Marketer Brandsketer Việt Nam
Brandsketer Việt Nam

Admin @ Brandsketer Việt Nam

Marketing là gì có phải Digital không? Bắt đầu với digital nên bắt đầu từ đâu

Nhiều người rất hay hiểu nhầm digital là marekting, thực tế ra digital chỉ là một trong những phần rất nhỏ của marketing mà thôi, mọi người thường sẽ hiểu rằng marketing là chạy quảng cáo Facebook, Google đúng không? Thực ra mọi người hiểu nhầm cũng đúng thôi, từ khoảng năm 2014 – 2015 cho tới nay là khoảng thời gian mà digital bắt đầu trở thành một xu thế, từ đó kéo theo một trào lưu đó là khởi nghiệp, thực ra gọi đúng hơn là kinh doanh tự do, kinh doanh online, nhà nhà, người người, livestream, làm web, nhập hàng China về chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó bắt đầu kéo theo rất nhiều các nhà cung cấp nổi lên như nấm.

Vậy thực tế, marketing là gì, tại sao mọi người cần phải định nghĩa rõ vấn đề này, bởi lẽ mặt trái từ cái việc hiểu nhầm đó sẽ mang đến hậu quả khá là khôn lường, dễ nhận thấy nhất đó là chọn sai nhà cung cấp dịch vụ, rồi hiệu quả không ra như mong đợi và tiền mất tật mang là chuyện rất thường hay xảy ra, xíu nữa ta sẽ nói rõ hơn cái hệ luỵ này nhé.

Chúng ta sẽ không định nghĩa theo sách vở nha, nói 1 cách phổ thông để cho dễ hiểu nhất thì marketing nói chung “là tổng hợp các công việc quản trị thương hiệu, giúp cho thương hiệu đó truyền thông được giá trị sản phẩm/dịch vụ đúng định vị ban đầu đến với người tiêu dùng, một cách ngắn gọn nhất, nhanh nhất, tiết kiệm nhất, mục đích là để người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm có lợi cho nhãn hàng, từ đó giúp bán được hàng và gia tăng thị phần lợi nhuận được nhiều hơn sau mỗi đợt chiến dịch.” Marketing sẽ bao gồm các hoạt động như sau :

1. Thực thi ngoài thị trường : Chạy TVC trên truyền hình, gameshow, tổ chức sự kiện, Pr, tổ chức gian hàng dùng thử tại điểm bán…

2. Quảng cáo và truyền thông : Treo standee, banner, video quảng cáo trên xa lộ, toà nhà, trên báo giấy, quán café, trung tâm thương mại hoặc các vị trí quảng cáo trên các nền tảng internet như báo mạng, Youtube, Facebook, Tiktok…(Gọi chung là digital – quảng có kỹ thuật số)

3. Kế hoạch Marketing : Là thứ được xây dựng hàng năm, hàng quý, hàng kỳ về việc sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền cho hoạt động quảng cáo, với chừng ấy ngân sách sẽ hiển thị quảng cáo ở đâu, ý tưởng là gì, thuê nghệ sĩ/ca sĩ nào làm đại diện truyền thông, họ sẽ nói thông điệp gì, sẽ hiển thị quảng cáo cho bao nhiêu người, dự tính doanh thu bao nhiêu, trong bao nhiêu giai đoạn, để không lãng phí chi phí được rót xuống

4. Chiến lược thương hiệu : Dựa trên kế hoạch marketing trên, sẽ quyết định đưa thương hiệu đi đúng định vị, đúng tầm nhìn ban đầu được vạch ra, ví dụ khi Samsung đã định vị dòng S và dòng Note là dòng cao cấp của hãng, thì các đợt truyền thông và câu chuyện kể trong quảng cáo phải luôn bám sát mục tiêu và nhắc đến người dùng rằng “S hoặc Note là 2 dòng máy dành cho người dùng chuyên nghiệp, cao cấp, dành cho ông chủ hoặc đối tượng thượng lưu”, sau đó trong chiến lược giá bán sẽ định vị 2 dòng sản phẩm đó phải bán, với giá khởi điểm là bao nhiêu không được phép thấp hơn các dòng tầm trung khác, giá bán chỉ phù hợp với GDP của tầng lớp thu nhập trung bình khá hoặc khá trở lên, trong hình ảnh hay video quảng cáo, diễn viên cũng phải sang trọng, toát ra khí chất giàu có, là người có điều kiện như là doanh nhân, nhà đầu tư chẳng hạn vậy.

5. Kiến trúc thương hiệu : Thông thường nó chỉ xuất hiện khi nhiều công ty sát nhập lại với nhau, công ty mới thành lập, hoặc công ty mẹ đẻ thêm các thương hiệu con, chẳng hạn như Xiaomi thì có các thương hiệu con khác của robot hút bụi như Dreame, Roborock…Mặc dù mỗi thằng có logo và nhận diện thương hiệu riêng, nhưng sứ mệnh, văn hoá, bản sắc, tầm nhìn, cốt lõi thương hiệu đều là như nhau

6. Định vị thương hiệu : Như trên mình đã nói, khi khai sinh ra một sản phẩm, dịch vụ nào đó, chúng ta đã phải định vị và biết rằng sản phẩm này dành cho ai, đối tượng là phân khúc nào trong xã hội, nam hay nữ, dành cho người Châu Á, hay Châu Âu, dành cho ông chủ hay người dùng phổ thông để từ đó khi lên chiến lược thương hiệu có thể bám sát như một cái kim chỉ nam

Đó, đó là những hoạt động của Marketing, tại sao mình phải nói điều này với bạn, bạn phải mật thiết hiểu điều này thưa bạn, để sau này bạn hiểu đúng và thuê đúng người, mình có rất nhiều người quen và khách hàng, ông chủ nhỏ có, ông chủ lớn có, nhưng xưa giờ chỉ kinh doanh truyền thống theo hướng “face to face”, cũng mới tiếp cận đến quảng cáo nên rất hay hiểu nhầm kiểu như là “làm website xong thì mặc định sẽ có khách hàng tìm tới và bán được rất nhiều hàng, lập fanpage rồi bỏ tiền chạy quảng cáo là được, hoặc cứ lên top 1 Google thì kiểu gì cũng sẽ hốt bạc” cũng vì cái suy nghĩ này, anh/chị ấy lại dễ bị lừa bởi mấy công ty thiết kế web, hay là mấy cá nhân thầy/bà tự xưng, thiết kế website xong đảm bảo lên top, tăng like, tăng follow sẽ bán được hàng, chạy quảng cáo cam kết đơn hàng, doanh thu, nhưng cuối cùng thì chỉ có tiền mất tật mang.

Bây giờ thì chúng ta sẽ nói sang digital, xu hướng kinh doanh online gần như không thể thiếu trong những năm gần lại đây. Digital chỉ là một cái tên gọi mỹ miều cho cụm từ “công cụ phân phối quảng cáo trên internet” mà thôi, không hơn không kém, bạn biết chạy quảng cáo, biết sử dụng trình quản lý quảng cáo của Google, Facebook, Zalo, Tiktok, hay nhiều nền tảng khác, nhưng bạn cứ thử nghỉ đi, bạn có một sản phẩm A, bạn nghĩ rằng nó tốt, bạn mang lên FB để chạy quảng cáo, trả tiền cho nó mỗi ngày vài trăm đến 1 triệu, trong trình quản lý quảng cáo nó cho phép bạn nhắm đến các đối tượng như nam/nữ, 18 – 30 tuổi, sở thích là mỹ phẩm, bất động sản…v..v, nhưng chạy hoài cả tháng khách hàng thì lèo tèo chả thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra, nếu không có kinh nghiệm, bạn sẽ không hiểu lý do và rất dễ bế tắc và rồi cho rằng Facebook không hiệu quả, tiếp tục cố đấm ăn xôi, bỏ tiền chạy thêm trên nền tảng khác và rồi lịch sử tiếp tục lặp lại cho đến khi phá sản.

Hãy thử làm một phép thử nhé, vào một ngày đẹp trời bạn thấy cô nàng trong mơ của mình, bạn tiếp cận ngay lập tức và mong muốn trở thành ý chung nhân, bạn hồ hởi, vồn vã, xuất hiện liên tục và cứ nghĩ rằng “đẹp trai không bằng chai mặt” nhưng sau một khoảng thời gian, cô ấy nói rằng bạn đang làm phiền cô ấy, xin hãy tránh xa khỏi cuộc đời tôi. Bạn biết vì sao bạn thất bại không, có 2 vấn đề :

1. Bạn không biết, cũng như không hiểu gì về hành vi, tâm lý của đối tượng, cũng từ đó bạn chỉ đang bán cái “bạn nghĩ rằng là” tốt với mình cũng sẽ tốt với cô ấy, nhưng thực tế thì ngược lại.

2. “Tốt sơn cũng quan trọng như tốt gỗ” : Xin lỗi bạn, ngoài kia tới hàng trăm con ong muốn hút mật một bông hoa, như cách mà hàng trăm sản phẩm trên kệ ngoài siêu thị, đang ra rả mời chào rằng hãy mua tôi đi, với bao màu sắc sặc sỡ, đẹp đẽ hết mức có thể, để cho người tiêu dùng phải để ý tới, cũng như vậy hàng ngày người dùng trên Youtube, Facebook phải nhìn và xem hàng trăm, hàng ngàn mẫu quảng cáo khác nhau, thử hỏi nếu không có một hình ảnh và 1 câu slogan phù hợp, thì làm sao bạn có được sự chú ý của ai đó mà ai cũng biết là ai đó đây

Nào bạn đã bắt đầu nhận ra vấn đề chưa, trong quá trình làm marketing của Hoàng, Hoàng còn thấy rất nhiều các anh/chị vẫn bị cái tình trạng khi làm quảng cáo “nghĩ rằng là”, thực ra không ai giống ai cả, mỗi đối tượng tiêu dùng, mỗi khu vực, vùng miền lại có một tính cách tiêu dùng cũng như tiêu thụ nội dung hoàn toàn khác nhau, chẳng ngẫu nhiên mà lại có cả một khoa “tâm lý học” trong mọi trường đại học đúng không nào.  Ngoài lề 1 tý xíu, nếu bạn không nhận ra được điều này, trong cuộc sống bạn rất dễ rơi vào cái trạng thái “tôi là trung tâm, mọi ý kiến từ trải nghiệm của tôi là đúng còn người khác là sai”, điển hình nhất là rơi vào tranh cãi vô bổ ở trên mạng, hỏi thật, cãi nhau thắng rồi sao, bạn được gì? Hay sự hả hê nó chỉ càng làm bạn hung hăng hơn mà thôi, đúng không?

Quay trở lại với vấn đề, có lẽ tới đây, mọi người đã bắt đầu lơ mơ hiểu rằng để làm quảng cáo nói chung và digital trên mạng xã hội nói riêng không phải cứ sản phẩm tốt là được, mà còn kéo theo đó là cả một chiến lược to đùng đằng sau đúng không. Thực ra 6 công việc của marketing tổng thể bên trên không nhất thiết phải áp dụng hết, tuỳ theo quy mô, cơ cấu mà lược bỏ, tinh giản cho phù hợp. Nhưng nói gì thì nói, tuyệt đối không được thiếu “Kế hoạch marketing”, ngân sách to, nhỏ gì cũng đều phải có hết, vậy trả lời cho câu hỏi cuối cùng, “muốn bắt đầu với digital, bạn phải bắt đầu từ đâu” như sau :

Tìm hiểu về hành vi người tiêu dùng : Họ ở đâu, làm nghề gì, thói quen là gì, sử dụng mạng xã hội nào, online lúc nào, thích và quan tâm nội dung gì…Từ đó bạn có thể lên được ý tưởng cho nội dung, hình ảnh, video phù hợp, cái này bạn hoàn toàn có thể đọc report liên quan từ những nguồn tin cậy, miễn phí có, đến có phí đều đủ cả.

- Học cách sử dụng các công cụ quảng cáo hiệu quả : Từ trình quản lý quảng cáo, nơi dùng để phân phối quảng cáo của bạn đến người xem, thì còn phải có photoshop, phần mềm làm phim, quản trị website, đọc Google Analytics….

- Cuối cùng, kế hoạch bài bản : Phân phối và sử dụng dòng tiền ra sao, kênh nào, giai đoạn đầu thì sao, giai đoạn 2 thì sao, phải chi tiêu bao nhiêu, KPIs như thế nào cho mỗi giai đoạn…

Chà có 3 vấn đề thôi mà lại là cả 1 đại dương mênh mông, xung quanh ta toàn là nước đúng không ạ?, nếu bạn là sinh viên mới ra trường hãy chọn cho mình một agency để làm việc, nếu cố gắng chăm chỉ, thì khoảng 4 - 5 năm là bạn có thể thành thục và kỳ cựu, còn nếu bạn là khách hàng, đây là lời khuyên chân thành “hãy tự trang bị cho mình ít nhất là kiến thức digital như biết chạy, biết sử dụng trình quản lý quảng cáo của Google, Facebook, Zalo, Tiktok ở mức cơ bản, để ít ra bạn biết người mà bạn thuê đang làm cái quái gì”. Những khoá học về quảng cáo rất nhiều trên mạng, nhưng mình phải cảnh báo bạn hãy tìm hiểu thật kỹ tránh lại tiền mất tật mang.

Bài tới đây cũng dài, mong rằng nó giúp ích được cho bạn, xin chào và hẹn gặp lại trong các bài chia sẻ lần sau.

Lê Hoàng - từ Brandsketer Việt Nam