Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng thời đại số: Hiệu quả ra sao, ứng dụng thế nào?

Trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng thời đại số: Hiệu quả ra sao, ứng dụng thế nào?

Báo cáo công bố năm 2020 của The Sage Group cho thấy 24% doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động tuyển dụng, 56% nhà điều hành có kế hoạch tích hợp AI trong chiến lược nhân sự vào năm 2021. Theo dự báo của GlobalData, tổng doanh thu toàn cầu từ các nền tảng AI sẽ vượt mốc 52 tỉ USD năm 2024.

Những số liệu trên đây chỉ là một phần nhỏ trong nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của AI trong hơn nửa thập kỷ qua đối với lĩnh vực nhân sự – ngành nghề vốn được vận hành chủ yếu bởi tư duy và sự thấu cảm của con người.

Thử tưởng tượng, một ngày bạn ứng tuyển vào công ty truyền thông danh tiếng, người tiếp nhận, đánh giá hồ sơ và trao đổi với bạn là Ms. AI với ngoại hình bắt mắt cùng khả năng tương tác tự nhiên, duyên dáng không kém người thật.

Đây là kịch bản được bà Nguyễn Diệu Cầm, Tổng Giám đốc T&A Ogilvy đặt ra tại hội thảo trực tuyến “Ứng dụng A.I trong tuyển dụng” ngày 13/10/2021. Vận hành doanh nghiệp truyền thông với phương châm không ngừng cải tiến, mang đến những giải pháp sáng tạo công nghệ cho khách hàng, bà Diệu Cầm hiểu rõ tầm quan trọng của AI đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng. Đối với bà, A.I chính là “hiện thực mới" của ngành nhân sự.

A.I chính là “hiện thực mới" của ngành nhân sự.

Để chuyên gia HR được rảnh tay, tập trung vào tư vấn cho lãnh đạo

AI giúp tinh gọn quá trình tuyển dụng, từ sàng lọc hồ sợ, đặt lịch hẹn phỏng vấn đến cập nhật thông tin, lưu trữ dữ liệu. Nhờ tận dụng những ưu thế của AI, chuyên gia tuyển dụng có thể “mua” được sự nhàn rỗi, bớt việc giấy tờ, hành chính nặng nhọc. Theo báo JDN, một nghiên cứu của văn phòng tuyển dụng Robert Walters, AI giúp tiết kiệm 41% thời gian các nhà tuyển dụng.

Vượt trên bộ nhớ khổng lồ với khả năng xử lý thông tin, AI còn trở thành “cánh tay đắc lực” giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu trong truyền thông tuyển dụng. Để thấy AI có thể khuếch tán tầm ảnh hưởng của thương hiệu như thế nào, hãy lấy chiến dịch Tóc Tiên Head vào mùa hè 2020 làm ví dụ. Đội ngũ Creative Technologist của T&A Ogilvy, đã ứng dụng machine learning (học máy) để tạo ra phiên bản AI của nữ ca sĩ Tóc Tiên với khả năng sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp trên mạng xã hội giống đến 95% so với bản gốc. Tóc Tiên AI đã đem về cho nhãn hàng Clear hơn 1,1 triệu tương tác và hơn 53% thảo luận tích cực trên khắp các mặt trận truyền thông.

Đội ngũ Creative Technologist của T&A Ogilvy, đã ứng dụng machine learning  để tạo ra phiên bản AI của nữ ca sĩ Tóc Tiên

Theo bà Diệu Cầm, nếu biết cách vận dụng tốt, có kế hoạch triển khai bài bản, và sự tham gia của đội ngũ chuyên nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thấy được những chỉ số ấn tượng trong hoạt động tuyển dụng. 

“Nhà tuyển dụng Ms. AI có thể giúp doanh nghiệp củng cố uy tín thương hiệu một cách chuyên nghiệp và bền vững. Nhờ khả năng trò chuyện tự nhiên thông qua các cuộc đối thoại được cá nhân hoá, Ms. AI sẽ thay doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ tích cực với người ứng tuyển”, bà Cầm chia sẻ thêm. “Cốt lõi của hoạt động nhân sự nằm ở đối thoại hai chiều giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Nhu cầu tuyển dụng cao đột ngột đòi hỏi khả năng đối thoại quy mô lớn, được cá nhân hoá, tự động hoá, khiến con người cần sự hỗ trợ của máy học. Chuyên viên HR muốn tập trung vào công tác quản lý, tư vấn kinh doanh thay vì ngập trong núi việc hành chính hàng ngày, có thể tìm đến AI. AI giải quyết được bài toán đối thoại tự nhiên với hàng trăm người một ngày, hàng ngàn ứng viên một tháng, và giúp tự động hoá quy trình tuyển dụng”.

Trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng thời đại số: Hiệu quả ra sao, ứng dụng thế nào?

Bà Nguyễn Diệu Cầm, Tổng Giám đốc T&A Ogilvy

Tuyển dụng A.I: Làm sao để đạt hiệu quả?

Sự bùng nổ của công nghệ A.I sớm đã lọt vào “mắt xanh” của những nhà tuyển dụng tại Việt Nam. Cùng với cơn bão 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi ngành nghề, nhu cầu của doanh nghiệp đối với chuyển đổi số cũng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực tuyển dụng.

“Gần 2 năm đương đầu với đại dịch đã giúp các nhà quản trị tại Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của kênh truyền thông đối thoại và hình ảnh thương hiệu trong hoạt động tuyển dụng. Không chỉ giúp doanh nghiệp ‘gỡ nút’ những thách thức trước mắt liên quan đến quy trình tuyển dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn khẳng định năng lực thích nghi, tầm nhìn dài hạn và tư tưởng cấp tiến của những nhà quản trị”, Tổng Giám đốc T&A Ogilvy nhận định tại buổi hội thảo trực tuyến.

Trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng thời đại số: Hiệu quả ra sao, ứng dụng thế nào?

Một kế hoạch triển khai bài bản và đúng nhu cầu cốt lõi sẽ là bước đầu để việc tích hợp AI vào hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp sớm gặt “quả ngọt”. 

Theo đó, với nhóm tuyển dụng lao động phổ thông, khối lượng tuyển dụng lớn, tỷ lệ chuyển đổi cao, thời gian sử dụng ngắn, các giải pháp AI cần tập trung giải quyết nhu cầu tự động hoá, bao gồm: Đánh giá và kiểm tra lý lịch; Chấm điểm và sàng lọc hồ sơ; Tương tác và trò chuyện với ứng viên 24/7. 

Với nhóm lao động tuyển dụng chuyên môn, cần tích hợp AI để tăng khả năng tương tác với ứng viên thông qua các cuộc đối thoại nghề nghiệp được cá nhân hoá, nhờ đó xây dựng quan hệ tích cực, và đảm bảo tuyển chọn được nhân sự chất lượng, phù hợp nhất với doanh nghiệp.

Tiềm năng của AI gần như “phủ sóng” mọi khía cạnh của hoạt động nhân sự, hỗ trợ đắc lực trong mọi khâu vận hành. Kết hợp hiệu quả giữa sự linh hoạt của con người và độ chính xác của trí tuệ nhân tạo sẽ là công thức hoàn chỉnh quyết định sự chuyển mình của ngành nhân sự trong tương lai gần.

* Nguồn: T&A Ogilvy