tiếp rõ ràng và liền mạch với nhân sự nội bộ nói chung và đội ngũ trực tiếp thực hiện chương trình nói riêng.

Vấn đề cuối cùng và cũng thường gặp nhất là kiểm soát rủi ro về danh tiếng doanh nghiệp. Danh tiếng công ty dễ bị ảnh hưởng tiêu cực khi thiếu kế hoạch bài bản. Bản chất CSR như con dao hai lưỡi. Ranh giới giữa hoạt động CSR thực sự và hoạt động CSR để PR rất là mong manh. Nếu doanh nghiệp làm không khéo thì sẽ khó kiểm soát được sự rủi ro này. Một chiến dịch CSR thiếu kế hoạch bài bản và thực hiện một cách tuỳ hứng, không xuyên suốt sẽ khiến cộng đồng đặt câu hỏi: “Liệu chương trình này là hoạt động thật tâm hay chỉ mang tính chất PR trá hình?”. Hoặc những doanh nghiệp làm CSR một nhưng truyền thông quá đà lên tới mười thì cũng dễ nhận được phản hồi tiêu cực của cộng đồng.

* Vậy liệu doanh nghiệp SME có thu lại được hiệu quả gì cụ thể khi triển khai các hoạt động CSR không? 

Nhìn ngay trước mắt thì khó có thể thấy được hiệu quả tức thì cho doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài thì CSR có thể mang lại nhiều giá trị. 

Khi đã có “cần câu”, họ có thể tiếp tục “câu cá” chứ không cần chờ đợi những “con cá” từ các doanh nghiệp.

Trước hết, đó là giá trị tinh thần cho đội ngũ đang làm việc trong công ty. Sau mỗi hoạt động CSR, tính gắn kết với tổ chức ở mỗi cá nhân ngày càng tăng lên. Qua các chương trình trong tâm dịch, tôi nhìn thấy sự đồng lòng hỗ trợ cộng đồng ở đội ngũ nhân sự của mình, mặc cho nhiều quan điểm khác biệt. 

Một giá trị khác mà Di Động Việt rất quý đó là sự công nhận của cộng đồng. Trước đây, cộng đồng chưa thấy được rõ các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của công ty. Nhưng sau các chương trình thành công vừa qua, cộng đồng đã phần nào ghi nhận sự quan tâm và trách nhiệm xã hội của chúng tôi đối với họ. Đồng thời, Di Động Việt cũng thành công lan toả giá trị tích cực, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác cùng chung tay hỗ trợ cộng đồng trong thời điểm khó khăn. Đó là một giá trị tinh thần rất đáng quý và động viên đội ngũ của chúng tôi rất nhiều.

Ngoài giá trị về mặt tinh thần, các hoạt động trách nhiệm xã hội cũng mang lại giá trị về mặt kinh doanh khi được triển khai một cách bài bản và xuyên suốt. Chương trình Thu cũ đổi mới là một minh chứng cho điều đó. Sau mỗi năm thực hiện, Di Động Việt vun đắp một lượng khách hàng quay trở lại ổn định. Vì trong quá trình tư vấn bán hàng, chúng tôi đã giúp họ làm rõ những vấn đề như: khi có mẫu điện thoại mới, nếu khách hàng có nhu cầu muốn đổi, thì Di Động Việt sẽ thu lại với mức giá là bao nhiêu? Họ cần chuẩn bị thêm ngân sách bao nhiêu để sở hữu sản phẩm mới... Chính nhờ điều này mà mỗi năm chúng tôi xây dựng được một nhóm khách hàng trung thành với doanh nghiệp. 

* Cảm ơn ông vì những chia sẻ trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam