Câu chuyện thương hiệu Biti’s và Những lời xin lỗi

Ngày 12/10 vừa qua, trên Fanpage chính thức của Biti’s Hunter đã có bài đăng “Lời xin lỗi của Biti’s Hunter” và nhận được hơn 35k lượt tương tác. Có thể thấy Biti’s đã vô cùng nhạy bén và chuyên nghiệp trong cách xử lý khủng hoảng cho thương hiệu con của mình. Đây có thể xem là một trường hợp tiêu biểu trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ nó.

Biti’s và sự bùng nổ ngày trở lại

Biti’s được thành lập năm 1982 và là thương hiệu giày dép gắn liền với thế hệ 7x, 8x, 9x đời đầu Việt Nam. Tại thời điểm này, thương hiệu Biti’s gắn liền với chất lượng sản phẩm, khi người ta nhắc đến giày dép Biti’s sẽ nói ngay đến độ bền. Nhưng khi thị trường bắt đầu có những sự thay đổi vào những năm 2000, các thương hiệu giày dép quốc tế bắt đầu gia nhập vào Việt Nam làm cho sự phát triển của thương hiệu Biti’s chậm lại.

Tưởng chừng như thương hiệu này đã dần bị quên lãng thì vào năm 2017, Biti’s đã thật sự bùng nổ khi tái định vị thương hiệu của mình bằng dòng sản phẩm mới: Biti’s Hunter. Trong giai đoạn gần Tết lại xuất hiện một thương hiệu không phải là quà tặng, là bánh kẹo mà là về giày dép lại được giới trẻ Việt quan tâm vô cùng. Những nhà tiếp thị thương hiệu của Biti’s đã sử dụng đại sứ thương hiệu là những KOL để tạo sức mạnh cho chiến dịch và họ đã thành công. Chỉ trong vòng 10 ngày, cái tên Biti’s Hunter đã nổi như cồn và được rất nhiều bạn trẻ săn đón. Điều này cho thấy tỷ lệ chuyển đổi của thương hiệu vô cùng cao. Thương hiệu Biti’s chính thức trở lại với phân khúc thị trường mới và màn trở lại này đã thật sự bùng nổ.

Sản phẩm Biti's Hunter trong chiến dịch quảng bá cùng KOL

Biti’s và hành trình tái định vị thương hiệu

Một trong những lí do mà Biti’s quyết định tái định vị thương hiệu của mình chính là “tái định vị thị trường”. Hay nói một cách đơn giản, hơn ai hết Biti’s nhìn thấy rằng những sản phẩm của họ đã “lỗi thời” trong mắt khách hàng. Khách hàng mục tiêu của họ trong tương lai sẽ là những thế hệ trẻ, thuộc gen Z, nếu như không thay đổi, có thể thương hiệu Biti’s sẽ dần mất đi chỗ đứng của mình.

Với một thương hiệu lâu năm như Biti’s quyết định tái định vị thương hiệu là việc không nhỏ. Họ cần đảm bảo được giá trị cốt lõi mà thương hiệu vốn có đồng thời có những thay đổi để phù hợp với xu hướng. Để làm được điều này, Biti’s đã nghiên cứu về khách hàng mục tiêu của mình vô cùng kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức tiếp cận và xây dựng những chiến dịch phù hợp. Có thể thấy Digital là phương tiện truyền thông chủ yếu được Biti’s sử dụng đến thời điểm hiện tại và duy trì được hiệu quả. Bên cạnh đó, Biti’s đã tạo ra giá trị “thương hiệu cảm xúc” cực mạnh và họ cũng duy trì việc này trong nhiều tình huống.

Chiến dịch tiếp thị cho thương hiệu con Biti’s Hunter có thể gọi là “đúng người, đúng thời điểm”,  hiệu ứng của nó thì đã quá rõ ràng và Biti’s đã tận dụng được hiệu ứng để tạo được độ phủ rộng cho thương hiệu rất tốt. Khi đã xác định được đối tượng khách hàng, cách thức tiếp cận thì lúc này các nhà tiếp thị thương hiệu chỉ còn chờ “gió Đông” để góp thành “bão” mà thôi. Điều này rất quan trọng và cũng quyết định sự thành công trong việc tái định vị thương hiệu, chiến dịch phải đủ mạnh và đủ rộng để tạo độ phủ và duy trì nó.

Hành trình tái định vị thương hiệu với Biti’s Hunter đã thành công nhờ vào tích hợp nhiều cơn “Gió” tạo thành “Bão”

Đằng sau những lời xin lỗi của Biti’s

Khủng hoảng thương hiệu là một phần phải đối mặt với những nhà tiếp thị. Trong việc quản lý thương hiệu của mình, Biti’s cũng đã không dưới một lần đã phải xử lý vấn đề này. Năm 2018, MV “Chuyến đi của thanh xuân” đã vấp phải những tranh luận trái chiều và Biti’s Hunter đã nhanh chóng có lời xin lỗi. Ngày 12/10 vừa qua, một lần nữa cộng đồng mạng nhận được lời xin lỗi từ thương hiệu này về vấn đề liên quan đến chất liệu làm sản phẩm. Ở đây chúng ta không bàn luận về vấn đề Biti’s đúng hay sai trong những trường hợp trên, là những người làm tiếp thị thương hiệu, chúng ta thấy được cách mà Biti’s xử lý khủng hoảng.

Những nhà tiếp thị thương hiệu của Biti’s họ dường như đang lắng nghe khách hàng của mình 24/24 và rất nhanh nhạy khi thấy dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. Trong một cuộc khủng hoảng thương hiệu, đánh giá tình hình, lắng nghe khách hàng, lựa chọn câu trả lời và phản ứng nhanh nhẹn là những yếu tố quan trọng để xử lý vấn đề. Hơn ai hết, chúng ta đều biết nếu không xử lý những cuộc khủng hoảng thương hiệu thì những điều tồi tệ gì có thể xảy ra, thậm chí sẽ khó lòng mà cứu vãn được.

Cách Biti's xử lý khủng hoảng của thương hiệu con

Biti’s đã phát triển chiến dịch thương hiệu cảm xúc của mình bằng phương tiện Digital và hơn bất kì ai họ biết được hiệu ứng mạnh mẽ của nó. Nếu như không xử lý nhanh nhẹn và đúng mực, cũng chính phương tiện này có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực ngoài tầm kiểm soát lên thương hiệu Biti’s lẫn Biti’s Hunter. Để bảo vệ thương hiệu hay nói cách khác là giảm thiểu rủi ro, Biti’s đã nhanh chóng phản hồi. Điểm chung khi xử lý những “sự cố” của Biti’s là họ lựa chọn ngay việc xin lỗi và cũng nêu rõ cách khắc phục của mình trước khi dư luận tiêu cực hơn.

Sự xây dựng thương hiệu, rồi cách tái định vị thương hiệu và xử lý khủng hoảng của một thương hiệu Việt mang lại khá nhiều giá trị cho những nhà tiếp thị. Không hẳn đây là chiến lược xuất sắc nhất, nhưng đây lại là chiến lược tiêu biểu mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được sự thay đổi tích cực của nó theo thời gian cũng như có được những bài học cho riêng mình. Xây dựng thương hiệu là một hành trình dài và phức tạp, nó đòi hỏi sự duy trì của những chuỗi hành động đúng đắn, một trong số đó là cách chúng ta quan sát xu hướng, thấu hiểu và lắng nghe khách hàng của mình. Vì làm thương hiệu cho cùng chính là chúng ta “làm quen” rồi "làm thân" với khách hàng của mình.