Du lịch LGBT: Xu hướng và cơ hội cho trạng thái “bình thường mới”

Du lịch LGBT: Xu hướng và cơ hội cho trạng thái “bình thường mới”

Việt Nam thuộc số ít quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tương đối thân thiện với cộng đồng du khách LGBT, cả trên cơ sở pháp luật cũng như góc nhìn của xã hội. Từ trạng thái xã hội “bình thường mới”, nghĩa là chấp nhận sống chung với đại dịch COVID-19, sẽ thúc đẩy nhà cung ứng dịch vụ cùng tổ chức quản lý điểm đến chú ý nhiều hơn đến cộng đồng du khách LGBT, bởi sức chi tiêu hấp dẫn và số lượng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Về xu hướng du lịch LGBT

Du lịch LGBT (LGBT Tourism) đã trở thành một thuật ngữ chính thức được sử dụng trong nhiều báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Xu hướng này còn có cách gọi khác là Gaycation hay Pink Tourism bởi tính chất đặc biệt khi kết hợp một kỳ nghỉ thông thường với lối sống, văn hoá cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới).

Du lịch LGBT bùng nổ từ cách đây hơn 4 thập kỷ, từ khi một công ty du lịch tại Hoa Kỳ chính thức cung cấp tour đầu tiên dành riêng cho người đồng tính đến hẻm núi Grand Canyon vào năm 1973. Đến nay, đã có nhiều thương hiệu lữ hành tham gia vào cuộc đua tiếp cận và lấy lòng phân khúc du lịch đặc biệt này, bởi đa số họ là người giàu có, có địa vị và danh tiếng nhất định trong xã hội.

Nguồn: dw

Theo John Tanzella, người đứng đầu Hiệp hội Du lịch Đồng tính và Đồng tính Quốc tế (IGLTA) cho rằng những du khách LGBT ít vướng bận việc sinh con và họ có nhiều tiền cùng thời gian hơn để thường xuyên đi du lịch. Nhận định này tương đồng với cụm từ DINK (Dual Income, No Kids – Hộ gia đình có hai nguồn thu nhập và không có con) mà những người làm việc trong ngành lữ hành thường nghĩ về phân khúc du khách LGBT.

DINK thường là mục tiêu của các chiến lược tiếp thị cho các mặt hàng, dịch vụ du lịch xa xỉ bởi lẽ phân khúc này có thu nhập khả dụng cao. Đồng thời, nguồn lợi nhuận mà phân khúc du khách LGBT thuộc nhóm DINK mang lại là những con số khổng lồ (Pink Dollar).

Các gói du lịch phổ biến nhất đối với du khách LGBT vẫn là những dịch vụ liên quan đến đám cưới và tuần trăng mật, nghỉ dưỡng cao cấp hay trải nghiệm giải trí thoải mái tại các quán bar, pub đồng tính. Tương tự những phân khúc du lịch khác, trải nghiệm văn hoá bản địa chính là một động lực to lớn, thôi thúc tâm lý khám phá, tìm hiểu của cộng đồng du khách LGBT nhưng đây cũng là rào cản lớn nhất đối với họ.

Song song đó, tâm lý lo ngại bị tấn công bạo lực từ người lạ, thiếu sự an toàn cơ bản cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, hành vi của cộng đồng du khách LGBT khi lựa chọn một điểm đến bất kỳ. Những “thánh địa du lịch” truyền thống luôn sẵn sàng chào đón du khách thuộc cộng đồng LGBT như Canada, New York, Castro, Cape Town, Barcelona, Buenos Aires, Sweden… Gần đây, nhiều địa phương tại Châu Á – Thái Bình Dương vươn lên như “ngôi sao mới nổi” thu hút đông đảo du khách LGBT tìm đến nhờ vào sức mạnh công nghệ và mạng xã hội.

Nhiều thị trường du khách LGBT mới nổi thường là những quốc gia, vùng lãnh thổ còn khá bảo thủ về luật pháp và góc nhìn xã hội. Vì vậy, hoạt động du lịch đến địa phương, quốc gia khác mang lại cho họ cơ hội được sống là chính mình. Sự tự do, lối sống cởi mở tại điểm đến là điều mà nhiều du khách LGBT không thể có tại nơi mà họ đang sinh sống.

Kế hoạch chào đón phân khúc khách du lịch LGBT được xem xét nằm trong chiến lược xúc tiến “thời kỳ sống chung cùng COVID-19”, nhằm thích ứng ảnh hưởng suy thoái cộng gộp từ dịch bệnh. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều du khách LGBT e ngại đi du lịch ra nước ngoài, bởi họ biết nhiều điểm đến, cộng đồng địa phương không hề chào đón họ, thậm chí còn đối xử bằng ánh mắt thù địch. Theo dữ liệu từ trang Equaldex, mặc dù phân khúc du khách LGBT ngày càng gia tăng đáng kể nhưng vẫn có hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ còn tồn tại định kiến quan hệ đồng giới là bất hợp pháp. Tồi tệ hơn, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 kéo theo ảnh hưởng trầm trọng hơn đến quyền lợi du lịch của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới. Một vài điểm đến đã vịn vào lý do đại dịch COVID-19 như một cái cớ để ban hành nhiều bộ quy tắc khắt khe hơn với phân khúc du khách LGBT, thậm chí là phạt tù chung thân.

Hiện tại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vốn có nguồn thu kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch nhận thấy lợi nhuận khổng lồ mà cộng đồng LGBT toàn cầu đã chi trả trong một thập kỷ qua. Kế hoạch chào đón phân khúc khách du lịch LGBT được xem xét nằm trong chiến lược xúc tiến “thời kỳ sống chung cùng COVID-19”, nhằm thích ứng ảnh hưởng suy thoái cộng gộp từ dịch bệnh. 

Từ những "ngôi sao mới nổi" ở châu Á – Thái Bình Dương

Châu Á – Thái Bình Dương trong vòng một thập kỷ trở lại đã vươn mình trở thành điểm đến mới nổi đón tiếp du khách LGBT. Đồng thời khu vực này trở thành thị trường nguồn cung cấp số lượng khổng lồ du khách LGBT ra toàn cầu, thậm chí vượt cả Châu Âu hay Bắc Mỹ. Du khách LGBT tại châu Á – Thái Bình Dương với khả năng chi tiêu hơn 55% cho việc đi lại du lịch. Vì vậy, thật dễ dàng để thấy rằng cộng đồng LGBT nơi đây có đóng góp tích cực và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Australia hay Việt Nam là những điểm đến mới nổi tương đối thân thiện với du khách LGBT, cả trên cơ sở pháp luật cũng như góc nhìn của xã hội nói chung. Xu hướng phục vụ nhu cầu du lịch cộng đồng đồng tính nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và độ giàu có ở Châu Á – Thái Bình Dương dần trở thành một ngành kinh doanh chủ đạo. Ước tính có đến 200 triệu người thuộc cộng đồng LGBT tại Châu Á với sức chi tiêu vào khoảng 800 tỉ USD. Họ thường xuyên đi du lịch, nghỉ dưỡng sang trọng trong nước hay đến các quốc gia lân cận.

Thái Lan đã quá nổi tiếng khi luôn nằm trong top những điểm đến hấp dẫn của các cặp đôi và nhóm bạn đồng tính. Doanh thu du lịch từ nguồn du khách LGBT đạt con số 5,3 tỉ USD tại Thái Lan trong năm 2019. Đài Loan cũng là vùng lãnh thổ đầu tiên ở Châu Á chính thức công nhận hôn nhân đồng tính vào tháng 5/2019. Quyết định đã lập tức biến hòn đảo này thành thiên đường du lịch đối với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới. Điểm thú vị khi ngày càng có nhiều du khách tìm đến ngôi Đền thờ Thần Đồng Tính (The Rabbit Temple) ở Đài Bắc tham quan chụp ảnh hay tổ chức lễ cưới.

Tại Australia, chuyên trang phi lợi nhuận visitgayAustralia (Gay & Lesbian Tourism Australia Ltd) cung cấp danh sách đầy đủ điểm đến, tour trải nghiệm, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cùng dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ chủ yếu thị trường du khách LGBT, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về họ. Hồng Kông cũng là điểm đến của động đảo du khách LGBT yêu thích nhịp sống sôi động về đêm tại các quán bar, câu lạc bộ tập trung ở Causeway Bay và phố Soho toạ lạc ngay tại quận Trung tâm Hồng Kông. Đảo Bali (Indonesia) cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách LGBT. Minh chứng rõ nét từ công cụ tìm kiếm Google trả về hơn 15 triệu kết quả theo từ khoá “gay Bali”.

Đảo Bali (Indonesia) cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách LGBT
Nguồn: queerintheworld

Song song đó, Bộ trưởng Du lịch Malaysia Mohamaddin Ketapi gây tranh cãi vì phát ngôn về người đồng tính hội chợ du lịch ITB Đức hôm tháng 3/2019 rằng: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có bất kỳ điều gì tương tự như vậy ở đất nước mình”. Mặc dù ngay sau đó ông phải đính chính trên Twitter và khẳng định câu trả lời đó không phải kỳ thị người đồng tính, mà mang ý nghĩa rằng Malaysia không có chiến dịch du lịch thu hút, tập trung vào những người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, theo thống kê từ Asher & Lyric trong năm 2021, Malaysia trở thành điểm đến kém thân thiện nhất đối với du khách LGBT tại Châu Á. Có thể nhận thấy rằng, thái độ thù địch đối với cộng đồng LGBTQ sẽ gây tổn hại đến hình ảnh thương hiệu của một điểm đến, và không chỉ đối với những du khách LGBT mà là tất cả những người ủng hộ họ.

Đến Việt Nam trong trạng thái “bình thường mới”

Ngày nay, xu hướng du lịch LGBT không đơn thuần là hình thức kinh doanh tạo lợi nhuận, mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn đối với cộng đồng LGBT và góp phần cởi mở quan điểm xã hội người dân tại điểm đến.

Tại Việt Nam, chỉ trong vòng một thập kỷ, từ việc phủ bỏ thì chủ đề LGBT đã được đưa lên bàn nghị sự và thảo luận nghiêm túc từ nhiều phía. Tháng 5/2014, Việt Nam chính thức bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014 và quyền của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quan điểm Tổ chức Du lịch Thế giới trong báo cáo năm 2017 cho rằng việc tổ chức những tour du lịch được thiết kế đặc biệt cho du khách LGBT đến Việt Nam là hoàn toàn khả thi, nhưng cần cân nhắc nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài sự an toàn còn phải tính đến sự thấu hiểu, chấp nhận của cộng đồng địa phương và các gói dịch vụ được thiết kế riêng biệt cho cộng đồng du khách LGBT. Thái độ của cộng đồng địa phương cũng đã thoáng và tích cực hơn, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và một vài địa phương du lịch trọng điểm như Nha Trang, Vũng Tàu hay Phú Quốc.

Một lợi thế khác khi số đông nhân lực các công ty lữ hành, hãng vận tải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí tại Việt Nam hiện nay chủ yếu thuộc thế hệ hậu Millennials (Y) và Gen Z. Họ vốn có suy nghĩ, quan điểm khá cởi mở, thân thiện hoặc thuộc cộng đồng LGBT. Sự chấp nhận và đón nhận nhiệt tình cộng đồng du khách LGBT có thể là một giải pháp lý tưởng cho ngành du lịch sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.

 

Tài liệu tham khảo:

  • The World Tourism Organization. (2012). Global Report on LGBT Tourism. Madrid, Spain.
  • The World Tourism Organization. (2017). Second Global Report on LGBT Tourism. Madrid, Spain.
  • Ram, Y., Kama, A., Mizrachi, I., & Hall, C. M. (2019). The benefits of an LGBT-inclusive tourist destination. Journal of Destination Marketing & Management, 14, 100374.
  • Wong, C. C. L., & Tolkach, D. (2017). Travel preferences of Asian gay men. Asia Pacific Journal of Tourism Research, 22(6), 579-591.
  • Silva, S., & Vareiro, L. (2020). Residents’ Perceived Impacts of LGBT Tourism: A Cluster Analysis. In: International Conference on Tourism, Technology and Systems (pp. 207-222). Springer, Singapore.
  • Made for Minds. (2021). LGBT tourism eyes new horizons. Truy cập tại: https://www.dw.com/en/lgbt-tourism-eyes-new-horizons/a-42941564
  • Equaldex. (2021). Explore the progress of LGBTQ+  rights across the world. Truy cập tại: https://www.equaldex.com
  • Xinyi Liang-Pholsena. (2018). From Asia, with pride. Truy cập tại: https://www.ttgasia.com/2018/10/10/from-asia-with-pride/
  • TrekkSoft. (2018). LGBTQ Tourism: Travel trends and opportunities 2018. Truy cập tại: https://www.trekksoft.com/en/blog/lgbtq-tourism-2018