Chiến lược phát triển toàn diện của sàn thương mại điện tử Lazada
Với các chiến lược mang tính dài hạn, Lazada đã củng cố vị thế là một trong những sàn thương mại điện tử được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo khảo sát của Facebook, 81% người tiêu dùng nói rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi đại dịch bùng phát và 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục xu hướng này dù dịch bệnh có tiếp diễn hay không. Đây chính là một số liệu tích cực cho thấy việc phát triển của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt, Lazada là một thương hiệu đáng để học hỏi với các chiến lược mang tính dài hạn nhằm củng cố vị thế là một trong những sàn thương mại điện tử được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Thương mại điện tử – Những con số ấn tượng giai đoạn 2020-2021
Thương mại điện tử (TMĐT) luôn là một thị trường tiềm năng. Mặc dù cạnh tranh khốc liệt nhưng những “ông lớn” vẫn tiếp tục đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực này. Đặc biệt, trong năm qua khi đại dịch thay đổi cách cả thế giới vận hành cũng như chuyển đổi số và e-banking đã trở thành một phần không thể thiếu trong cả đời sống người tiêu dùng và thế giới kinh doanh, TMĐT toàn cầu và Việt Nam lại càng bùng nổ hơn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành trong giai đoạn 2016-2019 lên đến 30% với quy mô tăng từ 4 tỉ USD trong năm 2015 lên 11,5 tỉ USD trong năm 2019. Trong báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, chỉ trong năm 2020, TMĐT Việt Nam đã tăng 16% và đạt quy mô 14 tỉ USD. Báo cáo này cũng dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ tăng lên 29% trong giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2025 sẽ đạt mốc 52 tỉ USD. Về mặt người dùng, số lượng người dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến đã đạt 44,8 triệu người trong năm 2019.
Sở dĩ có những con số ấn tượng trên một phần là nhờ dân số trẻ của Việt Nam, những người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn. Millennials và Gen Z khá thân thuộc với việc mua sắm online và thanh toán trực tuyến. Vì vậy, bất chấp đại dịch và những thay đổi xung quanh, doanh thu trên các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn tăng mạnh.
iPrice Group và SimilarWeb đã tổng kết lượng truy cập website của các sàn TMĐT tại Đông Nam Á trong 2020 và có đến 5 doanh nghiệp Việt Nam góp mặt trong top 10 khu vực gồm Thế Giới Di Động, Tiki, Điện máy Xanh, Sendo và FPT Shop. Các công ty lớn ở top đầu vẫn là Shopee và Lazada. Bản đồ TMĐT Đông Nam Á cũng cho thấy Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia với chỉ số traffic cho website TMĐT năm 2020 của Việt Nam cao gấp 4 lần Malaysia, 3 lần Philippines và 2 lần Thái Lan. Đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều khu vực bị phong toả thì TMĐT là giải pháp mua sắm duy nhất cho mọi người. Hầu hết các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều đẩy mạnh việc thu hút và giữ chân khách hàng trên app và các nền tảng của mình.
Mặc dù phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, TMĐT vẫn còn những hạn chế như khó khăn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp, vấn đề an toàn thông tin và bảo mật cá nhân cho các giao dịch online. Vì vậy tỷ lệ gỡ cài đặt các app TMĐT tại Việt Nam cũng cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% trong quý II/2020 (iPrice Group và AppsFlyer).
Lazada chiếm vị trí top 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam
Ra mắt Việt Nam từ sớm vào năm 2012, thời điểm thị trường TMĐT vẫn còn khá mới mẻ, Lazada đã ghi được dấu ấn với chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Thời điểm đó, Lazada xuất hiện hầu hết trên các phương tiện truyền thông với các chiến dịch bán hàng quy mô lớn và những campaign từ TV, báo online, banner, social media... Sàn TMĐT này cũng rất chú trọng đến nội dung của mình với hình ảnh bắt mắt, thông điệp hấp dẫn. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn Lazada đã thu hút được nhiều người dùng.
Năm 2015 là năm chuyển mình của Lazada với việc xây dựng Marketplace và biến nền tảng này thành một sàn giao dịch điện tử đúng nghĩa. Cùng với việc mở ra sân chơi mới cho các đối tác, Lazada cũng đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn về việc kiểm tra chất lượng nguồn hàng. Nhờ vậy, Lazada đã được 1,3 tỉ USD tổng giá trị giao dịch trong năm 2015 tại 6 thị trường ở khu vực Đông Nam Á và vươn lên thành nền tảng TMĐT lớn nhất khu vực. Hiện nay, tính đến hết quý II/2021, Lazada xếp thứ 4 trên các công ty TMĐT tại Việt Nam với 20,42 triệu lượt truy cập web mỗi tháng, xếp hạng 2 trên iOS và hạng 2 trên Android.
Bài học từ những chiến lược toàn diện của Lazada
Rất nhiều chiến lược được Lazada đưa ra để từng bước củng cố vị thế của mình cũng như nâng cao trải nghiệm cho người dùng. Tháng 11/2020, Lazada bắt tay với Grab Việt Nam để tận dụng tập khách hàng của đôi bên cũng như cải thiện việc giao hàng cho Lazada với mạng lưới tài xế rộng khắp của Grab. Cùng thời gian đó, Lazada cũng hợp tác với Google để triển khai các khoá đào tạo trực tuyến cho các nhà bán hàng online giúp cải thiện doanh số bán hàng. Trong thời gian qua, Lazada cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số và kinh doanh trong hoàn cảnh đại dịch trên nền tảng TMĐT của mình với các gói hỗ trợ và chương trình training. Nhờ các chính sách kịp thời này, Lazada đã tăng gấp đôi số lượng nhà bán hàng trong thời gian qua.
Lazada cũng hỗ trợ các nhà bán hàng với các chiến dịch marketing của mình. Fanpage của Lazada thường xuyên có các minigame để thu hút khách hàng với độ tương tác cao. Cụ thể, trong quý II/2020, Lazada đã đạt 29,9 triệu lượt tương tác trên Facebook cao hơn hẳn Shopee (17,8 triệu) và Tiki (2,9 triệu). Lazada cũng kết hợp với nhiều KOLs để tạo cuộc cách mạng trong mua sắm online. Rất nhiều đại sứ thương hiệu của họ là những người nổi tiếng như Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, Lee Min Ho và gần đây nhất là diễn viên Huyn Bin.
Một chiến lược đáng chú ý khác của Lazada là Shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí. Chiến lược này giải quyết được nhu cầu giải trí và mua sắm cho người dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội nên đã thu được rất nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, Lazada livestream tăng gấp 10 lần về số lượng video, tăng 25 lần về lượt xem (đặc biệt, Lễ hội mua sắm thu hút đến 15 triệu lượt xem), số đơn hàng qua LazLive tăng 45 lần, lượt tương tác của khách hàng trên LazGame tăng 2,5 lần.
Có thể thấy để phát triển Lazada không chỉ nhìn từ góc độ của doanh nghiệp mà còn đặt mình vào vị trí của các bên liên quan từ đối tác vận chuyển, nhà bán hàng và khách hàng. Nhờ vậy, Lazada có thể ngày càng hoàn thiện nền tảng của mình cũng như củng cố vị trí của mình.
* Nguồn: Ngo Thai Hoang Tuan