Hồi phục du lịch bền vững là “tăng cường sức đề kháng” cho tương lai

Ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trải qua giai đoạn lịch sử từ tác động của đại dịch Covid. Những con số sụt giảm về lượng khách, doanh thu và hàng triệu doanh nghiệp đóng cửa liên tục được công bố. Có thể thấy du lịch là ngành “nhạy cảm”, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động, vậy nên kế hoạch hồi phục du lịch cũng cần cẩn trọng và dựa trên thực tế của điểm đến.

Tại Việt Nam, ngành du lịch đã bị đóng băng từ tháng 05/2021 đến nay. Những biến chủng mới đã làm dịch bùng phát nặng nề ở nhiều địa phương. Chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái “Zero Covid-19” sang “Living with Covid-19”, đòi hỏi ngành cần phải thay đổi, chủ động hơn để thích nghi với thực tế nhiều biến động như hiện nay.

“Có hai cách để thay đổi tình trạng hiện tại, một là chúng ta thay đổi thế giới, hai là thay đổi mình để thích nghi với thế giới. Với thực tế như hiện nay, lựa chọn số một là điều không thể”

Bảo vệ “hệ miễn dịch” nguồn cung

Trong thị trường ngành du lịch, nguồn cung và nguồn cầu đều quan trọng như nhau. Về mặt tích cực, đại dịch là cơ hội để ngành điều chỉnh và tăng trưởng một cách bền vững hơn trong tương lai. Nếu muốn có một ngành du lịch vững chắc, không còn cách nào khác là xây dựng cho cả hai thành phần cung-cầu trong thị trường đều được vững chắc.

Về phía nguồn cung bao gồm nhiều thành phần khác nhau, tùy vào mỗi địa phương mà những thành phần này cũng khác nhau. Một thực tế chúng ta có thể nhận thấy là mức độ ảnh hưởng của dịch và khả năng kiểm soát của từng điểm đến có sự khác biệt, vì vậy việc rà soát, đánh giá lại nguồn lực theo từng cấp độ, từng thành phần là việc ưu tiên hàng đầu trước khi đón du khách trở lại. Công tác này không chỉ hỗ trợ cho điểm đến biết được khả năng cung ứng hiện tại mà còn là cơ sở để chuẩn bị giải pháp hồi phục.

Để tăng thêm sự vững chắc cho nguồn cung thì liên kết đa chiều là giải pháp cốt lõi. Ngành du lịch nước ta đã phát triển mạnh mẽ trước đại dịch với những chỉ số tăng trưởng đáng mơ ước. Tuy nhiên với thực tế mới, chỉ có tăng trưởng là không đủ, sự bền vững và khả năng hồi phục nhanh chóng thì mới đủ sức ứng biến trước tình hình biến động như hiện nay và đây cũng là giải pháp chủ động mà chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Các thành phần trong nguồn cung có mặt tại điểm đến cần liên kết chặt chẽ với nhau, từng thành phần chủ động mở rộng chuỗi giá trị của mình để tăng tính linh hoạt, quản lý rủi ro tốt hơn.

“Bền vững là mục tiêu, liên kết là giải pháp”

Thúc đẩy nguồn cầu

Du lịch nội địa hiện nay được xem là yếu tố then chốt để du lịch hồi phục. Năm 2020, chúng ta đã trải qua đợt dịch đầu tiên, nhờ vào kiểm soát dịch tốt nên du lịch nội địa đã bắt đầu phục hồi vào Quý 2 trong năm, những chiến dịch giảm giá, ưu đãi được tung ra mạnh mẽ từ các điểm đến, doanh nghiệp đã tạo động lực cho khách nội địa. Nhưng khi đại dịch quay trở lại năm 2021 kèm theo những biến chủng mới một lần nữa làm ngành du lịch tê liệt. Với sự ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid năm nay, để thúc đẩy du khách thực hiện chuyến đi, giảm giá chỉ được xem là giải pháp trong ngắn hạn và cũng không là yếu tố quyết định. Theo OCED, xây dựng lại lòng tin cho du khách mới là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy nhu cầu[1].

Hồi phục du lịch bền vững là “tăng cường sức đề kháng” cho tương lai

Xây dựng lòng tin cho du khách là giải pháp thúc đẩy du lịch

Để làm được điều này, từ phía cơ quan quản lý điểm đến lẫn doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ để xây dựng giải pháp phù hợp với thực trạng của mình. Điểm đến cần xây dựng chuỗi giá trị an toàn và thông tin liên tục về tính an toàn của mình đến du khách, tạo cho du khách một không gian du lịch được bảo vệ và linh hoạt. Xây dựng bộ tiêu chí vệ sinh an toàn cho từng thành phần của điểm đến; hệ thống thông tin về y tế, sức khỏe; các chính sách hoàn hủy phù hợp là một số giải pháp mà điểm đến nên ưu tiên thực hiện để tái xây dựng lòng tin của du khách. 

Bên cạnh đó, ngành du lịch ở cấp độ địa phương cũng cần quan tâm thu hút du khách từ những nơi gần (về mặt địa lý) vì họ dễ dàng di chuyển bằng phương tiện cá nhân cũng như tận dụng khoảng thời gian cuối tuần. Vì có thể thấy, mùa du lịch hè đã qua và khả năng khách du lịch trở lại vào dịp cuối năm là không cao vì tâm lý còn e ngại. Du lịch cuối tuần, du lịch công tác sẽ là những loại hình mà điểm đến nên quan tâm ở thời điểm này.

Đại dịch Covid đã tạo ra những “cú sốc” chưa từng có trước đây đối với ngành du lịch Việt Nam, nhưng đây cũng chính là cơ hội để ngành tái cấu trúc một cách vững chắc hơn. Sẽ rất khó để phán đoán được rằng đại dịch sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai, vì vậy việc khôi phục du lịch một cách bền vững là cách mà chúng ta giảm thiểu rủi ro và tăng cường "sức đầy kháng" cho ngành để hồi phục và "khỏe mạnh" hơn trong tương lai.
 

[1] https://www.oecd.org/coronavirus/policy-responses/rebuilding-tourism-for-the-future-covid-19-policy-responses-and-recovery-bced9859/