Content On Trend #3: Chinh phục Gen Z bằng TikTok Marketing, tại sao không?
Có một sự thật rằng, TikTok ngày càng tỏ ra hiệu quả đối việc mở rộng/ tăng mức độ nhận diện thương hiệu và thậm chí thúc đẩy chuyển đổi mua hàng. Tuy nhiên, không ít marketer vẫn hoài nghi nền tảng này, vì họ cho rằng, đây chỉ đơn thuần là một nền tảng nội dung giải trí. Mặt khác, thay vì tranh luận, nhiều thương hiệu đã nhanh tay hành động bằng việc xây dựng một kênh TikTok và ngạc nhiên là, họ đã gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Cùng Novaon tìm hiểu cách làm marketing bằng TikTok của Chipotle, NBA, e.l.f. và Maybelline để chinh phục đối tượng khách hàng tiềm năng – Gen Z qua bài viết dưới đây.
TikTok đang “tiến hoá” chóng mặt
Ban đầu, TikTok được các thương hiệu coi là mảnh đất không phù hợp để quảng cáo. Nền tảng này được định vị như một cộng đồng sáng tạo và đóng góp nội dung. Đó là nơi mà một người bình thường có thể “đánh dấu” sự nổi tiếng ngắn hạn bằng những lời khuyên về sự nghiệp, các mối quan hệ, DIY, hướng dẫn trang điểm hay bày tỏ khiếu hài hước của bản thân.
Tuy nhiên, tương tự các ứng dụng mạng xã hội khác, TikTok dần được cộng đồng sáng tạo của mình biến thành “marketplace” – nơi để mua và bán mọi thứ. Đây cũng là khởi nguồn của xu hướng social commerce (thương mại trên nền tảng mạng xã hội). Tháng 8/2021, TikTok công bố hợp tác với Publicis Groupe, bày tỏ mong muốn giúp các thương hiệu tận dụng mạnh mẽ xu hướng social commerce trong chiến lược dài hạn của mình. Nền tảng này đang mở rộng mảnh đất màu mỡ cho các nhà tiếp thị. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh về nội dung sẽ rất khắc nghiệt.
TikTok – Công cụ mới trong chiến lược Marketing của thương hiệu
Thành công chính của một video TikTok phụ thuộc vào 4 yếu tố chính:
- Định dạng video: Video ngắn từ 15 giây - 1 phút gắn kèm những bản nhạc thịnh hành, được phân phối theo thuật toán của TikTok tới người có sở thích và hành vi xem phù hợp. Video có thể thu hút tương tác và sự tham gia từ cộng đồng như reaction, hợp tác, song ca (duet),...
- Âm nhạc: Các bản nhạc được sử dụng trong các video TikTok không thể phủ nhận là rất hấp dẫn, với các đoạn "hook" bắt tai được truyền tải trong thời lượng ngắn. Âm nhạc là yếu tố không nhỏ giúp các video trở nên "viral" và định hình trend trên nền tảng này.
- Chú thích: Các chú thích ngắn gọn nhưng "mặn mà" của cộng đồng người dùng là "gia vị" phụ trợ cho video.
- Thẻ hashtag: Thẻ hashtag liên quan trực tiếp đến nội dung video, có vai trò phân loại nội dung và phân phối nội dung đến đúng đối tượng tiếp cận. Hashtag là cách dễ dàng để thống kê hiệu quả chiến dịch của thương hiệu cũng như các nhà sáng tạo.
Những video có tỷ lệ được xem hết cao sẽ được phân phối tốt hơn nhờ cơ chế của thuật toán TikTok. Thống kê cho biết rằng, video có thời lượng dưới 15 giây tạo ra nhiều lượt xem hơn, vì người dùng thường sẽ xem video đó đến hết hoặc thậm chí nhiều lần.
Đọc thêm: Short-form video cùng âm nhạc bắt tai – Công thức Marketing “làm là thắng”
Gen Z – Đối tượng mục tiêu của nhãn hàng trên TikTok
Hiện nay, TikTok tại Việt Nam khá phổ biến với nhóm người dùng trẻ, chủ yếu là thế hệ Y (sinh năm 1981 – 1996) và thế hệ Z (sinh từ năm 1996 trở đi). Với những đối tượng này, cách thức marketing cũng cần có sự thay đổi để phù hợp.
Được gọi là “thế hệ YouTube”, Gen Z là những người khó tập trung quá 30 giây vào bài phát biểu bình thường, nhưng họ lại có thể lắng nghe một câu chuyện hay trong 30 phút.
Theo thống kê của Hubspot, ít nhất có đến 68% người được hỏi cho biết họ dễ dàng nhớ đến thương hiệu hay dịch vụ thông qua các clip ngắn.
Một trong những cách hiệu nghiệm để “thu phục cả trái tim và tâm hồn”, dẫn dắt Gen Z vào câu chuyện chính là sử dụng video. Các tin bài và tài liệu dưới định dạng nội dung này sẽ là công cụ hữu ích trong việc thu hút những người dùng thuộc thế hệ Z.
Lời khuyên từ các nhà quản lý mạng xã hội (social media manager) là marketer hãy thực hiện những chiến dịch mang lại lòng tin mạnh mẽ cho người tiêu dùng thông qua những định dạng thú vị với chính thế hệ của họ.
Các marketer có thể sử dụng TikTok như thế nào?
TikTok mang đến cơ hội tuyệt vời cho các marketer tiếp cận khán giả trẻ tuổi trên toàn cầu, trong một môi trường sáng tạo và vui tươi. Nhiều meme trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện từ TikTok và đây là cơ hội cho các nhãn hàng đẩy lượt đề cập thương hiệu, bằng cách đi đầu xu hướng mới.
TikTok cung cấp cho các marketer một sân chơi bình đẳng về khả năng tiếp cận và tương tác. Không giống như các mạng xã hội như Instagram hay YouTube, tài khoản TikTok dù chưa có người theo dõi vẫn có thể nhận được hàng triệu lượt xem trên một video mới, nhờ tính chất lan truyền của thuật toán. Miễn là nội dung thu hút người xem thì sự tương tác sẽ theo sau thương hiệu.
TikTok là mạng xã hội có tỷ lệ tương tác trung bình từ cộng đồng người dùng cao hơn so với các nền tảng khác (Influencer Marketing Hub, 2019). Đây là một lợi thế cho các nhãn hàng có thế mạnh về nội dung hay.
Có 4 cách mà marketer có thể áp dụng khi bắt đầu sử dụng TikTok:
- Bắt đầu bằng việc xây dựng kênh của thương hiệu
- Cộng tác với những người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC, Celeb, Influencer,...)
- Khai phá sức mạnh của các thẻ hashtag
- Lan toả thương hiệu với TikTok Ads
Bạn có thể đối chiếu 4 cách thức này qua cách áp dụng TikTok vào Marketing của các thương hiệu trong phần dưới.
Các nhãn hàng đã vận dụng TikTok như thế nào để mở rộng tệp khách hàng của họ?
#Chipotle
Một thương hiệu thường xuyên nhận được lời khen ngợi vì sự hiểu biết về TikTok là Chipotle, chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng theo phong cách Mexico.
Chipotle khởi đầu sự nổi tiếng trên mạng xã hội này với việc tạo ra thử thách #GuacDance cho “Ngày Bơ Quốc gia” (National Avocado Day). Nếu bạn chưa biết thì bơ là nguyên liệu rất phổ biến và mang tính thương hiệu trong món Mexico. Guac hay Guacamole là một loại sốt trứ danh được làm từ bơ.
Kết quả nhận được nằm ngoài sức tưởng tượng của Chipotle:
Trong 6 ngày thực hiện chương trình khuyến mãi, họ nhận được 430 triệu lượt xem video với hashtag #GuacDance. Chipotle cho biết một ngày trong số đó là thời điểm họ phục vụ nhiều guacamole nhất trong lịch sử, bán được hơn 802.000 suất và sử dụng khoảng 420.000 pound bơ.
Đánh giá về chiến dịch này, chuyên gia cho rằng: “Chipotle đã làm rất tốt trong việc thể hiện hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ của người tiêu dùng với sản phẩm của họ – nước sốt guacamole, bánh burritos và cách sử dụng nền tảng TikTok chia sẻ những câu chuyện”.
#NBA
NBA là giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ. Đây là một trong 4 giải thể thao chuyên nghiệp lớn nhất ở Mỹ và Canada, đồng thời được coi là giải bóng rổ lớn nhất thế giới. Với 13,3 triệu người theo dõi, NBA là một trong những tài khoản thương hiệu phổ biến nhất trên TikTok.
Chiến lược của giải đấu:
- Đăng bài một cách liên tục
- Luồng nội dung độc quyền, bao gồm các shoot phim hậu trường và nội dung phát trực tiếp (live)
- Tận dụng sức mạnh của nội dung dạng ngắn: Sử dụng các yếu tố hài hước hoặc âm nhạc hay để thu hút mọi người, đồng thời khởi xướng các thử thách như #AllStarTalent để thu hút và cổ vũ người theo dõi của họ tạo trend
#e.l.f.
e.l.f. Cosmetics là một thương hiệu mỹ phẩm bình dân xuất phát tại Mỹ. Công ty này đã sớm nhận ra tiềm năng của TikTok và quyết định sẽ thử sức trên nền tảng này. e.l.f. đã tạo ra một bài hát gốc dài 15 giây — và được TikTok công nhận là bài hát thuộc sở hữu của thương hiệu đầu tiên trên ứng dụng. Sau đó, họ quan sát xem khách hàng tương tác với thương hiệu như thế nào.
Thành quả e.l.f. nhận được:
“Eyes.Lips.Face” – tên bài hát, chứng tỏ độ “hot” khi nhanh chóng đứng đầu trên bảng xếp hạng Spotify.
Hơn 2 triệu video được tạo nhờ clip gốc, với hơn 8 triệu lượt phát trên các nền tảng phát trực tuyến, nền tảng phát hành đối tác, hàng loạt người nổi tiếng tham gia thử thách (dù thương hiệu không mất phí tài trợ). Sự tham gia của e.l.f. đúng tại thời điểm mà khả năng quảng cáo của TikTok vẫn bắt đầu màu mỡ, và các thương hiệu có cơ hội đột phá theo những cách mà nó không thể có trên các nền tảng xã hội khác.
Chiến dịch viral bài hát thương hiệu “Eyes.Lips.Face” được công nhận là một trong những chiến dịch Marketing bằng TikTok thành công nhất trên nền tảng này.
Đội ngũ của e.l.f đã rút ra 3 điều làm nên thành công của chiến dịch:
- Sớm nhận ra tiềm năng của TikTok nhờ phân tích dữ liệu thảo luận trên nền tảng
- Tự tạo ra bài hát gốc (không sử dụng nhạc của creator khác) để khiến thương hiệu nổi bật và trở thành xu hướng
- Nhờ cố vấn của một chuyên gia về âm nhạc cho màn ra mắt bài hát thương hiệu
Và e.l.f cũng đưa ra một thông tin quan trọng: Họ “dấn thân” vào TikTok mà không quá lo sợ về thất bại và rủi ro. Họ biết rằng nền tảng này có tiềm năng và không đắn đo.
#Maybelline
Maybelline trở nên “viral” trên TikTok khi được một thương hiệu đối tác chia sẻ tác dụng làm dài mi của mascara Lash Sensational Sky High. Hashtag #SkyHighMascara có hơn 315 triệu lượt xem và được cộng đồng lan truyền nhanh chóng. Đa số là những người trầm trồ về chất lượng thực tế ngay lần đầu tiên sử dụng sản phẩm này.
Chuyên gia cho rằng sự thành công của Maybelline trên TikTok là do thương hiệu sẵn sàng tiếp nhận sự sáng tạo của người dùng. Được biết, Maybelline là thương hiệu được cộng đồng sáng tạo nội dung của TikTok yêu quý. Mỗi đợt ra mắt sản phẩm, Maybelline đều tạo ra những “làn sóng” đối với các tín đồ làm đẹp trên nền tảng này.
Tổng kết
Với những kết quả tích cực mà 4 thương hiệu trên đạt được, chúng ta có thể thấy marketing bằng TikTok đang là một chiến lược mang tính xu hướng, là mảnh đất màu mỡ chờ thương hiệu khai thác. Hy vọng thông qua bài viết, bạn sẽ tìm được đáp án cho câu hỏi bỏ ngỏ: “Liệu nhãn hàng của tôi có nên triển khai TikTok Marketing hay không?”.
Đọc thêm các bài viết cùng chủ đề tại đây:
- Content on trend #1: Vì sao short-form video là dạng nội dung tiềm năng với thương hiệu?
- Content on trend #2: Short-form video cùng âm nhạc bắt tai – Công thức Marketing “làm là thắng”?
Là đối tác cấp cao của TikTok, đơn vị tư vấn và thực thi các chiến dịch TikTok lớn dành cho nhãn hàng, Novaon Communication hân hạnh được đồng hành cùng các thương hiệu. Kết nối với Novaon tại:
- Website: novaoncommunication.com
- Facebook: Novaon Communication
- Email: [email protected]
- Hotline: 096.792.8686