Marketer Le Vu
Le Vu

Managing Partner @ FB Academy

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Trước năm 2019, Việt Nam là một địa điểm lý tưởng trong khu vực Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh ẩm thực nhờ nền chính trị ổn định, điều kiện kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Do đó, Việt Nam đã trở thành mục tiêu của nhiều ông lớn ngành thực phẩm và đồ uống với tư cách là một thị trường năng động ở Đông Nam Á. Và thực tế là McDonald's, Starbucks, KFC, Burger King, Pizza Hut, Loteria và nhiều thương hiệu khác trên thị trường của các ông trùm ẩm thực trên thế giới, tất cả đều có mặt tại các thành phố lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, qua 02 năm vừa qua của đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thử thách cho các ông lớn lẫn doanh nghiệp SMEs đang đầu tư F&B tại thị trường Việt Nam.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Các nghiên cứu thị trường được thực hiện từ năm 2019 chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trẻ, xu hướng hưởng thụ dịch vụ ẩm thực tăng cao, đã và đang trở thành một thị trường tiềm năng lớn của ngành F&B. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà còn cả các đại gia nước ngoài. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm trong giai đoạn 2014 - 2019.

Rất nhiều Nhà Đầu Tư bắt đầu đón sóng trong giai đoạn này vì ăn uống là nhu cầu căn bản của con người và đây là giai đoạn có cơ hội phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng đã dẫn đến nhiều rào cản nhất định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ ngành F&B Việt Nam nói chung.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Sự thiếu hụt nhân lực

Tốc độ mở nhà hàng ở Việt Nam quá nhanh, khiến nguồn nhân lực của ngành trở nên khan hiếm. Trước đây, khi các doanh nghiệp ngành nhà hàng khách sạn tuyển dụng, các doanh nghiệp thường yêu cầu nhiều tiêu chuẩn, kiểm tra rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, bắt đầu khoảng từ năm 2015, họ chỉ cần tuyển đủ số lượng nhân viên là được.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở Việt Nam dồi dào nhưng còn hạn chế về văn hóa, tác phong và kỹ năng đòi hỏi người sử dụng lao động phải mất nhiều chi phí cho giải pháp tuyển dụng, đào tạo, khai thác và sử dụng phù hợp. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp đã cắt bỏ các quy định về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...do muốn tiết gỉam chi phí nhân công dẫn đến hệ luỵ người lao động không xem ngành F&B là một ngành nghề chính thống và muốn gắn bó lâu dài.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Vấn đề phát triển thương hiệu

Bài toán phát triển thương hiệu F&B cũng rất nan giải. Qua tìm hiểu thì có 70% doanh nghiệp không đăng ký thương hiệu ở Cục Sở Hữu Trí Tuệ sau nhiều năm hoạt động hoặc nếu có đăng ký thì cũng bị trả lại hồ sơ sau 24 tháng vì vi phạm một số nguyên tắc của đăng ký thương hiệu. Một thương hiệu có nhiều giá trị hơn có thể huy động được nhiều vốn hơn, nhưng để làm được như vậy, nó cần phải mở rộng số lượng cửa hàng một cách nhanh chóng và hình thức được lựa chọn thường là nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, thách thức của nhượng quyền ở Việt Nam có thể thấy rõ, đó là phải xây dựng các bộ quy trình vận hành chuẩn ngay từ ban đầu, phải bảo đảm tính "consistency" của sản phẩm và dịch vụ và để làm được điều này cần phải có rất nhiều vốn để đầu tư vào nhân lực và cơ sở vật chất. Ở Việt Nam, việc cùng một thương hiệu nhưng chất lượng sản phẩm và dịch vụ khác nhau giữa các địa điểm kinh doanh khác nhau là điều thường thấy.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Sự khác nhau của khẩu vị ẩm thực

Việt Nam là quốc gia có diện tích lớn về chiều dài và hẹp về chiều rộng dẫn đến sự phân bố dân cư rải rác và có nhiều khẩu vị ẩm thực khác nhau. Sản phẩm F&B muốn thành công phải phù hợp với sở thích và khẩu vị của khách hàng vẫn là yếu tố cốt lõi, là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của một thương hiệu F&B và vì vấn đề khẩu vị được quan tâm hàng đầu nên ở Việt Nam rất ít chuỗi ẩm thực món Việt mạnh có thể phủ sóng toàn quốc.

Các thương hiệu ẩm thực hàng đầu thế giới mang đến Việt Nam những sản phẩm bắt mắt, mới lạ, đặc trưng của ẩm thực phương Tây. Tuy nhiên, đa số người Việt vẫn chưa thực sự đón đầu xu hướng ẩm thực mới này, bởi văn hóa ẩm thực Á Đông đã ăn sâu vào tâm trí của tất cả chúng ta với gia vị phụ thuộc vào chất điều vị là chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp F&B nếu không đạt được độ phủ rộng sẽ rất dễ thua lỗ.

Vì vậy, khi sức mua chưa đủ lớn, thị trường quá nhỏ thì việc các thương hiệu ẩm thực quốc tế lẫn Việt Nam gặp khó là điều đương nhiên.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Phong trào startup ẩm thực nhiều về số lượng nhưng ít về chất lượng

Ngành F&B có ít rào cản gia nhập nhưng tốc độ đào thải rất nhanh nên vẫn là thách thức cho các startup muốn chinh phục. Người Việt luôn sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ ăn uống mới nhưng có thể sẽ nhanh chán. Để duy trì doanh thu và doanh nghiệp của mình, doanh nghiệp phải luôn linh hoạt trong việc phát triển giá trị cốt lõi của ngành là sản phẩm và dịch vụ.

Ngoài ra các startup thường không thể đối phó với nhiều rủi ro của tảng băng chìm của ngành F&B như:

  • Giá thuê mặt bằng tại các vị trí đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội khá cao.

  • Thời gian thuê không dài (và cũng không dám thuê dài)

  • Nhân viên hiếm khi coi phục vụ trong nhà hàng là một nghề nghiêm túc.

  • Chi phí vận hành cao nhưng thiếu nhân lực về tài chính và quản trị để kiểm soát.

Thức tế thị trường cho thấy không phải đợi tới khi đại dịch COVID-19 diễn ra mà trước đó đã có nhiều thương hiệu và doanh nghiệp lớn nhỏ đã rời khỏi thị trường. Và sau 02 năm hoành hành bởi con virus corona này chỉ làm chúng ta thấy rõ mức độ trầm trọng hơn của vấn đề khó khăn để trụ vững tại thị trường Việt Nam của ngành F&B.

Ngành F&B Việt Nam rất khó phát triển

Tóm lại, ngành F&B là một ngành tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Đặc biệt là việc vận hành kinh doanh tại thị trường Việt Nam - một thị trường mới nổi, cần có thời gian tiếp cận đủ dài với chiến lược rõ ràng, hiệu quả và để đi đường dài thì điều cốt lõi vẫn là tài chính.