Nỗ lực “bình thường mới” của hệ sinh thái khởi nghiệp

Nỗ lực “bình thường mới” của hệ sinh thái khởi nghiệp

Việc dịch chuyển các chương trình tăng tốc khởi nghiệp tập trung vào kỹ năng mềm lên nền tảng số sẽ giúp startup xây dựng hành trang vững vàng trước thách thức hậu đại dịch. 

Bước ngoặt kinh tế do đại dịch

Năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từng được Startup Genome, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách nhằm thúc đẩy sự thành công của giới startup, xếp hạng trong top những hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới với chỉ số tăng trưởng 30% [1]. Tuy nhiên sau sự xuất hiện của COVID-19, bối cảnh kinh tế toàn cầu và những hứa hẹn của lĩnh vực khởi nghiệp phải đối diện trở ngại chưa từng có. 

Cứ 10 startup thì chỉ có 4 đơn vị đủ tài chính để cầm cự trong tối đa 3 tháng cho tới lần gọi vốn tiếp theo. Tổng tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm giảm mạnh trên toàn cầu. 72% startup sụt giảm doanh thu kể từ khi đại dịch nổ ra. Và hơn 60% trong số đó buộc phải cắt giảm nhân viên hoặc giảm lương để bù đắp chi phí vận hành và sản xuất [2].

Bất chấp sự lao dốc của nền kinh tế toàn khu vực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tại Việt Nam vẫn được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Tại Việt Nam, hơn 70.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong nửa đầu năm 2021, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. COVID-19 khiến ngay cả doanh nghiệp lớn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy, song song với mối quan ngại đứt gãy chuỗi cung ứng sau các đợt giãn cách kéo dài.

Đáng ngạc nhiên rằng, bất chấp sự lao dốc của nền kinh tế toàn khu vực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tại Việt Nam vẫn được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay. Theo thống kê của Bộ Công thương, tỉ lệ doanh nghiệp đăng ký mới của nửa đầu 2021 còn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2019 [3].

Kỷ lục đặc biệt này càng cho thấy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới trong tương lai. Chính phủ và các tổ chức đầu tư – kinh tế cần nhanh chóng hành động để không bỏ lỡ những tiến bộ mà hệ sinh thái khởi nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, và Việt Nam nói riêng, đã đạt được trong suốt thời gian qua.

Chuyển đổi số các chương trình tăng tốc khởi nghiệp

COVID-19 đã trở thành động lực chuyển đổi số của hầu hết các hoạt động: thương mại, đào tạo, hành chính… Số hoá là xu hướng, cũng là giải pháp hữu hiệu giúp cộng đồng xoay chuyển trước thách thức khó lường từ đại dịch. Các chương trình tăng tốc khởi nghiệp quen thuộc như vườn ươm khởi nghiệp, hay các cuộc thi và ngày hội đổi mới sáng tạo – mô hình vốn phụ thuộc vào hoạt động tương tác trực tiếp – giờ cũng cần sẵn sàng cho một tương lai “bình thường mới” để hỗ trợ tối đa cho giới startup.

Nắm bắt xu hướng đó, NTUitive Pte Ltd và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức chương trình khởi nghiệp tăng tốc trực tuyến “NINJA Accelerator tại Thành phố Hồ Chí Minh”, thu hút 14 startup ấn tượng trên toàn khu vực Đông Nam Á bước vào 12 tuần đào tạo chuyên sâu. Toàn bộ chương trình diễn ra trên nền tảng Zoom, thử thách các nhà khởi nghiệp ứng dụng công nghệ và ngoại ngữ để tương tác cùng các chuyên gia đồng hành như ông SJ Lim – đồng cố vấn cấp cao của chương trình, ông Bobby Liu – nhà sáng lập của vườn ươm khởi nghiệp Hub.IT, bà Lê Lan Anh – COO MimosaTEK…

Pitching (thuyết trình ý tưởng), dạng kỹ năng đặc thù mà startup thường chỉ có cơ hội mài giũa trong những cuộc thi khởi nghiệp “thực chiến” mặt đối mặt, cũng được triển khai với diện mạo số hoàn toàn mới trong NINJA Accelerator. Trò chơi gọi vốn giả định NTUit.io Investment Game được ban tổ chức thiết kế dưới mô hình các phòng thuyết trình ảo. Mỗi phòng là khu vực thuyết trình của một đội thi. Mỗi nhà đầu tư sở hữu lượng quỹ ảo trị giá 1 triệu USD, có quyền di chuyển giữa các phòng để theo dõi và “xoay” startup với chuỗi câu hỏi về mô hình kinh doanh trước khi quyết định đầu tư. 

Kết nối số mở ra cơ hội cho một “bình thường mới” 

Tuy lượng vốn là giả định nhưng toàn bộ dự án, startup và nhà đầu tư đều mang lại giá trị thực vượt trên các con số. NTUit.io Investment Game đã quy tụ 14 chuyên gia khách mời đến từ nhiều nền kinh tế và khu vực khác nhau để tương tác với các đội. Nhiều nhân vật trong số đó đang nắm giữ vị trí quan trọng tại các quỹ đầu tư mạo hiểm. Có thể kể đến ông Metin Salt – Tổng Giám đốc Công ty đầu tư Vestel Ventures, ông Chiharu Gotoh – Giám đốc Tài chính Spiral Ventures, Tiến sĩ Ngô Anh Ngọc – Tổng Giám đốc Babuki Consulting, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (BSSC), ông Raymond Choong – Đối tác đầu tư của FocusTech Ventures… 

“Châu Á hiện là điểm đến xu hướng của các quỹ đầu tư. Thị trường đang lên này hội tụ các nhân tố khởi nghiệp với nền tảng học vấn chuyên sâu, và được củng cố bởi những lợi thế địa phương như dân số, văn hoá, kinh tế… Sẽ không quá khi nói Châu Á đang nắm trong tay nhiều ‘kho báu ẩn giấu’ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới”, ông Metin Salt nhận định sau khi trở thành top 4 nhà đầu tư có lượng “rót vốn” kỷ lục trong NTUit.io Investment Game.

Nhờ áp dụng nền tảng kỹ thuật số mà ban tổ chức có thể thống kê lượng vốn ảo mỗi startup nhận được, lượng quỹ mà nhà đầu tư chi ra, cũng như tốc độ “chốt deal” mỗi đội thực hiện được trong từng phiên thuyết trình. Người chơi không gặp áp lực về chuyện thắng thua hay buộc phải thu được số vốn lớn, mà trọng tâm nằm ở cơ hội được trình bày ý tưởng, trải nghiệm quá trình và mở rộng kết nối tới các nhà đầu tư tiềm năng. 

“Đây là một trong những điểm sáng của chương trình khi mang đến trải nghiệm sát với thực tế về quá trình của một buổi gọi vốn. Thông qua NTUit.io Investment Game, chúng tôi lần đầu tiên biết được cảm giác căng thẳng khi gọi vốn và đối mặt những câu hỏi hóc búa từ nhiều nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”, Châu Lạc – đại diện startup nông nghiệp AgriBiz chia sẻ sau chương trình. 

“NINJA Accelerator tại Thành phố Hồ Chí Minh” mới chỉ là điểm sáng khởi đầu. Cần nhiều hơn nữa những chương trình tăng tốc khởi nghiệp thực sự coi nền tảng trực tuyến là sân chơi chính để startup có thể tiếp cận các hỗ trợ về kỹ năng, kiến thức và mạng lưới kết nối – những “nguồn lực” vô hình ngày càng khan hiếm trong cuộc sống hậu đại dịch.