Cập nhật động thái của Google FLoC; Facebook Horizon Workrooms, Reels; Amazon Podcast
Những tiêu điểm nổi bật gồm: Google FLoC sẽ từ bỏ cơ chế cohort-based, thay bằng topic-based? Facebook tung ra Horizon Workrooms – tiến gần đến tham vọng Metaverse; Thử nghiệm Facebook Reels, thúc đẩy Instagram Reels với tính năng mới Audio; Amazon tham chiến vào thị trường quảng cáo podcast.
Google FLoC sẽ từ bỏ cơ chế cohort-based, thay bằng topic-based?
Năm 2020, khi Google thông báo rằng sẽ quyết tâm loại bỏ 3rd-party cookie trên trình duyệt Chrome vào năm 2022, điều này đã khiến các bên liên quan trong ngành quảng cáo số không khỏi lo lắng. Mặt khác, Google cũng không ngừng cải thiện phương thức theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng và cho ra mắt công nghệ theo dõi Privacy Sandbox vào đầu năm 2021.
Vì là nền tảng có sức ảnh hưởng lớn đến lợi ích của hệ sinh thái quảng cáo toàn cầu, nên những quyết định của Google đều phải chịu sự giám sát, kiểm duyệt của nhiều bên, khiến thời gian loại bỏ hoàn toàn 3rd-party cookie bị kéo dài thêm 2 năm nữa, tức là đến đầu năm 2024.
Vào giữa tháng 7, Google đã hoàn thành thử nghiệm phiên bản gốc của FLoC – Federated Learning of Cohorts (Tạm dịch: Học tập có liên kết) – một trong những tính năng quan trọng của Privacy Sandbox; nội bộ Google đang thu thập phản hồi từ những bên có liên quan để điều chỉnh trước khi tung ra phiên bản thử nghiệm tiếp theo.
Josh Karlin – kỹ sư quản lý của nhóm Privacy Sandbox chia sẻ, FLoC sẽ gắn ID người dùng dựa trên sở thích của nhóm tổ hợp (cohort-based), tuy nhiên nó đã vấp phải sự tranh cãi khi bị nghi ngờ rằng việc phân chia nhóm có thể dẫn đến nguy cơ bị tấn công và dễ dàng xác định được người dùng cá nhân, xâm phạm đến quyền riêng tư. Vì thế, Google đang tính đến phương thức chỉ định các danh mục chủ đề cho các trang web (topic-based), người dùng sẽ được gắn tag chủ đề dựa vào quá trình duyệt web (nhưng không thể xác định cụ thể trang web cũng như nội dung).
Mặc dù Google vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin xác nhận nào, nhưng Karlin cũng chia sẻ thêm:
- Phương thức gắn tag dựa trên chủ đề sẽ giúp các advertiser, ad tech vendors, publishers dễ dàng hiểu rõ hơn về cách thức quảng cáo được nhắm đến người dùng.
- Các chủ đề cũng sẽ được phân loại, tiêu chuẩn hoá như cách phân loại của Hiệp hội Quảng cáo Tương tác IAB.
- Người dùng có thể thông qua cài đặt để chọn thêm hoặc xoá bớt một số chủ đề mà họ được chỉ định.
Tham khảo video dưới đây về phần trình bày của Josh Karlin tại 1:32:10:
Facebook tung ra Horizon Workrooms – tiến gần đến tham vọng Metaverse
Facebook ra mắt văn phòng thực tế ảo (Horizon Workrooms) thông qua thiết bị tai nghe thực tế ảo Oculus Quest. Hồi cuối tháng 7, Facebook thông báo rằng họ sẽ thành lập đội nhóm chuyên nghiên cứu không gian ảo Metaverse, lên kế hoạch chuyển đổi từ công ty social media thành một doanh nghiệp Metaverse trong vòng 5 năm. CEO Facebook Mark Zuckerberg đã tổ chức một cuộc họp báo VR, mời một số phóng viên trải nghiệm phiên bản beta của Horizon Workrooms.
Ứng dụng này cho phép thực hiện cuộc gọi nhóm lên đến 50 người, trong đó sẽ chỉ có tối đa 16 người với thiết bị VR xuất hiện trong không gian ảo và 34 người còn lại có thể gia nhập video call mà không cần thiết bị VR. Ngoài ra, không chỉ hình ảnh mà ngay cả biểu cảm của nhân vật trong thế giới ảo cũng sẽ được mô phỏng một cách chân thực, sinh động.
Theo chia sẻ của phóng viên Alex Heath, hiện nay các bước để vào được Workrooms khá rườm rà – bạn cần phải tạo tài khoản Workrooms trên website, tải ứng dụng Workrooms trên Oculus, sau đó nhập mã thiết bị headset ngay trên trình duyệt để kết nối nó với tài khoản Workrooms. Một vài tính năng trong Workrooms như tấm bảng trắng và bảng vẽ cá nhân mang cảm giác phô trương hơn là hữu dụng, âm thanh nhiều lần bị đứt đoạn, thiết bị theo dõi chuyển động đôi lúc bị chậm đi.
Tuy nhiên, Workrooms đã thực sự mang đến trải nghiệm phong phú hơn. Giọng nói của những người tham gia tương tác dường như được phát ra từ trong thế giới ảo, sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên cũng trở nên thật hơn bao giờ hết.
Theo chia sẻ của Zuckerberg, trong 6 tháng vừa qua Facebook duy trì tổ chức các buổi họp thông qua Workrooms: “Bạn thực sự có thể cảm nhận được sự hiện diện của những người khác, đây là một trải nghiệm mà ngay cả điện thoại và các chương trình máy tính không thể mang lại được”.
Thử nghiệm Facebook Reels; thúc đẩy Instagram Reels với tính năng tìm kiếm mới
Lần đầu tiên có một ứng dụng không thuộc hệ sinh thái của Facebook đã cán mốc 3 tỷ lượt tải về – đó là TikTok, và một lần nữa đứng đầu danh sách lượt tải về toàn cầu trong tháng 7 (SensorTower). Khi thị phần TikTok ngày một lớn mạnh thì Facebook, YouTube, Snapchat… càng nỗ lực hơn nữa để phát triển mạnh mẽ các chức năng quay video ngắn của riêng mình.
YouTube Shorts vào hồi tháng 7 vừa qua đã công khai bản thử nghiệm cho người sử dụng toàn cầu. Về phía Facebook thì đang thử nghiệm tích hợp Instagram Reels vào trong ứng dụng Facebook; trong tương lai, người dùng Facebook và Instagram đều cũng có thể lướt xem và tạo video trên Reels; Instagram creators có quyền chọn/ không chọn video Reels xuất hiện trên Facebook.
Bên cạnh đó, nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, khám phá Reels video, Instagram đã chính thức ra mắt tab mới Audio trên thanh bar tìm kiếm. Bằng cách nhập tên ca sĩ hoặc bài hát trên mục Audio, nó sẽ hiện ra các Reels video có sử dụng bài hát của ca sĩ ấy; thông qua chức năng này, người dùng có thể dễ dàng quan sát được xu hướng trong cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo thông qua âm nhạc.
Amazon tham chiến vào thị trường quảng cáo podcast
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Edison Research và Triton Digital, trong vòng 5 năm qua số lượng người nghe podcast hàng tuần tại Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 35 triệu (năm 2016) lên đến 80 triệu trong năm nay. Thị trường âm thanh ngày càng được công chúng đón nhận, thêm vào đó là Spotify, Apple… những người tiên phong nền tảng podcast ra mắt mô hình subscription trả phí theo tháng/năm đã phần nào thúc đẩy tiềm năng phát triển của quảng cáo âm thanh.
Kế hoạch “lấn sân” sang podcast của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon:
- Đầu tháng 9/2020: Amazon đã tuyên bố rằng Amazon Music sẽ tham gia vào cuộc chiến podcast, tung ra 10.000 chương trình podcast bao gồm cả bộ phim truyền hình tội phạm Mỹ “Serial”, chương trình chính trị “Pod Save America” được sản xuất bởi Crooked Media…
- Cuối năm 2020: Amazon đã chi 300 triệu USD mua lại công ty startup sản xuất podcast Wondery với 8 triệu người nghe hàng tháng – được ví như là chìa khoá cuối cùng để Amazon gia nhập vào thị trường podcast. Wondery ngoài việc sản xuất các chương trình nổi tiếng như “Dr. Death”, “Bunga Bunga”… cũng tham gia kinh doanh quảng cáo trên podcast cho gần 100 chương trình.
Steve Boom – phụ trách bộ phận kinh doanh âm nhạc của Amazon chia sẻ: “Để trở thành người tham gia vào thị trường quảng cáo podcast, chúng ta cần phải nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ”. Để đạt được mục tiêu này, Amazon không chỉ mua lại Wondery, mà còn bắt đầu đàm phán với những podcast creators nổi tiếng để độc quyền phân phối chương trình của họ. Chẳng hạn: chương trình “SmartLess” được dẫn dắt bởi diễn viên Will Arnett, Jason Bateman và Sean Hayes; SmartLess có lượt tải về trung bình mỗi tháng là từ 7-10 triệu lượt, trước khi hợp tác với Amazon thì SmartLess đạt doanh thu quảng cáo mỗi năm khoảng 6-7 triệu USD.
* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)