Quan điểm khác biệt của Seth Godin về sáng tạo
“Hãy cho chúng tôi biết khối lượng thời gian bạn dành cho sự thực hành và chúng tôi sẽ cho bạn biết con đường sáng tạo của bạn ra sao”. Đó là góc nhìn về sáng tạo mà Seth Godin chia sẻ trong cuốn sách mới nhất – “The Practice”.
Thay vì xem sáng tạo là dấu hiệu của thiên tài, là cảm hứng thoắt ẩn thoắt hiện, Seth Godin lại có một tư duy mới mẻ hơn về sáng tạo: Đó là một thứ nằm trong tầm tay của chúng ta, miễn là chúng ta dành công sức và thời gian để rèn luyện nó. Dưới đây là 5 quan điểm khác biệt của Seth Godin về sáng tạo trong cuốn sách “The Practice”:
Sáng tạo đến từ sự luyện tập không ngừng nghỉ
Sáng tạo không phải một phép màu chỉ dành cho một vài cá nhân. Có thể sáng tạo là một quá trình khó khăn và ý tưởng của chúng ta không được đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, chúng ta nghĩ rằng phép màu sáng tạo đã không rơi trúng đầu mình.
Theo Seth Godin, bạn không cần phải chờ đợi để được phép màu lựa chọn, không cần từ bỏ cuộc sống sáng tạo hay theo đuổi nó một cách rụt rè, lén lút. Drew Dernavich là người có nhiều truyện tranh được đăng trên tạp chí The New Yorker nhất từ trước đến nay, nhưng anh không phải là một thiên tài chỉ cần vài phút vẽ nguệch ngoạc là xong. Số lượng tranh bị The New Yorker từ chối của anh nhiều gấp 10 lần những bức tranh được đồng ý đăng báo. Drew không phải là một thiên tài, anh chỉ tốn nhiều giấy nháp hơn chúng ta mà thôi.
Chẳng có gì gọi là “bí” ý tưởng
“Dòng chảy là một biểu hiện cho thấy ta đang sáng tạo, chứ không phải là nguồn cơn thúc đẩy cho sự sáng tạo đó”.
Bất kỳ ai làm sáng tạo đều từng trải qua cảm giác bị cảm hứng lôi kéo. Khi cảm hứng đến, chúng ta dễ dàng trải nghiệm “dòng chảy” – một trạng thái tinh thần khi một người hoàn toàn chìm đắm trong cảm giác tập trung cao độ và tận hưởng toàn bộ quá trình thực hiện một việc nào đó. Nhưng chúng ta không thể ngồi chờ đợi cảm hứng đến để hoà vào “dòng chảy”, không thể cứ phó mặc công việc của mình cho cảm xúc của ngày hôm nay.
Sẽ thế nào nếu “dòng chảy” ấy là một lựa chọn? Isaac Asimov – một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng thành công – đã xuất bản hơn 400 cuốn sách. Asimov thức dậy mỗi sáng, ngồi trước chiếc máy đánh chữ thô sơ của mình và bắt đầu đánh máy. Đó là công việc của ông ấy và ông ấy đánh máy ngay cả khi không thấy có cảm hứng. Việc này dần dần chuyển thành viết lách và từ đó ông bắt đầu có cảm hứng.
“Dòng chảy là một biểu hiện cho thấy ta đang sáng tạo, chứ không phải là nguồn cơn thúc đẩy cho sự sáng tạo đó”. Nếu chúng ta luyện tập cách làm việc mà không cần chờ đợi cảm hứng, “dòng chảy” ấy sẽ đến một cách tự nhiên.
Dân chuyên nghiệp luôn sáng tạo có chủ đích
Một người làm sáng tạo chuyên nghiệp không làm sáng tạo vì ý thích của cá nhân mà phải hướng đến một chủ đích cụ thể. Bạn phải lựa chọn xem sáng tạo này là vì ai, vì cái gì. Và nếu đối tượng bạn hướng tới càng khác biệt, thì bạn càng cần nhiều sự thấu cảm để tạo ra thay đổi mà mình muốn.
Hãy tìm kiếm những nhà phê bình hào hiệp
Khi giới thiệu tác phẩm sáng tạo của mình, chúng ta sẽ nhận được phản ứng của thị trường, đó gọi là “sự phê bình”. Seth Godin cho rằng chúng ta không nên né tránh sự phê bình và coi đó là dấu hiệu của thất bại. Trái lại, hãy tìm kiếm những nhà phê bình bởi họ là người đồng hành cùng bạn đưa tác phẩm sáng tạo trở nên tốt hơn, nhưng đó phải là những nhà phê bình hào hiệp.
Một nhà phê bình hào hiệp đưa ra lời phê bình mà không chỉ trích, không nghi ngờ động lực, năng lực hay phán đoán của bạn. Họ chỉ nói về tác phẩm mà thôi. Những nhà phê bình hào hiệp sẽ tranh thủ thời gian để ngắm nghía tác phẩm, tìm hiểu ý muốn của bạn và sau đó mới lên tiếng. Bạn không cần lắng nghe những nhà phê bình hẹp hòi nhắm vào cá nhân chứ không phải tác phẩm.
Muốn rèn luyện sáng tạo, trước tiên hãy đem ý tưởng ra khơi
Bạn có thường xuyên giấu các tác phẩm sáng tạo của mình? Trốn tránh đem lại cảm giác dễ chịu tức thời, bạn không phải mạo hiểm thực hiện những ý tưởng sáng tạo để nhận lấy rủi ro thất bại. Nhưng người làm sáng tạo theo đuổi sự khác biệt không phải vì nó dễ dàng, mà bởi vì nó có ý nghĩa. Tất cả đều là một phần của thực hành sáng tạo.
Nếu thất bại, hãy tự nhủ với bản thân: “Chỉ là chưa mà thôi”. Thứ bạn cần là: “Nhiều thời gian hơn, nhiều vòng lặp hơn, nhiều can đảm hơn, nhiều quá trình thử nghiệm hơn. Nhiều chất riêng của bạn hơn. Nhiều hơn nữa. Nhiều đặc trưng hơn, nhiều phong cách hơn, thấu hiểu hơn, phóng khoáng hơn. Và học hỏi nhiều hơn”.
Bên cạnh 5 quan điểm trên, “The Practice” còn chứa đựng nhiều chiêm nghiệm khác của Seth Godin về công việc sáng tạo. Cuốn sách đem đến những câu chuyện đương đại và bài học sâu sắc, dành cho những ai đang làm sáng tạo – những cây viết, nghệ sĩ, người làm quảng cáo, truyền thông, marketing, doanh nhân, người tiên phong... về bản chất của lao động sáng tạo, cách ta nhìn nhận năng lực của bản thân, cách ta kiên trì với quá trình và can đảm đưa tác phẩm sáng tạo của mình ra thế giới. Đó chính là những nhiên liệu bền vững giúp người làm sáng tạo giữ lửa đam mê và đi xa trên hành trình sáng tạo của mình.
Đọc thử sách tại đây.